Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

THĂM LÀNG NGÁI, VIẾNG MỘ HOÀNG GIÁP NGUYỄN ĐĂNG HUÂN

Thăm làng Ngái,
viếng mộ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân

Nguyễn Xuân Diện

Làng Hương Ngải, tên Nôm là Kẻ Ngái, huyện Thạch Thất, HN. Hương Ngải là một danh hương ở Xứ Đoài. Xưa, vua Tự Đức tặng làng danh hiệu “Mỹ tục khả phong” (phong tục tốt đẹp đáng làm gương), nay hãy còn treo ở đình. 

Đây là quê hương của Cụ Nguyễn Tử Siêu, một nhà văn chuyên viết về tiểu thuyết lịch sử. Con trai cụ là Lương y Nguyễn Thiện Quyến, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, tôi cũng từng có vinh hạnh được hầu chuyện.

Nguyễn Tử Siêu là nhà văn viết nhiều tiểu thuyết lịch sử nhất. Ông viết là để "bồi đắp được chút đỉnh về cái quan niệm với Tổ quốc", nhắc mọi người nhớ đến "cái nghĩa vụ đối với đất nước". Ông khuyên nhủ thanh niên "mình hèn chăng cũng là người trong một nước, bây giờ gặp lúc nước mắc nạn mà mình quyết nhiên không hỏi chi đến thời còn mặt mũi nào mà trông thấy giang sơn nòi giống nữa". Cuộc đời sáng tác của Nguyễn Tử Siêu chính là dùng lịch sử để khêu gợi lòng yêu nước, nghĩa đồng bào.

Kẻ Ngái là đất học, có nhiều người đỗ đạt trong lịch sử, một trong những người đó là Nguyễn Đăng Huân (1804-1837), vị quan rất mực thanh liêm với cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng đặc biệt - hai lần "vinh quy bái tổ".

Ông là người nổi tiếng thông minh từ nhỏ, nhưng luôn khiêm nhường giản dị, nói năng nhỏ nhẹ. Nguyễn Đăng Huân đỗ Hoàng giáp, đứng đầu khoa thi Đình năm Kỷ Sửu đời Minh Mệnh (1829).

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Đăng Huân được nhận chức ở Hàn lâm viện, sau bổ là tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam) được quan lại và dân chúng trong phủ rất tin yêu. Trong một lần đi thăm người bạn là Tri phủ Thăng Bình ở gần phủ ông trị nhậm, đúng lúc dân ở đó đang kiện tụng về ruộng đất rất căng thẳng. Ông đem lời khuyên nhủ có lý có tình khiến cả hai bên đều lạy tạ xin hòa giải. Sau đó, dân ở đó làm đền thờ để thờ sống ông, gọi là đền Quan Hiền. 

Khi ông về quê nhà lo tang cha, người dân đưa đến nhiều tặng vật và mấy trăm quan tiền nhưng ông đều từ chối. Đoạn tang cha, ông lại được triệu về kinh thành Huế giữ chức Hàn lâm viện thị giảng. Năm sau, được thăng Lang trung bộ Lễ, phụng chỉ vua soạn bộ "Minh Mệnh chính yếu".

Năm Đinh Dậu, Minh Mệnh thứ 18 (1837), Nguyễn Đăng Huân mất tại Bộ Lễ khi mới 34 tuổi. Nhà vua cử các quan khoa đạo và quan nội các vào lễ chỉ thấy một cái túi trong đó đựng vài bộ quần áo cũ và một chiếc áo ấm mới được vua ban, không có đồng tiền nào và cũng không có thứ gì quý giá.

Theo "Đại Nam liệt truyện", khi Ngự sử đài tấu lên, vua rất thương tiếc nói rằng: "Đáng giận là lúc Nguyễn Đăng Huân còn sống không có ai đề cử đến". Sau đó vua truy tặng Thị Lang và phong Trung Thuận đại phu, tước Hương Đình Bá, ban tặng 8 chữ: "Thanh bạch tự trì, thế tri liêm lại" (Nghĩa là: Giữ được thanh bạch nên người đời không nguôi nhớ tới ông quan liêm khiết), lại ban thêm 300 quan để giúp đỡ mẹ già và vợ con. Nhà vua còn truyền chỉ cho các địa phương nơi xe đưa thi hài ông về quê mai táng phải ra nghênh đón và quan sở tại phải thường xuyên đến thăm hỏi mẹ già. Từ kinh thành Huế về đến quê nhà Hương Ngải, thi hài đi đến đâu đều được các nơi tổ chức đón và đưa trọng thể. Vì thế cho đến nay, người đời vẫn truyền tụng về vị quan thanh liêm của đất Hương Ngải hai lần "vinh quy bái tổ".

Hương Ngải có quán Nghinh Hương ở đầu làng. Xưa kia, Quán Nghinh Hương là nơi các sĩ tử Hương Ngải đến học tập, ôn thi và dùi mài kinh sử. Đây còn là nơi đưa tiễn các sĩ tử lên kinh dự thi, lại cũng là nơi nghênh đón tân khoa vinh quy bái tổ về làng. Người làng Hương Ngải vẫn còn truyền tụng câu: 

“Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi
Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ”

Phải chăng, quán Nghinh Hương của Kẻ Ngái đã đi vào chèo cổ Lưu Bình - Dương Lễ, thành ra một tích trò về cuộc gặp gỡ giữa Nàng Ba Châu Long và anh khóa hỏng thi Lưu Bình?

Nói đếm:

Nay đã về đến quán Nghinh Hương
Quán mát mẻ ta vào tạm trú
Chà! phong cảnh thực hữu tình kỳ tú

Ngâm thơ:

Kìa! Thuyền ai lơ lửng bên sông
Vẳng tai nghe tiếng sáo mục đồng
Đàn cò trắng thướt tha trên đồng xanh bát ngát

Sử bằng:

Hương móng rồng đâu đây ngào ngạt
Phải đâu ta lạc bước chốn Đào Nguyên
Cảnh thần tiên trêu cợt khách vô duyên!
Ngắm cảnh đẹp thêm phiền cơn lữ thứ....

Tôi được một hậu duệ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân là Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khải nhờ xem toàn bộ các tài liệu cổ do tổ tiên để lại. Ông và hai con trai đón xe tận nhà và đưa về Hương Ngải, thăm đình, chùa, miếu và quán Nghinh Hương (mà tôi đã về thăm nhiều lần). Đến nhà thờ, sau khi thắp hương, bấy giờ mới mở từng chồng sách ra, chỉ đọc cái tên sách mà mất gần cả buổi sáng. 

Chúng tôi cùng ra cánh đồng Gò Gai nơi có phần mộ và tấm bia cổ để thắp nhang tưởng nhớ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân, một vị tiền bối tài hoa mà bạc phận, mất tại nhiệm sở khi mới 34 tuổi, một vị quan thanh liêm chính trực, tiếng thơm còn lưu mãi trong sử sách của triều đình nhà Nguyễn, cũng như trong sách Mẫn Hiên Thuyết Loại của Danh sĩ Trương Quốc Dụng. 

Nguyễn Xuân Diện
(tham khảo tài liệu của Văn Ngọc Thủy).









 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét