Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Trịnh Hữu Long: NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN QUA LĂNG KÍNH VĂN GIANG

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN QUA LĂNG KÍNH VĂN GIANG
Trịnh Hữu Long

(NCTG) Cả một hệ thống các văn bản pháp luật đồ sộ và phức tạp, từ luật đất đai, đến các nghị định của Chính phủ và thông tư của các cơ quan bộ, ngành,… được người dân Văn Giang viện dẫn để chứng minh cho những quyền lợi mà đáng ra họ phải được hưởng. Sau 8 năm theo đuổi khiếu kiện, họ đã thành… những chuyên gia về luật đất đai từ lúc nào không hay. Song có một văn bản họ chưa bao giờ nhắc tới…

 
Quang cảnh Văn Giang trong buổi sáng xảy ra vụ cưỡng chế - Nguồn: Internet.

Người dân Văn Giang chúng tôi chỉ muốn tuân thủ pháp luật, muốn chính quyền và chủ đầu tư thực hiện đúng pháp luật chứ không mong muốn gì hơn”.


Đây là điều được ông Nguyễn Văn Bính (70 tuổi, xóm 3 xã Xuân Quan – Văn Giang) cũng như rất nhiều nông dân khác khẳng định, liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất ngày 24-4-2012 tại địa bàn này. Trong khi các nhà nghiên cứu lý luận và các luật gia đang cố công phân tích bản chất của nhà nước pháp quyền trên những tạp chí chuyên ngành uy tín, trong khi nhà nước đang ra sức tuyên truyền về tinh thần
thượng tôn pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy tinh thần cốt lõi đó của nền pháp quyền trong lời nói và hành động của những người nông dân Văn Giang này trong gần 8 năm qua.

Cả một hệ thống các văn bản pháp luật đồ sộ và phức tạp, từ luật đất đai, đến các nghị định của Chính phủ và thông tư của các cơ quan bộ, ngành,… được người dân Văn Giang viện dẫn để chứng minh cho những quyền lợi mà đáng ra họ phải được hưởng.


Ông Lê Thạch Bàn (xóm 4, xã Xuân Quan) cho rằng: “
Trên văn bản, tỉnh Hưng Yên quy định đây là đô thị loại IV. Theo khung giá đất nhà nước ban hành (kèm theo Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ), giá cao nhất cho đô thị loại IV là 13.350.000 đ/m2, thấp nhất là 50.000 đ/m2, bình quân là 6,7 triệu đồng/m2. Nhà nước chỉ đóng vai trò là trọng tài giúp chúng tôi thương lượng với nhau một mức giá thuận mua vừa bán nào đấy, chứ sao lại đem lực lượng hùng hậu như vậy cưỡng chế chúng tôi phải nhận có 135.000 đ/m2 như vậy?”.

Mặc dù viện dẫn rất nhiều văn bản như vậy, có một văn bản họ chưa bao giờ đề cập tới, đó là Hiến pháp.


Dự án Ecopark phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia?


Năm 2004, dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (sau này được biết đến với tên gọi là khu đô thị sinh thái Ecopark) được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư. Quyết định thu hồi đất cũng được ban hành ngày 30-6 cùng năm và để thực hiện quyết định này, 3.900 hộ dân của 3 xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công sẽ gần như không còn đất sản xuất nông nghiệp – vốn là sinh kế duy nhất của họ từ nhiều thế hệ qua. Với mức giá đền bù chỉ ở mức 135.000 đ/m2, mỗi hộ dân có 5 nhân khẩu và 2.5 sào ruộng ở đây có thể nhận về số tiền hơn 120 triệu đồng. Số tiền này đủ để duy trì cuộc sống của 5 con người trong vòng 1 năm, trước khi họ rơi vào thế bần cùng. Quyết định thu hồi đất trở thành cái án nặng nề cắt đứt nguồn sống của họ. Hiến pháp – đạo luật gốc – là căn cứ cao nhất để xem xét tính chất pháp lý của quyết định này.


 
Những hình ảnh hãi hùng của cuộc cưỡng chế - Nguồn: Internet

Ở Việt Nam, đại đa số người dân chưa có thói quen viện dẫn đến Hiến pháp để xác định tính chất pháp lý của một vấn đề. Với tư cách là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, Hiến pháp chi phối mọi nội dung và thể thức của toàn bộ hệ thống pháp luật. Người dân vẫn chỉ quan tâm đến tính hợp pháp (hiểu theo nghĩa là tính phù hợp với văn bản luật), chứ chưa có nhiều khái niệm về tính hợp hiến của vấn đề.

Vốn dĩ, điều 23 Hiến pháp 1992 quy định: “
Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.

Như vậy, với tư cách là chủ sở hữu quyền sử dụng đất, các hộ nông dân ở Văn Giang chỉ bị nhà nước trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất đã được giao, cho các mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, theo giá thị trường. Trong khi đó, Ecopark là một dự án đầu tư xây dựng khu đô thị của Vihajico – vốn là một công ty cổ phần, thuộc sở hữu tư nhân và hoạt động vì mục đích lợi nhuận của các cổ đông góp vốn. Bằng bất cứ cách nào, người ta cũng không thể gán cho những tòa biệt thự, những hồ bơi của Ecopark vào một mục đích nào trong 3 mục đích được minh định tại điều 23 của Hiến pháp kể trên.


Giả định Ecopark thỏa mãn điều kiện về mục đích trưng mua, trưng dụng, thì cái giá 135.000 đ/m2 có được coi là giá thị trường? Sẽ cần đến những tổ chức định giá độc lập hoặc những quy trình thẩm định nghiêm túc để định đoạt đâu là giá thị trường của những thửa đất nằm sát địa phận Hà Nội này. Nhưng đối với những người nông dân trồng cây cảnh ở Văn Giang, giá trị của đất nằm ở con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/sào mà họ thu được mỗi năm và nuôi sống gia đình họ từ năm này qua năm khác. Còn đối với chủ đầu tư, họ cũng sẽ thu được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nhưng không phải tính trên đơn vị “sào”, mà là mét vuông, một khi các căn hộ, các lô đất ở đây được rao bán.


Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. HCM cho rằng: “
Xét về mặt Hiến pháp cũng như về Luật đất đai 1993 (*) thì việc thu hồi đất ở Văn Giang là không đúng. Bởi vì Hiến pháp và Luật đất đai 1993 xác định chỉ những công trình an ninh, quốc phòng hoặc phúc lợi chung thì nhà nước mới đứng ra cùng với nhân dân trao đổi, bàn bạc đi đến phương án giải tỏa, còn đối với các công trình kinh tế thì nhà đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân theo giá thị trường chứ nhà nước không thể đứng ra thay mặt cho nhà đầu tư thu hồi, giải tỏa với giá rẻ mạt như vậy được”.

Rõ ràng, nếu chúng ta có một cơ chế bảo hiến hiệu quả, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ gặp rắc rối lớn với Tòa án Hiến pháp khi cưỡng chế thu hồi đất của nông dân Văn Giang với mức giá bị cho là rẻ mạt và giao cho chủ đầu tư kinh doanh.


Dấu hiệu vi hiến của một đạo luật quan trọng


Việc thu hồi đất ở Văn Giang nêu trên chỉ là dấu hiệu vi hiến của một hành vi, nhưng sâu xa hơn là dấu hiệu vi hiến của một đạo luật quan trọng.


Để đi tìm một mục đích phù hợp cho việc thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư dự án, người ta viện dẫn đến Luật đất đai 2003, vốn quy định tại điều 38 rằng: “
Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: 1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;…”. Rất dễ để thuyết phục bất kỳ ai rằng các dự án như Ecopark là nhằm mục đích phát triển kinh tế.

Như vậy, so với quy định tại điều 23 Hiến pháp, khái niệm “trưng mua”, “trưng dụng” đã bị thay thế bởi khái niệm “thu hồi” và xuất hiện thêm 2 mục đích thu hồi không có trong Hiến pháp là “
lợi ích công cộng” và “phát triển kinh tế”.

Trước đó, Luật đất đai năm 1993 cũng quy định tại điều 27 rằng: “
Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”.

Như vậy, cùng một nội dung hiến định tại điều 23 của Hiến pháp, Luật đất đai 1993 bổ sung mục đích “
lợi ích công cộng”, đến Luật năm 2003 tiếp tục bổ sung thêm mục đích “phát triển kinh tế”. Nhờ mục đích “phát triển kinh tế” này và sự nhập nhèm trong cách giải thích luật, nhà nước đã tạo ra một cơ chế bảo vệ cho quá trình dịch chuyển một cách không tự nguyện quyền sử dụng đất đai từ tay người nông dân vào tay các nhà đầu tư, quá trình mà đúng ra phải là thỏa thuận dân sự thuần túy giữa hai chủ thể. Dễ dàng nhận thấy ai là người phải chịu thiệt từ cơ chế này.


Nông dân Văn Giang tìm cách trở lại khu vực đã bị cưỡng chế và tiếp tục canh tác.
 Ảnh: Minh Quang (“Tuổi Trẻ”)

Trong các phát biểu của mình, PGS-TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng: “Việc luật đất đai quy định thêm các trường hợp được phép thu hồi đất như “lợi ích công cộng”, “phát triển kinh tế” đã được tôi và các đồng nghiệp đánh giá rất nhiều lần là vi hiến. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có Tòa án Hiến pháp, nên chưa có cơ chế nào để phán quyết tính vô hiệu của các quy định này”.

Trước năm 1958, nước Pháp cũng rơi vào tình trạng luật ban hành ra có những nội dung trái Hiến pháp nhưng không có một cơ quan có chức năng bảo hiến nào để bác bỏ các đạo luật này. Trong khi đó, các cơ quan hành chính lại rất nhuần nhuyễn trong việc đảm bảo tính hợp pháp trong các quyết định hành chính của mình. Khi luật ban hành ra đã vi phạm Hiến pháp, thì mọi biện pháp thực thi luật đều không có giá trị. Đó là lý do ngày nay nước Pháp có một cơ chế bảo hiến đủ mạnh để tuyên vô hiệu đối với bất kỳ đạo luật vi hiến nào. Một quốc gia không xây dựng được cơ chế bảo vệ Hiến pháp của mình, khó có thể nói là họ đang xây dựng nhà nước pháp quyền.


Ghi chú:


(*) Quyết định thu hồi đất cho dự án Ecopark được ban hành vào ngày cuối cùng khi Luật đất đai 1993 còn hiệu lực.
Trịnh Hữu Long

25 nhận xét :

  1. TomCat ghé thăm TS Diện đây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ! Hân hạnh được bác ghé thăm hiên trà và dùng trà!

      Xóa
    2. Ông có ý gì thì nói huỵch toẹt ra đi... mất thiêng lâu rồi... đừng vẽ chuyện ;)

      Xóa
  2. Bài viết làm tôi sáng dạ nhiều, rõ ràng là có lỗ hổng lớn vì thiếu tòa bảo hiến!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiến pháp là Bộ luật gốc. Theo tôi hiểu hiện ở Việt Nam Bộ tư pháp ít nhiều có vai trò bảo vệ Hiến pháp (ví dụ tuýt còi Đà Nẵng ... trong vấn đề nhập cư vì vi hiến). Tuy vậy dễ hiểu Bộ tư pháp không thể quay lại tuýt còi Chính phủ, hay Quốc Hội khi ban hành Luật. Điều này thì Tòa Hiến pháp các nước như ở Đức làm dễ dàng vì chức năng rõ ràng của nó là bảo vệ Hiến pháp, và cả hệ thống chính trị ủng hộ việc đó. Khi nó ra quyết định thì bất kỳ cơ quan nào cũng phải tuân thủ, từ Thủ tướng tới Quốc Hội. Ví dụ Quốc hội chậm chễ ra luật mà có sự khiếu nại, thì Tòa Hiến pháp thấy đúng ra quyết định yêu cầu Quốc hội đến thời điểm nào đó phải ban hành luật, không được chậm. Và tôi chứng kiến Quốc hội cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh. Còn nếu không sẽ có chế tài. Tôi chưa nghiên cứu kỹ, tuy vậy Quốc hội Đức chả dại dột bị Tòa xử phạt nên nghiêm chỉnh chấp hành là chính! Mà mọi người đã chơi trò chơi oẳn tù tì rồi, kéo, nắm đấm, và búa quyền có ai tuyệt đối đâu. Rất dễ hiểu và tôi hiểu tam quyền phân lập không hoàn toàn như trò chơi oẳn tù tì, nhưng việc không có quyền lực nào là tuyệt đối, quyền lực này bị quyền kia kiềm chế với người dân dễ hiểu và được người dân nhiều nước chấp nhận. Quan trọng là vai trò Tòa phải nâng cao để có thể bảo vệ thực sự được người dân!

      Xóa
  3. Đây là điểm mấu chốt mà người ta không phải không hiểu mà người ta cố tình đưa vào khi làm luật ! Thêm hai phạm trù "lợi ích công cộng, phát triển kinh tế" là cả một nỗ lực của các bộ óc siêu phàm về lách luật và lách Hiến pháp để trục lợi.

    Nguyên nhân chính là lỗi hệ thống ! Nhà nước không "Tam quyền phân lập", quá nhiều người của hành pháp và tư pháp(Chính phủ, VKS, Toà án) lại nằm trong cơ quan lập pháp là Quốc hội để dự thảo, xây dựng, thông qua Luật và các pháp lệnh. Và cũng chính những quan chức của cơ quan hành pháp, tư pháp lại có thể đặt ra, thông qua, quyết định và quyết nghị những Nghị định, Thông tư, Quyết định để thuận và lợi cho các cơ quan này khi hành xử với người dân và các doanh nghiệp.

    Làm sao có thể có một Toà án Hiến pháp khi mà thành viên chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh.v.v... lại là đại biểu Quốc hội ?

    Chỉ với bài viết này, tôi đã đặc cách tác giả bài viết, cử nhân Luật Trịnh Hữu Long thành Luật gia rồi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công dân miệt vườn Nam Bộlúc 11:01 13 tháng 5, 2012

      Tôi đã từng nêu v/đ Sửa HP lần này phải có tam quyền phân lập, có Viện Bảo Hiến , có Tòa Án Hiến Pháp , có Tối Cao Pháp viện.
      Nhưng sau đó trong HNTW 5 mới đây v/v sửa HP, TBT NPT tuyên bố sẽ không có tam quyền phân lập trong HP mới. Đảng vẫn lãnh đạo toàn diện .
      Thế thì còn trông đợi gì nữa ?

      Xóa
  4. Phạm-Thanh-Liêm ũng-Tàulúc 03:51 13 tháng 5, 2012

    Đề nghị Quốc Hội phải ra nghị quyết thành lập tòa bảo hiến ngay trong kỳ họp này. TS Diện nhớ có bài kiến nghị nhé.
    Rất mong chờ nơi TS Diện!

    Trả lờiXóa
  5. Đã đếnlúc cần xóa bổ các phòng tiếp dân yừ trung ương tới cơ sở. Thay vào đó phải lập hệ thống Tòa án độc lập trong xét xử.
    Phải lập Tòa Hiến pháp.
    Phải thực hiện tam quyền phân lập để đối trọng lập phap - hành phap và tư pháp.
    Khi cả ba quyền này nằm trong tay một nhóm người thì dẫn tới độc quyền, lạm quyền .... là mmói nguy hại cho chế độ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều nước coi phương tiện truyền thông như đài, báo ... là quyền lực thứ tư vì vai trò rất to lớn của nó trong xã hội nếu được phát huy. Việt Nam nếu phát huy vai trò tư pháp (Tòa) và ngôn luận tốt sẽ đỡ rất nhiều chuyện tiêu cực.

      Xóa
  6. Cụ Bà Lê Hiền Đức đã nói: "Sau khi ông Nguyễn Khắc Hào báo cáo láo với thủ tướng, tôi có gọi điện nói chuyện trực tiếp với ông thì ông ấy trả lời tôi rằng: “Bác ơi, con chỉ là phát ngôn thôi, con nói đúng là ý của bí thư, chủ tịch và lãnh đạo tỉnh nói chung”. Một ông phó chủ tịch tỉnh, đại diện cho Hưng Yên đi làm việc với Chính Phủ mà ăn nói và suy nghĩ như vậy, có lẽ bây giờ ông Hào này cũng đã bắt đầu biết sợ dư luận về những điều bịa đặt của mình trước Thủ tướng. Tội này ở chế độ phong kiến gọi là "khi quân" có thể bị chém đầu. Cũng rất lạ là Thủ tướng và các quan chức chính phủ ngồi nghe mà không nhạy bén, không nhìn thấy những cái không hợp lý trong báo cáo của ông Hào và không có bình luận hay chỉ đạo gì. Lẽ ra, trước sự việc nguy hiểm như "bọn phản động và thế lực thù địch dàn dựng videoclips giả để nói xấu Chính phủ" thì Chính phủ ngay lập tức phải thấy đây là mối nguy cho nhà nước và phải chỉ đạo điều tra làm rõ các videoclips này chứ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. anh Hào lại cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì cái ghế đem lại quyền lợi cho mình, mà phải nói thế thôi.

      Xóa
    2. Mấy ông bộ trưởng, chủ tịch, bí thư thời nay, quyền thì muốn thật to, nhưng có chuyện, là tìm mọi cách tránh né, đẩy cấp phó ra lãnh đạn. Thiếu liên sĩ và thiếu văn hóa trách nhiệm.

