Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

CHUYỆN MỘT NGƯỜI DÁM CAN VUA, HẶC QUAN ĐẠI THẦN

Người dám can vua, hặc quan đại thần

Bùi Xuân Đính


Phan Thiên Tước (chưa rõ năm sinh, năm mất), người huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, từng giúp Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh. Sau khi Lê Lợi lên ngôi (Lê Thái Tổ), ông làm quan ở Ngự sử đài (cơ quan can gián vua và đàn hặc quan lại).

Sử cũ ghi nhận ông là người cương trực, gặp việc dám nói thẳng; từng dâng sớ hặc tội một loạt quan đại thần đứng đầu là Lê Thụ - Tổng chỉ huy quân đội giữ chức Tể tướng đã lợi dụng chức quyền bắt quân lính về làm việc riêng cho mình, xây nhà cao cửa rộng, tổ chức cho người nhà ra nước ngoài buôn lậu. Hơn thế nữa, Phan Thiên Tước còn dám can ngăn vua bỏ những thói hư tật xấu, khuyên vua chăm lo việc triều chính, chấn chỉnh phong cách làm việc. Đó là vào tháng Giêng năm Ất Mão, niên hiệu Thiệu Bình (năm 1435), Lê Thái Tông (1423 - 1442) lên ngôi mới vua được hơn một năm, Phan Thiên Tước thấy Vua còn trẻ, trong cách cư xử có nhiều điểm không phải tư thế và phong cách của bậc đế vương, nên đã cùng các quan trong Ngự sử đài dâng Sớ chỉ ra sáu điều “không phải” của Vua:
1. Đại thần tiến cử quan Thiếu bảo Hữu bật vào hầu giảng sách mà Vua lại đứng dậy không nghe.
2. Người bảo mẫu mà Tiên đế (Lê Thái Tổ) đã chọn làm thầy để dạy bảo Vua mà Vua lại khinh rẻ, mắng chửi.
3. Thần phi, huệ phi là bậc dì của Vua vào cung răn bảo mà Vua lại sai đóng cửa không cho vào.
4. Vua không tìm người tài giỏi, biết nói thẳng, trong khi lại đùa giỡn với bọn hoạn quan và thưởng cho họ.
5. Con em công thần vào hầu hạ Vua đọc sách mà Vua lại lánh xa họ, trong khi lại nô đùa với bọn người hầu ở trong cung.
6. Người quản lĩnh thị vệ thấy Vua không đọc sách mà cầm cung đi bắn chim, bèn hết lời khuyên can thì Vua lại lấy cung bắn vào người đó.

Tiếp đó, Phan Thiên Tước khuyên Vua nên lưu ý đến học thuật, tìm nhân tài để trị nước, kính trọng kẻ đại thần, úy lạo người có công, nghe lời nói thẳng, mở đường ngôn luận, thông hiểu tình kẻ dưới, mới có thể nối được vương nghiệp thuở trước.

Vua Lê Thái Tông xem xong tờ Sớ rất giận, vặn hỏi và sai các quan đến nhà Phan Thiên Tước buộc ông phải nói tên những người đã nói ra các việc nêu trong tờ Sớ. Phan Thiên Tước khẳng khái tâu rằng : ‘’Bọn thần muốn yêu vua nên làm hết chức trách, dù chết cũng không sợ”. Hôm sau, ông lại vào chầu và dùng các điển tích lịch sử Trung Quốc để nói với Vua : ”Ngu Thuấn (1) là bậc thánh nhân mà Bá Ích vẫn lấy việc chơi bời, trễ nải của vua để can ngăn, Đường Thái Tông (2) là bậc hiền chúa mà Ngụy Trưng vẫn dâng sớ nói mười điều chưa đúng của vua để ngăn ngừa. Bọn thần chỉ sợ nhà Vua có lỗi lầm nên hết lòng ngu dại khuyên can. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ kiếm củi, làm nghề cũng trổ hết khả năng mà thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng”. Ông còn tâu :”Sinh ra đã biết, ai bằng Nghiêu Thuấn, vậy mà vẫn lấy Quản Trù, Thành Chiêu làm thầy. Từ xưa, các bậc đế vương muốn trau dồi đức tốt, đều do bọn học giỏi mà ra. Nay bệ hạ tuổi đã lớn, đạo trị nước xưa nay chưa biết rõ hết, bọn đại thần kén chọn nho thần vào hầu bên cạnh cũng là muốn bệ hạ được như Nghiêu, Thuấn, sao bệ hạ lại có thể coi thường tôn xã mà phụ lòng trung thành của các bề tôi như vậy. Xin bệ hạ nên nghĩ đến lời gửi gắm của tiên vương thì phúc cho bốn biển và bệ hạ cũng sẽ được hưởng cái lộc sống lâu của bậc đại hiếu”.

Vua Lê Thái Tông nghe và nguôi giận, vẫn để Phan Thiên Tước giữ chức vụ như cũ.

Lời bàn:
Trên đây chỉ là lời can ngăn của vị Ngôn quan Phan Thiên Tước, song ít nhiều thể hiện quan điểm của ông về tư cách, trách nhiệm của nhà vua trước ngôi báu của mình, cũng là trước vận mệnh của dân, của nước. Đó là, chăm lo tu dưỡng, sửa đức, có thái độ đúng mực của bậc đế vương đối với người thân trong hoàng tộc, với quan lại trong triều, với thần dân; chú trọng tới học thuật, tức đường lối cai trị đất nước, tìm và sử dụng nhân tài, có chính sách đãi ngộ với các công thần, cho phép quan lại và thần dân nói thẳng, hiến kế trị nước v. v.

