Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

EM THÂN YÊU CỦA NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Em thân yêu!

Cả buổi sáng nay, (à, hôm qua chứ nhỉ vì lúc này đã sang ngày 8/3 hơn ba giờ rồi) anh viết bài này làm quà tặng em. Chưa kịp sửa sang tỉa tót gì thì bị bắt.

Anh quyết định không sửa lại, không thêm bớt gì nữa để kỷ niệm ngày hôm qua, ngày mà anh định dồn hết tâm huyết cho em nhưng bị dở dang. Thô mộc nhiều khi còn có giá trị hơn là sự trau chuốt, em nhỉ.

Chiều qua, em đã dồn hết sức lực và cả trí thông minh nữa trong việc đòi trả tự do cho anh. Em đã thể hiện hết tấm lòng của người vợ, một cách tự nhiên, dung dị như con người em vậy.

Bằng ấy năm chung sống, và thêm cả sự kiện chiều tối qua nữa, anh hiểu, em sẵn sàng nhận hết những gì về mình, kể cả cái chết để bảo vệ chồng, con. Bình thường, em hiền dịu thế nhưng kẻ nào động vào chồng con em, em hóa thành sư tử.

Tặng em những dòng chữ sau:

VỢ TÔI VỚI NGÀY CỦA PHỤ NỮ

Tặng Em

    Vào một ngày 7/3 đã lâu rồi, trên đường đi làm về, mình chọn một bó hoa đẹp nhất sạp, lựa loài hoa, màu hoa cẩn thận để tặng vợ. Lòng hân hoan, tưởng tượng ra cảnh gương mặt vợ rạng rỡ, nhìn chồng tình tứ, tràn ngập hạnh phúc: “Em cảm ơn anh”.

     Nhưng chẳng hiểu sao, về đến nhà, thị trân trân nhìn mình đang ôm bó hoa như nhìn một sinh vật lạ. Thực ra, sau đó mình mới nghĩ như thế chứ lúc ấy, mình không để ý. Mình trao hoa cho thị, nhe răng ra:

      -    Anh tặng em …

     Mặt thị tái đi, lùi lại. Rồi thị lại rón rén bước lên một bước, rất là cẩn thận, sờ lên trán mình xem có bị làm sao không. Hình như thị còn định dắt lũ trẻ con ù té chạy hay sao ấy. Mình biết là mình không bị điên, điều đó mình rõ lắm. Có vẻ cháy kịch bản đến nơi nhưng mình cố vớt vát:

     -    Anh tặng em nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Anh chúc em …

     Có lẽ lúc này, thị mới để ý đến chuyện mai là 8/3. Thị nhìn bó hoa, dửng dưng:

     -    Bao nhiêu?

     -    Năm chục.

     Thị buông một câu:

     -     Phí tiền.

     Thị xót. Khổ thân thị chưa. Năm chục nghìn khi ấy vào tay thị thì thị đã mua được một cân rưỡi thịt hoặc đong được hơn một yến gạo.

     Thằng Nhỡ thấy thế, nó đỡ lấy bó hoa, đặt cẩn thận lên bàn, bảo:

     -     Mẹ xem này, hoa đẹp chưa. Bố con khéo chọn nhỉ.

     Có lẽ thị biết là mình lỡ lời. Đằng nào thì cũng mua rồi. Vả lại, ngoài việc tiếc tiền ra, thị vẫn cảm nhận được tình yêu của chồng. Thị ngồi xuống ngắm:

      –     Ừ, hoa đẹp đấy nhỉ. Nhưng cái Nhớn về, cứ bảo là bố tặng hai mẹ con nhé.

     Thị nhắc nhở rất khéo về sai sót của mình. Nhưng thị không để tâm lý ấy của mình kéo dài. Thị xuê xoa, hóm hỉnh:

      -     Em cứ tưởng anh tặng con bé nào, nó không nhận rồi mang về tặng vợ chứ.

     Còn một lần nữa mình tặng hoa cho vợ. Đó là dịp kỷ niệm ngày cưới. Lần này thì thị không kêu phí tiền nữa nhưng hôm sau thị bảo:

      -    Thôi, từ nay anh đừng tặng gì cho em nữa. Tình cảm của anh, em cảm nhận được hàng ngày mà.

     Ngoài hai lần tặng hoa ấy ra, mình chẳng tặng cho thị cái gì cả, trừ mấy món quà nho nhỏ khi còn đang chim chuột thị. Bảo là mình không ga lăng, không quan tâm đến vợ thì oan cho mình quá. Điều cốt lõi của chuyện này là mình không bao giờ giữ tiền riêng. Tiền lương hay có khoản thu nhập nào đó, mình đều đưa hết cho vợ. Cần tiêu gì, mình bảo thị đưa tiền cho, bảo bao nhiêu thị đưa bấy nhiêu, kể cả đi sinh nhật, tặng quà cho bạn nữ. Thị cũng không cần hỏi tiêu gì, còn bao nhiêu. Nhưng mình cứ lôi ra cả nắm tiền lẻ đưa hết cho thị.

     Sự tiêu pha của mình, chuyện đóng học, may sắm cho con chẳng vì thế mà ảnh hưởng vì thị chăm cho chồng con lắm. Mình vừa đỡ phải giữ tiền, vừa giải tỏa được nỗi nghi ngờ của vợ.

     Điều quan trọng là thị cảm thấy mình có quyền. Khi giữ tiền, thị cảm thấy đó là tiền của thị, chi tiêu hoàn toàn do thị quyết định. Vì vậy, thị phải lo cho cái két của thị. Mình đã thế, thị không lo thì ai lo. Nếu mình không mua bó hoa năm chục nghìn thì có phải số tiền ấy vẫn còn trong két của thị không. Lấy tiền của thị mua quà tặng thị là một điều vô nghĩa.

     Chính vì thế mà thị khổ nhưng hình như thị không bao giờ để ý. Có lần có món tiền thưởng hai triệu, mình rủ thị đi siêu thị, bắt thị mua sắm cho bằng hết. Thứ thì thị chê xấu, thứ chê đắt cuối cùng thị mua hai món đồ nho nhỏ, hết một trăm nghìn. Vậy là trong kho của thị tăng thêm được một triệu chín nữa.

     Thị có một cái áo khoác dạ dài ngang đầu gối, giống như áo ba-đờ-xuy của ông Tây ngày xưa. Nguyên là cái áo ấy trước đây thị mua cho cái Nhớn, sau nó lớn, chê lỗi mốt, bỏ đi. Thị không dám vứt. Thị chỉ biết là thị mua cho cái Nhớn hết nửa chỉ vàng. Ai lại vứt nửa chỉ vàng đi bao giờ. Thị tiếc, trong khi cho chưa chắc đã có ai nhận. Mà giá có ai chịu nhận thì thị đã không tiếc. Vì vậy, cái sứ mạng không được lãng phí đặt lên vai thị. Trời lạnh, đi đâu thị cũng mặc, mình gọi cái áo ấy là áo Trạch Văn Đoành. Đầu tiên, thị không hiểu nên không nói gì. Đến khi mình đưa truyện Trạch Văn Đoành ra cho thị đọc, bị thị chửi cho một trận:

     -     Em không thấy cái thằng nào đểu giả như anh.

     Rồi cả hai cùng cười.

     Không phải là thị không có áo mới. Hôm tết vừa rồi, cái Nhớn mua tặng mẹ cái áo khoác rất đẹp, mang từ bên Hàn về, bị thị mắng cho:

      -     Tao không cần, mày để mà mặc, phí tiền (lại điệp khúc phí tiền)

      Cái Nhớn phải van nài:

     -     Con mua rẻ ấy mà, tính ra tiền Việt chỉ ngang với … năm mươi nghìn thôi.

      Mãi rồi thị cũng chịu nhận nhưng cất đi. Có lẽ thị đợi đến khi nào cái áo Trạch Văn Đoành nát mới chịu lôi cái áo kia ra dùng. Mà 20 năm nữa chưa chắc nó đã nát, vì nó bền lắm.

     Thị rất có uy tín trong việc giữ tiền hộ. Cháu thị ky cóp được đồng nào hay chỉ vàng nào cũng lén lút nhờ cô giữ đề phòng mẹ nó “vay”. Chị dâu thị cũng đưa tiền nhờ thị mua vàng rồi giữ hộ nhỡ tiền trong túi lại chi quá tay.

     Mình ghét nhất là mấy vị anh em ruột nhà mình. Có gì tức mình không nói ra toàn thì thọt với thị. Có lần, thị mách em trai mình về tội mình hay quát thị. Nó bơm vào:

     -   Chị cứ yên tâm, nếu anh chị có vấn đề gì thì chỉ tại ông anh em thôi. Cả nhà em ai chẳng biết tính anh ấy, chẳng ai nghĩ tại chị”.

     Lại còn bà chị gái chẳng bênh em mình thì thôi lại còn vẽ đường cho hươu chạy:

     -     Cậu ấy khó tính thế mà mợ ở được với cậu. Mợ giỏi thật.

     Thị lấy cái sự tự làm khổ mình để tự hào. Lúc nào, thị cũng cậy mình nhà quê. Thị cho như thế là hay ho lắm. Đấy là điều mình ghét nhất.

     Hồi mới bốn mươi, mình vui vẻ về hưu theo ý muốn của sếp vì mình biết mình có ở lại cũng chẳng thể nào hợp với cái ê kíp đó. Vai trò của mình ở cơ quan đã chấm dứt, níu kéo làm gì. Mình về, đi làm ăn nghiêng ngả một dạo. Đến khi mua đất, làm được nhà cho vợ con xong, sức cũng đã tàn. Vai trò của mình một lần nữa chấm dứt. Có thị, tự nhiên mình thừa ra. Mình chỉ ăn rồi viết lăng nhăng, nghe thấy bạn gọi thì hớn hở đi chơi. Mình có vắng nhà cả năm cũng chẳng ảnh hưởng gì.

     Thị cảm thấy hạnh phúc khi được tự làm khổ mình, khi được lo toan cho mọi người, khi được mọi người tin yêu, khi tự nắm trong tay “mạch máu kinh tế” gia đình. Với thị thế là mãn nguyện rồi nên thị không thiết gì ngày 8/3 là phải.

     7/3/2012
     TƯỜNG THỤY
Viết ngay trước khi bị công an Thanh Trì bắt.

6 nhận xét :

  1. Biết tự kiểm điểm nghiêm khắc nhưng cần rút kinh nghiệm sâu sắc với quần chúng không được xa...hoa nhé

    Trả lờiXóa
  2. Sao ma giong ba xa nha toi vay

    Trả lờiXóa
  3. Tường Thụy có phúc đấy, lấy được vợ đảm đang, biết lo toan thu vén dành dụm tiền bạc, được anh chị em bên gia đình chồng tin yêu. Tiết kiệm mà không bủn xỉn thì không phải là tính xấu.

    Trả lờiXóa
  4. Bác có việc gì mà CA mời vậy ? Lo cho bác !
    Vợ bác như thế là nhất rồi đấy !

    Trả lờiXóa
  5. Tuong Thuy viet hay lam!di dom,hai huoc ma CUOI RA NUOC MAT DAY!

    Trả lờiXóa
  6. Tuyệt vời, 3 bà vợ của 3 người chồng bị công an bắt ngày 8/3 có 3 tính cách khác nhau, rất khác nhau; nhưng cả 3 chị lại giống nhau vô cùng ở sự hy sinh cho chồng con. Cảm ơn các chị rất nhiều, không biết nói gì hơn thế.

    Trả lờiXóa