      Xóa
  7. Vì vậy Hiến pháp mới sẽ được thay để lấp những chỗ trống 92 còn "ngây thơ" để lại . Sau khi lấp hết những chỗ trống không còn chỗ nào cho dân thở, thì ta mới lập được tòa án Hiến pháp .

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn tác giả và anh Diện. Bài viết cho thấy cơ sở pháp lý cuối cùng để người nông dân giữ được nguồn sống.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi ủng hộ việc này nghiên cứu để có thể kiện về vi hiến. Nên kêu gọi sự ủng hộ đông đảo các nhà làm luật nên dũng cảm đứng về lẽ phải, công lý và những người dân nghèo, yếu ớt. Tất nhiên là làm đúng luật, nhưng phải theo tinh thần thời đại. Một khi thấy các điều luật Việt Nam chưa theo kịp thời đại cũng mạnh dạn làm theo những tinh thần tiến bộ mới của nhân loại thì mới có thể nói câu: "chính quyền từ dân, do dân vì dân" được.

      Xóa
  9. Cám ơn tác giả đã vạch ra những khuất tất, éo le của dự án Ecopark

    TH

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn bác Trịnh Hữu Long và Bác Diện , Đã phát hiện ra một lỗ hổng lón ; một sự khác biệt lớn giữa hiến pháp và pháp luật .Thế mà các nhà quản trị đất nước ta , Đảng , CP ,QH .....( Các tổ chức chính trị XH ) của cà nước không biết để mà sửa nhỉ ; Thật là lạ lùng hết chỗ nói!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ còn nhiều người biết, nhưng vì muôn ngàn lý do họ đã "ngậm miệng ăn tiền", "sống chết mặc bay", "ăn cây nào rào cây nấy".

      Xóa
  11. Bài viết rất chặt chẽ, logic, cám ơn ông Trịnh Hữu Long.

    Trả lờiXóa
  12. Hay quá, Việt Nam có chuyện lạ đời, dân lại bày cho chính phủ về luật và hướng dẫn chính phủ làm theo luật. Hãy xây dựng nhà nước pháp quyền thay bằng nhà nước chuyên chính, chính phủ phải hành xử theo luật pháp thay bằng áp đặt quyền lực chuyên chế và bạo lực.

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết vắn gọn mà rất hay, rất thuyết phục. Cám ơn tác giả Trịnh Hữu Long.

    Nhưng qua đây tôi còn ngạc nhiên biết là có một trang web hay và thú vị mang tên "Nhịp Cầu Thế Giới Online", một Tạp chí tin tức và văn hóa, thành lập từ 2001 và đặc biệt là được cấp phép từ Bộ Di sản Văn hóa Dân tộc Hungary. Thật là bất ngờ! Mời quí bác có rảnh ghé xem, tôi thấy nội dung tạp chí này rất là được.

    Trả lờiXóa
  14. Xin hỏi Anh Diện: Có phải Trịnh Hữu Long tác giả bài viết này, cũng chính là tác giả của bài viết ( Đã có đảng và nhà nước lo) năm ngoái không?
    Tôi rất khâm phục cậu thanh niên trẻ đó!
    Mong nhận được câu trả lời của TS!
    Rất cám ơn!

    Trả lờiXóa
  15. Tiền không tự đẻ thêm được, mà thường thì chỉ chuyễn từ tay người này sang ngưới khác. Việc một số người có tiền ăn chơi xa xỉ, là vì họ kiếm tiền rất dễ, nên tiêu tiền cũng rất nhanh. Để cho một đại gia giàu lên nhanh chóng, có thể hàng trăm ngàn người đã bị thiệt hại, bòn rút đồng tiền về túi đại gia kia. Kết quả là chênh lêch giàu nghèo tại VN gia tăng nghiêm trọng và bất công xã hội cũng tăng rất nhiều. VN bây giờ chỉ còn là XHCN trên giấy và tệ hơn cơ chế tư bản nhiều.

    Trả lờiXóa
  16. Hiến pháp 1992 quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”
    Luật đất đai 1993 quy định: "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý". Luật đất đai 2003 quy định: "Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai"
    Như vậy đất đai là tài sản của Nhà nước, quyền sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước.Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không phải là chủ sở hữu đất đai mà chỉ được Nhà nước cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" lâu dài hoặc có thời hạn.Tài sản trên đất mới là sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức. Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng bồi thường theo giá thị trường đối với tài sản trên đất chứ không phải là đất đai.

    Trả lờiXóa