Câu chuyện cho thấy Phan Thiên Tước thể hiện một nhân cách dũng cảm cảu người làm quan, vì can vua nếu vua không nghe thì đồng nghĩa với cái chết, mà trong trường hợp đang bàn, Lê Thái Tông tuy nhỏ tuổi nhưng đầy khí phách của người lớn, một vị quân vương đầy cá tính hơn nữa lại rất nóng tính, sẵn sàng “trảm” ngay bất kỳ vị quan có “lời ngang ý trái” nào. Song, Phan Thiên Tước đã không sợ “đầu rơi”, dũng cảm can vua để làm lợi cho đất nước.

Câu chuyện cũng cho thấy, Lê Thái Tông dù ở ngôi vua, có “quyền sinh quyền sát” và còn ít tuổi, nhưng vẫn biết lắng nghe để sửa lỗi. Về sau, ông trở thành bậc vua tài của triều Lê Sơ.

Cho hay, một vương triều, một đất nước muốn ổn định và tiến lên thì vua phải sáng, tôi phải có trí và dũng. Nếu không, chỉ có “hôn quân, hôn quan” (vua thì lộng quyền, quan chỉ biết u mê nịnh bợ để giữ ghế) thì đó chỉ là triều đình “ba phải”, ẩn chứa đầy mầm mống rối ren, đất nước sẽ trì trệ, dân chúng chỉ được hưởng lầm than mà thôi.
B.X.Đ

(1) Ngu Thuấn : Thuấn là vua nước Ngu, một nước  tồn tại khoảng  thế kỷ XXII - XXI trước Công nguyên, xã hội được coi là “thái bình, thịnh trị” nhất trong lịch sử cổ trung đại Trung Quốc.
(2) Đường Thái Tông: làm vua nhà Đường từ năm 623 đến năm 650, đưa nhà Đường đạt đến “cực thịnh”.

11 nhận xét :

  1. Xưa và nay cũng chẳng khác nhau là mấy nhỉ ?
    Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng.

    TH

    Trả lờiXóa
  2. Kẻ dám "ăn lộc" của triều đình - nói chính xác hơn là ăn lộc của tổ quốc, của nhân dân - thì cũng dám sống chết với bổn phận và trách nhiệm. Thất đáng kính phục! Ước chi nước mình có những con đường đặt tên Phan Thiên Tước để hậu thế ghi nhớ và noi gương ông.

    Đúng là "dạy Vua từ thưở còn thơ" thật! Sáu điều đại thần Phan Thiên Tước phê bình Vua mới xem tưởng chỉ là chuyện nhỏ nhặt, nhưng nghĩ lại thì lớn vô cùng: uốn nắn ngay từ nhân cách của Vua. Vua không biết tu thân, tề gia thì làm sao mà trị quốc, bình thiên hạ? Các lãnh đạo ngày nay mấy ai dám nghe lời phê của dư luận mà tự sửa mình như Vua Lê Thái Tông nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Ngọa Long Cươnglúc 22:58 25 tháng 3, 2012

    Những tấm gương dám nói, dám can dán đã có rồi, chỉ mong có nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định vai trò và chức năng của mình ^^

    Trả lờiXóa
  4. Cụ CHU VĂN AN xin vua chém đầu 7 tên gian tặc, không được, bèn treo mão từ quan.

    Trả lờiXóa
  5. Cháu không biết có cơ quan NN nào hiện được giao vai trò Ngự sử đài XHCN?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu có cơ quan đó thì báo cáo sẽ toàn màu hồng, ca ngợi và ca ngợi

      Xóa
  6. Lao nông Hải Dươnglúc 15:03 23 tháng 10, 2012

    Còn thế kỷ 21 thì:
    10 ĐIỀU SẺ CHIA...!!

    1.- Kẻ thù lớn nhất của anh là nó.
    2.- Ngu dốt lớn nhất của đời anh là không hiểu được nó.
    3.- Thất bại lớn nhất của đời anh là không bỏ được nó.
    4.- Bi ai lớn nhất của đời anh là phải sống với nó.
    5.- Sai lầm lớn nhất của đời anh là quyết định giữ lấy nó.
    6.- Tội lỗi lớn nhất của đời anh là nghe lời nó hứa.
    7.- Ðáng thương lớn nhất của đời anh là bị nó sai khiến.
    8.- Ðáng khâm phục lớn nhất của đời anh là anh vẫn chịu được nó.
    9.- Tài sản lớn nhất của đời anh là những thứ nó đang giữ.
    10.- Khiếm khuyết lớn nhất của đời anh là anh không loại được nó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thập điều gian ác . Thế lực thù địch bày ra đó . Chớ nói đích danh không lại vào nhà đá ! Thay thế chữ " nó " bẳng " thế lực thù địch "

      Xóa
  7. Thế thì nguy to, cụ Phan Thiên Tước sống vào thời nay mà đàn hặc như thế thì sẽ bị khép tội " chống đảng và nhà nước" hay nhẹ nhất thì cũng bị xử phạt hành chính như TS Nguyễn Xuân Diện đã bị.
    À, mà không biết ngày xưa có xử phạt hành chính, khấu trừ vào lương bổng không nhỉ?

    Trả lờiXóa