Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

CHẢ LẼ LẠI CỨ THUA TRUNG QUỐC TRONG ĐẤU TRANH CHỦ QUYỀN?

Ngay từ bây giờ 
Để vẽ bản đồ thế giới, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) nhận thấy vùng biển Đông có nhiều tranh chấp nên đã gửi thư tham khảo chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi không nhận được phản hồi từ Việt Nam, NGS được Trung Quốc mời tới thăm Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. 

Kết quả là NGS công bố một bản đồ với ghi chú Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, một sự nhầm lẫn cực kỳ tai hại đối với Việt Nam mà NGS về sau đã đính chính khi phía VN lên tiếng phản đối.

Câu chuyện trên - được ông Nguyễn Duy An, một người Mỹ gốc Việt giữ chức Phó chủ tịch NGS, thuật lại - cho chúng ta nhiều suy ngẫm. 

Trong khi mưu đồ tuyên truyền yêu sách ngang ngược của Trung Quốc là chuyện xưa như trái đất, thì có một thực tế phải nhìn nhận, đó là chúng ta quá bị động trong việc tuyên truyền chính nghĩa của mình. Không cần tới khi Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như ráo riết tuyên truyền ra thế giới những tấm bản đồ, những tài liệu ngụy tạo chủ quyền, chúng ta mới rục rịch tìm kiếm đối sách. Hãy coi việc tuyên truyền chủ quyền, tuyên truyền chính nghĩa Việt Nam là việc bình thường, phải được tiến hành thường xuyên.

Việc tuyên truyền trước hết là cho chính người Việt Nam. Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của chúng ta, vậy tại sao không đưa những bài học về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của cha ông ta, về sự xâm chiếm của ngoại bang trên hai quần đảo đó vào máu thịt mỗi người dân đất Việt, trước hết và cơ bản nhất là bằng những bài giảng trong trường phổ thông? Chúng ta có làm được không, như cách người Nhật đưa vào sách giáo khoa cụm từ “bị chiếm đóng trái phép” khi nói về nhóm đảo Nam Kuril. Chúng ta không ở vào vị trí ủng hộ Nhật hay Nga trong vấn đề Nam Kuril, nhưng cách làm, thái độ của người Nhật là điều chúng ta cần suy ngẫm.

Lỗ hổng ở cấp độ nền tảng đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, trong khi “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, thì có một thực tế đáng buồn là số lượng các nghiên cứu khoa học về vấn đề tranh chấp ở biển Đông của tác giả người Việt trong đăng tải trên các tạp chí học thuật uy tín thế giới (trong danh sách ISI) chỉ đếm trên đầu ngón tay, lép vế hoàn toàn so với nghiên cứu cùng loại của tác giả Trung Quốc. TS Nguyễn Hồng Thao, một trong số ít tác giả Việt Nam có nhiều công bố khoa học về tranh chấp biển Đông trên tập san quốc tế, từng nhìn nhận: "Đúng là bài viết của tác giả Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa còn rất ít. Chúng ta kêu nhiều nhưng nghiên cứu lập luận chặt chẽ thì còn có vấn đề. Việc thiếu các bài viết chất lượng, bảo đảm tính khoa học bằng tiếng Anh trên tạp chí quốc tế không có lợi cho cuộc đấu tranh chung”.

Thực tế hiện nay là, trong vấn đề biển Đông, cả góc độ phổ thông lẫn hàn lâm, thế giới bên ngoài đang tiếp nhận thông tin từ Trung Quốc nhiều hơn so với từ Việt Nam. Mà tâm lý con người là dễ chấp nhận cái phổ biến, thế nên, những luận điệu sai trái của Trung Quốc, được truyền bá bằng chiến lược dài hơi, với những chiến thuật cực kỳ tinh vi, dần dần có nguy cơ sẽ chinh phục số đông thế giới bên ngoài. Hệ quả là, chúng ta trở nên đơn độc dù chính nghĩa thuộc về chúng ta.

Điều này cần phải thay đổi. Trước hết và ngay tức thì, chúng ta cần đưa câu chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông trở nên dễ tiếp cận hơn đối với mọi người dân, bằng những bài học chi tiết trong sách giáo khoa và nhiều hình thức khác. Những chương trình nghiên cứu biển đảo để công bố ra thế giới cần được tiến hành quyết liệt hơn, với vai trò chủ đạo của nhà nước.

Một trong những điều quan trọng nữa, đó là không chỉ Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, chúng ta nên xem xét đưa một số vụ việc liên quan tới hành động ngang ngược của Trung Quốc - chẳng hạn bắt bớ ngư dân, phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam -  ra phân xử bởi các trọng tài quốc tế. Khi vấn đề được đưa ra phân xử, đó là lúc chính nghĩa Việt Nam được nêu bật, sự phi nghĩa của Trung Quốc bị tố cáo. Có như vậy chúng ta mới nhận được nhiều hơn sự chia sẻ từ quốc tế, bằng không, một viễn cảnh đơn độc và lép vế là điều có thể tiên liệu.

Nguồn: Thanh Niên.

* Mời đọc thêm: + Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (Wikipedia);  + Hội Địa lý Quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa (Mr. Do’blog/Thanh niên, 12/3/2010); “Thông tin về việc National Geographic Society phát hành bản đồ xuyên tạc sự thật được các bạn đọc Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long gửi tới báo Thanh Niên vào ngày 11.3.2010. Nhóm cũng đã viết thư phản đối gửi lên Ban biên tập của National Geographic Society.”  + Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ thông tin sai về quần đảo Hoàng Sa: Cách làm không khách quan (Tuổi trẻ, 14/3/2010);  + Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ sửa chữa sai sót về bản đồ Hoàng Sa (RFA, 18/3/2010);  + Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ: Nhận sai, nhưng không sửa (Lao động, 19/3/2010).

* Ảnh: Trên website về bản đồ thế giới của mình, tổ chức tiếng tăm của Mỹ ghi chú sai sự thật rằng quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc (Lao động).

Nguồn: Ba Sàm.
 

13 nhận xét :

  1. Không thể nói"Đó là chúng ta quá bị động trong việc tuyên truyền chính nghĩa của mình" mà phải nói :chúng ta đã quá chủ động trong việc cấm tuyên truyền chính nghĩa của mình bằng các hành động cấm tổ chức câc cuộc hội thảo,hoặc chiếu phim về Hoàng sa Trường sa không những ở trong nước mà thậm chí cả ở nước ngoài

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nói quá đúng.

      Xóa
    2. Và tới thời điểm này thì có điều lạ là "chúng ta" lại chủ động cho phép báo Thanh Niên và vài tờ báo khác như Đại Đoàn Kết chẳng hạn, đang tải những bài như thế này.

      Nhưng nếu Nhà nước không lập tức trả tự do cho Bùi Hằng và ngưng ngay sự sách nhiễu vô lý những người lên tiếng phản đối TQ, thì còn ai tin được nữa?

      Xóa
    3. Vô cùng nhức nhối. Trong khi Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta, bắt giữ ngư dân, cướp ngư cụ, tài sản...thì chính quyền lại khủng bố, sách nhiễu những người biểu tình yêu nước vì đã dám công khai biểu tình phản đối hành động ngang ngược đó của Trung Quốc.

      Xóa
    4. Ông Nặc Danh ơi!
      Vì phải giữ mối làm ăn ngầm với đại ca nên:

      1. Hội thảo: Cấm!
      2. Tuyền truyền: Cấm!
      3. Sách báo: Cấm!
      4. Nghiên cứu: Được nhưng sau bỏ xó
      5. Biểu tình phản đối: Cấm tuyệt đối
      6. Biểu ngữ: Cấm!
      7. Cà phê đông người: Phạt tiền
      8. Kỷ niệm ngày 8/3: Phạt tiền
      9. Phụ nữ đấu tranh: Cải tạo ở trại phục hồi nhân phẩm
      10.Đại ca đánh: Đầu hàng

      Đây là lệnh. Nhân dân VN phải nghe. Rõ chưa!

      Xóa
  2. Tại sao chính quyền VN không trả lời thư tham khảo của NGS ?
    Những người làm việc trong hệ thống chính quyền VN là ai ? Tại sao họ bất lịch sự và vô trách nhiệm đến như vậy ?

    Trả lờiXóa
  3. Có phải KHÔN NHÀ DẠI CHỢ ! hay ...

    Trả lờiXóa
  4. Theo tôi (Nhân dân ta) muốn thắng được giặc ngoại xâm thì trước hết phải thắng giặc Nội xâm cái đã. Chính giặc ngoại xâm đã làm dân ta không tin vào chính phủ của mình bằng cách thao túng chính phủ ấy, biến họ thành bù nhìn đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân.
    Vấn đề là cách giải quyết sao đây.
    Chứ ai lại bộ máy chính quyền nhân dân lại đi đàn áp nhân dân khi nhân dân bày tỏ lòng yêu nước của mình bao giờ.
    Tàu Trung Quốc gây hấn ửo biển đông trong vùng lãnh hải của mình mà truyền thông nhà nước lại cứ sợ sệt gọi đó là tàu lạ của nước lạ. Thậm chí có luc lại còn bảo những cán bộ lão thành là phản động.
    Muốn thắng Trung Quốc, chúng ta không nhất thiết phải tốn tiền mua tàu mua bè mà hãy làm trong sạch bộ máy công quyền, hãy bảo vệ nhân dân và giáo dục lòng yêu nước cho con cháu, chứ đừng có nay mua mấy cái tàu hiện đại cái máy bay hiện đại, điều này chỉ béo lũ lái súng (cả ta lẫn nó). Đừng có đàn áp nhân dân biểu tình chống Trung Quốc, điều này càng thể hiện sự ươn hèn của CHính phủ. Đừng có suốt ngày chiếu phim Tàu nữa mà ... tốn điện (Chả ai xem)

    Trả lờiXóa
  5. Công dân miệt vườnlúc 10:34 2 tháng 4, 2012

    Cục Địa Lý, Cục Bản Đồ để làm cái gì ? Còn bao nhiêu cơ quan phụ trách về cương giới lãnh thổ, lãnh hải làm việc gì mà Nói mãi rồi cứ thấy Bản Đồ của thế giới ghi Hoàng Sa thuộc China. Rồi South China Sea . VN dường như biến mất chỉ cón mấy hình ảnh quên thuộc từ hồi nảo hồi nao tới giờ . Mai mốt đường lưỡi bò chính thức lên bản đồ thế giới thì biển đảo VN còn gì ? Băn khoăn này không biết hỏi ai ? Trong khi Philippines chính Tổng Thống lên tiếng về chủ quyền biển đảo, còn VN chỉ thấy Phát ng6n viên Bộ Ngoại giao lần nào cũng như lần nào ? Giặc lù lù tới nhà bằng chiến hạm lớn nhỏ, VN vẫn chờ. Chớ cái gì ?

    Trả lờiXóa
  6. Cách đây gần mười năm tôi đi Ghana, Châu Phi chơi. Định mua mấy quyển sách tiếng Anh cho thằng con đọc. Vào hiệu sách thấy bày nhan nhản bản đồ, tò mò xem Châu Phi coi Hoàng Sa của ai. Thì thấy chần dần một chữ China. Lục xem thằng nào sản xuất thì "Made in China". Tôi nói thằng bạn (cũng là quan chức): tại sao hòn đảo này của Trung Quốc? Anh bảo thì nó của Trung Quốc chứ của ai? Tôi kể lịch sử, kể trận hải chiến 1974 cho anh bạn biết. Anh ấy bảo: tao nghĩ bọn mày chậm mất rồi vì cả lục địa đen này, TQ nó mang bản đồ in ở TQ đẹp đến và cho không các trường học Phổ thông lẫn Trung học, Đại học. Mày giải thích tao cũng hiểu sơ sơ nhưng sao chúng mày chậm lụt thế.

    Hu...hu...hu...

    Tôi ngán ngẩm nhìn cái bản đồ mà uất nghẹn cổ. Cũng chả biết sao. Vụ này tôi đã có viết trên các phố rùm từ 2006 đến nay, nhưng cũng chả ai để ý.
    Chính quyền Việt Nam thì giáo dục con em về biển đảo chỉ bằng những: "chúng tôi phản đối, cực lực phản đối...". Chao ơi, nghe những câu trên lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác thấy bi hài không thể tả. Nhân dân è lưng nuôi cả bộ máy công quyền (hai lớp) chỉ để nghe mấy từ rỗng tuếch ấy thôi à?
    PHẢI LÀM GÌ ĐI CHỨ!

    Trả lờiXóa
  7. Cách đây hai năm, tôi có việc phải nhờ công ty du lịch Nga. Ngày đầu tiên đến làm việc đập ngay vào mắt là bản đồ bằng tiếng Nga nhưng in tại Tàu (do công ty du lịch Trung Quốc tặng các đối tác nước ngoài miễn phí) có vẽ cả cái lưỡi bò. Biết công ty này làm ăn với Tàu rồi thì phải thuyết phục họ gỡ bỏ xuống làm sao đây.
    Tôi nói với họ: "Xin các bạn cho phép tôi nói một câu chuyện ngoài lề.". Tất cả gật đầu. "Các bạn cùng với tôi đều là trí thức cả và chúng ta cùng tôn trọng một thứ là sự thực, phải không?". Dĩ nhiên. "Người Trung Quốc bây giờ ở ngay trên đất họ cứ tuyên truyền là đất họ đến tận Khabarốp, Liên Bang Nga. Nhưng nếu họ in cái bản đồ vẽ có một phần nhỏ thôi nước Nga vào nước họ chắc các bạn phải rất giận dữ." Gật đầu. "Họ đã làm như thế với nhiều nước láng giềng nhưng đối với nước Nga thì họ chưa in bản đồ. Cũng chả phải vì họ tôn trọng sự thật đâu mà họ sợ khối lượng vũ khí và tiền bạc của nước Nga. Họ ép các nước trong Liên Bang Xô viết trước đây cắt đất cho họ. Tức họ dối trá về vấn đề lãnh thổ và biên giới với tất cả láng giềng chứ không riêng gì các nước nhỏ.". "Là trí thức chắc các bạn đâu dễ gật đầu với họ khi họ vẽ bản đồ sai cho nước Tajikistan hay Uzbekistan, đúng không? Bởi vì các bạn dễ thấy nếu nhân nhượng cho dối trá một lần thì lần khác cái dối trá đó nó lan đến tận chân mình.". Dĩ nhiên, dĩ nhiên.
    Rồi tôi nói đến Hoàng Sa, Trường Sa...Nói đến sự phi lý, ngang ngược của cái lưỡi bò mất dạy. Rồi kết: "Tôi chỉ lần đầu hợp tác một việc nhỏ với các bạn chưa hề mang đến các bạn một lợi nhuận lớn như đối tác Trung Quốc. Nhưng tôi vẫn đề nghị các bạn gỡ cái bản đồ dối trá và ngạo ngược đó xuống xuất phát từ lòng yêu sự thật của các bạn.". Họ gật gật và đồng ý gỡ bản đồ đó xuống thay một bản đồ Nga in khác. (Họ không thể gỡ ngay lúc đó vì sao cũng dễ hiểu)
    Lần sau tôi đến thì bản đồ đó đã được thay. Hú hồn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một việc làm có ý nghĩa !

      Xóa
    2. Một việc làm của MỘT NGƯỜI TỬ TẾ!

      Xóa