Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

MỘT NHÀ KHOA HỌC RA ĐI - XÓT XA TIỄN BIỆT NGƯỜI


Một nhà khoa học ra đi

Trần Thị An

Mình không có may mắn được là học trò của GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nhưng mình có may mắn được làm việc khá sớm với ông trong những bước đường đầu tiên đi vào cuộc đời nghiên cứu. Cách đây 28 năm, năm 1992, mình được làm việc cùng ông khi tham gia tổ chức hội thảo "Thần thoại và truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh" - một hội thảo có thể nói là đánh dấu một chặng đường mới nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Nào ngờ duyên nghề đã cho mình nhiều cơ hội được theo nhóm nghiên cứu của ông đi điền dã khắp nơi trên đất nước này: Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Đồng Nai, Phú Quốc...và nhờ đó, được học hỏi nhiều điều từ vốn kiến thức uyên bác của ông. Ấn tượng về ông ngày đầu làm việc vẫn vẹn nguyên như nhiều năm sau này: một con người nho nhã, lịch thiệp, luôn có nụ cười hồn hậu động viên thế hệ đàn em gắng bước trên con đường nghiên cứu lắm chông gai.

Ở lĩnh vực nghiên cứu dân tộc học, GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã có nhiều đóng góp cho ngành; ở lĩnh vực folklore học, ông đã xây dựng những nền móng cực kỳ quan trọng cho nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và là người có công lớn trong việc đưa thực hành diễn xướng này ra thế giới - cơ sở quan trọng để UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ông đã có công lớn trong việc đề xuất và điều hành dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” mà sau nhiều năm ròng rã sưu tầm, biên dịch, đến nay, 107 tác phẩm sử thi Tây Nguyên, một phần kết quả dự án đã được xuất bản; ông là một Viện trưởng hiếm có khi khuyến khích, cổ vũ, tạo điều kiện cho một lớp các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Nghiên cứu văn hóa xuất dương du học mà các hoạt động nghiên cứu của họ đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nghiên cứu folklore Việt Nam trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI; ông còn là người thầy, người bạn lớn của các thanh đồng ở Việt Nam, người luôn đồng hành với họ với một trăn trở đau đáu để diễn xướng hầu đồng được xã hội hiểu đúng và được thế giới biết đến.

Mấy năm nay, bệnh ông trở nặng. Thật xót xa khi nhìn thấy ông - một con người tận tâm tận lực với khoa học - đang dần dần lực bất tòng tâm trước sự suy kiệt nhanh chóng về sức khỏe. Nhưng con người ông, bất chấp thể trạng thế nào, vẫn đau đáu với những ý tưởng khoa học và tinh thần trách nhiệm đầy bao dung với đồng nghiệp và học trò. 

Hà Nội hôm nay nắng nóng khủng khiếp. Gia đình họ tộc, đồng nghiệp, học trò và các thanh đồng ở mọi miền đất nước đã tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng với tâm trạng trĩu nặng buồn đau trước sự mất mát quá lớn này. Vẫn biết ông đã trút bỏ được cơ thể đau ốm nơi trần gian để tái sinh trong một cuộc đời an vui mới nhưng sao vẫn nghẹn lòng.

Mong Giáo sư yên lòng về miền cực lạc, những đóng góp to lớn của ông đối với khoa học đã được nhà nước vinh danh và giới khoa học trong nước và quốc tế ghi nhận, những dự định dang dở của ông sẽ được các thế hệ học trò giỏi giang và tâm huyết tiếp tục, những ân tình sâu nặng của ông như những nhân lành đã gieo quả ngọt sẽ sống mãi ở dương thế này.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét