Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

TIN NÓNG: VIỆT NAM PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC LÊN LIÊN HỢP QUỐC


Việt Nam phản đối Trung Quốc lên LHQ

VNE

Thứ ba, 7/4/2020, 14:19 (GMT+7) 

Phái đoàn của Việt Nam tại LHQ gửi công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh phản hồi công văn của Philippines và Malaysia.

Ngày 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã gửi công hàm lên LHQ, phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 23/3 và ngày 12/12/2019.

Hôm 23/3, Trung Quốc gửi công hàm lên LHQ phản hồi tài liệu của Philippines, cho rằng Trung Quốc "có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề", "có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất". Bắc Kinh cũng cho rằng mình "có quyền lịch sử" ở Biển Đông, dựa trên "bằng chứng lịch sử và pháp lý".

 

Một chiến sĩ Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Hoàng Trường.

Trong công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết nước này "có chủ quyền" với quần đảo ở Biển Đông, "bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa". Trung Quốc cũng nhắc đến "quyền lịch sử" ở Biển Đông.

Quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.  
"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông", công hàm ngày 30/3 của Việt Nam cho biết.

Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhắc lại Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Việt Nam cho rằng Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại UNCLOS, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý", Công hàm ngày 30/3 cho biết.

Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại LHQ và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Phái đoàn đề nghị Tổng Thư ký LHQ lưu hành công hàm ngày 30/3 của Việt Nam đến tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS, cũng như tất cả các thành viên của LHQ.

Biển Đông là khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. 

6 nhận xét :

  1. Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhắc lại Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
    Đây là câu nói vẹt muôn thuở, nói vậy tụi Tàu nó đâu có sợ. Có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa thì VN có dám kiện TQ ra tòa quốc tế không? Làm mạnh lên thì tụi Tàu mới sợ chứ!
    Hay là phải giữ đại cục C???

    Trả lờiXóa
  2. Văn bản đóng dấu nhưng không có người ký, có phải là văn bản hợp lệ không nhỉ !!??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LHQ hiểu rõ đây là nước CHXHCNVN có ý kiến.

      Xóa
  3. Phải kiện chúng nó- bọn Tàu cộng, vi phạm chủ quyền của VN tại Biển Đông.

    Trả lờiXóa
  4. Phải mạnh tay lên! Bây giờ hoặc không bao giờ. Phải tận dụng vị thế hội viên không thường trực HĐBA để vạch trần hành vi ăn cướp của TQ tại các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt là tại LHQ.

    Trả lờiXóa
  5. Với chiến thuật "cây bắp cải", Trung Quốc huy động sự tham gia của các lực lượng từ bán vũ trang tới vũ trang toàn diện.
    "Cây bắp cải" bắt đầu từ lớp ngoài cùng với lực lượng "dân binh", bao gồm các tàu đánh cá có vũ trang, tàu nghiên cứu khoa học biển, thậm chí là tàu chở hàng thông thường. Các tàu này được trang bị đặc biệt, có mang vũ khí với nhiệm vụ là "thực hiện các quyền được pháp luật cho phép trong vùng biển Trung Quốc".
    Lực lượng thứ hai là tàu hải cảnh của Trung Quốc, được hợp nhất từ các lực lượng: Hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng - BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp - FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam gần đây thuộc nhóm tàu này.
    Lực lượng thứ 3, nằm ở lõi "cây bắp cải", là tàu hải quân Trung Quốc, sẵn sàng hỗ trợ nếu tàu "dân binh", hải cảnh bị tấn công.
    Chiến thuật "cây bắp cải" Trung Quốc đã hỗ trợ triển khai chiến thuật "vùng xám". Bản chất của chiến thuật "vùng xám" là sử dụng các tàu bán vũ trang hoặc chấp pháp dân sự như tàu "ngư binh", hải cảnh, thậm chí tàu chở hàng để quấy nhiễu, dồn ép, bắt nạt các tàu thuyền các nước hoạt động hợp pháp ngay trong vùng biển của nước đó.
    TQ làm như vậy, trong khi VN chỉ phó mặc cho ngư dân với chiến thuật phát cờ cho ngư dân giữ biển thì có chết với TQ không?
    VN có làm được như TQ không? Hay là mỗi lần có chuyện thì bộ NG chỉ phát ngôn cho có lệ còn để cho TQ hết lần này lượt khác xâm phạm, chiếm cứ và đánh phá ngư dân VN mà chỉ biết nói suông chứ không có động thái nào cả???

    Trả lờiXóa