Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

ĐỌC LẠI NHỮNG BÀI BÁO NGÀY NÀY 4 NĂM TRƯỚC

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10.12.2007, là tờ báo duy nhất đưa tin về việc người dân biểu tình phản đối Trung Quốc

Lời dẫn: Nhân kỷ niệm 4 năm nổ ra các cuộc biểu tình tự phát đầu tiên của quần chúng tại hai thành phố Hà Nội và HCM để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi ấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã lên tiếng phản đối.

Hai năm sau, ngày 17.03.2009, tại Hội nghị quốc gia lần thứ Nhất về Biển Đông, tổ chức tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, GS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công An đã phát biểu: Khi cần thiết, ví dụ như sau sự kiện TQ lập huyện đảo Tam Sa chẳng hạn, phải cho hàng triệu người xuống đường ở Hà Nội và Tp HCM.

Nhân dịp này, xin giới thiệu lại bài viết trên VietNamnet, được post lên vào sáng 10.12.2007, cách nay đúng 4 năm:

 VietNamNet
Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: 
Nhìn từ Hoàng Sa -Trường Sa
10/12/2007 12:41 (GMT + 7)


Cho dù nhiều giá trị có thể bị lẫn lộn, nhiều đường biên quốc gia mờ nhoà trong thời toàn cầu hoá thì lòng yêu nước sẽ và mãi là những giá trị trường tồn. Và mỗi khi chủ quyền dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước bị xâm phạm, là lúc những người Việt, trong và ngoài nước, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi, bằng cách này hay cách khác đã lên tiếng!

Tình yêu nước và ý thức dân tộc không phải của riêng ai. Và mỗi người, khi mang trong mình dòng máu Việt, đã chọn cách không im lặng. 

Trong hàng nghìn lá thư của độc giả trong và ngoài nước gửi về Tuần Việt Nam – VietNamNet những ngày qua, kể từ khi sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa xảy ra, thấy gì? 

Trên các diễn đàn mạng tràn ngập cờ Tổ quốc và những bài viết về Trường Sa, Hoàng Sa của cộng động mạng Việt Nam, thấy gì? 

Trong cuộc biểu tình hoà bình của người dân hôm qua (8/12), thấy gì?

 
Chiến sĩ ở đảo Trường Sa (Ảnh: Phạm Tuấn)

Đó là lòng yêu nước cháy bỏng, sục sôi trong từng lời từng chữ. Là nỗi đau đớn khi chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm. Là sự đau đáu đến vận mệnh đất nước, ở ngay những người trẻ, mà những tưởng cuộc sống bộn bề lo toan và đề cao hưởng thụ cá nhân này đã làm phai nhoà.

Và sau mỗi dòng thư, đó còn là lời khẳng định ý sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. 

Không cần một lời hiệu triệu. Cũng chẳng cần những sự hô hào. Bạn và tôi, bất kể quá khứ hay chính kiến khác nhau, đã cùng nhìn về một hướng. Để nói lên rằng: Tình yêu với đất nước này, dân tộc này, ngôn ngữ này là vĩnh cửu. Để nói rằng: khi chủ quyền bị xâm phạm, mọi người Việt, dù đứng ở vị trí nào sẵn sàng đoàn kết một lòng vì sự tồn vong của dân tộc! 

Trong những dòng thư tâm huyết gửi về, nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước thiết tha kêu gọi, hơn lúc nào hết, người Việt hãy cùng nhau đoàn kết một lòng vì lợi ích dân tộc. Chính những người Việt ở nước ngoài sẽ là những đại sứ góp phần vận động bạn bè thế giới hiểu và ủng hộ Việt Nam. Vượt qua những khác biệt và quá khứ, rất nhiều người đang âm thầm tự nhận lãnh sứ mệnh “bảo vệ Tổ quốc từ xa” như lời cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói về họ. 

Chỉ người Việt Nam mới thương lấy nhau, mới thiết tha và sẵn sàng xả thân bảo vệ lợi ích dân tộc. Chân lý bất biến đó, phải qua nhiều trả giá đau đớn mới được vỡ lẽ. 

Trong suốt thế kỷ XX đầy bão táp, đã chứng kiến bao nhiêu cuộc móc ngoặc, mặc cả và chia chác của các nước lớn trên lưng dân tộc nhỏ bé này? 

Khi hai cuộc chiến tranh khốc liệt bước vào giai đoạn kết thúc, khi các bên đã ngồi vào bàn đàm phán cho một kết cục hoà bình thì phía hậu trường, những đồng minh tưởng như thân tín cũng bước vào cuộc mặc cả sau lưng chúng ta.

 
Trường Sa – đảo thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Phạm Tuấn)

Đương nhiên, chẳng có gì là khó hiểu khi các nước lớn sẵn sàng hy sinh lợi ích của nước khác, vì lợi ích của chính mình. Lợi ích quốc gia đã biến những khẩu hiệu về tình đoàn kết thuỷ chung như nhất, những mỹ từ của đồng minh duy nhất, đồng minh truyền thống trở thành sáo rỗng. 

Ngày nay, không còn dễ dàng cho một nước, cho dù quyền lực có lớn mạnh đến đâu có thể xâm lược các nước khác. Nhưng trong một thế giới toàn cầu hoá, khi chủ nghĩa nước lớn ngày càng có nhiều hình dạng mới, khi những hành động xâm phạm chủ quyền dân tộc ngày càng trở nên tinh vi hơn, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và độc lập toàn vẹn (về cả lãnh thổ cũng như về tinh thần) của một quốc gia nhỏ, yếu vì thế phải đối mặt với những khó khăn khôn lường. 

Yếu thực lực thì luôn bị chèn ép, lấn lướt. Yếu thực lực đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi trong mọi tranh chấp. Đó là thực tế hiển nhiên dù vô cùng cay đắng. 

Một nhà lãnh đạo thuộc cấp cao nhất Việt Nam, khi nói về thực tế này, đã kết luận: Muốn thoát khỏi mọi uy hiếp, muốn phát triển được để tồn tại trong thế giới này, muốn bảo vệ được chủ quyền và độc lập dân tộc thực sự, toàn vẹn, nhất thiết dân tộc này phải phấn đấu bằng mọi giá thoát ra khỏi nỗi nhục nghèo, hèn. 

Đất nước này phải mạnh lên!

Đột phá để phát triển, giải phóng mọi nguồn lực, trong đó có tiềm lực con người để thoát khỏi thân phận nghèo hèn, chính là sứ mệnh lịch sử của những thế hệ ngày hôm nay. 

Hãy để sự kiện hôm nay, như lời giục giã đối với mọi người dân Việt lên đường cho cuộc dấn thân vĩ đại đó. 

Minh Anh
(Nguồn: Tuần Việt Nam – VNN/Viet-Studies)
Nguồn: Ba Sàm.

7 nhận xét :

  1. Sự việc chiếu phium của ông Hồ Cương Quyết làm tôi thấy tủi hỗ quá. Rồi mai đây còn ai ủng hộ VN chúng ta nữa

    Trả lờiXóa
  2. Ngày đó mà dùng từ biểu tình vẫn còn sợ lắm, chẳng hiểu sao có lẽ khi đó dân trí của cả nhân dân lẫn chính quyền mà cụ thể là bộ phận thực thi là CA cho đó là cái gì phản động, chấn động ghê gớm chăng ?

    Kể lại chuyện vui của em với thằng Tiến Nam bị tóm hôm 23/12/2007. Lúc CA viết biên bản làm việc, đến đoạn có chữ "BIỂU TÌNH" thì em chối đây đẩy, và kiên quyết không ký biên bản nếu ghi chữ "biểu tình", cuối cùng CA phải xóa cái chữ "biểu tình" và ghi vào đó là "tuần hành".

    Lại còn phải viết kiểm điểm ở cơ quan cũng thế , các bác có bảo em đi biểu tình là em không đồng ý và không làm kiểm điểm. Nếu bảo là "tuần hành" thì em sẽ viết những suy nghĩ và sự việc mà em chứng kiến.

    Nhưng có điều khi đó, em không dùng và bao giờ nghĩ đó là những cuộc "tụ tập". Cái từ tụ tập nó mang ý nghĩa sinh hoạt đời thường, dân dã kiểu tụ tập rượu chè, đánh bạc, gặp nhau cuối tuần...Chứ rõ ràng những cuộc xuống đường như thế mang ý nghĩa cao cả, bày tỏ lòng yêu nước.

    Trả lờiXóa
  3. Bài này đăng lên VietNamNet 10/12/77 rồi bị gở bỏ nhanh chóng.Cả BBT bị kỷ luật và TBT bị mất ghế ngay sau đó.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Diện nên đăng lại bài này do ABS giới thiệu: http://uyenvu.multiply.com/journal/item/56/56
    Đọc rất cảm động, khí thế giới trể khi ấy rất hào hùng không khác gì mùa hè 2011 vừa qua

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết của Vietnamnet đã qua 4 năm nhưng rất hay. Trong các trang mạng chính thống , tôi thấy vietnamnet là đáng đọc hơn cả !

    Trả lờiXóa
  6. "Bà con tụ tập bày tỏ bất bình" nếu viết tắt thì cũng đầy ẩn ý đó chứ hả ?...Bà con t.t.b.t.(trật tự biểu tình)...
    Khá khen cho báo Tuổi Trẻ lách lưỡi kéo của tuyên huấn...Khác với ngày xưa để trống...(tự ý đục bỏ)...
    Quả là thời nào cũng có Luật nấy, mà đã có Luật thì đồng thời cũng có Lách Luật là như vậy...kha...kha...

    TH

    Trả lờiXóa
  7. Tuyệt vời Báo Tuổi Trẻ!
    Tuyệt vời nhà báo Minh Anh!

    Trả lờiXóa