CHỮ HẠNH TRONG TÊN CỦA LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA
Nguyễn Xuân Diện
Liễu Hạnh Công Chúa 柳杏公主, là cái tên đã có ngay trong tư liệu sớm nhất về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là truyện Vân Cát Thần Nữ trong tập sách Truyền Kỳ Tân Phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Hồng Hà nữ sĩ viết xong cuốn này vào năm 1735. Về sau, hàng chục Thần tích ở các đình miếu, phủ đền, thờ Liễu Hạnh Công Chúa đều chép theo hoặc ảnh hưởng từ sách của Nữ sĩ họ Đoàn.
Hồng Hà nữ sĩ viết về một thần nữ. Và bà lấy ngay chữ Vân Cát, là nơi sinh của nữ thần để đặt tên cho truyện. Nữ sĩ đã để lại thông điệp mà năm trăm năm sau, hay một nghìn năm sau không thể thay đổi: Liễu Hạnh Công Chúa giáng sinh ở Vân Cát. Hay nói khác đi, Vân Cát chính là cố trạch (nếp nhà cũ), là tiên nhân cựu quán (quê cũ của người tiên), là nơi đản sinh (giáng sinh). Chốt là như thế! Mấy người đàn bà hậu thế dù có dùng tiền bạc để làm rách tả tơi nhân cách của mấy kẻ mày râu ham danh hám lợi để sai khiến bọn họ xuyên tạc lịch sử thì Thánh tích đó vẫn như sắt như đồng, tạc vào lịch sử không thể xóa mờ!
Và cái tên của Liễu Hạnh Công Chúa 柳杏公主, thì Liễu là cây liễu, Hạnh là cây hạnh. Tên ấy được ghi trong Vân Cát Thần Nữ cổ lục – Truyền Kỳ Tân Phả - tức là ghi trong GIẤY KHAI SINH của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Không một triều đình nào dám sửa khi ban sắc. Không một văn nhân nào dám viết khác.
Chữ Hạnh trong Liễu Hạnh đã được ghi trong Giấy Khai Sinh của Mẫu, tức Truyền Kỳ Tân Phả - Vân Cát thần nữ cổ lục - trong bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa Chánh sứ Phùng Khắc Khoan và Liễu Hạnh Công chúa ở Xứ Lạng:
Lúc Phùng Khắc Khoan đi sứ từ Trung quốc về đến Lạng Sơn ông thấy một cô gái xinh đẹp ngồi dưới ba cây thông trước sân chùa, vừa đàn vừa hát.
Ông lên tiếng ghẹo bằng mấy câu đối chơi chữ. Rồi người con gái nghe vậy đối lại. Hai bên đối đáp hồi lâu. Phùng Khắc Khoan vô cùng khâm phục cô gái. Ông cúi đầu làm lễ, lúc ngẩng đầu thì cô gái đã biến mất.
Lúc bây giờ chỉ trông thấy một cây gỗ ngả cành nằm ngang trước mặt, trên thân cây gỗ viết bốn chữ: 卯口公主 Mão Khẩu Công Chúa. Vì chữ viết trên cây gỗ, gỗ là mộc 木, nên Liễu Hạnh không viết chữ mộc nữa. Cây gỗ là bộ Mộc. Trên chữ Mộc 木 thêm chữ Mão 卯 là chữ Liễu 柳. Mộc 木 thêm chữ khẩu 口 là chữ hạnh 杏. Đó chính là 4 chữ Liễu Hạnh công chúa 柳杏公主.
Người tùy tòng hỏi Chánh sứ họ Phùng ý nghĩa là gì. Ông nói: Mão Khẩu Công chúa lại thêm chữ "mộc" nghĩa là Liễu Hạnh Công Chúa vậy.
Vậy mà bản sắc phong mà ông Chu Xuân Giao cho là cổ nhất, do ông phát hiện ra, mà đám chuyên gia ở Bảo tàng Nam Định cũng không phát hiện ra, lại ghi là chữ Hạnh trong Liễu Hạnh là chữ Hạnh 幸 với nghĩa là hạnh phúc.
Nên nhớ Sắc phong là một văn bản chính thống, chính thức của triều đình ban ra. Là sắc do vua ban. Và không phải ban định kỳ hoặc thích thì ban, mà phải những dịp đặc biệt (đăng quang lên ngôi, năm được mùa lớn, sinh hoàng thái tử,…).
Đầu tiên Bộ Lễ sẽ tra trong Hồ sơ, lấy ra danh hiệu đã phong trước đó. Rồi chọn thêm các chữ đẹp (gọi là mỹ tự) trong kinh điển để “cập nhật” tức là gia phong (phong thêm) cho lần phong mới.
Bộ Lễ trước đó đã đặt mua giấy sắc ở làng Nghè (làng Nghĩa Đô), mỗi tấm giấy giá khoảng 1 chỉ vàng, vì giấy sắc có thiếp vàng và bạc thật. Sau đó chuyển cho Hoa Văn tự cục (tức là một cơ quan chuyên viết sắc phong và các lệnh của triều đình) viết. Trong khi viết, tất cả những chữ trong danh mục Quốc húy, khi viết đều viết bớt nét, hoặc dùng ký hiệu, hoặc đảo vị trí các bộ để thực hiện nghiêm lệnh kiêng húy. Viết xong kiểm tra lại rồi chuyển sang Ngự thư phòng để đem cái ấn vàng 10kg Sắc Mệnh Chi Bảo ra đóng vào các đạo sắc.
Khi sắc về đến đình đền miếu phủ, dân sở tại sẽ chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn vua). Sau đó hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong nội điện, cho vào hộp sắc để thờ, coi đó là một bảo vật của Thần, quý hơn cả đồ tế khí.
Từ đó trở đi, nếu đạo sắc năm nào bị mất hoặc cháy, triều đình không cấp lại bản thứ hai nữa, mà chỉ cấp bản sao do Bộ Lễ cấp và đương nhiên chỉ có đóng dấu của Bộ Lễ chứ không đóng dấu Sắc Mệnh Chi Bảo của nhà vua.
Quy trình như thế, thì làm sao có chuyện viết thừa một chữ (chữ Tinh), viết sai chữ HẠNH tên Thánh Mẫu, viết khác lối một chữ (chữ Cao).
Vì thế, tôi nghi ngờ tờ sắc phong mà ông Chu Xuân Giao cho là cổ nhất, mà như ông nói là được triều đình ban ra vào tháng 6 nhuận năm Chính Hòa thứ 4 (1683).
* Đến hôm nay, khi viết xong bài này, thì tôi mới chột dạ nhớ ra và hiểu vì sao, gần đây Ông Chu Xuân Giao lại bắt đầu viết bài nói rằng Tác giả của Truyền kỳ tân phả - Vân Cát thần nữ truyện là NGUYỄN Thị Điểm.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét