Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

TRUNG QUỐC BẤT TÍN TRONG QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam

Bạch Dương
Ngày: 26/03/2012,  9:45 am

Ngang nhiên bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa nước ta là những hành động không hề mới của Trung Quốc. Chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt – Trung.

Bắt tàu cá Việt Nam bất chấp luật pháp và đạo lý

Trước sự việc Trung Quốc bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 66101TS và QNg 66074TS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân, tàu cá nói trên. Chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.”

Tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam. Còn nhớ, trước đó tròn 1 tháng (ngày 22/2), 11 ngư dân của ta trên tàu cá QNg 90281TS cũng của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản. Trước sự việc đó, hôm 29/2, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.” Đồng thời nhấn mạnh: Hành động dùng vũ lực uy hiếp, đánh đập, lục soát lấy tài sản của ngư dân ta của phía Trung Quốc “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Ngang nhiên lặp lại hành vi bắt và đánh đập tàu cá Việt Nam

Những hành động như kể trên của phía Trung Quốc không có gì là mới, chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều, ngang nhiên hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế, sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Không những thế, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn lớn tiếng cho rằng: Việc các ngư dân Việt Nam bị bắt là do đã xâm phạm chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc, vì thế phản ứng của Trung Quốc là hợp lý và đúng luật. Vờ lên mặt đạo đức khi nhắc nhở, Việt Nam nên quản lý và giáo dục ngư dân của mình, đừng để họ xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Trung Quốc nữa. Hoà theo giọng điệu đó, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng tải ý kiến của một vài chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây chỉ là hành động cảnh cáo với những ai có ý định xâm phạm lãnh hải của họ. Những lý lẽ họ đưa ra cho thấy sự cố tình bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những chứng cứ lịch sử luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã tồn tại từ bao đời nay, bất chấp cả đạo lý khi giở trò bắt bớ, đánh đập các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc: Lời nói không đi đôi với việc làm

Theo luật pháp quốc tế thì Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được thế giới công nhận là của Trung Quốc. Một trong những chứng cứ minh chứng cho điều này là tại Hội nghị San Francisco năm 1951  đa số nước tham dự hội nghị bỏ phiếu không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Một năm sau, trong Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật cũng đã nhấn mạnh việc không thừa nhận hai quần đảo trên là của Trung Quốc.

Cho tới năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó đang được quản lý bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hợp pháp của Việt Nam. Những hành động trên được coi là sự cưỡng chiếm bất hợp pháp hay nói cho đúng là hành động xâm lược một cách trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế. Nay, họ lại muốn tuyên bố chủ quyền và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Bởi, theo Luật quốc tế cụ thể là theo UNCLOS 1982 thì tuyên bố như thế sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển 
giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc 
(trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào 10/2011)

Mà đã là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đương nhiên ngư dân của Việt Nam có quyền đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản và các hoạt động kinh tế khác. Vì sao Trung Quốc lại trắng trợn có hành vi bắt bớ, đánh đập, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu xét về luật pháp quốc tế là đây là hành vi sai trái, Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả bắt giữ, đánh đập, lục soát lấy tài sản của những ngư dân Việt Nam bình thường – những con người chỉ quanh năm biết làm bạn với biển cả của Tổ quốc, lấy con tàu làm nhà, chứ không hề biết đến súng đạn, thù hận. Trung Quốc cố tình làm thế với mục đích khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng đặc quyền kinh tế nằm trong sự quản lý của Việt Nam. Hành vi ấy chứng tỏ ý đồ cướp đất của phía Trung Quốc là quá rõ ràng. Nó không hề phù hợp với hành vi của một cường quốc, với xu thế của cộng đồng quốc tế hiện nay khi giải quyết các vấn đề trên biển bằng hoà bình. Có lẽ cũng vì thế mà họ đã buộc phải bội tín với phương châm “16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” mà chính họ hay rao giảng. Cách đây chưa đầy 6 tháng, ngày 11/10, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Đảng ta tới Trung Quốc, họ đã cùng với chúng ta ký“Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước” làm kim chỉ nam cho việc giải quyết những tồn tại về các vấn đề trên biển.

Đối với Trung Quốc thì lời nói không hoặc chưa bao giờ đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây. Còn về phía Việt Nam, kết hợp với sự đấu tranh cương quyết đúng về lý, hợp về tình, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung với cộng đồng quốc tế, với những người có lương tri. Hành vi bất chấp đạo lý và luật pháp của Trung Quốc trước sau sẽ bị lên án bởi công luận, cộng đồng quốc tế.

Bạch Dương

Ba Sàm: Bài báo này xuất hiện cùng một ngày, giờ, phút trên tất cả các trang web/blog mang tên các vị lãnh đạo đảng CS và chính quyền Việt Nam (Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang ThanhTrần Đại Quang, Phạm Bình Minh, …). Sự ra đời, tồn tại của các trang web này, có kèm theo nhiều blog tương ứng, được thiết kế, cập nhật thông tin khá bài bản, tuy gần như giống nhau, là một dấu hỏi lớn. BS đã đưa địa chỉ các trang này bên cột phải.
Nguồn: Ba Sàm.

11 nhận xét :

  1. Bài này tìm thủ công lẫn search trong các báo Nhân Dân, QĐND, Tạp Chí Cộng Sản, Vietnamnet, Thanh niên, Tuổi Trẻ, Lao động... đều không có. Nhưng có ở tất cả website lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, Ngành, các chủ tịch, bí thư tỉnh thành.
    Rất lạ!

    Trả lờiXóa
  2. Các bác cho hỏi nếu gia đình những người bị bọn TQ bắt cóc đến ĐSQ TQ biểu tình đòi thả người có được không ạ? Bọn TQ này đúng là du côn, hành xử như 1 lũ thảo khấu không biết luật pháp là gì nữa

    Trả lờiXóa
  3. Thực ra bài này được đăng lần đầu tiên trên báo Đại đoàn kết, với tên tác giả Hoàng Mai (đường dẫn http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=48080&Style=1), các mạng đăng lại nhưng lấy tên tác giả Bạch Dương. Đúng ra phải giữ nguyên tên mới phải đạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất lạ, đồng loạt các website của các vị lãnh đạo TW,Ban ngành, tỉnh thành đều cùng đăng một lần (9h45 ngày 26-03-2012). Tín hiệu mới chăng?

      Xóa
  4. Báo Đại đoàn kết là tờ báo đầu tiên đăng bài này, của tác giả Hoàng Mai chứ không phải Bạch Dương; đường dẫn nè http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=48080&Style=1.

    Trả lờiXóa
  5. Giá như tác giả lấy bút danh là GỐC TRE thì hay hơn, nhể!

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là một dấu hỏi lớn khi có sự đồng loạt ra đời của các... "bloggers" này! Hi hi, tôi xem, thử các trang và tự nhiên có cảm tưởng như các vị lãnh đạo giờ cũng thích... chơi lề trái và cũng ngán báo lề phải rồi!

    Còn bài báo giống hệt trên Đại Đoàn Kết, đăng trước các "blogs lề trái" này một ngày, tôi đã có đọc thoáng qua và lúc đó thầm nghĩ: Ô, hình như các vị lãnh đạo lại đang làm một cú thăm dò dư luận nữa?

    Phải chăng Việt Nam sắp có một cú chấn động lớn, không kém chi cú chấn động chính trị thưỡng tầng vừa xảy ra ở Trung Quốc?

    Trả lờiXóa
  7. Đọc bài này tôi cảm thấy vô cùng thắc mắc !

    Bài báo viết :

    "Đối với Trung Quốc thì lời nói không hoặc chưa bao giờ đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. "

    Tại sao chúng ta biết viết : "Đối với Trung Quốc thì lời nói không hoặc chưa bao giờ đi đôi với việc làm" và lịch sử nghìn năm với biết bao bài học như vậy mà chúng ta vẫn tin không những đến hôm nay mà từ những cách đây cả 60 năm và cho đến bây giờ (khi tôi đang viết những dòng chữ này) thì chúng ta(các vị lãnh đạo) vẫn ôm khư 4 tốt và 16 chữ vàng !

    Phải chăng chúng ta chỉ viết mà chưa hiện thực hóa cái hiểu bên trên về ông bạn vàng TQ cho đến ngay bây giờ !

    Khó hiểu quá !

    Trả lờiXóa
  8. nghe nói các nguyên thủ kể trên không xác nhận các blog trên có phải của họ hay không. Duy nhất ông Trương Bá Thanh xác nhận là " không phải"

    Trả lờiXóa
  9. Xem bên ABS thấy xuất hiện một loạt trang web của các ông lớn đăng bài này, chưa rõ thực hư thế nào ???

    TH

    Trả lờiXóa
  10. Có người cầm "romot" đứng đâu đó rồi !

    Trả lờiXóa