Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

NHỚ ƠN THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT

NHỚ ƠN THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
Nguyễn Minh Nhị
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Người nhờ đất sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý Việt Nam ta.
    
Nơi đây, ngày 25/7/1996, Thủ Tướng Võ Văn Kiệt trên đường khảo sát tình hình, tìm giải pháp cho phát triển sản xuất, hạn chế ngập lụt, xây dựng nông thôn mới, đã dừng chân trao đổi với cán bộ và nhân dân để tìm hướng thoát lũ ra biển Tây. Hướng ấy nay là con kinh, có ký hiệu T5 - Tuần Thống mà ngay sau khi đào thông, nhân dân đã gọi là "Kinh Ông Kiệt". Và tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã ra Nghị Quyết số 24 ngày 10/7/2009 chánh thức đặt tên: KINH VÕ VĂN KIỆT.

Trên đây là phần mở đầu Văn Bia kỷ niệm công trình thoát lũ ra Biển Tây được Tỉnh An Giang xây dựng tại đầu vàm kinh T5 giáp kinh Vĩnh Tế nhân ngày giổ lần thứ ba của Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.

Kinh được khởi đào ngày 22/4 và hoàn thành ngày 30/8/1997, trên phần đất An Giang dài 10.900 mét, trên phần đất Kiên Giang dài 25.800 mét, tổng chiều dài 36.700 mét, bề rộng mặt kinh từ 30 - 36 mét, đáy rộng 20 mét, sâu 4 - 4,5 mét. Tổng lượng đất đào 5.608.000 mét khối, đất đấp 2.257.000 mét khối, tổng mức đầu tư  97.743.000.000 đồng.

Ngoài nhiệm vụ là trục chánh trong hệ thống các công trình đưa nước ngọt nhiều phù sa vào sâu Tứ giác Long Xuyên, hạn chế ngập lụt dân cư, ngăn và thoát lũ ít phù sa ra Biển Tây; kinh Võ Văn Kiệt  rửa phèn cải tạo đất khai hoang và  tưới tiêu cho 16.000 héc-ta đất sản xuất trên vùng trũng Tứ Giác mà các nhà khoa học gọi là "Túi phèn".

Đây là một trong hệ thống các công trình cấp bách thực hiện ngay trong năm 1997 mà Quyết định 99/TTg của Thủ Tướng Chánh Phủ bao quát cho cả giai đoạn 1996 - 2000 về công tác thuỷ lợi, giao thông, xây dựng các cụm - tuyến dân cư vượt lũ, xây dựng nông thôn mới toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; tiếp tục hoàn thiện các Chương trình: Khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau do Ông khởi xướng từ những năm 1987 - 1988 - 1989 khi đất nước vừa Đổi mới, khi Ông còn là Phó Chủ Tịch thứ nhất Hội đồng Bộ Trưởng, rồi Chủ Tịch HĐBT - Thủ Tướng Chánh Phủ, cả khi là Cố Vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng và cho đến khi đột ngột vĩnh biệt chúng ta ngày 11/6/2008 trong tư thế chuẩn bị cho cuộc "chiến đấu" mới chống lại hiện tượng toàn cầu:  "Biến đổi khí hậu - nước biển dâng" mà Ông luôn trăn trở cho Đồng bằng Cửu Long và cho cả nước, mà thế giới dự báo là nước ta nằm trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thực hiện những chủ trương và các quyết định của ông, ĐBSCL đã đưa sản lượng lúa tăng gấp đôi, đạt 20 triệu tấn, riêng ba tỉnh An Giang - Kiên Giang - Đồng Tháp có sản lượng 10 triệu tấn. ĐBSCL không chỉ là vựa lúa số một của cả nước mà còn là nguồn cung cấp chủ yếu để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới mổi năm trên dưới 5 - 6 triệu tấn. Bộ mặt nông thôn toàn vùng khởi sắc ngày một rõ nét. Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất Miền Tây, cũng như các công trình trên cả nước mà ông chủ xướng như: Thủy điện Trị An, Đường dây 500 KV Bắc - Nam, Lọc dầu Dung Quốc; các Chương trình: Phủ xanh đất trống đồi trọc, Vệ sinh môi trường, Nước sạch nông thôn, Kiên cố hoá trường học...Những chủ trương có tầm lịch sử.

Hình ảnh Thủ tướng - Anh Sáu Dân thân thương gần gũi nhân dân, nhất là nông dân và dân nghèo, với văn nghệ sĩ - trí thức - nhà tu hành, bà con Việt Kiều; và hình ảnh một vị thủ tướng Việt Nam Đổi Mới lần đầu tiên xuất hiện và ghi ấn tượng tốt đẹp với bạn bè các nước và trên các diễn đàn quốc tế mà ông có mặt. Tất cả, người ta gọi đó là "Dấu ấn Võ Văn Kiệt"!.

Ngược dòng thời gian, người Miền Tây nhớ mãi một Bí thư Khu Uỷ khu Tây Nam Bộ - với bí danh anh Tám Thuận kiên cường, mưu lược lảnh đạo quân và dân Khu 9 đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm khốc liệt của Mỹ - Thiệu sau Hiệp định Pari, tạo tiền đế cho chiến trường miền Nam chuyển thế chiến lược tiến lên Tổng tiến công 1975 toàn thắng. Cả nước cũng biết đến một Bí thư Thành uỷ Hồ Chí Minh tất bật lo gạo hàng ngày cho hàng triệu dân; không chịu bó tay, năng động sáng tạo vực dậy những nhà máy xí nghiệp nằm im vì không có nguyên -nhiên liệu - phụ tùng, tìm cơ chế cho xuất nhập khẩu…góp phần tạo tiền đề cho công cuộc Đổi Mới của cả nước năm 1986. Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi không quên hình bóng Chú Sáu lặn lội trên những công - nông trường Thanh niên xung phong, trên mặt trận Biên giới Tây Nam trong những ngày cả nước gian nan dầu sôi lửa bỏng.

Ông sanh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo xã Trung Hiệp huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long, tên thật là Phan Văn Hoà; năm  16 tuổi Ông đến với cách mạng, là một trong những người lãnh đạo nhân dân huyện Vũng Liêm khởi nghĩa Nam kỳ; từ đó, trên con đường Cách mạng - Kháng chiến, từ Nam ra Bắc, xuôi ngược ba Miền, Ông luôn luôn đi đầu trong suy nghĩ và hành động cách mạng, luôn ở vị trí là người lãnh đạo chỉ huy ở tuyến đầu kiên cường, dũng cảm, tận tuỵ, được mọi người yêu quí và kính trọng. Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, phu nhân và ba người con của Ông đã hy sinh trước bom đạn của quân thù, để lại trong Ông những tổn thất và nổi đau không vì bù đấp được cho đến tận cuối đời. Nhưng với cách mạng, với cuộc đời, Ông luôn là người lạc quan tin tưởng, luôn luôn rạng rở nụ cười - "Nụ cười Võ Văn Kiệt!".

Nhân kỷ niệm lần thứ ba ngày Ông về cõi vĩnh hằng -11//6/2008,  nhân dân An Giang trân trọng khánh thành công trình "Nhớ ơn Thủ Tướng Võ Văn Kiệt" chính tại nơi mười lăm  năm trước Ông đã vạch hướng cho công trình thoát lũ ra Biển Tây. Mảnh đất nầy từ nay có tên Võ Văn Kiệt, nối tiếp Vĩnh Tế - Thoại Hà, lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên mảnh đất tận cùng Tổ Quốc ở phương Nam!.
   
Ông mãi mãi:

"Vẫn là Thủ Tướng của nhân dân
Là Anh Sáu của mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước

Đời nặng ân tình đất nặng chân".                                     
              
Long Xuyên, ngày 04/04/2011.

*Bài viết do Ông Nguyễn Minh Nhị gửi đến NXD-Blog. Xin chân thành cảm ơn Ông!


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét