Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

ÔNG CHU XUÂN GIAO ĐỌC SẮC PHONG LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA


TRỜI ĐẤT! HỌC GIẢ CHU XUÂN GIAO ĐỌC TÊN THÁNH MẪU LIỄU HẠNH LÀ MẠ VÀNG CÔNG CHÚA LẠI CÒN NÓI MẠ VÀNG NGHĨA CŨNG NHƯ MẠ BẠC, MẠ ĐỒNG. Và gọi đó là CHỮ NÔM nữa!
 
Tiến sĩ Chu Xuân Giao khi dịch một sắc phong ở Phủ Dày, đã đọc ra tên Thánh Mẫu Liễu Hạnh là LIỄU HẠNH MẠ VÀNG. 
 
Hãy xem Chu Xuân Giao viết: “Điểm thứ hai, về tên hiệu của vị thần ở lần sắc phong này, là Liễu Hạnh Mạ Vàng tề gia trị quốc hộ sĩ, cẩn tiết hòa mỹ đoan trang, quang mục nhân minh thuần mỹ công chúa
柳 幸 鎷 鐄 斉 家 治 國 護 士 謹 節 和 美 端 莊 光 穆 仁 明 純 美 公 主. Có thể rút gọn thành Liễu Hạnh Mạ Vàng 柳 幸 鎷 鐄. Chữ Mạ Vàng 鎷 鐄 ở đây có thể xem là chữ Nôm, mà nghĩa thì tạm thời có thể hiểu như là “mạ vàng” trong tiếng Việt hiện nay (cùng trường nghĩa với “mạ bạc”, “mạ đồng”...).” (Hết trích)
******
Xin đăng lại bài này để mọi người cùng biết:
 
VỀ DANH HIỆU THÁNH MẪU LIỄU HẠNH: 
MÃ VÀNG CÔNG CHÚA, MẠ VÀNG CÔNG CHÚA hay là MÃ HOÀNG CÔNG CHÚA
 
Như lâu nay chúng ta cùng biết, trong Vân Cát thần nữ, Liễu Hạnh công chúa có hai thần hiệu là
禡 黃 公 主 Mã Hoàng công chúa và 制 勝 和 妙 大 王 Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương. Cả hai danh hiệu này đều do triều đình sắc phong.
 
Danh hiệu
制 勝 和 妙 大 王 Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương được phong vì chúa có công giúp triều đình trừ giặc, vậy còn 禡 黃 公 主 Mã Hoàng công chúa thì khởi nguồn từ đâu?
 
Theo khảo cứu và phát hiện của Thạc sĩ Lê Tùng Lâm, thì: 
 
"Vân Cát thần nữ chép: Năm Cảnh Trị, ngài được triều đình phong làm Mã Hoàng công chúa. Tuy nhiên khi đọc các văn bản thần tích hữu quan, chúng tôi phát hiện hai chữ “Mã Hoàng” có ba cách viết khác nhau. 
 
Có 4 bản thần tích chép là
鎷 鐄,
Có 2 thần tích ghi là
禡 黃, 
và cách viết phổ biến nhất là
禡 鐄 trong 16 thần tích. 
 
Riêng cách viết
鎷 鐄 còn được nhiều người kiến nghị nên đọc là “Mạ Vàng”. Về tự dạng thì đọc như vậy là không sai, nhưng chúng tôi cho rằng phải đọc là Mã Hoàng vì hai chữ này chỉ việc quân đội tế thần.
 
Từ điển Từ nguyên chú thích:
代行軍於所止處祭神曰禡。其神或曰黃帝,或曰蚩尤 (Cổ đại hành quân ư sở chỉ xứ tế thần viết mã. Kì thần hoặc viết Hoàng Đế, hoặc viết Si Vưu). Dịch là: Thời cổ đại hành quân tế thần ở nơi dừng lại gọi là mã. Tế thần là Hoàng Đế hoặc Si Vưu.
 
Tra ngược lại văn bản Truyền kỳ tân phả (A.48), văn bản này chép là
禡黃. Kết hợp với những lần Chúa Liễu âm phù triều đình dẹp giặc, thậm chí còn có lúc đích thân dẫn quân đi cứu giá…, ta có thể khẳng định phong hiệu chính xác của ngài phải là 禡黃公主 Mã Hoàng công chúa. Còn việc thêm bộ “kim” vào bên trái thần hiệu chỉ là để tăng phần long trọng. 
 
Bình: Thế thì quá chuẩn rồi! Cả hai hai thần hiệu là
禡黃公主 Mã Hoàng công chúa và勝和妙大王 Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương đều liên quan đến việc dẹp giặc, cứu giá, đều là việc giúp nước cứu vua, thì vua ban sắc là đúng rồi!
 
@ Nguồn: Bài của Lê Tùng Lâm, in trong Nghiên cứu Hán Nôm năm 2020, trang 583-584.
 
Ảnh 1: Ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. In trên bìa 4 cuốn sách Kiều Oánh Mậu - Cuộc đời và Tác phẩm do Nguyễn Xuân Diện biên soạn, dịch chú. Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2016. Ảnh Thánh Mẫu do Nguyễn Xuân Diện chụp. 
 
Ảnh 2 và 3: Trích từ bài viết “học thuật” của học giả Chu Xuân Giao đại nhân.
 
Ảnh 4: Trích ảnh chụp Sắc phong “cổ nhất”(1683).
 




 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét