Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

BÚT TÍCH HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ VIẾT VỀ NGƯỜI MẸ HIỀN


Người mẹ hiền của học giả Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Xuân Diện
07.03.2015

Vừa qua, tôi về Phương Khê, Ba Vì, được nhà giáo Phùng Hoàng Anh đưa đi thăm quê hương và dòng họ của học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi có may mắn được bà con trong họ cho xem cuốn gia phả do Nguyễn Hiến Lê soạn. Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy thủ bút của ông. Dưới đây là những dòng ông viết về mẹ của mình:

"Thân mẫu tôi húy là Sâm, con giòng thứ cụ phủ Nguyễn Hữu Chước làng Hạ Đình (Hà Đông) mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ góa. Tính tình như đàn ông, nghèo mà không chịu nhờ cậy ai, quanh năm buôn bán để nuôi mẹ già và 4 con (vì bà ngoại tôi ở chung với chúng tôi).

Rất trọng sự học và lễ nghĩa của đạo Nho, mấy năm tôi ở Trung học thân mẫu tôi cho tôi về Phương Khê học thêm chữ Nho với bác Hai tôi “vì chẳng lẽ con nhà Nho mà không đọc được gia phả của tổ tiên”. Sở dĩ tôi thành nhà văn, một phần lớn nhờ công đó của người. Suốt đời vất vả cái vui duy nhất của người là thấy tôi thành tài”.

Trích Gia phả họ Nguyễn, do Nguyễn Hiến Lê soạn.
 
Cụ bà Nguyễn Thị Sâm - thân mẫu của Nguyễn Hiến Lê. Ảnh do dòng họ cung cấp. 

Cụ Đặc Như - thân phụ của học giả Nguyễn Hiến Lê. 
Ảnh do con cháu trong dòng họ cung cấp.

Học giả Nguyễn Hiến Lê.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Hiến Lê ở Phương Khê.

Gia phả họ Nguyễn do Nguyễn Hiến Lê soạn

Trang Lời mở đầu Gia phả.


Nguyễn Hiến Lê viết về mẹ.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi rằng: 

Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) là một nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế...
Trong Hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê viết:

"...Tôi sinh ngày 20 tháng 11 ta, giờ Dậu, năm Tân Hợi (nhằm ngày 8 tháng 1 năm 1912). Đổi ra bát tự để lấy lá số Tử Bình hay Hà Lạc thì tôi sinh năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quý Mùi, giờ Tân Dậu".

Nguyễn Hiến Lê quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội, trước ở trường Yên Phụ, sau lên trường Bưởi.

Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.

Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du kí, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.

Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Ông lâm bệnh và mất ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi.

Nguyễn Hiến Lê với sức làm việc đều đặn 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày gồm 6 tiếng để đọc tài liệu và hơn 6 tiếng để viết. Thời gian biểu này được áp dụng một cách nghiêm ngặt không ai được vi phạm kể cả chính ông, nhờ vậy mà ông đã hoàn thành một khối lượng công việc, tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật đồ sộ.

Để hiểu thêm về Nguyễn Hiến Lê quý vị có thể đọc cuốn Hồi ký của ông.
-----------------
 Ghi thêm:

- Nhà giáo Phùng Hoàng Anh cho biết: Nguyễn Hiến Lê học chữ Hán với bác Hai trong 3 kỳ nghỉ hè các năm 1930, 1931 và 1932.

- Những năm 60, 70, chính quyền Sài Gòn tặng ông (cùng với Giản Chi) Giải thưởng Văn chương toàn quốc (1967) - Giải Nhất ngành biên khảo - và Giải tuyên dương sự nghiệp Văn hóa - Nghệ thuật (1973) với danh hiệu cao quý đương thời, cùng một ngân phiếu lớn (tương đương mấy chục lượng vàng). Ông đã công khai từ chối với lý do "dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh" và bản thân tác giả không dự giải. (Nguyễn Hiến Lê với sự nghiệp học thuật Việt Nam - Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, tập 1. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 40).

- Trong dịp gặp gỡ GS. Trần Hữu Dũng (chủ trang mạng Viet-sudies nối tiếng) tại Hà Nội, ông nói tôi: Vị học giả mà tôi ngưỡng mộ nhất, là Nguyễn Hiến Lê.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ

Giường ngủ đơn sơ của Nguyễn Hiến Lê ở Long Xuyên
Ảnh: Nghê Dũ Lan (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Tác phẩm, Nxb Trẻ, 2003)

Nhà nghỉ và làm việc Nguyễn Hiến Lê ở Long Xuyên, 
bên trái là nhà cổ của bà Nguyễn Thị Liệp.
Trước dàn hoa thắp là tháp Nguyễn Hiến Lê (bị bụi kiểng che khuất)
Ảnh
: Nghê Dũ Lan (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm, Nxb Trẻ, 2003)

Bên trong nhà cũ của Nguyễn Hiến Lê ở Long Xuyên:
Tranh thầy đồ dạy học và cặp liễn đem về từ biệt thự 12/3 Kỳ Đồng [Sài Gòn].
Cái võng vắt trên thành ghế cạnh bàn thờ xưa kia ông hay nằm đọc sách, nghỉ ngơi.
Ảnh: Nghê Dũ Lan (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm, Nxb Trẻ, 2003)




Tại toà soạn Bách Khoa
Nguyễn Hiến Lê - cà vạt màu. Vi Huyền Đắc -cà vạt đen
(Nguồn: Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời & Tác Phẩm của Châu Hải Kỳ, Nxb Văn học, 1993, tr.60)
.
Tại toà soạn Bách Khoa, từ trái sang phải:
Lê Thanh Thái, Lê Ngộ Châu, Thu Thuỷ, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh
(Ảnh in trong cuốn Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời & Tác Phẩm của Châu Hải Kỳ, tr.60. chụp lại)

Tháp mộ Nguyễn Hiến Lê ở 92 Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Bình, thị xã Long Xuyên
(sau này bà Nguyễn Thị Liệp đã dời về tháp chùa Phước Ân, gần ngã tư Cái Bường, 
xã Vĩnh Thạnh, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Ảnh: sưu tầm trên Internet.

15 nhận xét :

  1. toi doc sach kinh dich do ngo tat to phien dich thay minh khong du trinh do de hieu du chi chut it /nhung doc nguyen hien le viet ve kinh dich thi thay co the hieu duoc phan nao / mot cam nhan khi doc nguyen hien le la thay ro tam huyet cua ong qua tung dong chu /

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn TS Diện, tôi rất cảm phục tinh thần học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi vô cùng thích cuốn Đắc Nhân Tâm do ông dịch mà tôi có may mắn đọc cách đây 30 năm.

    Trả lờiXóa
  3. Hai cuốn sách đọc năm 1975, làm thay đổi cách nhìn của tôi (HSMN đất Bắc) về nước Israel là "Bài học Israel" của Nguyễn Hiến Lê và "Exodus" của Leon Uris.
    Không hiểu trong Nguyễn Hiến Lê toàn tập có in lại Bài học Israel không ? Hay pác nào con giữ được thi post cho blogger tham khảo!

    Trả lờiXóa
  4. Ngày trước còn đi học, các thầy cô chúng tôi hay đưa hình mẫu của học giả Nguyễn Hiến Lê ra làm thí dụ.Tuy chúng tôi không học tác giả trong chương trình chính khóa, nhưng các thầy cô của chúng tôi hay trích những câu hay trong các tác phẩm của ông để giới thiệu với chúng tôi. Về sau này, chúng tôi cũng đọc nhiều tác phẩm của ông, và chúng tôi rất ấn tượng với hai tiểu thuyết dịch: Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu (Cry, beloved country) của nhà văn Nam Phi Alan Paton và Cầu trên sông Drina (Bridge on the Drina) của nhà văn Nam Tư I. Andritch, cả hai quyển tiểu thuyết này viết về tình yêu nước. Ông cũng còn rất nhiều tác phẩm về nhiều lĩnh vực, hơn nữa ông là dịch giả cả đời làm việc vì niềm đam mê và vì một tình yêu lớn của nhân loại và đất nước.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn chú Diện, từ hồi cấp ba cháu có đọc quyển "Tự học một nhu cầu thời đại" của bác Nguyễn Hiến Lê mà cháu vẫn còn nhớ rất rõ. Cùng với quyển "Thế giới quả là rộng lớn" của Kimwoochoong, quyển sách này đã làm thay đổi tích cực về thái độ cũng như cách làm việc và học tập của cháu đến tận bây giờ.

    Trả lờiXóa
  6. Trong bức ảnh 5 người tại tòa soạn Bách Khoa, người đứng giữa (Thu Thủy) là Võ Phiến (tên thật là Đòan Thế Nhơn), anh ruột của nhà văn Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Thế Hối).

    Trả lờiXóa
  7. Nguyễn Hiến Lê - Người là vĩ nhân, là tấm gương cho con cháu.

    Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

    Trả lờiXóa
  8. Đọc Nguyễn Hiến Lê là để làm Người!

    Trả lờiXóa
  9. Đêm cuối tuần khó ngủ. Đọc được bài viết này của bác Tễu tự nhiên thấy bồi hồi, lâng lâng mà lại vui ạ. Cám ơn bác Tễu đăng bài viết hay về cụ Nguyễn Hiến Lê.
    Hồi mới từ HN chập chững những bước đi đầu tiên ở đất Sài Gòn. Em được tặng cuốn "Quẳng gánh lo đi và vui sống" do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch ra tiếng Việt. Thấy hay quá nên sau đó tìm đọc sách cụ dịch và phát hiện ra rằng cụ còn là tác giả của nhiều cuốn sách tu dưỡng bản thân khác nữa.
    Những cuốn sách đó có ảnh hưởng khá nhiều cho cuộc sống, công việc của em từ đó đến giờ.
    Sách là tri thức. Và những cuốn sách cụ viết hay cụ dịch thật sự có giá trị cho đời sống tinh thần người Việt Nam chúng ta. Cám ơn cụ.
    Cám ơn bác Tễu đã đăng bài viết rất hay này.


    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn TS . Đọc blog của TS Nguyễn Xuân Diện mình có thêm nhiều kiến thức

    Trả lờiXóa
  11. TP HCM có con đường nào mang tên Nguyễn Hiến Lê ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có đường mang tên cụ Nguyễn Hiến Lê đấy ạ. Trong khu không quân và quân báo ở đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa rẽ vào đó.

      Xóa
    2. Đúng rồi, bạn mở Google Maps sẽ thấy: từ đường Cộng Hòa (hướng về đường Trường Chinh) rẽ phải vào Hoàng Hoa Thám, chạy một đoạn sẽ gặp ngã ba Nguyễn Hiến Lê - Hoàng Hoa Thám.

      Xóa
  12. Cuốn sách đầu tiên của học giả Nguyễn Hiến Lê tôi đọc là "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười". Sau này đọc thêm nhiều tác phẩm của cụ, càng khâm phục ý chí tự học và vươn lên thành hiền tài của cụ, trong đó có sự dạy dỗ, định hường của cụ bà thân mẫu.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đã đến ngõ Phất Lộc nơi sinh ra cụ Nguyễn Hiến Lê ở Hà Nội, đã tìm về Phương Khê quê Cụ ở Sơn Tây. Năm 1995 khi đến Sài Gòn tôi đã tìm đến Phố kỳ Đồng ngắm nhìn cửa sổ Cụ ngồi viết, rồi về Long Xuyên nói chuyện với Cụ Nguyễn Thị Liệp.
    Tôi coi Cụ Nguyễn Hiến Lê là Thầy mặc dù chưa một lần được gặp. Tôi vẫn sống theo những lời chỉ dạy của người Thày lớn của mình từ bao năm nay và tập nhìn đời theo cách của Cụ.

    Trả lờiXóa