Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG: VĂN HÓA CƠ BẢN VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Văn hóa cơ bản và phản biện xã hội



 Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên nhận được nhiều ý kiến phản biện của xã hội.



Ai đã đặt ra từ phản biện ở Việt Nam? Tôi được nghe Gs Hoàng Tụy kể lại đầu 1960, GS và các đồng nghiệp ở khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội muốn thực hiện phong cách nghiên cứu khoa học và đào tạo mới, cho nên gặp chuyện luận án khi bảo vệ phải có opponent (từ Nga), Gs Hoàng Tụy bèn nghĩ ra từ phản biện để dịch từ "opponent". Thế là dần dần thành phổ biến, và đi ra ngoài xã hội để có cuộc sống riêng.

Theo nhà thơ Việt Phương "phản biện" trong phạm vi rộng, không chỉ trong hoạt động khoa học, là rà soát, khẳng định, bổ sung, phát triển một đề án, một công trình, nhằm đạt một hoặc những mục tiêu xã hội thống nhất. "Phản biện" không nhất thiết bao gồm phản bác, nhưng cũng có nhiều khi có phần phản bác. Đặc điểm của "phản biện" là dựa trên lập luận khoa học và chứng cứ thực tế,  thực tiễn. Còn "dư luận xã hội", "góp ý", "kiến nghị", "khuyên can" ...thì không nhất thiết phải dựa trên lập luận khoa học và chứng cứ thực tế, thực tiễn. "Phản biện xã hội" là thuật ngữ xuất hiện trong Nghị quyết Đại hội X năm 2006 của Đảng cộng sản Việt Nam. "Phản biện xã hội" là phản biện của cộng đồng, của xã hội dân sự, của nhân dân.

Khi có xã hội loài người là có phản biện xã hội. Phản biện bằng cử chỉ, bằng lời, bằng văn bản (có cả báo chí). Thế thì phản biện là quy luật tồn tại và phát triển của xã hội, quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Phản biện xã hội không phản lại, không chống lại xã hội mà trái lại làm cho xã hội phát triển chất lượng, nhanh hơn, bền vững hơn. Phản biện không phải là mổ xẻ, chỉ trích mà là sự bổ sung nhằm "chuẩn mực hóa" các giá trị cuộc sống và xã hội, giúp nhau cùng phát triển.

Ở nhiều nước, giới cầm quyền có những tổ chức tư vấn, và xã hội có những "kho tư tưởng" (think tank) phi Chính phủ, làm công việc nghiên cứu, nêu khuyến nghị hoạch định chính sách quốc gia, cùng đóng góp tham gia làm biến chuyển một thực tại, hoặc ý tưởng tương lai nào đó, tức là làm công việc phản biện xã hội. Như Trung Quốc hiện có chừng 2000 "think tank", gồm vài trăm nghìn người, về số lượng đứng thứ hai trên thế giới.

Ở nhiều nước, phản biện xã hội chủ yếu là phản biện khuyến nghị chính sách của các think tank. Ở nhiều nước khác, phản biện xã hội chủ yếu là phản biện chính cách soạn thảo và nội dung soạn thảo chính sách của giới cầm quyền. Đòi hỏi sống còn của phản biện xã hội là : khoa học hóa, chuẩn xác, thiết thực và dân chủ hóa. Tức là đòi hỏi cái tâm sáng, cái tầm cao, ý kiến có lập luận và dẫn liệu minh chứng có thuyết phục của những người phản biện và của những người nhận phản biện. Có được như vậy thì phản biện xã hội là tốt, xây dựng, tích cực, khẳng định chế độ chính trị, xã hội, phát triển dân tộc và đất nước.

Phản biện xã hội không những chỉ cần nền tảng là triết học và kinh tế, mà dẫu chỉ nói riêng về hiểu biết, còn cần đến nhiều kh́oa học khác nữa, như xã hội học, nhân học, sử học, luật học, dân tộc học và cả hiểu biết về khoa học tự nhiên. Hay nói cách khác là cần có nền tảng văn hóa (văn hóa nghĩa rộng). Phản biện xã hội đặc biệt đòi hỏi có trải nghiệm nhân sinh và xã hội, đòi hỏi từng trải và kinh nghiệm sống.

Ở các nước tiên tiến, họ chủ trương mọi sinh viên ở các trường đại học (không phải trường kỹ thuật mang tính dạy nghề) đều phải học liberal arts tức là có hiểu biết cơ bản về (1) Khoa học tự nhiên: sinh học, toán, hóa, lý; (2) Khoa học xã hội gồm lịch sử, tâm lý, xã hội, kinh tế; (3) Văn học và nghệ thuật: âm nhạc, họa và văn chương; (4) Phương pháp phân tích vấn đề: chủ yếu logic, cơ sở của triết học. Ngay từ khi ngồi ghế nhà trường, sinh viên đã phải viết bài trình bày vấn đề và lịch sử của nước mình. Tất nhiên không phải mọi học sinh ở đại học đều được trang bị như thế nhưng đó là triết lý giáo dục. Suy cho cùng, người ta chỉ có thể phản biện đúng đắn nếu được trang bị văn hóa cơ bản.

Tất nhiên nhà phản biện về vấn đề chuyên sâu thì phải có sự hiểu biết chuyên sâu. Nhưng chuyên sâu không đủ vì mọi hành động đều có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác nhau. Biện luận vấn đề nào đó tuy khó, nhưng phản biện càng khó hơn. Tất nhiên đòi hỏi phải có vốn triết học, kinh tế và chừng mực nào khoa học phổ quát (phổ thông), đặc biệt là vốn liếng chuyên ngành (đối tượng) phản biện và vốn sống.  Nhưng trước hết người phản biện phải có cái tâm trong sáng cống hiến cho khoa học và xã hội, cũng như cầu thị học hỏi, biết lắng nghe có phân tích và ý thức tiếp nhận cái đúng từ nhiều chiều thì mới có sức thuyết phục. Có những người giỏi nhưng thiếu cái tâm dễ trở thành cãi lộn hoặc khoe tài ăn nói.

Các nhà triết học hiểu biết rất nhiều, đúc kết rất nhiều trên những cơ sở đã suy ngẫm, nhào nặn tư duy và trải nghiệm. Các nhà kinh tế cũng mổ xẻ nhiều vấn đề thời sự về kinh tế xã hội. Trong cuộc sống chúng ta dễ nhìn thấy các tác động nhưng khó nhìn thấy nguyên nhân hơn rất nhiều. Nếu các nhà lãnh đạo chịu khó tìm hiểu, hiểu rõ hơn người dân thường, hiểu biết thấu tháo hơn, hành xử có "tâm" có "tầm" hơn thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, xã hội và đất nước sẽ phồn vinh, hạnh phúc hơn. Luôn khao khát công lý, tự do, yêu mến cái đẹp "chân thiện mỹ" cũng sẽ là một nền tảng đáng để hy sinh và cống hiến.

Có ý kiến cho rằng, từ lâu, khoa học kinh tế đã không đứng một mình mà luôn gắn với chính trị. Khoa học, lúc đầu chỉ có triết học, sau mới phân chia ra thành nhiều bộ môn, vật lý, toán, y học ... nhưng cuối cùng cũng phải quay về với triết học mới giải quyết được các bế tắc. Người Việt thông minh nhưng nhìn chung chưa quan tâm đúng mức về triết học cho nên cũng ảnh hưởng đến những thiếu hụt đáng tiếc đối với nhu cầu bứt phá, đổi mới tư duy. Đương nhiên phản biện xã hội lại càng phải học nhiều thứ, không chỉ riêng triết học và kinh tế, bởi vì "xã hội" là một phạm trù vô cùng rộng. ABC đầu tiên phải học cho làm công tác phản biện xã hội nói chung là triết học (đích thực) và kinh tế. Thậm chí còn có thể nói, muốn làm người có ích thì đầu tiên phải học triết học và kinh tế, có như vậy kiến thức và kỹ năng chuyên môn khác của mình mới phát huy được.

Có lần, tôi cứ suy ngẫm mãi khi nhận được mail tâm sự của một người bạn đồng tâm, Anh Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nguyên văn như sau: "Theo tôi, nhà báo hay làm gì có liên quan với "nghề" nói và viết thì phải xác định: Phục vụ cho ai, đến mức nào và trong môi trường nào để có cách "viết và lách" cho đạt yêu cầu mình tự đặt ra. Nhưng tuyệt đối không được nói-viết sai và bậy, càng không trái với ý tưởng của mình. Thà "câm" còn tốt hơn kẻ nói càn để lưu hậu thế. Môt điều cần lưu ý để viết và nói cho đối tượng nào, cái nầy nó quan hệ đến vấn đề là ta đang đứng trên cái nền văn hoá nào để nói và viết cho cho đạt yêu cầu. Báo chí bây giờ "lề" nào đọc cũng khó vô quá!" vv...

Nâng cao chất lượng phản biện đương nhiên cần có kiến thức, nhưng không chỉ có kiến thức và kiến thức không chỉ xoay quanh triết học và kinh tế. Cái cần nhất cho phản biện xã hội ở nước ta, trước hết là có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí mặc dù những quyền này đã được quy định trong Hiến pháp. Một xã hội phát triển các hoạt động phản biện có chất lượng, hiệu quả cao phải trên cơ sở trình độ dân trí cao và tương đối đồng đều.

Phản biện và phản biện xã hội đòi hỏi tâm sáng, tầm cao, cách đúng của những người phản biện và những người nhận phản biện. Chúng tôi nghĩ rằng phản biện (của từng người) và phản biện xã hội có nền tảng văn hóa càng cao thì càng có giá trị, có hiệu quả. Có khi đối tượng và mối tương giao trong phản biện là người này với người kia, nhưng cũng có khi một người với tập thể và một người với cả xã hội.

