Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

BBC, RFI, RFA ĐỒNG LOẠT ĐƯA TIN NÔNG DÂN KÉO VỀ HN KHIẾU KIỆN

BBC: Nông dân về Hà Nội khiếu kiện

Mâu thuẫn quanh vấn đề giải tỏa đền bù ở khu đô thị Ecopark, tỉnh Hưng Yên, đã kéo dài từ sáu năm qua.

Phóng viên AFP ở Hà Nội hôm nay cho biết những người nông dân, hầu hết là người già và phụ nữ, đứng bên ngoài văn phòng Quốc hội tại thủ đô.

Khu đô thị Thương mại và Du lịch Văn Giang (Ecopark) được quảng cáo xây dựng trên quy mô gần 500 ha, cách trung tâm Hà Nội 10 cây số. 

Trên trang web dự án, chủ đầu tư là công ty Việt Hưng (Vihajico) nói "Ecopark sẽ tạo đà phát triển mạnh mẽ cho trục kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng".

'Không chấp nhận đền bù'

Tuy vậy, theo AFP, nhiều nông dân nói công ty được trao 500 ha đất mà không có thương lượng hợp lý.

Bà Vũ Thị Thu, 63 tuổi, từ Hưng Yên, nói với AFP: "Họ lấy chừng 2,100 mét vuông đất của gia đình tôi để xây đường."

"Chúng tôi không chấp nhận mức đền bù họ đưa ra. Chúng tôi không muốn mất đất cho dự án này."

"Chúng tôi có mặt ở đây để yêu cầu chính phủ can thiệp. Chúng tôi muốn lấy lại đất nông nghiệp - cho con cháu."

Bà nói thêm rằng gia đình bà có bảy người và họ không có tiền mua đất ở nơi khác.

Các vụ biểu tình vì việc đền bù của EcoPark đã xảy ra nhiều lần trước đây, ví dụ như một vụ tương tự cũng ở trước trụ sở Quốc hội tháng Tư năm ngoái.

Bản tin của AFP nhận xét tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương ngày càng trở nên căng thẳng tại Việt Nam, nơi đất đai do nhà nước sở hữu và quyền sử dụng không phải lúc nào cũng được bảo vệ hay rõ ràng.

Chính phủ Việt Nam nói nhà nước đền bù đầy đủ cho những người phải di dời, nhưng có cáo buộc tham nhũng tiền đền bù trong giới quan chức địa phương khiến tình trạng bất ổn gia tăng.

Vụ cưỡng chế đất bạo lực với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gần đây làm nổi bật các vấn đề đất đai cũng như trong sạch hóa chính quyền.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải xử lý những người làm sai và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp.

Tuy vậy, không ít người nghi ngờ cách thức giải quyết của chính quyền Hải Phòng.

Phát biểu với báo trong nước, một đảng viên kỳ cựu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kêu gọi: "Đích thân Thủ tướng, thanh tra Chính phủ, Ủy ban giám sát kiểm tra Đảng phải về Tiên Lãng giám sát công việc."

RFI: Nông dân Hưng Yên và Đắk Nông biểu tình ở Hà Nội phản đối các vụ trưng thu đất

Các nông dân từ Hưng Yên và Đắk Nông tới Hà Nội để phản đối chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất, 21/02/2012.
Các nông dân từ Hưng Yên và Đắk Nông tới Hà Nội để phản đối chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất, 21/02/2012.
Ảnh http://anhbasam.wordpress.com

Thanh Phương
 
Theo hãng tin AFP và các nguồn tin khác từ Việt Nam, hôm nay 21/02/2012, khoảng 100 nông dân từ tỉnh Hưng Yên đã kéo đến Hà Nội, tập hợp trước trụ sở Ban Dân Nguyện Quốc hộì Việt Nam, số 35 Ngô Quyền, với các khẩu hiệu phản đối chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất để xây khu đô thị EcoPark.

Khu đô thị mới này đang được công ty tư nhân Việt Hưng xây dựng với số vốn đầu tư 250 triệu đôla. Theo những người biểu tình, chính quyền địa phương đã giao cho công ty này 500 hectare đất. Công ty Việt Hưng đã dự định khởi công xây dựng khu đô thị nói trên từ năm 2004, nhưng sau các cuộc biểu tình năm 2006, dự án đã bị đình chỉ trong một thời gian ngắn, rồi lại được tiếp tục thực hiện.

Trả lời hãng tin AFP, bà Vũ Thị Thu, giải thích rằng « Họ đã trưng thu 2.100 mét vuông đất để xây một con đường. Chúng tôi không chấp nhận mức đền bù mà họ đề nghị. Chúng tôi không muốn bị mất đất vào dự án này ». Bà cho biết : « Chúng tôi đến đây để yêu cầu chính phủ can thiệp. Chúng tôi muốn lấy lại đất canh tác cho con cháu chúng tôi. »

Ngoài những nông dân từ Hưng Yên, khoảng 200 người từ Dương Nội, Văn Giang, Đắk Nông hôm nay cũng đã tập trung trước Ban Dân nguyện Quốc hội để trình bày khiếu kiện của họ về việc bị cưỡng chế đất đai tại địa phương, qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Họ dự tính sẽ đi tuần hành quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, nhưng công an đã ngăn chận.

Những cuộc biểu tình của dân khiếu kiện đất đai Hưng Yên và Đắk Nông diễn ra vài ngày sau khi, dưới áp lực của dư luận, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã can thiệp vào vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng - Hải Phòng, nhìn nhận là chính quyền địa phương đã làm trái pháp luật. Hôm qua, theo thông báo của Uỷ ban Nhân dân Hải Phòng, huyện Tiên Lãng đã rút lại các quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn.

Trước đó, Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam đã hủy quyết định của TAND TP Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng về vụ án cưỡng chế đất đai của ông Đoàn Văn Vươn, yêu cầu xét xử lại vụ này.

Nhưng trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành trong cuộc nói chuyện ngày 17/2 tại Câu lạc bộ Bạch Đằng ( tập hợp các cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu ) lại có những phát biểu ngược lại với kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức là ông vẫn khẳng định rằng ông Đoàn Văn Vươn đã làm sai, chứ không phải là huyện Tiên Lãng. Ngay sau đó, ba đảng viên lão thành ở Hải Phòng đã gởi thư lên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội để phản đối phát biểu của Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.
Nguồn: RFI Việt ngữ

RFA: Dân oan các tỉnh tập trung khiếu kiện tại Hà Nội
2012-02-21
Theo tin RFA nhận được, vào lúc khoảng 12 giờ trưa hôm nay, thứ Ba, mấy trăm dân oan mất đất từ ba vùng: tỉnh Dak Nông, Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) tập trung tại Văn phòng Quốc hội ở số 35 Ngô Quyền, Hà Nội để đòi quyền lợi.

Hàng trăm dân oan mất đất từ ba vùng: tỉnh Dak Nông, Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) tập trung tại Văn phòng Quốc hội ở số 35 Ngô Quyền, Hà Nội. 

Xác nhận tin này với chúng tôi, một người dân oan từ đoàn Văn Giang cho biết:

“Đúng rồi đó. Người ta đều đi đòi quyền lợi cả nên tập trung lại thành một nhóm. Họ lấy đất ba năm nay mà không nói gì cả thì chúng tôi đòi thôi”.

Cũng theo người này, mỗi đoàn có khoảng 300 người. Trong hôm nay, họ sẽ đi đến tất cả các cơ quan nhà nước bao gồm văn phòng quốc hội, báo chí, các trụ sở tiếp dân… Mục đích của họ là gởi văn bản, đơn từ khiếu nại… để yêu cầu thúc đẩy quá trình giải quyết cho bà con.

Tôi đang ở số 35 Ngô Quyền. Rất đông, có cả nghìn người tập trung để đòi quyền lợi. Bà con bị mất hết đất. Họ cứ thế là họ thu hồi. Bây giờ người dân rất đói khổ, đi đòi quyền lợi đến gần chục năm nay. Bản thân tôi là cũng đi 4 năm rồi. Nhưng họ chẳng giải quyết cho dân
Dân oan Dương Nội
Một người dân oan khác từ đoàn Dương Nội cũng cho đài RFA biết:

 “Tôi đang ở số 35 Ngô Quyền. Rất đông, có cả nghìn người tập trung để đòi quyền lợi. Bà con bị mất hết đất. Họ cứ thế là họ thu hồi. Bây giờ người dân rất đói khổ, đi đòi quyền lợi đến gần chục năm nay. Bản thân tôi là cũng đi 4 năm rồi. Nhưng họ chẳng giải quyết cho dân để bây giờ hết sạch tư liệu sản xuất. Cả bao nhiêu cánh đồng lúa mênh mông sắp thu hoạch mà họ cho mười mấy xe ủi vào ủi hết lúa của dân. Bây giờ chúng tôi đói khát, chẳng biết làm gì, chỉ biết kêu chính phủ, quốc hội giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho dân”.

Theo những người tham gia đoàn người cho biết, thời điểm bà con tập trung đông người để chuẩn bị đi gõ cửa các cơ quan tại Hà Nội thì cảnh sát cũng đã có mặt.

Hình chụp từ một người chứng kiến sự kiện được đăng trên Facebok cho thấy nhiều cảnh sát và một chiếc xe buýt lớn cũng đậu sẵn để chắn người qua lại. Tuy nhiên, theo lời một người thuộc đoàn Dak Nông thì cảnh sát không gây

khó khăn mà chỉ yêu cầu họ đi trên lề đường, không kích động và giữ trật tự.
Mất đất thì chúng tôi còn khổ hơn cả chết. Sống là phải có đất cho nên chúng tôi quyết tâm đến cùng là đòi lại tư liệu sản xuất. Chúng tôi tuyên bố với chính quyền là nếu không giải quyết cho bà con thì chúng tôi sẽ ra TW tuyệt thực, tự thiêu...
Dân oan Dương Nội
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tập trung đông người ở các cơ quan TW Nhà nước hay ĐCSVN tại Hà Nội. Tuy nhiên, sự việc được giải quyết một cách chậm chạp, trì trệ. Một người thuộc đoàn Dương Nội cho biết họ sẽ tự thiêu nếu không được giải quyết thỏa đáng:

“Mất đất thì chúng tôi còn khổ hơn cả chết. Sống là phải có đất cho nên chúng tôi quyết tâm đến cùng là đòi lại tư liệu sản xuất. Chúng tôi tuyên bố với chính quyền là nếu không giải quyết cho bà con thì chúng tôi sẽ ra TW tuyệt thực, tự thiêu để Đảng và Chính phủ thấy nhằm cứu lại những nơi sắp bị cưỡng chế khác”.

Được biết, những người này đại diện cho khoảng 10 ngàn hộ mất đất tại Dak Nông, Dương Nội và Văn Giang.


5 nhận xét :

  1. Các quan trên giăng khẩu ngữ : Công Bằng-Dân Chủ-Văn Minh . Nhưng sử dụng quan dưới thì trình độ tầm tầm dốt - phát ngôn thì tầm phào - ăn chơi thì quá tầm bậy - Xem dân là đồ tầm thường .

    Trả lờiXóa
  2. Cán bộ lão thành cách mạng, 66 năm tuổi Đảnglúc 08:33 22 tháng 2, 2012

    Thưa anh Diện,
    Trước hết chúc anh khỏe mạnh, tiếp tục có tinh thần gang thép.
    Năm nay tôi 85 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng, hiện sức khỏe rất yếu do bị tai biến cách đây 8 năm.
    Tôi xin trình bày vắn tắt sự việc của nhà tôi:
    Bố mẹ tôi để lại ngôi nhà tại 300 Ngọc Lâm, Long Biên. Khi cả nhà tham gia cách mạng, Nhà nước quản lý nhà theo diện vắng chủ năm 1960. Năm 1985 tôi xuất ngũ với hàm Trung tá. Tôi đòi lại nhà (gian truân lắm). Khi Nhà nước trả lại nhà vẫn có5 gia đình ở thuê (trước Nhà nước cho họ thuê). Tôi kiện ra Tòa, đòi lại được (khổ ải vô cùng trong 8 năm). Khi "thu hồi" được nhà do cha mẹ để lại, đang vui, chưa kịp sửa sang thì đùng một cái UBND quận Long Biên có quyết định thu hồi 23,5m2 trên tổng số 150m2 của tôi (định cho một người có quan hệ với Quận và cũng là người bị tôi kiện đuổi ra khỏi nhà năm 2000). Tôi khiếu nại vì quyết định "trấn lột" đó quá trơ trẽn. Tôi khiếu nại, họ giữ nguyên quyết định. Tôi kiện ra tòa hành chính (Tòa án ND quận Long Biên). Họ sợ phải tranh luận trước Tòa vì họ quá sai. Họ bảo Thẩm phán nói với tôi là họ đã rút quyết định nên đề nghị tôi rút đơn kiện. Tôi tin họ và tin thẩm phán, rút đơn. Té ra sau đó vài ngày họ ra Quyết định kiểu trẻ con. Điều 1 Quyết định này tuyên hủy Quyết định mà bị tôi kiên, nhưng lại có Điều 2 "thu hồi 15m2. Tôi không thấy đâu trên trái đất này lại có cái quyết định như trẻ con vậy.
    Tôi khiếu nại ngay lập tức và họ "im bặt" từ năm 2005 cho đến nay.
    Cái quan trọng hiện nay là, sau khi tôi nhận lại nhà và phải qua một vụ kiện dân sự nữa để chia thừa kế. Tôi đã nhận phần thừa kế của tôi theo đúng Bản án có hiệu lực pháp luật. Tôi làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ phần diện tích tôi được hưởng thừa kế theo bản án có hiệu lực pháp luật. Đã 3 năm rồi mà họ vẫn thù không cấp (tôi nghĩ người ta hay nói đến “tư thù”, tức là cá nhân với nhau mà trong trường hợp này lại là “công thù”, tức là cơ quan công quyền thù caông dân). Họ đã vi phạm pháp luật. Khiếu nại họ không trả lời. Không trả lời thì tôi kiện ra tòa hành chính về hành vi hành chính (pháp luật mới cho phép thế). Nộp hồ sơ. Thẩm phán nói đã đầy đủ. Chờ. 2 tháng sau thẩm phán trả lại hồ sơ. Thẩm phán cũng sai (có lẽ đã có sự bắt tay của Tòa án với Ủy ban nhân dân quận). Mọi thứ treo lơ lửng trên trời.
    Trước khi nhắm mắt tôi muốn nhìn thấy cái sổ đỏ mà 65 năm theo Đảng, 30 năm theo kiện. Vẫn chưa thấy tia hy vọng. Quá bất công!
    Tôi rất muốn anh giúp đỡ tôi, bằng cách nào đó vì tôi không có khả năng như anh Vươn và bà con mất đất kéo đến Văn phòng Quốc hội.
    Cám ơn anh!
    Kính anh,
    Nguyễn Ngọc Tưởng
    Cán bộ Lão thành cách mạng, 85 tuổi, 66 năm tuổi Đảng

    Trả lờiXóa
  3. tôi là người dân huyện văn giang.tôi đã chưng kiến cách hành sử của huyên văn giang và tỉnh hưng yên. thật không thể chấp nhận được.họ còn dùng cả xã hội đen để đe dọa và hành hung người dân.rồi ban đêm cho xe ủi vào san phẳng tât cả tài sản của dân.bị dè nén,họ đi chung ương kêu cứu thì chỉ nhận được sự im năng.người dân ở đó đã hoàn toàn không còn tin vào chính quyền nữa rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Nông Dân tâm sựlúc 14:30 22 tháng 2, 2012

    Hãy đọc những lời ca đau buồn, khắc khoải và day dứtkhôn nguôi trong bài hát À í a của nhạ sỹ Lê Minh Sơn:

    Bên cạnh làng tôi, đất bán hết rồi, chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa.
    Bên cạnh làng tôi, yếm thắm lụa đào, ngực cau nhu nhú đã vội đi xa.
    Ngày xưa, lũ chim về đây. Những bông cỏ mây lay động bờ đê.
    Ngày xưa, tiếng ru mẹ ru, Tiếng ru mỏng manh lay động nhà tranh.
    Rặng tre hát giữa trưa hè, tiếng con sáo sậu, gỗc rễ về đâu.
    Đàn trâu lững thững qua cầu. Đất bán hết rồi, đàn trâu về đâu?
    À í a...

    Trả lờiXóa
  5. Đọc thấy thương dân Việt nam mình quá đi-Dân mất đất thì đi nhờ nhà văn, nhà thơ chứ không phải nhờ tòa án. Suy nghĩ tới lui một chút lại không dám nghĩ nửa thì thấy mình phản động rồi

    Trả lờiXóa