Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

CHÙM BÀI NGOẠI GIAO: Bài 1 - "NHÂN" và "DUYÊN" TRONG NGOẠI GIAO

"Nhân" và "Duyên" trong ngoại giao

 
Tuần Việt Nam (VNN) - Cho phép ông Thaksin đến Siem Reap và ý định đưa vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự Cấp cao ASEAN là hai sự kiện chẳng có cái "duyên" nào chung nhau, nhưng cái "nhân" sâu xa của chúng thì lại rất có thể... là một.

Việc cựu Thủ tướng lưu vong của Thái Lan được phép thăm tỉnh Siem Reap  (Campuchia) để gặp gỡ với các "fan" ủng hộ mình hôm 14/4 vừa rồi và việc chính phủ CPC trước ngày 4/4 có ý định gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN là hai sự kiện riêng biệt, ngoại trừ căn nguyên gốc của vấn đề thì rất có thể là từ một nguồn mạch.

Song phương, đa phương vẫn là một duộc

Cách đây mấy hôm, phi cơ chở cựu Thủ tướng Thái Lan Shinawatra Thaksin đã đáp xuống phi trường tỉnh Siem Reap, thành phố cách biên giới Thái - CPC khoảng 150km để tiếp xúc với hàng ngàn người ủng hộ phe "Áo Đỏ" từ Thái Lan tràn sang.

Cái "duyên" của cuộc tập hợp này là dịp Tết cổ truyền của các xứ này (người CPC gọi là Tết Chol Chnam Thmay, còn người Thái gọi là Tết Songkran).

Nhưng cái "nhân" của nó thì có thể là sâu xa hơn nhiều!

Trong cuộc nói chuyện với hàng ngàn cổ động viên "Áo Đỏ" tại CPC nhân dịp đón mừng Năm Mới, ông Thaksin cho biết là ông sẽ quay lại Thái Lan sớm hơn dự tính.

Em gái của ông Shinawatra Thaksin là bà Shinawatra Yinluck hiện đang đảm nhiệm chức Thủ tướng của Thái và phe "Áo Đỏ" có một số ghế đáng kể trong quốc hội Thái hiện nay là động cơ để ông Thaksin tuyên bố ngày trở lại cố quốc sớm hơn dự định.

Nhưng đấy là động cơ chứ vẫn chưa phải là cái "nhân" thật sự.




Bởi vì các phe phái chính trị khác ở Thái Lan vẫn còn rất mạnh và luôn chống lại sự trở về của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin. Đảng đối lập Thái là phe mạnh nhất có liên quan mật thiết với Hoàng Gia là một thiết chế luôn được toàn dân Thái kính trọng và sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh từ Nhà Vua Bhumibol Adulyadej.


Việc ông Thaksin thăm Siem Reap là sự kiện đặc biệt. Một mặt, nó có thể thúc đẩy quan hệ hai nước hiện nay; nhưng về lâu dài, nó lại chứa đựng mầm mống thù oán với phe đối lập Thái Lan, lúc nào cũng muốn tái chiếm chính quyền thông qua bầu cử. Có thể biết về lâu dài là có hại, nhưng chính quyền CPC không thể làm ngơ trước thế lực và lý lịch ba đời của ông Thaksin!

Sự kiện trên có thể gây tiền lệ bất lợi trong quan hệ ngoại giao và có thể làm sứt mẻ tình đoàn kết của khối ASEAN. Cũng như chưa ai có thể quên câu chuyện nóng hổi diễn ra hồi đầu tháng Tư này, nhưng là trong khuôn khổ đa phương.

Chả là hồi đầu tháng Tư vừa qua, CPC tuyên bố một cách chính thức, trước thềm cấp cao của Thượng đỉnh rằng với tư cách là chủ tịch của ASEAN-20, CPC sẽ không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, lấy lý do là để giữ lập trường trung lập (?)

Dư luận cũng không quên chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại CPC (12 năm mới có một lần như vậy!). Trong chuyến thăm cấp cao đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khuyên CPC không nên đẩy vấn đề Biển Đông quá nhanh (!)

Chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc hội CPC Cheam Yeap đã nói với các học giả đến Phnom Penh tham dự Hội thảo quốc tế nhân 10 năm ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), rằng "CPC sẽ không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào đầu tháng Tư tại Phnom Penh".

Nhưng rồi sau đấy, CPC - chính chủ nhà luân phiên của khối ASEAN, vẫn đưa chủ đề Biển Ðông vào chương trình nghị sự trong ngày cuối cùng của cuộc họp Thượng đỉnh 10 quốc gia thành viên ASEAN, mặc dù ai cũng biết là có sự phản đối của Trung Quốc trước đấy.

Dễ hiểu là tại sao Thủ tướng CPC Hun Sen lại nổi cáu khi ông bị các nhà báo "quay" về ý đồ của CPC ban đầu định gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN-20; và ông hoàn toàn bác bỏ lập luận cho rằng CPC chịu áp lực của Trung Quốc về Biển Đông.

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật!

Thủ tướng Hun Sen đã biểu lộ sự không hài lòng trong cuộc họp báo bế mạc Thượng đỉnh ASEAN-20. Ông không nhất trí với đánh giá cho rằng ASEAN đã bị chia rẽ về cách tiến hành các cuộc đàm phán về Quy tắc ứng xử chung của các nước tại Biển Đông (COC). Ông cũng phủ nhận, CPC với tư cách chủ nhà, đã cố tìm cách gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức (!)

"Điều làm tôi ghét nhất là họ nói Campuchia bị Trung Quốc gây sức ép. Campuchia là Chủ tịch ASEAN và Campuchia có quyền đưa ra nghị trình," ông nói thông qua cán bộ phiên dịch.

Có thể ông Hun Sen đã nói thật, vì cuối cùng thì Tuyên bố Phnom Penh vẫn nhấn mạnh: ASEAN tiếp tục duy trì những cam kết chung đã được phản ánh trong DOC và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) để tiến tới ký kết COC, vốn "bị treo giò" từ 10 năm nay.

Báo Phnom Penh Post thừa nhận vấn đề Biển Đông vẫn là một trong những đề tài nóng nhất tại Hội nghị Cấp cao mà kết quả đã được thể hiện rõ trong tuyên bố chung. Tờ báo này cho biết ngày 2/4 khi bước vào cuộc họp tại Cung điện Hòa Bình, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario ngay lập tức đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Thượng đỉnh ASEAN, bởi những căng thẳng do Trung Quốc gây ra đã "vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc".

Theo hãng tin Pháp AFP, giới phân tích ghi nhận có sự tương đồng về mặt ngôn từ giữa bản Tuyên bố kết thúc Hội nghị ASEAN-20 tại CPC lần này với bản Tuyên bố của Hội nghị ASEAN-19 cách đây một năm tại Indonesia. Điều này cho thấy, ASEAN vẫn có nguy cơ bị tê liệt trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Pavin Chachavalpongpun, nguyên cán bộ ngoại giao Thái Lan, hiện là chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore xác nhận: "Đây là một tuyên bố yếu, nhưng điều này dễ hiểu trong bối cảnh ASEAN không thể tìm được một lập trường chung trên vấn đề Biển Đông".

Trở lại câu chuyện ông Thaksin đến Siem Reap, sự phô trương ầm ĩ của hàng chục ngàn người "Áo Đỏ" có thể để lại những hệ quả đáng quan ngại cho CPC. Hành động này có thể có thể trở thành "lợi bất cập hại" trong quan hệ song phương nếu nhìn về tương lai.

Khác với những lần trước, chuyến trở lại CPC lần này của ông Thaksin đã không gặp sự cản trở nào từ chính quyền của chính cô em gái ông Thaksin từ Bangkok.

Nhưng đúng như Chủ tịch đảng Nhân quyền CPC Kem Sokha phát biểu: "Không ai có thể nắm quyền lực mãi mãi. Sẽ có sự thay đổi trong giới lãnh đạo mỗi quốc gia. Nếu chúng ta ủng hộ phe này, đối đầu phe kia, thì một ngày nào đó phe kia sẽ nghĩ gì khi họ lên nắm quyền".

Sự thật là dù song phương hay đa phương, quốc gia hay quốc tế, rõ ràng ngày nay thế giới đang cần những chính trị gia được khai minh, dũng cảm, có đầu óc khoáng đạt và đủ sức cân nhắc những sự kiện nằm bên ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của họ, cả về không gian lẫn thời gian.

Như Tổng thống Tiệp Khắc Havel từng một lần khẳng định: Thế giới cần những chính trị gia có khả năng vượt lên trên những lợi ích về quyền lực cá nhân hay những mối quan tâm của đảng phái hay quốc gia họ và phải hành động phù hợp với những quyền lợi căn bản của cộng đồng khu vực và nhân loại - nghĩa là hành động theo cách mà mọi người phải hành động, cho dù đa phần đã không dễ gì hành động được như thế./.

Hoàng An Bình
Nguồn: Tuần Việt Nam.

1 nhận xét :

  1. Trích:
    "Thế giới cần những chính trị gia có khả năng vượt lên trên những lợi ích về quyền lực cá nhân hay những mối quan tâm của đảng phái hay quốc gia họ và phải hành động phù hợp với những quyền lợi căn bản của cộng đồng khu vực và nhân loại - nghĩa là hành động theo cách mà mọi người phải hành động, cho dù đa phần đã không dễ gì hành động được như thế"

    Đúng là phát biểu của một chính trị gia tầm cỡ

    TH

    Trả lờiXóa