Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

SỐ PHẬN LÊ CHIÊU THỐNG VÀ ĐOÀN TỎNG VONG TRÊN ĐẤT TÀU

Lê Chiêu Thống tới bản doanh quân Thanh. Nguồn: Wikipedia/Lê Chiêu Thống

SỐ PHẬN LÊ CHIÊU THỐNG VÀ ĐOÀN TÒNG VONG
TRÊN ĐẤT TRUNG QUỐC

Đào Tiến Thi

Bài đăng lần đầu lúc 11:59, ngày 27.1.2012

Bất cứ ai, chỉ cần qua ghế nhà trường cấp 2, cũng đều biết chi tiết trưa ngày mùng năm Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung cưỡi voi, áo bào xạm đen khói súng, tiến vào Thăng Long, kết thúc cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ có 5 ngày, sớm hơn 2 ngày so với dự định (lúc khao quân ở Nghệ An ngày 30 Tết, Quang Trung hẹn ngày mùng 7 Tết vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng).
Nhưng có lẽ ít ai biết về số phận của ông vua phản bội Tổ quốc Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong của ông ta sau cuộc thua tan tác này. Chúng tôi xin lược qua 15 năm sống (và chết) nhục nhã (và phần nào đáng thương) trên đất Trung Quốc của họ. 

Bài viết dưới đây tổng hợp từ Hoàng Lê nhất thống chí [i] (HLNTC), Bắc hành tùng ký (BHTK), có tham khảo thêm các giáo trình lịch sử Việt nam và từ điển mở Wikipedia. Trong số này đặc biệt chú ý là Bắc hành tùng ký, bởi nó là cuốn nhật ký của Lê Quýnh, nhân vật quan trọng nhất trong đoàn tùy tùng của Lê Chiêu Thống, ghi lại những ngày ông bị giam cầm trên đất Trung Quốc.
Cầu cứu nhà Thanh
Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em Tây Sơn giao lại Bắc Hà cho vua Lê (1786), rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị, hiệu là Chiêu Thống, năm ấy 21 tuổi. 
Nhưng Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất nước. Bắc Hà rơi vào loạn lạc, Lê Chiêu Thống phải hết dựa vào thế lực này đến thế lực khác, từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Chỉnh bị Võ Văn Nhậm diệt, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Quảng Tây, Trung Quốc, cầu cứu nhà Thanh.
Nhân cơ hội ấy, quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang. Ngay khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Vua ta phải hằng ngày vào chầu chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. “Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng:
"Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?". Lại có hôm, vua tới yết kiến, Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh các truyền bảo: "Hôm nay không có việc quân, việc nước gì. Hãy về cung yên nghỉ!" (HLNTC). Đối với quân lính và bọn người Hoa ở Việt Nam, thì y lại dung túng cho chúng mặc sức làm điều phi pháp. Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy, nhưng đã trót mời quân Thanh sang, chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng, nên không dám nói gì.
Chạy theo tàn quân Thanh
Sau khi quân Thanh đại bại, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến và các bề tôi trung thành lại chạy theo sang Trung Quốc, hy vọng cầu viện nhà Thanh một lần nữa.
Nhưng lúc này, tình hình đã khác. Quân Thanh, mà thực chất là quân 4 tỉnh gần Việt Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu), sau những trận Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa,… đã trở nên khiếp sợ vua Quang Trung và quân Tây Sơn. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi quân ta đuổi chúng đến Lạng Sơn, đã nói phao lên rằng: “Sẽ giết hết rợ Hung Nô”. Do đó, ở đất Trung Quốc, “dân chúng lại càng nhốn nháo. Từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái già trẻ, bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người” (HLNTC). Tôn Sỹ Nghị bị cách chức, vua Càn Long cử Phúc Khang An là một người thuộc đội “cờ viền vàng”, được vua rất tin dùng, làm tổng đốc Lưỡng Quảng, thay mặt triều đình lo việc kinh lý với An Nam. Ở triều đình thì việc này giao cho Hòa Khôn (tức Hòa Thân, viên quan nổi tiếng tham nhũng nhưng lại được vua Càn Long tin dùng) trực tiếp phụ trách. Cả hai tên này đều không thích gì việc đánh Việt Nam.
Mặt khác, sau đại thắng, Quang Trung tìm cách hòa hiếu. Ông sai Ngô Thì Nhậm thảo thư gửi Phúc Khang An, nói rõ ta không có ý đánh nhau mà thực ra lỗi thuộc về Tôn Sỹ Nghị. An bày cho ta đưa vàng bạc đút lót cho Hoà Khôn. Khôn liền tâu với vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang Trung. Khôn nói: "Từ xưa đến nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành". (HLNTC)
Ngô Thì Nhậm cho Nguyễn Quang Thực, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, giả làm Quang Trung, sang yết kiến vua Thanh, dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói.
Đến Yên Kinh, “vua” Quang Trung (giả) được đón tiếp rất chu đáo (Càn Long không biết hay biết nhưng cố tình lờ đi?), được phong vương. Và như vậy số phận Lê Chiêu Thống đã sắp được định đoạt mà y không biết.
Bị ép gọt đầu gióc tóc
Trong khi ấy, Phúc Khang An giả vờ bảo Lê Chiêu Thống:
“Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. "Việc binh không ngại dùng cách xảo trá". Vương nên nghĩ tới chỗ đó.
 

Lê Chiêu Thống tưởng thật, vâng lệnh ngay, lại còn nói:
“Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc, cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?” (HLNTC)
Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, nói rằng vua An Nam không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp phương Nam.
Lừa được Chiêu Thống rồi, Khang An còn chơi trò làm nhục ông vua lưu vong bằng cách bố trí cho Chiêu Thống chạm trán phái đoàn sứ bộ của Quang Trung, làm cho Chiêu Thống rất tức tối.
Sau đó Khang An lại tìm cách ly gián Lê Chiêu Thống với các bề tôi còn chút tinh thần dân tộc. Trong số bề tôi này, đáng chú ý nhất là Lê Quýnh.
Nguyên Quýnh đã từng theo Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh năm 1788. Lúc quân Thanh kéo vào nước ta, Quýnh được dịp thả sức say mê tửu sắc, “ân oán riêng dù bằng cái tơ, sợi tóc cũng đều đền báo không hề sót” (HLNTC).
Khi vua chạy theo tàn quân Tôn Sỹ Nghị, Quýnh được giao ở lại để chiêu mộ lực lượng trong nước.
Tháng 5-1789, Khang An cho trát đòi bọn Quýnh sang “bàn việc nước”. An cho giải Quýnh loanh quanh, mãi tháng 9 mới cho gặp, nhưng rồi “việc nước” chỉ là ép Quýnh gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc như người Thanh mà thôi. Quýnh cùng hiệp trấn Nguyễn Mậu Nễ, tri phủ Nguyễn Đồng, Trịnh Hiến, chỉ huy Lê (Doãn) Trị, hàn lâm viện cung phụng Lý Bỉnh Đạo, cả bọn thà chết chứ không chịu gọt đầu gióc tóc.
Quýnh và nhiều đồng chí của mình bị đi đày. Trong số này, Nguyễn Đồng bị bệnh chết ở châu Nam Ninh, Nguyễn Mẫu Nễ chết ở Liễu Châu.
Cuối cùng, Khang An cũng nói trắng với bọn Quýnh là thiên triều đã phong vương cho Quang Trung rồi, nay chẳng những nhà Thanh không kéo quân sang giúp nhà Lê mà bọn Quýnh cũng không thể nào về nước được nữa. Tốt nhất là ở lại Trung Quốc, An sẽ xin vua Thanh bổ dụng.
Nhưng Quýnh chối từ: “Lưu lại nội địa, không phải sở nguyện của chúng tôi. Vì lưu lại đây, thì bỏ việc nước không hỏi đến, ấy là bất trung. Bỏ cha mẹ không đoái đến, ấy là bất hiếu. Phụ những kẻ đồng tâm chết với nước, ấy là bất nghĩa. Lỡ lòng mong cứu khỏi đắm, chữa khỏi cháy, ấy là bất nhân. Vì nước mà đổi thành bán nước, ấy là bất trị. Liều mình mà trái lại giấu mình, ấy là bất dũng, mang đủ sáu điều đó, sao xứng được làm người? Trung Hoa tuy rộng, cũng không đất dung những đồ chó lợn ấy” (BHTK).
Quýnh bị đày đi Quảng Đông (có sách nói là Sơn Đông). Tháng 3-1790, nhân xa giá vua Thanh đi Đông tuần, Quýnh được gặp Càn Long. Càn Long bảo: “Chúng bay không vì sự thịnh suy mà tiến thoái, khá khen lòng thành giữ trung nghĩa. Trẫm không nỡ khép tội". Nhưng lại vẫn ép: “Chủ các ngươi đã xin yên ổn ở lại Trung Quốc, lũ các ngươi giốc lòng cùng theo, thì nên lập tức gọt đầu gióc tóc, đổi đồ mặc để chờ mệnh lệnh” (BHTK).
Nhà Thanh đưa Quýnh lên Yên Kinh. Tại đây chúng vẫn tiếp tục ép Quýnh gọt đầu gióc tóc. Quýnh vẫn chống lại. Quýnh thuyết phục bọn quan lại nhà Thanh rằng chữ trung mình đã không giữ được thì xin cho về phụng dưỡng mẹ già để vẹn chữ hiếu. Bọn chúng bảo: “Chúa các anh ở đây, mà các anh không theo, thế thì trung được sao?”. Và bố trí cho vua tôi gặp nhau.
Tại cuộc gặp, các quan nhà Thanh cố lấy lời khéo dỗ vua Lê bảo bọn Quýnh cắt tóc. Bọn Quýnh khóc, lạy mà nói rằng: “Bọn Quýnh sống làm tôi nhà Lê, chết làm ma nhà Lê. Ngoài ra thì không phải sở nguyện” (BHTK)..
Các quan nhà Thanh mắng: "Mệnh chúa anh, anh cũng không theo. Ấy há là đạo của kẻ làm tôi sao?" (BHTK). Quýnh trả lời: "Bổn phận kẻ làm tôi thờ vua vốn phải theo mệnh, nhưng cũng phải theo lẽ buộc đừng theo. Nếu có thể nhờ vậy mà không phục mệnh vua, thì ấy cũng là theo mệnh vua đó. Nay, cái mệnh bảo cắt tóc, ở miệng thì là mệnh, nhưng trong tâm thì không phải là mệnh. Bọn Quýnh nguyện theo cái mệnh trong tâm của chúa mình, kẻo chúa cũng bất đắc dĩ mới phải làm cái sự (các ngài) yêu cầu đó mà thôi" (BHTK).
Bọn quan nhà Thanh tiếp tục giam lỏng Quýnh. Cuối năm đó lại dụ Quýnh: “Cạo đầu thì vua tôi cha con sẽ đoàn tụ vui vẻ cùng nhau. Sao mà cứ một mực ngây ngốc, không chịu theo gần nhân tình đến thế?”. Quan bộ đường đề thẩm, chức thượng thư là Hồ Quý Đường, bảo rằng: “Các anh nếu không cạo tóc thì sẽ chết già trong ngục, chôn thây theo sở nhà tù. Cắn rốn (hối hận) sao kịp?” (BHTK).
Quýnh và ba người nữa tiếp tục bị giam. Đầu năm 1799, Quýnh lại làm tờ tâu:
“Chúa cũ là tôi con thiên triều. Quýnh là dân của chúa cũ, thì không những nghĩa và lý đáng phải tránh làm dân Nguyễn Huệ, mà tấc lòng tôi cũng không thẹn. Cúi xin trời che, đất chở, khí xuân nuôi, lòng bể chứa, bằng lòng cho bọn Quýnh về làm tên dân ở biên giới Lưỡng Quảng, được qua lại (đường ranh) buôn bán gần chỗ an trí. May chi được thăm viếng mẹ già và nuôi nấng, thì không còn điều gì oán tiếc. Nếu sức có thể đem gia quyến tới ở nội địa, thì cũng xin được tuỳ tiện mà làm..." Quan tả thị lang họ Hùng bảo: “Phải xin cắt tóc và xin cho ở cạnh doanh An Nam. Nếu không như thế, thì sẽ bị đưa an trí ở Nhiệt Hà. Các anh xin điều nào?”.
Bọn Quýnh lại trả lời như trước rằng:
“Xin thả ra để đem thân xác về. Được thế thì nguyện cắt tóc để tạ ơn trời. Nếu không được thế, thì xin giữ tóc để hợp lẽ trời” (BHTK).
Tuyệt vọng
Lại nói về Lê Chiêu Thống, trong thời gian ở Yên Kinh vẫn tiếp tục dâng biểu xin nhà Thanh cho viện binh về nước khôi phục nhà Lê. Nếu không được thì cũng cho mượn 2 châu Tuyên Quang, Hưng Hóa để xây dựng lực lượng, hoặc lẻn vào Gia Định cầu viện Nguyễn Ánh.  Bọn quan nhà Thanh thì luôn tìm cách dối quanh để khất lần. Có lúc chúng bảo cho mượn đất Khâm Châu (Quảng Đông), có lúc bảo cho về Tuyên Quang. Có lần, bực quá, một tên dắt ngựa của vua Lê là Nguyễn Văn Quyên, phải chửi: “Bọn chó Ngô vô lễ, dám làm nhục vua ta”, rồi lấy gạch ở sân ném bừa vào bọn chúng. Đám quân lính giữ vườn nổi giận, xúm lại đánh Văn Quyên gần chết, đoạn bắt giam một tháng, Văn Quyên nhân thế bị bệnh mà chết.
Một người con của Càn Long biết sự tình của vua tôi Lê Chiêu Thống, có ý thương xót, liền khuyên Hòa Khôn lời lẽ phải chăng. Khôn tâu lại với vua, anh này liền bị đánh đòn, sau sinh bệnh chết. Từ đấy, vua Lê không còn dám nói đến việc xin quân cứu viện nữa, nhưng trong lòng uất ức khôn nguôi.
Mùa hè năm Nhâm Tý (1792), con đầu của Lê Chiêu Thống lên đậu rồi mất. Vua lo buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt không dậy được. Năm sau, bệnh nhà vua càng nguy kịch, rồi mất (Càn Long thứ 58, 1792), thọ 28 tuổi.
Ngày 11-10, niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh (1799), Thái hậu (mẹ Lê Chiêu Thống) cũng mất ở "Tây An Nam doanh". Vua Thanh cho chôn cạnh lăng Lê Chiêu Thống.
Ngày mồng 4-4 năm Gia Khánh thứ 5 (Canh Thân, 1800), bọn Quýnh được thả ra khỏi ngục, dời đi ở cách phía tây kinh thành mười hai dặm, tại Lam Xưởng, an trí ở doanh Hoả Khí ngoài. Đầu tóc, ăn mặc được phép tự do. Phần mộ chúa cũ, được phép thăm viếng. Quýnh liền làm một bài thơ, trình quan bộ Hình và quan coi ngục. Bài thơ có câu rằng:
Kéo tóc khôn đền mưa móc mới,
Ngoảnh đầu sợ phụ núi sông xưa.

Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt lại.
Trở về cố quốc
Năm Giáp Tý (1804), lúc này triều Tây Sơn đã mất, Nguyễn Ánh lên ngôi vua.  Nhà Thanh cho Lê Quýnh cùng các quan tòng vong được đưa di hài Chiêu Thống về táng ở quê nhà và cho tất cả các người bề tôi trốn theo đều được về nước. Các bề tôi mở quan tài vua Lê Chiêu Thống (đã quàn 12 năm) thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ có trái tim không nát, mà sắc máu hầu như vẫn còn đỏ tươi! (chi tiết này ghi trong HLNTC, không rõ thực hư thế nào).
Khi di hài vua Lê đưa về đến cửa ải, có bà hoàng phi của vua là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, hằng ngày vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 23-8-1804, di hài đưa về đến Thăng Long, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên.
Tế xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết, rồi sau đó, uống thuốc độc tự tử. Người khắp nước ta và người Trung Quốc đều khen là bậc “tiết nghĩa”.
Các bề tôi trốn theo vua Lê, về sau, vào năm Tự Đức thứ 14 (1860), được nhà vua cho lập đền thờ ở phía tây thành Thăng Long, tại phường Thuỵ Chương, thuộc huyện Vĩnh Thuận. (Có tài liệu cho là ngõ 124, đường Thụy Khê, Hà Nội ngày nay). Chính giữa thờ Lê Quýnh (thuỵ là Trung Nghị), bên tả thờ 11 vị, bên trái thờ 11 vị, phía đông thờ 5, phía tây thờ 5. Như vậy tất cả gồm 33 người, đều được gọi là “Cố Lê tiết nghĩa thần” (các bầy tôi tiết nghĩa đời Lê) và ngôi đền cũng đề là “Cố Lê tiết nghĩa từ” (đền thờ các bậc tiết nghĩa đời Lê).
Theo chúng tôi, Lê Quýnh và một số “tiết nghĩa” nói trên chỉ đáng khen mỗi việc kiên quyết không gọt đầu gióc tóc như người Thanh, dù bị tù đày, đe dọa, mua chuộc thế nào, chứ hành động bán nước là không thể tha thứ. Mặt khác, tình cảnh của họ cũng như vua Lê những ngày sống lưu vong và bị giam cầm trên đất Trung Quốc cũng có phần đáng thương. Nhận định về Bắc hành tùng ký, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na viết: “Tác giả đã ghi lại tâm trạng đau khổ, uất ức, tủi nhục của mình nói riêng, của vua tôi nhà Lê nói chung trong những ngày sống trên đất Trung Hoa. Tác phẩm như một tấm gương phản tỉnh những ai có ảo tưởng “phục quốc” bằng con đường dựa vào người nước ngoài”[ii].
Đ.T.T



[i] Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm tuy viết theo hình thức tiểu thuyết chương hồi nhưng thực chất là một ký sự lịch sử ghi chép người thật việc thật.
[ii] Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nxb Giáo dục, 2001.

62 nhận xét :

  1. Vụ cưỡng chế đất: Mặt trận có quan tâm Tết đối với gia đình ông Vươn?

    (VOV) - Bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết, mấy ngày tết vừa qua, bà không hề có cơ quan đoàn thể hay cán bộ MTTQ của xã, huyện hay TP đến thăm hỏi.
    ...
    http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/vov.vn/Vu-cuong-che-dat-Mat-tran-co-quan-tam-Tet-doi-voi-gia-dinh-ong-Vuon/7771900.epi

    Trả lờiXóa
  2. kẻ nào bán nước cầu vinh hãy nhìn gương này

    Trả lờiXóa
  3. Đầu Xuân mở mang được tầm mắt.

    Trả lờiXóa
  4. Trần Mạnh Đức
    Ngươì xưa có câu :Dũ Hậu Quang Tiền,nôm na là sau soi gương sáng người trước.Lê Chiêu Thống,
    ắt là tấm gương mờ,nên tránh.Lịch sử công bình
    và dữ dội.Cẩn trọng trong kiếp người,đặc biệt là
    đang được làm cha mẹ nhân dân.

    Trả lờiXóa
  5. Những kẻ bán nước đều sẽ có kết cục như Lê Chiêu Thống.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết hay, nhưng xin xem lại chỗ này
    "Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt lại."
    chắc là 7-1803, nhầm chăng?

    "vào năm Tự Đức thứ 14 (1860), được nhà vua cho lập đền thờ" tức là chết rồi, làm sao bị bắt. Mà bị bắt lúc đó thì chắc là vua Tự Đức bắt mà thôi.
    Xin tác giả coi lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoa Hòe phát hiện đúng. Phải là 1803. Bài viết gấp nên còn khá nhiều lỗi morat, đã gửi bản mới cho TS.Diện nhưng chắc TS.Diện đang ốm nên chưa kịp sửa.Tuy nhiên cái lỗi trên thì lúc tôi soát lại vẫn bỏ sót.
      Cảm ơn bác Hoa Hòe nhiều.

      Xóa
  7. Thuở nhỏ, trong trí tôi cho đến nay còn in đậm câu:
    "Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà"
    Có lẽ đó chừng cũng là số phận chung của những ai hành động như thế với tổ quốc mình.
    Mấy ngày Tết đọc lại sử ta cũng là nghẫm ra điều hay dở vậy...

    TH

    Trả lờiXóa
  8. "Theo chúng tôi, Lê Quýnh và một số “tiết nghĩa” nói trên chỉ đáng khen mỗi việc kiên quyết không gọt đầu gióc tóc như người Thanh, dù bị tù đày, đe dọa, mua chuộc thế nào, chứ hành động bán nước là không thể tha thứ. Mặt khác, tình cảnh của họ cũng như vua Lê những ngày sống lưu vong và bị giam cầm trên đất Trung Quốc cũng có phần đáng thương. "

    Việc cầu viện nước ngoài, xưa nay cũng không hiếm, và đều bị nhân dân, lịch sử phê phán nặng nề, Gia Long cũng là một ví dụ điển hình, chỉ có điều, Gia Long thì thành công, còn Lê Chiêu Thống thất bại. Những cuộc chiến nội bộ vẫn luôn xảy ra. Tầm vóc lịch sử và võ công của Quang Trung quá lớn lao, đã làm hình ảnh Lê Chiêu Thống càng ti tiện.

    Đối với Lê Quýnh, nên cảm thông hơn là oán trách, bày tôi thờ chủ, phải theo chủ thôi, có thể trong con mắt của các nhà sử hiện đại, Lê Quýnh chỉ đáng khen ở việc không gọt tóc, nhưng tôi cho rằng, ông ta còn đáng khen ở chữ "trung quân", dù "quân Lê Chiêu Thống" không ra gì.

    Lê Chiêu Thống bán nước, cõng rắn cắn gà nhà, nhưng ông ta minh minh bạch bạch hành vi của mình, so với những kẻ nào đó mở mồm yêu nước thương dân mà ngầm bán , mà gán từng thước đất, thì Lê Chiêu Thống còn hơn tầm.

    Trả lờiXóa
  9. Lê Chiêu Thống từ xưa đến nay vẫn bị tiếng là"cõng rắn cắn gà nhà".Nhưng theo như tôi đã đọc,thì lỗi này khởi nguồn không phải từ Lê Chiêu Thống,mà việc cầu viện Trung Hoa là do bà thái hậu,mẹ của vua Lê Chiêu Thống và một số quan nhà Lê,trong đó có cả Lê Duy Án là chú của Lê Chiêu Thống.Chính những người này đã trực tiếp gặp Tôn Sĩ Nghị để thương thảo,cầu viện.Lê Chiêu Thống không qua Trung Hoa cầu viện,nhưng vì ở thế cùng nên cũng chấp thuận theo mẹ và các quan trong triều.Hơn nữa Càn long cũng lấy đây là cái cớ,thực chất Trung Hoa cũng đã có ý đồ xâm lược Đại Việt để mở mang thêm bờ cõi.
    Việc"mượn gió bẻ măng"của những kẻ tham lam,luôn là bài học cảnh giác cho VN ta đến tận bây giờ.

    Trả lờiXóa
  10. Và tác phẩm còn là một tấm gương cảnh tỉnh những ai có ảo tưởng bằng con đường dựa vào bọn phương bắc với 16 chữ vàng 4 tốt.

    Trả lờiXóa
  11. "Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt lại", phải chăng là 7-1803?

    Vua Lê Chiêu Thống đã không tự lượng sức mình, ảo tưởng vào lòng tốt của "Thiên Triều" nên có kết cục thật đáng thương. Bầy tôi nhà vua, chỉ biết trung với vua theo kiểu "còn vua còn mình" nên cũng chỉ là những kẻ "sống mòn" một cách nhục nhã nơi đất khách quê người...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác nghiepvupham58
      Mong bác mang được ý tưởng đó trong giảng dạy, làm cho con trẻ biết đưa ra các phản biện để cùng thống nhất vấn đề.

      Vì không được phản biện nên mấy lãnh đạo nhà ta đưa Tấm Cám vào giảng dạy và đến nay còn định thay đổi hồi kết.

      Theo tôi nếu trong giảng dạy trẻ biết phản biện là giáo viên không thể chủ quang trong giảng dạy....nền giáo dục nhồi sọ học sinh.
      Cám ơn bác đã đọc

      Xóa
  12. http://thanhvdgt1.blogspot.com/2012/01/ky-niem-lao-chai.html

    Trả lờiXóa
  13. tiên tổ đã dạy ;
    đất nước nam vua nam ở
    rành rành định phận ở sách trời
    ...........
    ai có ý đồ mà bán nước thì hãy lấy lê chiêu thống làm gương

    Trả lờiXóa
  14. Anh Diện cho phép em đưa bài viết này về trang nhà nhé. Cảm ơn anh và cảm ơn tác giả đã viết một bài khá công phu.

    Trả lờiXóa
  15. Than ôi, cuộc đời dâu bể. Chuyện nổi chìm là lẽ đương nhiên. Vì quyền lợi cá nhân, vì quyền lợi dòng họ mà nỡ để cho trăm họ lầm than thì thật là tội lỗi. Như vua tôi Lê Chiêu Thống thật là kẻ muôn đời bị nguyền rủa vậy.

    Trả lờiXóa
  16. VỊNH CHIÊU THỐNG

    Nhục nhã làm sao Chiêu Thống ơi
    Làm vua bêu xấu đến muôn đời
    Giữ không được Nước hùa theo giặc
    Khí phách còn đâu ? đứng giữa trời

    Trả lờiXóa
  17. Các vị nhầm rồi! ngày đó làm gì có nhà băng Thụy sĩ! Ngày trước bán nước thì thân tàn ma dại còn bây giờ bán nước thì vinh hoa phú quý nơi đất người. Để mà xem nhé! chờ nhé.

    Trả lờiXóa
  18. Quang Trung thần tốc nhưng Lê chiêu Thống và đám tòng vong còn kịp dắt díu nhau sang tàu. Ngày nay,có chuyên cơ nhưng chưa chắc chạy kịp à! Phải chuẩn bị thêm nhiều phương án 'di tản'khác,chú V nhé!

    Trả lờiXóa
  19. Nên xem lại ngày tháng năm trong bài, có thể chưa chính xác (do đánh máy), ví dụ "Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt lại". Có lẽ là 1803?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, lỗi đánh máy bác ạ, phải là 1803. May mà chỗ này đa số độc giả đều suy ra được. Tôi cũng đã đính chính sau comment của bác Hoa Hoe (11:24 PM ngày 26.1)
      Cảm ơn bác TT

      Xóa
  20. đọc những bài viết này còn hay hơn ở sử chính thông, người trung quốc vẫn thua người đài loan vì cái tự do tư tưởng

    Trả lờiXóa
  21. Ngày mồng 4-4 năm Gia Khánh thứ 5 (Canh Thân, 1800), bọn Quýnh được thả ra khỏi ngục, dời đi ở cách phía tây kinh thành mười hai dặm, tại Lam xưởng an trí ở doanh Hoả Khí ngoài. Đầu tóc, ăn mặc được phép tự do. Phần mộ chúa cũ, được phép thăm viếng. Quýnh liền làm một bài thơ, trình quan bộ Hình và quan coi ngục. Bài thơ có câu rằng:
    Kéo tóc khôn đền mưa móc mới,
    Ngoảnh đầu sợ phụ núi sông xưa.
    Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt lại

    Hai mốc thời gian (Canh Thân, 1800), và tháng 7-1883
    Sao cách xa vậy ? Mong anh Diện xem lại hộ có gì nhầm lẫn không

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, lỗi đánh máy, phải là 1803 mới đúng. Tác giả đã đính chính sau comment của bác Hoa Hòe (11: 54 PM ngày 26.1)
      Cảm ơn bác Nặc danh 07:53 PM ngày 27.1.

      Xóa
  22. Sát Thủ đầu mưng mủlúc 02:02 28 tháng 1, 2012

    Xem Mặt " Sát Thủ đầu mưng mủ"
    Đỗ---Đại Ca:

    lãnh đạo công an thành phố đã lên phương án đốt cháy toàn bộ.

    ...

    Sau hàng loạt trận nã đạn, khói bay mù mịt, lực lượng chức năng đã tiếp cận được ngôi nhà 2 tầng. Tuy nhiên, 3 người đàn ông trong nhà đã biến mất từ lúc nào........

    http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Giam-doc-Cong-an-Hai-Phong-khong-hai-long-ve-vu-cuong-che/94994.gd

    Trả lờiXóa
  23. Trước hết, rất cám ơn bác Đào Tiến Thi. Đọc những bài bác viết về Sử nước nhà, thích vô cùng. Là người ở xa quê hương, tôi đọc những bài viết tâm huyết và công phu của các bác nơi hiên trà này mà lòng thấy áy náy. Cái "tòa soạn" này của bác Diện chắc chả đời nào có... chế độ nhuận bút! Chỉ còn biết chân thành nói lên lời cảm tạ tấm lòng của các tác giả.

    Lê Chiêu Thống lên ngôi năm 21 tuổi. Tôi phải tự hỏi thầy dạy thời niên thiếu của nhà vua là ai mà lại rèn đúc nên một quân vương quá... non yếu về chính trị - và cả văn hóa - như thế này!? Nhà vua không hiểu rằng sự tồn vong của triều Lê hay bất cứ triều đại nào, chỉ tùy thuộc duy nhất vào một điều: Lòng Dân! Chính Lòng Dân đã đưa Thái tổ Lê Lợi đến với ngai vàng, mở ra triều đại Hậu Lê một thời hưng thịnh. Dù Hoàng Lê Nhất Thống Chí có thiên vị đến thế nào, ta cũng có thể ghi nhận rằng lời kể này về dư luận của quần chúng lúc đó là khách quan: "Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế... có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?". Khi Dân đã phải uất ức nhận định như thế thì xem như số phận triều Hậu Lê đã tàn thật rồi! Đã đến cái "điểm tận cùng" rồi! Hết phương cứu vãn! Tôi nghĩ dù Quang Trung có là thiên tài quân sự đi nữa, cái đã giúp ông lập nên chiến công hiển hách đầu năm Kỷ Dậu chính là Lòng Dân chứ không thể là gì khác.

    Sự phân tranh Trịnh-Nguyễn, cũng có thể gọi là sự "phân tranh Bắc-Nam", theo tôi, đã mở đầu cho một cuộc ly tán (tái ly tán!) thê thảm trong lòng dân tộc Việt, mà hậu quả của nó kéo dài suốt mấy thế kỷ. Sau này Gia Long dù có thống nhất được đất nước nhưng nhìn kỹ lại, suốt thời nhà Nguyễn, cho đến tận vị vua cuối cùng là Bảo Đại, vết thương ly tán đó vẫn chưa kịp lành. Vết thương đó kéo dài đến tận ngày nay! Vâng, đến tận ngày nay! Ngẫm lại bao nhiêu xương máu người Việt đã ngã xuống trong những trận chiến huynh đệ tương tàn từ bấy đến nay mà phải rùng mình! Ly tán! Hai chữ đau đớn, đầy tang tóc!

    Khi cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với Nguyễn Hoàng: "Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", có lẽ tầm nhìn thông tuệ của cụ cũng đã lường trước sự phân ly dài đằng đẵng đầy máu và nước mắt sẽ đến trong lòng dân tộc này. Cụ chỉ vắn gọn như thế, không thể nói gì hơn, vì cái "vận nước" nó đã thế rồi! Có lẽ cái "được" duy nhất nơi cuộc phân ly đó, là sự mở mang bờ cõi về phía Nam trở nên quyết liệt hơn, cấp thiết hơn, nhanh chóng tạo nên một cơ đồ vững mạnh hơn, để... đối phó với kẻ thù truyền kiếp của dân tộc: kẻ thù từ phương Bắc!

    Gần như nét xuyên suốt căn cơ nhất của toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt, ít nhất trong hơn hai thiên niên kỷ qua, là chống lại phương Bắc! Sự Nam tiến trường kỳ của cha ông chúng ta, nguyên do chủ yếu và sâu xa không phải là vì giấc mộng "bành trướng", cũng không phải do sự đấu đá giành giật ngai vàng giữa các "ông lãnh tụ" (xin đừng quên Lòng Dân, chứ không phải các lãnh tụ, mới là động lực chính thúc đẩy hướng đi của lịch sử). Đó là sự kháng cự tới cùng sức mạnh khổng lồ của Trung Quốc. Mà tại sao? Cái gì làm dân tộc chúng ta không chịu nổi người phương Bắc? Cái gì đã khiến suốt bao đời chịu áp lực nặng nề mà cha ông chúng ta vẫn cố giữ độc lập, không biến thành một tỉnh của "trung tâm thiên hạ"? Cái gì khiến Lê Quýnh và đoàn tòng vong thà chết chứ không chịu gọt tóc theo người Mãn Thanh? Cái gì đã khiến Trần Bình Trọng nói rằng "thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc"? Cái gì khiến chúng ta, trải qua bao thế kỷ phân ly và chém giết nhau, đến tận nay vẫn có thể nghẹn ngào nhìn nhau mà nói: chúng ta cùng một Mẹ? Chính là văn hóa! Chính là văn hóa!

    Thưong thay ông vua trẻ Chiêu Thống cuối triều Lê! Ai là thầy dạy của ông lúc thiếu thời, để đến nỗi ông trở thành một kẻ lạc loài vong thân vong bản đến thế? với cái chết tha hương tủi nhục đến thế? Và thương thay cho nền giáo dục của chúng ta hiện nay! Hãy coi chừng kẻo chúng ta lại đào tạo ra thêm hàng loạt những ông những bà Chiêu Thống mới!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Ha Le. Vâng, nếu dành thì giờ viết một bài như trên để viết cái gì đó cho báo "chính thống", tôi sẽ được trả 400.000 - 500.000đ mà lại an toàn, không bị quy chụp, không bị mổ xẻ đúng sai. Còn viết cho báo "nhân dân" như Nguyenxuandien blog thì tất nhiên không bao giờ có nhuận bút mà lại chịu sự thẩm định khắt khe của độc giả, thẩm định đến từng chữ và tức thời. Giữa hằng hà sa số độc giả, có rất nhiều người giỏi, mình chỉ sai sót một tí, không chặt chẽ một tí là bị bắt ngay.
      Nhưng tôi thấy viết báo "nhân dân" rất vui, vì được chia sẻ cảm xúc và nhận thức, được góp ý thẳng thắn nếu mình sai sót.
      Về vấn đề Nam tiến của dân tộc, Ha Le có quan điểm rất xác đáng. Theo tôi, đấy là con đường sống của dân tộc ta khi bị kẹt giữa hai gọng kìm: đế quốc lớn ở phương Bắc và đội quân thiện chiến Chiêm Thành hay vào cướp phá ở phía Nam. Cần biết rằng mỗi khi Trung Quốc vào xâm lược từ mặt Bắc bao giờ cũng xúi giục Chiêm Thành quấy rối ta từ phía Nam. Cho nên các tướng lĩnh hoặc vua chúa ta trước khi bước vào kháng chiến chống xâm lược phương Bắc thường phải giải quyết mặt Nam trước: phá tan lực lượng quân sự của Chiêm Thành, làm cho chúng phải nể sợ Đại Việt, để sau đó ta rảnh tay đối phó với đội quân xâm lược khổng lồ từ phương Bắc. Ví dụ cuộc chinh phạt do vua Lý Thánh Tông và đại tướng Lý Thường Kiệt năm 1069 đã phá tan kế liên minh với Chiêm Thành của tể tướng nhà Tống Vương An Thạch, làm cho ta bước vào cuộc chiến đại phá quân Tống 1076 được thuận lợi, không phải lo mặt Nam. Trong trường hợp khẩn cấp phải đánh giặc phương Bắc trước, thì sau khi thắng lợi, vua ta quay vào Nam, "hỏi tội" Chiêm Thành. Ví dụ năm 543, sau khi đánh thắng quân Lương, Lý Bí sai tướng Phạm Tu vào phá tan quân Chiêm, lấy lại vùng đất bị Chiêm lấn chiếm trong thời gian ta bận kháng chiến. Hay Lê Hoàn sau khi đại phá quân Tống (981) đã thân chinh đánh Chiêm (982), tiến vào tận kinh đô Chiêm, san phẳng thành trì. (Đời sau nhắc đến công lao Lê Hoàn người ta thường dùng cụm từ “phá Tống bình Chiêm”).
      Về vấn đề Nam tiến, bác Ha Le có thể tham khảo bài viết của GS. Cao Huy Thuần ở:
      http://giupich.org/Diem-bao/Tro-chuyen-voi-Giao-su-Cao-Huy-Thuan.html

      Xóa
    2. Cám ơn bác Đào Tiến Thi nhiều lắm. Nhà em vừa đọc xong bài Trò Chuyện Với GS. Cao Huy Thuần theo link bác chỉ. Thú vị thật. Bài viết gợi mở nhiều điều đáng ngẫm.

      Xóa
  24. Cảm ơn tác giả đã cho đăng lại đoạn lịch sử này trong dịp kỉ niệm trận chiến thắng Đống đa của mùa xuân 223 năm trước đây để nhắc nhở những người đang sống hãy nhớ lại và suy ngẫm.
    Tên vua bán nước Lê Chiêu Thống và bè lũ tôi tớ đã, đang và sẽ mải mải bị người dân Việt nam ta nguyền rủa lên án âu cũng là bài học muôn thuở cho một nhúm kẻ đương thời nào đó (trong 96 triệu người dân Việt yêu nước)còn rắp tâm nuôi dưỡng ý định tội ác này dưới những chiêu bài khác nhau.

    Trả lờiXóa
  25. TS Diện kính,
    Kính cộng tác anh bài thơ HÙNG CA QUANG TRUNG
    Kính chúc anh nhiều sức khỏe


    KHA TIỆM LY

    HÙNG CA QUANG TRUNG
    (Về mùa xuân oai hùng Ất Dậu 1789)
    Kha Tiệm Ly


    Vó ngựa thù,
    Vang rền biên ải,
    Nhói tim người áo vải cờ đào
    Tuốt gươm thiêng lấp lánh mấy tầng cao.
    Quyết giữ lấy quê hương từng ngọn cỏ,
    Máu anh hùng cháy ngời như ngọn lửa,
    Máu ba quân sùn sụt chí kiêu hùng.

    Ứng lời người,
    Dài một dải non sông:
    Trường Sơn vội vươn mình cao thêm thước.
    Hoành Sơn vội xoay mình vươn tới trước.
    Lòng ba quân như thác lũ dâng tràn.
    Một lời thề rúng động cả giang san:
    “Đánh cho chúng chích luân bất phản,
    Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn.”

    Từng dòng người như thác đổ miên man…
    Tiếng ngựa hí, nghe vang trời một cõi.
    Sau bạch tượng, vó câu ào đá sỏi.
    Sau tướng quân, gươm thép tuốt sáng ngời.
    Bạch Đằng Giang háo hức máu xưa sôi,
    Ngàn sông rạch như lưới trời bủa sẵn.
    Sóng trường giang ào ào cơn quốc hận,
    Hoàng Liên Sơn ngân ngất dáng ngang tàng.
    Trống Ngọc Hồi chấn động đên Nam Quan,
    Đồn Khương Thượng, xác thù gom chất đống!
    Tiếng quân reo, cướp hồn Sầm Nghi Đống.
    Tiếng quân reo cuồn cuộn sóng sông Hồng…

    Vó ngựa tung hoành giữa núi đao,
    Cứu dân thoàt khỏi biển ba đào.
    Sông Hồng xác giặc lênh bênh nổi,
    Gò Đống thây thù ngất ngất cao.
    Bảo kiếm toé ngời rung ánh nguyệt,
    Kỳ công chiếu rạng dậy tầng sao.
    Giang sơn một cõi nghìn thu vững,
    Tanh máu xăm lăng nhuộm chiến bào!

    Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
    Mãi mãi về sau…
    Chiến tích một thời rung bốn biển
    Uy linh ngàn thuở động năm châu!
    Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
    Áo vải cờ đào.
    Đường cũ dẫu mờ muôn dấu ngựa,
    Sử xanh còn rạng tấm lòng son.

    Kha Tiệm Ly
    (ĐT: 0987701952)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Kha Tiệm Ly. Bài hùng thi của bác rất hay! Giá mà có bác nhạc sĩ nào phổ nhạc vào cho bà con mình cùng hát nhỉ!

      Xóa
  26. Kẻ nào đặt quyền lợi dòng họ, phe nhóm hay đảng phái lên trên quyền lợi Đât nước và Dân tộc thì đều có kết cục như Lê Chiêu Thống thôi. Tiếc rằng bài học lịch sử này thời nay nhiều kẻ đã vội quên trước ma lực của Tiền và Quyền.

    Trả lờiXóa
  27. Chúc mừng Năm mới TS Nguyễn Xuân Diện và bác Đào Tiến Thi !

    Tội lỗi bán nước , " Cõng rắn cắn gà nhà " của vua quan Lê Chiêu Thống , lịch sử đã ghi rạch ròi , khỏi cần bàn cãi . Chỉ thấy đáng thương , thêm chút khen ngợi lòng trung thành của Lê Quýnh ( Trong nghĩa hẹp của đạo lý làm người trong gia đình ), y cũng còn khá hơn bao kẻ vừa bán nước vừa bán luôn cả chủ cũ . Khen thì khen vậy nhưng tội chạy theo và phục vụ cho kẻ bán đất bán nước thì lịch sử và dân tộc không bao giờ tha thứ .

    Trả lờiXóa
  28. Thì chẳng ai lại không lên án Lê Chiêu Thống và có phần cảm thương cho số phận ông ta. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Xem lại sử cũ đi và để thấy: TƯ DUY CẦU VIỆN là một "truyền thống" của người nước Nam mình đó thôi. Lê Chiêu Thống cầu viện, Tôn Thất Thuyết cầu viện, Nguyễn (Ngô) Quang Bích cầu viện, Phan Bội Châu cũng cầu viện... Tại sao chúng ta nhiều khi quá nặng lời với Chiêu Thống mà lại lờ lớ lơ chuyện cầu viện ( không thành) của các vị kia?
    Tôi xót thương cho Lê Chiêu Thống nhiều hơn là oán trách ông ta. Bài học Lê Chiêu Thống có lẽ nên được nhận thức lại chăng???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác Tiến Đặng năm mới hỉ !

      Hình như bác cũng lầm lẫn giưã đi vay kinh doanh với đi vay để vào nhà hàng ăn chơi ấy nhỉ ??? ( Cũng là đi vay mà !)

      Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu ...cầu viện là để cứu nước chứ không phải để bảo vệ ngai vàng hay quyền lợi gia đình , đảng phái nào !

      Xóa
  29. Các "vua" ngày nay có đọc bài này không nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đời đời nguyển ruả bè lũ Lê Chiêu Thống khốn nạn ...Tha mạng để chúng chết trong tủi nhục là một hình phạt cay độc nhất

      Xóa
  30. Xin bác Tiến Đặng đừng bỏ cùng một rọ tất cả. Lê Chiêu Thống cầu viện chỉ vì lợi ích dòng họ của mình, còn các bậc sỹ phu Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích, Phan Bội Châu cầu viện vì mục đích cứu nước. Mặt khác Lê Chiêu Thống là ông vua lưu vong, không có thực lực gì, còn các bậc sỹ phu kia đều xây dựng lực lượng trong nước trước khi cầu viện. Riêng Phan Bội Châu, việc cầu viện Nhật Bản chỉ là dự định Ban đầu, sang đến Nhật, cụ đã nhận thức khác. Chính các sỹ phu Nhật Bản và Trung Hoa (đang ở Nhật lúc đó) cũng khuyên cụ lực lượng trong nước mới là quyết định, quốc tế ủng hộ chỉ là phụ trợ.

    Trả lờiXóa
  31. "Tuy nhiên khoảng tháng 7ồi-1883 lại bị bắt lại", đoạn này bị sai thời gian rồi bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lỗi đánh máy. Sửa là 1803. Tôi đã đính chính nhiều lần ở trên rồi mà. Mà không đính chính thì nhiều độc giả vẫn đoán đúng, vì thời gian khong thể quay ngược.

      Xóa
  32. Ai sẽ là Quang Trung thời nay ?

    Trả lờiXóa
  33. Ngày xưa dân ta đã có câu:
    " Phải băm vằm tên Lê Chiêu Thống
    Quyết đập tan 20 vạn quân Thanh".
    Số phận của kẻ bán nước bao giờ cũng vậy. Nếu không bị người đời xử lý thì hồn thiêng sông núi sẽ trừng trị thôi!

    Trả lờiXóa
  34. Rất nhiều người cảm ơn bác Đào Tiến Thi. Một vài sai sót không đáng kể và không ảnh hưởng gì đến nội dung bài viết. Cái TÂM của bác và bác DIỆN mới đáng quý. Mai đây đất nước THANH BÌNH, người dân VN không quên tên tuổi hai bác. Kính Trọng!

    Trả lờiXóa
  35. Ttháng 2 năm 1979, khi cả nước tổng động viên chống giặc bành trướng Trung hoa, Hoàng văn Hoan đã đào tẩu sang Trung cộng.
    Nếu bây giờ giặc Tàu lại tái diễn nổ súng xâm lăng Việt Nam một lần nữa, không biết sẽ xuất hiện những tên nào đào tẩu nữa đây ??.

    Trả lờiXóa
  36. AI biết số phận Hoàng Văn Hoan ở TQ thế nào thì cho bạn đọc biết nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàng Văn Hoan mất tại Bắc Kinh năm 1991, TC tổ chức lễ tang cấp nhà nước dành cho y, thi hài y chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất của các quan chức cao cấp của TC. Gần đây một phần hài cốt của y được/bị chuyển về "quê hương" Việt Nam.
      Lễ tang của Hoan được coi như một lễ tang cấp cao của Đảng và của Nhà nước TC vì y được coi như một lãnh tụ của Đảng Cộng sản TQ. Đại sứ quán VC không tham dự.

      Xóa
  37. KTS Trần Thanh Vânlúc 14:20 4 tháng 6, 2014

    Hoan hô Tác giả Đào Tiến Thi đã viết cách đây hai năm.
    Hoan hô anh Tễu đã cho đăng lại hôm nay cho khớp với thời sự.

    Đề nghị hai anh cụ thể hóa và chỉ mặt đặt tên cho bà con biết để hiểu "Lê Chiêu Thống thời hiện đại" là ai? Hay là hai bác vẫn sợ bóng sợ vía cái uy của lãnh tụ tối cao của ĐCS quang vinh?

    Trả lờiXóa
  38. Viện " XƯA " để xét " NAY " , thật là ý nhị , sâu sắc .

    Trả lờiXóa
  39. Bài này đăng trên nguyenxuandien từ 27.1.2012. Mấy hôm nay tôi thấynó đăng lại ở một số trang mạng "lề trái". Điều đó không có gì là lạ. Nhưng có điều lạ là tôi thấy bài còn đăng từ cuối năm ngoái trên:
    http://nguyentandung.org/so-phan-le-chieu-thong-va-doan-tong-vong-tren-dat-trung-quoc-2.html
    http://trandaiquang.net/so-phan-le-chieu-thong-va-doan-tong-vong-tren-dat-trung-quoc-2.html
    (Mà tất cả đều không ghi tên tác giả?)

    Trả lờiXóa
  40. Trích:
    Ngô Thì Nhậm cho Nguyễn Quang Thực, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, giả làm Quang Trung, sang yết kiến vua Thanh, dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói.
    Đến Yên Kinh, “vua” Quang Trung (giả) được đón tiếp rất chu đáo (Càn Long không biết hay biết nhưng cố tình lờ đi?), được phong vương. Và như vậy số phận Lê Chiêu Thống đã sắp được định đoạt mà y không biết.

    Trong khi ấy, Phúc Khang An giả vờ bảo Lê Chiêu Thống:
    “Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. "Việc binh không ngại dùng cách xảo trá". Vương nên nghĩ tới chỗ đó.

    Lê Chiêu Thống tưởng thật, vâng lệnh ngay, lại còn nói:
    “Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc, cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?” (HLNTC)
    Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, nói rằng vua An Nam không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp phương Nam.
    Lừa được Chiêu Thống rồi, Khang An còn chơi trò làm nhục ông vua lưu vong bằng cách bố trí cho Chiêu Thống chạm trán phái đoàn sứ bộ của Quang Trung...
    Chao ôi, người Tàu quá thâm hiểm và độc ác. Tất nhiên, lúc này "con bài Quang Trung" có lợi hơn con bài Lê Chiêu Thống, cái này hiểu được, vì lợi ích quốc gia họ phải đặt lên đầu. Nhưng việc lừa Lê Chiêu Thống gọt đầu gióc tóc tưởng là nhỏ mà hoá ra quyết định luôn số phận ông vua lưu vong này. Lại còn cho gặp phái bộ của vua QT thì đó là cách làm nhục quá độc ác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở chổ này không biết đúng không vì có sách sử lại
      viết là quan Pham Công Trị,chứ không phải NQT.?

      Xóa
  41. Tư liệu mới phát hiện. Xin cúng dường các bác.
    4 tốt, 16 chữ vàng... là chép thiếu. Tài liệu mới tìm thấy, bản đủ là:

    Ngũ hảo (Năm tốt)
    Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt, Giặc cướp tốt (Mục lân hảo, Bằng hữu hảo, Đồng chí hảo, Đối tác hảo, Khấu tặc hảo)

    Ngũ tương (Năm tương)
    Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan, Truyền thống tương nhau (Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan, Truyền thống tương đả)


    Ngũ phương (Năm phương châm)
    Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai, Cùng nhau xuống mồ (Mục lân hữu hảo, Toàn diện hợp tác, Trường kỳ ổn định, Diện hướng vị lai, Nhất khởi tựu mộ)

    Trả lờiXóa
  42. Những kẻ bán nước cầu vinh mãi mãi bị đời đời nguyền rủa! Sống chỉ được một đời nhưng lại bị đời đời nguyền rủa. Hãy tỉnh ngộ lại đi!

    Trả lờiXóa
  43. Thế thì so với Vua Lê Chiêu Thống thì ông TBT Trọng nhà mình qua Tàu lần này được tiếp đãi nồng hậu hơn nhiều, lại có thêm 21 phát nổ nữa chứ !.

    Trả lờiXóa
  44. ô hoàng văn hoan theo TQ được đối sử như vua vì thế nhiều lãnh đạo VN sẽ và đang học tập noi theo ô hoan

    Trả lờiXóa
  45. nhìn những hình ảnh thăm TQ của ô tổng nhà mình lần này thấy sắc mặt cả chủ lẫn khách cứ thấy khách sáo, khiên cưỡng sao ấy :tay thì bắt nhưng mặt thì cứ nghĩ đi đâu ấy ,cả đám đi theo cũng vậy ,bà con thấy thế nào ?

    Trả lờiXóa
  46. "Có thế nào người ta mới đón tiếp mình nồng hậu thế chứ" Cái thế nào nhân dân đã thấy rất rõ trong thông cáo chung mà ông Trọng đã đặt bút ký.Đó là chấp nhận làm tay sai cho bọn Tàu,dù giang sơn của tổ tiên đất nước có bị ngoại bang cướp đoạt,biển đảo tài nguyên cha ông để lại có bị xâm hại vẫn một lòng bốn tốt với chúng

    Trả lờiXóa
  47. Ngân hàng 2 nước ký kết với nhau. Đồng nhân dân tệ được tự do lưu thông trên lãnh thổ Việt nam. Người Trung Quốc được tự do đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
    Như vậy Việt Nam trở thành 1 phần Lãnh thổ Trung Quốc...
    Từ nay VN yên tâm ngủ ngon không sợ nước lớn khác xâm lược.
    Có quân giải phóng nhân dan PLA bảo vệ rồi.
    Hảo lớ hảo lớ!

    Trả lờiXóa
  48. Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho ra sống (pavecoocegin). Đừng như Lê chiêu Thống muôn đời bị nguyền rủa, Trần Bình Trọng được Ngàn đời dân Việt tôn thờ. Lịch sử thật công bằng. Đời người giỏi lắm 100 năm nhưng con cháu hậu duệ chịu tiếng muôn đời.

    Trả lờiXóa
  49. Tôi mong muốn VN ta hiện nay có một người tài đức như vua Quang Trung để lãnh đạo nhân dân giành lai Hoàng Sa và những vùng đất mà Tàu đã cướp của VN.

    Trả lờiXóa