Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

NHỮNG SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG VỀ HỌC THUẬT CỦA CHU XUÂN GIAO


NHỮNG SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG VỀ HỌC THUẬT CỦA ÔNG CHU XUÂN GIAO
TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT HIỆN, NGHIÊN CỨU VÀ CÔNG BỐ ĐẠO SẮC PHONG ĐƯỢC ÔNG CHO LÀ CỔ NHẤT Ở PHỦ DÀY (NIÊN ĐẠI 1683)
 
Quần thể Di tích Quốc gia Phủ Dầy với 20 di tích, bao gồm các công trình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, phủ, lăng, từ đường trải khắp trên địa bàn 3 thôn Tiên Hương, Vân Cát và thôn Báng thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là những công trình gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. 
 
Trải qua các triều đại phong kiến, Phủ Dày đã được ban nhiều sắc phong tuy nhiên trải qua chiến tranh, nhiều sắc phong đã thất lạc hay do tự xuống cấp do tác động của thời tiết khí hậu cho nên số lượng sắc phong cho các nơi thờ Mẫu ở Phủ Dày chỉ còn lại một số ít , cho nên việc tìm kiếm sưu tầm, phát hiện các sắc phong cho Mẫu Liễu ở Phủ Dày được các đời thủ nhang, nhân dân sở tại và các nhà nghiên cứu quan tâm.

Trong bối cảnh đó đặc biệt nổi lên phát hiện và công bố của TS Chu Xuân Giao là cán bộ công tác tại Viện Nghiên cứu Văn Hóa, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam công bố tìm ra sắc phong cổ nhất phong cho Mẫu Liễu Hạnh tính đến thời điểm hiện tại.
 
Quá trình nghiên cứu - phát hiện được TS Chu Xuân Giao công bố thành hai kỳ trên hai số của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) năm 2018 và số 1 (153) năm 2019. 
 
Bài nghiên cứu có tên: “CĂN CƯỚC LỊCH SỬ CỦA THÁNH MẪU: PHÁT HIỆN VÀ LUẬN GIẢI ĐẠO SẮC PHONG CỔ NHẤT MANG NIÊN ĐẠI 1683 CHO LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA HIỆN CÒN NGUYÊN TẠI PHỦ GIẦY Ở NAM ĐỊNH”.





Qua quá trình đọc, tìm hiểu có thể tóm tắt lại quá trình TS Chu Xuân Giao phát hiện và công bố sắc phong cổ nhất như sau:
 
- Di tích Phủ Nội thuộc thôn Tiên Hương nguyên vốn là nhà thờ họ Trần Lê. Trước năm trước năm 1954 họ Trần Lê là dòng họ trông coi Phủ Tiên Hương.
 
- Năm 1954, Một số người họ Trần Lê di tản vào Nam đã cầm theo một số sắc phong của Phủ Nội hoặc Phủ Tiên Hương mang vào Nam rồi thờ tại Phủ Dày Sài Gòn, đến đầu thập niên 1990 thì hoàn trả lại cho họ Trần Lê ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. 
 
- Họ Trần Lê giữ toàn bộ số sắc phong này tại Phủ Nội, tuy nhiên đa phần các sắc đã xuống cấp, trong đó có một sắc triều Lê đã rách, mủn nát rất nghiêm trọng (nguyên văn trong báo cáo của Bảo tàng Nam Định).
 
- Tháng 6 năm 2017, TS Chu Xuân Giao sau khi đặt vấn đề với các cụ họ Trần Lê được phép tiếp cận với nhóm sắc phong này ở Phủ Nội và thấy trong đó có một sắc phong thời Lê của Phủ Nội -Tiên Hương đã mất niên đại được cán bộ Bảo tàng Nam Định phiên âm và để niên đại là 1743, tức là niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4.
 
Tuy nhiên sau khi đối chiếu phần chữ còn lại trong sắc với bản sao sắc phong của xã Vân Cát được lưu trữ tại hai cơ quan thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam. Một là đối sánh với bản thống kê sắc phong (tư liệu TSHN 3634) lưu tại Viện Thông tin KHXH; Hai là đối sánh với bản sao sắc phong (tư liệu AD.a16/29) lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhóm nghiên cứu của TS Chu Xuân Giao mạnh dạn khẳng định là đã thực sự phát hiện ra sự tồn tại đích thực của sắc phong mang niên đại Chính Hòa 4 (1683) (nguyên văn lời trong báo cáo trang 54, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 1 năm 2019). [Hiện chưa hiểu vì sao có thể kết luận như vậy].
 
Tiếp đó, từ hiện trạng “nguyên vật”(sắc phong ở Phủ Nội đã xuống cấp) đã mất đi các chữ hoặc một phần, dựa vào và bản sao trong AD.a16/29 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS Chu Xuân Giao đã khôi phục được toàn bộ chữ ở sắc phong đã xuống cấp, đồng thời phiên âm dịch nghĩa đạo sắc.
 


Tại phần phiên âm, dịch nghĩa sắc phong TS. Giao cũng phát hiện sự khác nhau của việc ghi tên Thánh Mẫu Liễu Hạnh trên sắc so với các hồ sơ thông thường, nhưng không có giải thích hay bình luận cho vấn đề này. Ngoài ra lý giải về tên hiệu của vị thần trong sắc phong có các chữ Mạ Vàng 鎷 鐄 ở đây có thể xem là chữ Nôm, mà nghĩa thì tạm thời có thể hiểu như là “mạ vàng” trong tiếng Việt hiện nay (cùng trường nghĩa với “mạ bạc”, “mạ đồng”. (Trang 59, số 1 tạp chí Nghiên cứu và Phát triển năm 2019).
 
Từ luận cứ căn cứ đã mình tìm ra sắc phong có niên đại cổ nhất TS. Giao đã tham dự một số hội thảo trong nước để phát biểu và tường thuật lại quá trình tìm ra “sắc phong cổ nhất Phủ Dày” như trong hội thảo có tên: “Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”, tổ chức ngày 16-12-2018 tại học Viện Phật Giáo Việt Nam (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). TS Chu Xuân Giao đã phát biểu việc công bố phát hiện sắc phong cổ nhất dựa theo bản thống kê sắc phong (tư liệu TSHN 3634) lưu tại Viện Thông tin KHXH đối sánh với bản sao sắc phong (tư liệu AD.a16/29) lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Thực tế đây là vốn bản sao sắc phong của làng Vân Cát, tổng Đồng Đội, huyện Vụ Bản).
 
Nhưng thật bất ngờ và khó hiểu: Vào tháng 2/2022, TS Chu Xuân Giao lại chính thức công bố tư liệu AD.a16/29) lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm của làng Vân Cát là ngụy tạo của của một nhóm người chức dịch Vân Cát để gửi về Viện Viễn Đông Bác Cổ, mà cơ quan được chuyển giao sau này chính là Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Công bố này đã gây bất bình sâu sắc tới nhân dân thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
 
Không những vậy theo dự kiến ngày 15và 16 tháng 12 năm 2023 TS Giao sẽ đi phát biểu nội dung này một lần nữa tại hội thảo quốc tế do Đại Học Cao Hùng (Đài Loan) tổ chức, với kinh phí tự túc và không do cơ quan nhà nước nào cử đi hay đại diện cho tổ chức nào ở trong nước.
 
Xem xét quá trình phát hiện, nghiên cứu và công bố sắc phong được cho là cổ nhất ở Phủ Dày của ông Chu Xuân Giao, các nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các nhà nghiên cứu độc lập đã chỉ ra các vấn đề rất nghiêm trọng như sau:
 
-Thứ nhất, việc lấy bản sao sắc phong của một xã khác (xã Vân Cát) để làm cơ sở khôi phục cho toàn bộ sắc phong của Phủ Nội- Tiên Hương mà không có giải thích về sự liên đới là việc làm phản khoa học. 
 
Nghiêm trọng hơn, trong các công bố của mình TS Chu Xuân Giao đã giấu đi đây là bản sao sắc phong CỦA VÂN CÁT nên nhiều người vẫn lầm tưởng Phủ Nội còn bản sao, thực tế làng Tiên Hương không kê khai sắc phong về Mẫu, nên không có bản lưu sắc phong trong hồ sơ của Viện Viễn Đông Bác cổ trước đây và Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay.
 
-Thứ hai, trong quá trình giám định sắc phong, ông Chu Xuân Giao đã phạm sai lầm nghiêm trọng là bỏ qua việc thẩm định về chất liệu (giấy sắc), hoa văn, nét mực và chữ viết cùng dấu ấn “Sắc Mệnh Chi Bảo” của hiện vật sắc phong, mà chỉ dựa vào bản sao của Vân Cát trên phương diện so sánh nội dung chữ nghĩa. Điều này cho thấy nhận định của ông Chu Xuân Giao đã mất đi tính khách quan về mặt đánh giá hiện vật.
 
-Thứ ba, phần chữ trong sắc phong có hiện tượng thừa một chữ (chữ Tinh), viết sai chữ HẠNH tên Thánh Mẫu, viết khác lối một chữ (chữ Cao) trong đó đặc biệt quan tâm chữ lại ghi là chữ “Hạnh” trong Liễu Hạnh là chữ Hạnh 幸 với nghĩa là hạnh phúc. Các văn bản khác thường ghi chữ 柳杏. Tuy nhiên không có sự giải thích nào về hiện tượng này, tên thánh viết sai khác là việc nghiêm trọng cần được phân tích.
 
-Thứ 4, phần dịch nghĩa đã làm sai và mất đi tính uy nghiêm của sắc phong cổ khi phân tích hai chữ Mã Hoàng, TS Chu Xuân Giao đã đọc thành LIỄU HẠNH MẠ VÀNG, và cho rằng chữ Mạ Vàng 鎷 鐄 ở đây có thể xem là chữ Nôm, mà nghĩa thì tạm thời có thể hiểu như là “mạ vàng” trong tiếng Việt hiện nay (cùng trường nghĩa với “mạ bạc”, “mạ đồng”...).” (Hết trích trang 59).
 
- Thứ 5, việc công bố sắc phong cổ nhất được đánh đồng với việc nơi sinh Mẫu Liễu Hạnh, một bộ phận cá nhân của họ Trần Lê ở Phủ Nội đã theo kết quả nghiên cứu của TS Chu Xuân Giao đã trưng biển cội nguồn sinh ra Thánh Mẫu. 
 
Nhưng VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG NHẤT chính là, vào tháng 2/2022 trong bản “BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT NGHIÊN CỨU HIỆN VẬT VÀ ĐỒ THỜ TỰ TẠI DI TÍCH PHÚ VÂN CÁT, XÃ KIM THÁI – HUYỆN VỤ BẢN, TỈNH NAM ĐỊNH” TS Chu Xuân Giao đã kết tội chính những bản sao sắc phong có mã số AD a.16/29 đang lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và TSHN 3634 lưu tại Viện Thông tin KHXH là “ngụy tạo” cho dù trước đó đã sử dụng hai văn bản này để công bố ra sắc phong cổ nhất Phủ Dày.
 
Trích dẫn nguyên văn: “Bản thống kê sắc phong cho xã Vân Cát (TSHN 3634) và bản sao chép sắc phong cho xã Vân Cát (AD.a16/29) đều không đáng tin cậy, mà còn thể hiện một sự hiệp đồng cùng ngụy tạo của người thống kê và người sao chép. Có thể người thống kê và người sao chép là cùng trong một nhóm, nhóm này có thể là lí dịch của xã/thôn Vân Cát trước năm 1945. Như vậy, trước năm 1945, người ở xã Vân Cát đã cố tình làm ra các văn bản (thống kê và sao chép) để tựa như muốn chứng minh là xã Vân Cát từ năm 1642 đến năm 1911 đã có sắc phong thực sự cho việc phụng thờ hệ thần Liễu Hạnh”.
 
Những việc làm và phát ngôn của ông Chu Xuân Giao trên báo chí truyền thông đã xúc phạm dân làng Vân Cát (kể cả đối với những người đã chết, là hội đồng chức dịch trước năm 1945), xúc phạm niềm tin tôn giáo và bình luận ác ý đối với những công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gây mất đoàn kết nghiêm trọng giữa cộng đồng hai làng Tiên Hương và Vân Cát cùng toàn thể cộng đồng chủ thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. 
 
Và việc này đang ảnh hưởng đến các cơ quan quản lý hành chính của TS Chu Xuân Giao là Viện Nghiên cứu Văn hóa và Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam bởi những phát ngôn, cách nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu phi khoa học của Tiến sĩ Giao đều mang danh, dán mác Chuyên gia, Nghiên cứu viên Cao cấp của Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam và của Viện Nghiên cứu Văn hóa.
 
Hai bài công bố của ông Chu Xuân Giao có thể tải đọc tại links. Bài viết số 2, ông Chu Xuân Giao thừa nhận rõ ràng việc lấy sắc Vân Cát gán cho sắc Phủ Nội:

https://drive.google.com/drive/folders/1BolFoXblDKosV0yf6e5ffIssRAh-Te21?fbclid=IwAR0U8gK6FCzJnmeoua3A8Xs61vJyldaCkyULKnfo3JMILyZCP6EbcnjJ4ps
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét