Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

NHẬT KÝ BIỂU TÌNH CỦA MỘT CHUYÊN GIA XÃ HỘI HỌC

Biểu tình chống TQ, tuần hành trên phố Tôn Thất Thiệp - Trần Phú. Ảnh: Hoàng Tiến Cường
Chuyên gia Xã hội học Phạm Quỳnh Hương (Viện KHXH VN):
Cảm nhận khi đi biểu tình ngày 17/7/2011
Từ hôm tôi đi biểu tình (BT) đã qua chục ngày rồi. Lại đã có thêm 1 ngày Chủ nhật BT nữa (nhưng hôm đó tôi ko tham gia) nhưng những cảm xúc từ việc tham gia ngày hôm đó vẫn cứ tràn đầy và lẫn lộn. Tôi cứ suy nghĩ, suy nghĩ mãi về những cảm xúc lẫn lộn đó của tôi. Và tôi muốn viết nó ra cho những cảm xúc đó được rõ ràng hơn.
Bực vì bị đối xử thô bạo
Đây là cảm nhận đầu tiên ập đến. Có lẽ đó là cảm nhận ko chỉ của tôi mà của đa số người đi BT và ủng hộ BT. Thấy bực vì mình đi biểu tình biểu thị lòng yêu nước thì lại bị ngăn cấm, bắt giữ. Ô hay, thế ra mình sai chắc! Ô hay, thế ra lại có người bảo rằng mình sai! Ô hay, vậy mà mình lại cứ tưởng là mình ko sai! Bực! Rõ bực.
Không những ấm ức vì bị coi là sai, mà còn bực vì bị đối xử thô bạo. Nếu khách quan mà nói thì cũng khó có thể tránh được sự thô bạo khi mà một bên thì cứ ngăn cản còn một bên thì cứ ko chịu và cố tình làm việc mình cho là đúng đắn, và có quyền. Và chuyện xô xát và thô bạo là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ai ở vào hoàn cảnh và địa vị người bị xử thô bạo mà chẳng bực. Thậm chí với nhiều trường hợp bị đối xử quá mức thô bạo, thì thật quá sức chịu đựng. Tôi bị 2 người giữ 2 bên khuỷu tay lôi đi, rồi bị một người xấn xổ mắng vào mặt, mà những người thanh niên này đều khỏe mạnh, sáng sủa, và đều đáng tuổi con tôi. Thử hỏi sao lại ko bực chứ.
Lúc đó tôi đã nghĩ: Người xưa có câu: “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Thế nhưng, thực tế thì đã mặc áo cà sa rồi thì ko mặc áo giấy được nữa. Và ai quen mặc áo giấy rồi thì ko thể mặc áo cà sa được nữa. Những người quen tiếp xúc với những thành phần được gọi là tội phạm. Những người quen với trấn áp rồi thật khó mà có những hành vi hòa nhã được nữa. Suốt chặng đường từ Cửa Nam về Mỹ Đình tôi cứ ngồi nhìn những thanh niên này và cảm thấy thương cho họ, tiếc cho họ. Họ là những thanh niên trẻ, khỏe, mặt mũi sáng sủa. Nhưng ở họ bắt đầu có những hành vi nặng về trấn áp. Đành rằng trấn áp là một phần công việc của họ, nhưng họ còn quá trẻ để cái phần trấn áp có thể trấn áp phần nhã nhặn trong con người họ. Tôi đã nghĩ: Bác Hồ đã dạy: “ đối với dân phải…; đối với kẻ thù phải…”. Tuy nhiên, thật khó để có thể thực hiện đúng lời Bác khi mà mình có quyền. Ngày xưa khác. Ngày xưa ko có quyền gì cả. ko có quyền với kẻ thù thì đương nhiên rồi, nhưng cũng ko có quyền với dân vì lúc đó đã giành được chính quyền đâu, hoặc chính quyền còn non trẻ nên cái quyền cũng ko vững chắc và mạnh mẽ. Nhưng ngày nay, địa vị hoàn toàn khác, có quyền với cả kẻ thù, và dân. Vậy là …
Tôi lại nghĩ đến Chí Phèo. Anh ta vốn là một thanh niên khỏe mạnh, và sáng sủa. Nhưng rồi, cuộc đời đã nhào nặn anh ta thành một sản phẩm đặc thù của xã hội. Hay nói theo ngôn ngữ dân thường là xã hội xô đẩy, còn nói theo ngôn ngữ khoa học một tí thì là anh ta bị tha hóa. Anh ta ko còn giữ được cái bản chất thanh niên trẻ khỏe sáng sủa của anh ta nữa. Giá mà bây giờ lại có một ông Nam Cao nào đó viết nhỉ.
Trên HBO đang chiếu một bộ phim Mỹ hình như có tiêu đề “a few good man” trong đó Tom Cruise và Demi Moore đóng. Trong phim kể về một vụ án của tòa an binh mà Tom và Demi là 2 luật sư bảo vệ cho một anh lính bị chết. Kết thúc phim là cảnh 2 anh cán bộ (kiểu như tiểu đội trong tiểu đội của anh lính bị chết) đã được tòa xử ko bị tội giết anh lính của tiểu đội (mà đó là do thừa hành lệnh của một ông tướng). Nhưng 2 anh này vẫn bị khép tội hành hung người. Một anh đã kêu lên một cách tức tối, và oan ức là: nhưng đó chỉ là chúng ta thi hành lệnh cấp trên thôi mà. Và anh lính kia trả lời: chúng ta có tội. Đó là tội không bảo vệ người không có khả năng tự bảo vệ. Lúc chia tay anh luật sư (Tom) đã nói với anh lính đó rằng: anh vẫn có danh dự mà không cần có quân hàm trên vai.
Có bao nhiêu người trong chúng ta còn nghĩ đến danh dự. Còn coi trọng danh dự? Có bao nhiêu người còn nghĩ đến bảo vệ người ko có khả năng tự vệ?
Bị xúc phạm vì bị mất quyền yêu nước
Bị xúc phạm vì mình tưởng là mình có quyền lên tiếng nói, tiếng nói chính nghĩa. Chính nghĩa vì mình thấy TV, Đài cũng nói về lòng yêu nước, về Trường Sa, Hoàng Sa. Mình muốn góp tiếng nói cùng những con người chính nghĩa. Mình cũng muốn góp tiếng nói cùng với các chiến sỹ và ngưu dân ngoài Biển Đông. Vậy mà lại bị ngăn cấm, bị bắt giữ. Cứ y như là mình ko có quyền gì vậy!!! Cứ y như là mình mất quyền công dân vậy!!!
Nhưng có một kinh nghiệm mà tôi lại thấy là hay đó là kinh nghiệm: lên xe buýt. Nếu chỉ ngồi nhà, xem trên mạng thì chả cảm thấy gì sất. Nếu đi ra tận nơi, hòa vào dòng người thì cảm thấy một chút gì đấy của không khí BT. Nhưng nếu bị bắt đưa lên xe buýt… cảm nhận sẽ khác hẳn. Sẽ hay hơn nhiều. Cái cảm giác mà lúc đứng dưới đường mình ko thể có được. Đó là quyền công dân. Lúc đứng trong xe buýt nhìn ra. Nhìn những chiến sỹ CA đang trấn áp. Nhìn những người bị bắt giữ đang phản đối và đòi thả một cách vô vọng. Nhìn những người dưới đường đang tiếp tục cuộc BT. Một cảm giác khó có thể diễn tả được. Không thể gọi là mất quyền công dân, nhưng nó là mất quyền đấy.  
Những ai đã đi biểu tình, hãy một lần lên xe buýt. Cảm nhận về mất quyền công dân trong chốc lát thật là… khó diễn tả.
Bị xúc phạm quá thể!
Buồn, buồn quá
Buồn vì việc mình làm ko sai (Mình thể hiện lòng yêu nước mà) thế mà lại phải làm như là giấu giếm, như là thanh minh. Thật là tệ quá mức. Thời buổi gì mà phải xấu hổ vì muốn biểu lộ lòng yêu nước.
Buồn vì thể hiện lòng yêu nước lại thành ra mất quyền công dân.
Buồn vì có lòng yêu nước hóa ra lại bị chính những anh CA nhân dân trấn áp. 
Ngao ngán về những người thờ ơ
Buổi tối, đi sang nhà mẹ đẻ. Nhìn thấy tay tôi bị vằn máu đỏ lên, do vết 2 thanh niên chộp khuỷu tay bốc lên xe buýt, cô em gái hỏi, tôi nói: đi BT. Cô em kêu lên: Biểu Tình! Biểu tình gì? Có được tiền không? Tôi ngã ngồi xuống ghế. Mẹ tôi thì im lặng. Còn chồng nó thì mắng luôn: hỏi gì mà ngu ngốc thế! Đúng là chẳng biết gì về thời sự cả. Suốt ngày chỉ mua sắm với phim Hàn Quốc nên mới dốt thế đấy.
 Đến tận hôm nay nhà tôi chưa ai biết là tôi đi BT. Nếu biết ko biết ý kiến mọi người thế nào. Cũng là một dịp để biết quan điểm, thái độ của mọi người đây!
Sáng nay đến cq nói với chị bạn thân, chị ấy bảo sao mày ko nói ngay. Chuyện như thế thì phải khoe ngay chứ. Thế mà ko nói ngay để tao khoe với chồng tao, ông ấy tha hồ khoái.
Ôi, đây cũng là một dịp để đo lòng người. 
Hôm qua 26/7 đi hội thảo gặp một TS khoa học, một người được coi là thân của tôi. Dường như tình cờ tôi hỏi 1 câu: có đi BT ko. Trả lời: ko, chả đi đâu. Về nhà chỉ quanh quẩn ở nhà cũng đã mệt rồi. Rỗi thì xem TV. Thấy bạn ko hỏi gì, tôi tự nói: tuần trước tôi đi BT. Vẻ hết sức ngạc nhiên và bức xúc, xen lẫn coi thường: Điên à, dở hơi à. Tôi chẳng nói gì được nữa. Ôi, TS!!!
Một bạn thân khác, hôm nay, 27/7 mới biết được tin tôi đi BT đã trách: sao chuyện hay như thế mà ko kể gì cả. Rồi bạn háo hức giục: kể đi, đi BT thế nào? Bạn hỏi đi BT ở đâu, BT về cái gì? bị bắt về Mỹ Đình à? Có những ai đi BT? Rất nhiều câu hỏi khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bạn vẫn được coi là chuyên gia trong mọi loại tin tức. Bạn nắm vững mọi hoạt động, sinh hoạt của tất cả những nhân vật nổi tiếng trong nước và thế giới. Từ những nhân vật trong làng giải trí cho đến các chính khách. Từ các sự kiện văn hóa thể thao đến các loại thiên tai, rồi các vụ tham nhũng... thôi thì đủ các loại tin trên báo. Tôi luôn cảm thấy xấu hổ vì mình là người lạc hậu so với bạn. Thế nhưng tin về BT thì bạn ko biết tí gì sất. Thế mà bạn đã từng là người bạn thân, rất thân với những nhân vật mà cả nước biết đến trong những cuộc đấu tranh trên báo chí “lề trái, lề phải”. Vậy mà .... ÔI, tôi ko biết tôi có lạc hậu ko đây. Ko biết tôi là người thế nào nữa.
Lo lắng vì những chiến sỹ CA ko lắng nghe
Trong lúc tham gia BT, rất nhiều cuộc tranh luận xảy ra giữa những người BT và các chiến sỹ CA. Những tranh luận về lòng yêu nước, vầ lãnh thổ, về chủ quyền, về Biển Đông, về lịch sử 4000 năm… Nhiều, rất nhiều như vậy. Nhưng xem ra người nào nói cứ nói ý kiến của mình, còn phía bên kia cũng kiên trì ý kiến của mình. Nếu những người BT tự cho mình là thể hiện lòng yêu nước, thì các chiến sỹ CA ở phía đối lại, ko thể nói là ko yêu nước. Nhưng sao thấy khó hiểu quá. Hai bên ko hiểu nhau. Đã ko hiểu nhau thì lại còn ko lắng nghe nhau.
Lúc ở Mỹ Đình, trong khi khai tường trình, tôi đã nói về chuyện đi BT. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng anh CA tiếp tôi ko hề để ý gì đến những điều tôi nói. Anh ta ko phải là ko hiểu tôi nói gì, cũng ko phải là phản đối ý kiến của tôi. Anh ta cũng ko máy móc ghi lại những gì tôi nói. Chỉ đơn giản là anh ko hề để ý đến tôi nói cái gì. Tôi đã nghĩ rằng mình có nói thế chứ nói nữa cũng chẳng ai nghe. Những người khác nói ra rả đấy thôi, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Vẫn lý luận cũ, vẫn hành vi cũ nhưng những tuần trước. Chẳng có gì thay đổi được cả. Mà mình có nói anh ta cũng có nghe gì đâu. Mình nói chán, anh ta lại hỏi lại. Nhiệm vụ của anh ta là ghi lại những thông tin cá nhân, và 2 câu trả lời cho 2 câu hỏi đã ấn định từ trước: vì sao đi BT? Nghĩ gì về BT? Nhưng dù mình có nói gì thì anh cũng chẳng ai đếm xỉa đến ý kiến của mình cả. Họ có quan điểm của họ. Thế thôi. Nói gì cũng vô ích. Chán.
Điều này có nghĩa là quan điểm của 2 bên là quá xa nhau. Ko thể nói chuyện được với nhau. Ko thể chia sẻ được với nhau. Tôi rất sợ là quan điểm 2 bên sẽ đối lập nhau. Tôi ko dám nghĩ đến điều đó. Tôi sợ sự đối lập này.
Ấm lòng vì chia sẻ giữa những người đi BT
Hôm tham gia cuộc BT tôi là gương mặt lạ nên đã bị những người BT nghi ngờ. Đầu tiên là 1 anh áo đỏ sao vàng hỏi luôn: chị là công an chìm à? Khi tôi xưng danh thì anh nói luôn: “à, dân xh tôi thấy chị là người thứ 2. Bên Toán họ đi đông lắm. Bên chị chẳng thấy ai.” Tôi im lặng và cảm thấy ngậm ngùi. 
Lúc ở trên xe buýt, mọi người cứ đếm đi đếm lại xem trên xe có bao nhiêu người BT. Tôi nghĩ trong bụng mà ko nói ra rằng có mấy người mà đếm mãi ko ra. Lát sau mọi người mới nói là đừng tính cả CA chìm. Tôi mới vỡ ra là à ra vậy. Khi có người đếm lại, đếm cả 1 thanh niên trẻ, tôi đã lên tiếng: ko tính anh này, vì chính anh này đã bắt tôi lên xe buýt. Rồi lại một người khác đếm và bảo ko tính chị này. Thế là cô bé ngồi cạnh, mặc áo đỏ đã kêu lên, ko chị ấy là BT đấy. Nhìn tay chị ấy đây này. Ở khuỷu tay tôi lúc đó có vết tay vằn máu đỏ do bị CA bấu vào khi bắt lên xe buýt. Mọi người cùng phấn nộ và đòi chụp ảnh để phản đối. Tôi đã phải giấu tay đi. Tôi ko sợ gì, chỉ ngại là cái tay của mình cũng ko đau lắm, mà làm to chuyện lên thì ko có lợi trong khi tình hình trên xe lúc đó ai cũng bị bức xúc. Tình hình cứ như lò thuốc súng rồi. Đến lúc đó tôi mới ngớ ra là mọi người nghĩ tôi là CA chìm. Lúc tôi hỏi một chị trông mặt quen quen, có lẽ nhìn thấy nhiều trên mạng. Chị ấy giới thiệu với giọng nghe không phải là bức xúc mà còn là gay gắt. Có lẽ chị ấy tưởng tôi là CA chìm nên mới có giọng “đối đầu” như vậy.
Nhưng khi đã biết cùng là người BT rồi thì mọi người lại rất dễ dàng chia sẻ. Tôi thấy thật ấm lòng. Việc đi BT tự mình biết là đúng, là trong sáng, nhưng bị CA, chính quyền phản đối đã khiến mình cảm thấy rất ái ngại rồi. Cứ như là mình làm điều gì ko trong sáng. Rồi bạn bè, người thân xung quanh lại có những thái độ chê cười, mỉa mai nên lại càng cảm thấy buồn. Nhưng giữa những người đi BT thì lại dễ dàng hiểu nhau, chia sẻ với nhau. Đôi khi nhận được sự chia sẻ của những người ko quen biết, cảm thấy ấm lòng.
Lúc ngồi trong đồn CA ở Mỹ Đình, đang trả lời tường trình, bỗng 1 cuộc điện thoại của 1 chị bạn thân. Chị hỏi tôi đang ở đâu. Chị hỏi thăm tôi tình hình ở đấy thế nào. Chị động viên tôi, chia sẻ với tôi. Thật là ấm lòng. Lúc ở Mỹ Đình tôi thấy rất bối rối. Tôi ko sợ. Tôi ko làm gì sai. Ko làm gì quá đáng. Nhưng thật sự bối rối, vì bị đặt vào thế đối lại với CA. Cuộc điện thoại đúng lúc của chị bạn. Sự chia sẻ của những người đi BT. Thật là ấm lòng.
Ngạc nhiên vì sự đa dạng của những người đi BT
Trước khi đi tôi cũng không nghĩ là mọi người có động cơ giống nhau khi đi BT. Vì bản thân tôi đã nghĩ chính mình cũng có động cơ khác mọi người rồi. Tôi đi vì cũng muốn hòa chung vào dòng người để cảm nhận được lòng yêu nước. Ngoài ra, còn một chút máu nghề nghiệp là muốn biết được mọi người có những suy nghĩ, động cơ gì. Thế nhưng, khi trực tiếp tham gia, chính tôi phải cảm thấy ngạc nhiên vì sự đa dạng. Tôi có thể cảm thấy một vài lý do dễ nhận thấy, nhưng thực ra thì còn nhiều lý do khác nữa mà tôi biết chắc là mình chưa biết hết được.
Có người đi vì muốn phản đối sự hống hách, hỗn xược của quân Tàu. Có người vì nghĩ đến những chiến sỹ và ngư dân ngoài đảo. Bằng việc BT này để nói rằng những chiến sỹ và ngư dân ko đơn độc ngoài Biển Đông. Có người đi vì mọi người đi vì lẽ phải, ko lẽ mình ko đi. Có người đi vì bức xúc, vì muốn thể hiện lòng yêu nước mà lại bị CA ngăn cấm. Có lẽ còn có người đi vì thấy vui. Quả thật, dù có những nguy cơ bị bắt giữ, nhưng đi cũng vui vẻ thật. Và chắc còn có nhiều lý do đi nữa mà tôi chưa biết hết. Vì có những người thể hiện sự bức xúc, thậm chí là quá khích, nhưng cũng có người chỉ trầm lặng, lặng lẽ tham gia. Nhiều người không ồn ào, nhưng kiên định.
Thú vị vì có thể test thái độ của những người ko đi BT
Nếu đi quan sát sự đa dạng của người BT là rất thú vị thì test phản ứng, thái độ của những người ko đi BT cũng thú vị không kém. Những bạn nào quan tâm đến những vấn đề xã hội, sự kiện xã hội hãy tham gia và test mà xem. Hay lắm. Ta vẫn có câu: trong hoạn nạn mới biết lòng nhau. Thực ra, tôi cũng chẳng có hoạn nạn gì, hay là chưa có gì đáng gọi là hoạn nạn cả. Nhưng cũng đã có thể đo được lòng của nhiều người xung quanh rồi. (nếu mà có hoạn nạn thật thì… sẽ biết thật. hi hi)
Hà Nội 28/7/2011

*Xin cảm ơn Bà Phạm Quỳnh Hương (Viện KHXH VN) đã chia sẻ bài viết này với bạn đọc NXD-Blog.

25 nhận xét :

  1. Tại sao COMENT cảu "Tổ quốc thân yêu" không được đăng? Khi cháu muốn góp một phần nhỏ nhặt của mình vào TINH THẦN YÊU NƯỚC?

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất hay ạ.Công an ngày càng trở thành lực lượng kiêu binh như nhân dân đồn đoán.Thật đau xót là các chiến thuật ngày xưa ta dùng với Mĩ,Ngụy,thì ngày nay lực lượng an ninh lại đem dùng với chính nhân dân mình!!!

    Trả lờiXóa
  3. Nếu ta đi trong đoàn người ấy...Tâm hồn bình thản,cảm xúc tuôn trào.

    Trả lờiXóa
  4. Bố con tôi là người chứng kiến từ đầu và cũng là nạn nhân của đám côn đồ trước mặt công an : hành hung, giật cờ, chửi rủa cả các ông bà, cô chú, anh chị rồi lôi lên xe buýt.
    Vấn đề đã rõ : công an và đám côn đồ cùng làm việc này, vậy ai ra lệnh cho họ, ai cho phép họ dám làm vậy với Nhân dân ? tôi và mọi người rất bức xúc về việc này, chưa lý giải được. Hai vợ chồng Giáo sư Đông Yên cùng bị bắt xuống Mỹ đình cũng ngạc nhiên và thất vọng về lối làm việc, hành xử của đám công an và côn đồ.
    Chúng ta cần yêu cầu ủy ban giám sát của Quốc hội làm rõ vấn đề này.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn chị Quỳnh Hương.
    Bài viết của chị rất thú vị, rất xã hội học.

    Trả lờiXóa
  6. Anh Dien xem va thong bao som, chu nhat nay co LEN DUONG hay khong?

    Một tàu cá bị Trung Quốc đập phá
    30/07/2011 0:42
    Sáng 29.7, bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, một tàu cá của ngư dân địa phương vừa bị phía Trung Quốc đập phá, lấy tài sản khi đang hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của VN.
    Theo báo cáo xác minh của Đồn biên phòng 328 Lý Sơn, tàu cá QNg-96617TS, công suất 250 CV, do ông Lê Văn Cương (45 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân khác bị tàu màu trắng, vỏ sắt, số hiệu 54025 của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc khống chế tại khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa) vào trưa 14.6.

    Sau gần 2 giờ lục soát, phía Trung Quốc đã đập bể 4 cửa kính ca-bin tàu, 3 can dầu diesel, chặt đứt 4 bành dây lặn, 1 thúng chai và ném 1 thúng chai khác xuống biển; lấy đi một la bàn và lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân (ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng) rồi xua đuổi không cho hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa. Dù vậy, thuyền trưởng Cương đã mượn ngư cụ của tàu ông Lê Vinh (ở cùng địa phương) để tiếp tục bám biển, đến ngày 29.6 mới trở về đảo Lý Sơn. Đồn biên phòng 328 Lý Sơn đã báo cáo vụ việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi.

    Trả lờiXóa
  7. KTS Trần Thanh Vânlúc 09:19 30 tháng 7, 2011

    Bạn Quỳnh Hương và các bạn ơi.
    Đêm 19/12/1946, Cha tôi, cụ Trần Văn Đễ, nhà ở Số 1 Phố Đặng Đình Nhân bên Hồ Ha le ( là phố Đỗ Hạnh ngày nay ) cụ là TỰ VỆ THÀNH HOÀNG DIỆU VỚI BIỆT DANH HOÀNG THÁI.
    Sau hơn 2 tháng cầm cự với giặc Pháp, đầu năm 1947, bố tôi ở lại, sung vào lực lượng Công an nằm vùng hoạt động bí mật trong nội thành.
    Sau này lớn lên, được gặp lại những người bạn của Cha, tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được giới thiệu mình là con gái của một trong những chiến sĩ Công an đầu tiên của Hà Nội" "Cháu này là con gái lớn của anh Thái đây".
    Bây giờ tôi cảm thấy rất ngượng, mỗi khi ai đó nhắc rằng tôi là con em của Công an Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  8. cam on co vi bai viet rat sau sac va nhan van, chuc co luon khoe manh,that su chau khong duoc dung cam nhu co va moi nguoi,thay minh hen qua...

    Trả lờiXóa
  9. Chị Quỳnh Hương ơi,

    Cảm ơn chị đã có bài viết về cảm xúc của ngày 17/7. Hóa ra chị cũng là người lên đồn Mễ Trì à? Em chưa nhận ra chị. Chắc chắn chị không cùng xe số 1 của bọn em, đúng không ạ? Qua bài viết em nghĩ chị là một phụ nữ trung niên. Điểm lại các gương mặt phụ nữ trong ngày hôm đó mà em chưa quen mặt thì em thấy có 2 người: một người mặc áo nâu đội mũ xanh (sau em biết là phu nhân của giáo sư Đông Yên) một người mặc áo hồng đội mũ màu trắng đeo túi đen chéo qua người. Em đoán chị là người phụ nữ thứ hai, đúng không ạ? Em có mấy cái ảnh có hình chị đấy. Chị cho em email em gửi ảnh cho chị làm kỷ niệm. Em tiếc lúc chụp ảnh hai vợ chồng giáo sư Yên ôm hoa có chị đứng bên cạnh nhưng lại không để ý nên để ở chế độ video. Em cũng có cái cảm xúc như chị về mối quan hệ bạn bè qua mấy cái vụ biểu tình này đấy. Một thằng bạn thì bảo đi làm gì, được tiền không (ngu thế không biết), một thằng thì vừa hôm qua gọi điện bảo em gửi cho cái link trên BBC có hình của em đi biểu tình, trách là sao không cho biết sớm. Hay thế đấy chị ạ. Email của em: nchituyen@gmail.com

    Trả lờiXóa
  10. Trước kia tôi đã từng nghe nhiều chuyện về Công an (hoặc chính quyền) "thuê" con đồ đầu gấu trong việc giải tỏa đất đai cho các dự án hoặc chuyện quan chức bon chen địa vị chức tước...thuê côn đồ dằn mặt đối thủ thì tôi chưa tin lắm. Qua vụ đàn áp biểu tình của công an HN ngày 10/7 và 17/7 có thể khẳng định việc thuê côn đồ là sự thật. Đau lòng là chính quyền lại phải dùng đến biện pháp tệ đến như vậy (nếu không muốn nói là hèn hạ).

    Trả lờiXóa
  11. Người Sài Gònlúc 10:14 30 tháng 7, 2011

    Bài viết rất hay vì rất chân thực, tôi là một phụ nữ, công tác tại một trường ĐH ở Sài Gòn, tôi cũng tham gia biểu tình vào ngày 12/6, những va chạm, trải nghiệm, cảm xúc trong và sau biểu tình cũng giống như của Chị Hương, vui, buồn, thất vọng, chán... các cảm giác lẫn lộn đan xen đó cuối cùng đã làm tôi giác ngộ.

    Trả lờiXóa
  12. khoảng 9g sáng 30/7 TV An Giang phát sóng bộ phim " Tướng về hưu" bộ phim gây nhiều dư luận trái chiều từ gần 30 năm nay . Một nhóm anh em trí thức cán bộ chúng tôi ngồi xem mà thấy thấm thía , thời sự . sao VTV không chiếu rộng rãi cho bà con xem. Day là một phim nhựa hay .

    Trả lờiXóa
  13. Có lẽ chị ở chuyến xe thứ hai,em chưa nhận ra chị ,nhưng em đã cảm nhận được có mình trong đó,tâm trạng con trai con gái có đôi chút khác ,nhưng các điều cơ bản là như nhau.bản thân em cũng đi biểu tình trong sự âm thầm,chỉ đến nơi hòa vào dòng thác của sự nồng nàn yêu đất nước,căm giận sự tham lam,và tráo trở của tq,thì em trở lên sôi nổi,đôi khi cầm trịch để hô ,chỉ là thay nhau cho đỡ mệt thôi.những lần đầu đi BT,em chưa muốn mọi người biết.lặng lẽ chuẩn bị,và xếp đặt cv cho anh em ,rồi sáng hôm sau vù xe đi sớm,em ở chùa thầy nên hơi xa.
    nhưng rồi dần dần 2 cậu con trai cũng biết.do một lần nhờ cháu cài đặt lại máy tính,cũng thật thú vị vấn đề được thoải mái hơn khi mình có thêm đồng minh chị ạ.sẽ có lần hai bố con cùng tuần hành trên đường phố Hà Nội.rất mong được gặp chị cafe chủ nhật này nhé

    Trả lờiXóa
  14. Bạn không biết cách thức tổ chức lực lượng dân phòng ở các phường rồi. Theo kinh ngiệm tổ chức "Thành Quản" madein China. Cũng có thể gọi là chính sách lấy độc tri độc. Họ là những người rất khao khát lập công với xếp của mình là CA phường. Mấy anh em cộm cán đi đâu cũng khoe "tao vừa ngồi uống rượu với đồn trưởng phường". Nhờ đóngs góp tích cực họ có được ưu ái đấy, cắm 1 bãi gửi xe, được mở cái quán karaoke hát quá giờ mà người thường mơ cũng khó. Tôi nghĩ rằng ngành CA sử dụng họ là tốt để hòa nhập họ với XH, nhưng cho họ đi lập công như vụ đàn áp dân vừa rồi thì tôi khiếp quá....

    Trả lờiXóa
  15. Có phải chị là người mà khuỷu tay phía trong bị hai vết cào mà tôi đã miêu tả trong bài biết của tôi (Nhật ký biểu tình ngày 17.7 - "Sống trong đồng chí" trên blog NXD ngày 26.7) không? Tôi chỉ còn nhớ cái vết cào ấy mà không nhớ mặt chị, cũng không trò chuyện riêng với chị, do đó ở bài viết tôi nói đến một số gương mặt mà không nhắc đến chị. Một số người ngại tiết lộ về mình cho nên mãi đến lúc sắp về tôi mới dám hỏi và hỏi được một ít. Về nhà cứ tiếc mãi. Chả lẽ lại mong lần sau bị bắt để gặp lại? Đúng là trong rủi có may. Đấy là những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm có trong đời. Hạnh phúc của mối tình đầu có lẽ ai cũng từng có, nhưng hạnh phúc trong tình dân tộc nghĩa đồng bào thì không dễ có đâu.

    Trả lờiXóa
  16. Cảm ơn Chị Phạm Quỳnh Hương vì chị đã đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước và có bà viết rất đầy đủ , rất hay của một nhà khoa học. Buồn cho đất nước, buồn cho tất cả chúng ta

    Trả lờiXóa
  17. Thưa KTS Trần Thanh Vân.
    Tôi cũng có cảm giác như chị. Năm 1971, tôi vào Quảng Trị chiến đấu suốt mùa Hè 1972, đầu 1973 (ký Hiệp định Pais) mới ra học Sĩ quan Lục quân Sơn Tây. Lội dòng Bến Hải, tôi rưng rưng khóc vì vui sướng: quê hương miền Nam của tôi sắp giải phóng rồi. Sẽ chấm dứt những thảm kịch nhà tù Phú Lợi, Vĩnh Điện, Sơn Mỹ...Người dân miền Nam sắp sung sướng, hạnh phúc rồi.
    Vài chục năm trở lại đây, tôi thấy hối hận, vì tuổi xanh quá hoang phí. Bây giờ chỗ nào cũng tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, hà hiếp người dân thấp cổ bé họng, quan chức ngày càng cơ hội, vô cảm. Công an nhân dân thì từ "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" tha hóa thành "chỉ biết còn Đảng còn mình". Quân đội nhân dân thì từ "trung với nước, hiếu với dân" biến thành "trung với Đảng, hiếu với dân", chỉ chăm chăm lo vơ vét qua làm kinh tế. VN ngày càng tụt hậu với khu vực và thế giới.
    Không thể biện minh cho việc thế hệ chúng tôi đã bị phản bội. Đau xót lắm! Đau xót lắm.
    Tôi ở cách Hà Nội cả nghìn km, gia đình gặp lúc hoàn cảnh, muốn ra Hà Nội đi biểu tình mà chưa có điều kiện. Nhưng nhất định tôi sẽ ra, với biểu ngữ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

    Trả lờiXóa
  18. Tuy rằng báo chí chính thống không nói gì về các cuộc biểu tình trong 2 tháng vừa qua nhưng các bác cứ yên tâm là rất nhiều người ở Hà Nội đã được nghe/truyền tin cho nhau về nội dung này.

    Sáng ra em đi ăn sáng ở trong xóm, gặp ngay một anh ở trong ngõ (cả đời mình chưa bao giờ nói chuyện). Tự nhiên chưa quen mà đã hỏi han về tình hình biểu tình thế nào. Hóa ra bác này cũng hay vào mạng đọc các báo không phải chính thống, cũng có 1 vài lần chủ Nhật ra nghe ngóng, ngó nghiêng (ko đi biểu tình)

    Cách đây vài tuần, ngồi uống trà đá trong xóm thấy bà con bàn tán lia chia về có sự việc biểu tình chống Trung Quốc. Em là em cứ cười mỉm thôi!

    Trả lờiXóa
  19. Xin Bà Phạm Quỳnh Hương đừng viết tắt nhiều quá, những chữ ko; Ko; BT...Các cháu bé nhà tôi đọc không hiểu được!

    Trả lờiXóa
  20. Cám ơn bạn Phạm Quỳnh Hương, cam ơn NXD, Tôi 82 tuổi, đi lại hơi khó nhưng qua NXD nên tôi vẫn liên hẹ với cuộc sống sôi động và hào hùng của các bạn trẻ hơn tôi. Nhờ NXD mà con và cháu tôi hiểu hơn về Con Người và hiện tình Đất Nước.

    Trả lờiXóa
  21. @ Can: ban đầu tôi viết những dòng này là cho bản thân, chứ không phải với mục đích đưa lên mạng thế này. Vì vậy tôi sử dụng những chữ viết tắt. Khi anh NXD biết và muốn đưa lên blog này tôi cũng nhận lời, nhưng sơ xuất không kiểm tra lại chính tả. Xin lỗi các cháu nhỏ.

    Hôm ở Mỹ Đình tôi có việc gia đình nên phải về sớm. Tôi không chờ được đến khi có anh NXD đến (Việc tôi về sớm vì lý do gia đình chỉ có một vài người trên cùng xe buýt với tôi biết thôi), vì vậy, rất tiếc tôi không có dịp làm quen với những người khác cùng đi BT (tôi vẫn dùng BT, viết cả từ ra tôi vẫn thấy ngại ngại, ghê ghê. Hóa ra tôi vẫn sợ CA phê bình, hi hi).

    Tôi chính là người được Đào Tiến Thi nói đến đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  22. http://thanhvdgt1.blogspot.comlúc 19:02 30 tháng 7, 2011

    Ối giời ơi, ảnh chụp đẹp quá, biểu tình hùng tráng quá!

    Trả lờiXóa
  23. Đem tâm tình viết Lịch sửlúc 22:00 30 tháng 7, 2011

    Có bác nào làm về lịch sử, xin tóm tắt sự kiện BT vừa qua theo kiểu viết sử khách quan, sau đó đưa lên cho bà con ngự lãm và ý kiến. Sau này các nhà Sử học khỏi phải cãi nhau vì phần LS này đã được duyệt với bởi người trong cuộc.

    Trả lờiXóa
  24. Nhật ký của bạn rất hay. Xem bài viết của người thông minh, hóm hỉnh thật dễ chịu.
    Hôm đó tôi cũng đi xem và cổ vũ biểu tình, nhưng chưa dám tham gia biểu tình như bạn hehe.
    Trong lòng rất muốn, nhưng bên ngoài còn e vì sợ có người lại bảo hâm à, điên à, dở hơi à.
    Thôi thì đành chịu phận hèn kém hơn bạn và mọi người vậy.
    Tuy thế vẫn có tí hơn đấy nhé - không viết BT mà viết hẳn Biểu tình rõ ràng đấy nhé héhé.
    Cảm ơn bạn và NXD Blog.

    Trả lờiXóa
  25. Xin cảm ơn bài viết hay của cô Quỳnh Hương, mộc mạc, ấm lòng. Lòng yêu nước của mọi người sẽ được nhen nhúm và thổi bùng lên nhờ vào những hành động 'can đảm' tiên phong của các bác, các cô đấy.

    Trả lờiXóa