Phản biện và phản biện xã hội không phải là khả năng riêng có của các nhà trí thức, các bậc hiền tài. Nhiều nước tiên tiến vẫn có phương pháp đào tạo hiện đại và văn minh là đưa chương trình khích lệ và dạy về khả năng phản biện cho học sinh từ nhỏ. Đã học lên đại học thì ý thức và năng lực phản biện của sinh viên trở thành nhu cầu không thể thiếu được. Thợ thuyền, dân cày, người lao động bình thường, với kinh nghiệm nhân sinh và từng trải sống của mình, với góc nhìn trực diện và sâu sắc từ thực tiễn thường phản biện và phản biện xã hội rất xây dựng, sáng suốt và đúng mực.

Nguồn: Tuần Việt Nam.

 

9 nhận xét :

  1. Voltaire đã từng nói:"Nghệ thuật hữu ích nhất trong mọi nghệ thuật là nghệ thuật sống tốt".
    Bởi vậy, những người biểu tình là những người sống khẳng khái nhất, họ chẳng nịnh bợ ai, thấy đúng thì ủng hộ, thấy sai thì phản đối. Vậy thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Muốn phản biện có hiệu quả thì các bên phải tôn trọng sự thật dù cho cái sự thật ấy nó đau đớn đến đâu thì cũng phải ráng mà chấp nhận.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đăc biệt tâm đắc :

    (trích)" Cái cần nhất cho phản biện xã hội ở nước ta, trước hết là có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí mặc dù những quyền này đã được quy định trong Hiến pháp"

    Đó chính là cái cốt lõi mà nếu không giải quyết triệt để thì mọi vấn đề còn lại chỉ là hình thức suông mà thôi.

    Cám ơn tác giả

    TH

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều người vẫn coi phản biện là sự cãi lại vì vậy rất dị ứng với phản biện. Trong gia đình, con cái có ý kiến phản biện khác với ý của bố mẹ bị cho là cãi lại và là đứa con hư, ngoài xã hội phản biện được coi là không chấp hành mệnh lệnh chủ trương vv...; Như vậy không bao giờ gia đình và xã hội phát triển tốt lên được.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nghĩ đã có rất nhiều người hiểu không đúng về ý nghĩa của từ Phản biện. Tôi đã từng nghe có cán bộ lãnh đạo nói về Phản biện là ... ... để "bới lông tìm vết"!!!

    Trả lờiXóa
  6. Hiện nay Quan trí nước ta còn thấp và không minh bạch thông tin cũng như minh bạch cách hành xử , vì vậy nếu thực hiện phản biện xã hội chẳng khác gì thòi ra những cái cần phải dấu... Ví dụ như Luật nhà văn , dân biểu HHP , hay vụ biến đường phố thành ngư trường ...

    Trả lờiXóa
  7. Cũng vì còn rất nhiều người không hiểu đúng ý nghĩa của từ Phản biện, Phản biện xã hội. Cũng như không hiểu đúng ý nghĩa của Biểu tình và các cuộc biểu tình. Trong dó có người được học hành có học vị lại là DBQH như ông Hoàng Hữu Phước ...

    Trả lờiXóa
  8. Ý kiến nhỏ về khái niệm opponent: tôi không dám dùng từ phản biện, mà chỉ dùng khái niệm "ý kiến nhỏ" vì đúng là khái niệm phản biện thường hay dùng trong bảo vệ luận văn đại học, luận án tiến sỹ (Đại từ điển tiếng Việt - Nguyễn Như Ý). Nếu tôi hiểu không nhầm thì trong phần trên khi nói về nguồn gốc phát sinh khái niệm này: "...bảo vệ phải có opponent (từ Nga), ..." tác giả như thế đã chú thích đó là: từ Nga. Tôi tra sách thấy nhiều nước đều dùng và hiểu nó là từ (mang tính) quốc tế, và có nguồn gốc La tinh. Trong tương lai liệu Việt Nam có sử dụng các khái niệm "quốc tế - nhiều nước hay dùng" vào trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế kỹ thuật ... không thì chắc cần có "phản biện" hay ý kiến tham gia của tòan xã hội. Còn sáng tạo ra những nhóm từ phù hợp, tương đối chuẩn sác mà tôi nghĩ Việt Nam hiện đang ủng hộ, và sử dụng thì khái niệm "phản biện" là một ví dụ.
    HH

    Trả lờiXóa
  9. Hệ lụy án lệnh vụ kiện Vinashin

    Cập nhật: 17:31 GMT - thứ sáu, 16 tháng 12, 2011

    Vinashin từng được đầu tư để hiện đại hóa công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam
    Một án lệnh của tòa Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm ở London, cảnh báo Vinashin cùng 21 công ty tại Việt Nam bị kiện ra tòa tại Anh, có thể mất quyền bào chữa.
    ...
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/12/111216_vinashin_court_order.shtml

    Trả lờiXóa