Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

GS.TS HIỆP LÀM VIỆC NHƯ THẾ, LÀM SAO MÀ PHẢI ĐIỀU CHUYỂN?


Nguyễn Hồng Cổn

VÌ SAO KHÔNG NÊN ĐIỀU CHUYỂN... (tiếp):

2. TỪ KHI LÀM VIỆN TRƯỞNG ĐẾN NAY, GS. NGUYỄN VĂN HIỆP ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO VIỆN NNH?

Sau 1 năm tập sự làm lãnh đạo với chức danh Phó Viện trưởng, GS Nguyễn Văn Hiệp được chính thức bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện NNH từ cuối năm 2012, tính đến nay đã hơn 7 năm. Hơn một nửa thời gian trong 7 năm đó, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp phải đương đầu với vụ tố cáo đạo văn lùm xùm xảy ra đối với vị lãnh đạo tiền nhiệm của Viện và một vị lãnh đạo đương nhiệm của Tạp chí Ngôn ngữ (với hàng trăm bài báo đăng trên các tờ báo chính thống), kéo theo đó là các đơn từ tố cáo Viện trưởng mới từ các vị này, và các cuộc kiểm tra, thanh tra triền miên nhằm vào Viện NNH và bản thân Viện trưởng, mà kết quả cuối cùng không ai rõ trắng đen thế nào, thậm chí theo nhiều người là "có hậu" (một vị về hưu vẫn ung dung chủ nhiệm 1 ĐTKH cấp nhà nước hơn 4 tỷ, 1 vị chuyển lên cấp cao hơn, còn Viện trưởng thì bị.. véo tai, nghe đâu không phải vì tham ô, hủ hoá, vô trách nhiệm mà vì...cập nhật lý lich không chính xác 😊.


Trong bối cảnh đó giữ cho Viện yên ổn đã khó, huống hồ phải lo cho có ĐTKH - việc làm cho cả Viện, lo quốc tế hoá để tránh cứ ở mãi ao làng như hơn chục năm qua. Vậy nhưng Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp đã cố gắng hết mức có thể, cùng các cán bộ trong Viện vượt lên hoàn cảnh khó khăn để tạo ra những thay đổi, đặc biệt là trong hoạt động nghiên cứu khoa học- nhiệm vụ chính trị chính của Viện.

Theo thông tin tôi nắm được, trong 6 năm qua Viện NNH đã tổ chức thành công 3 HTKH quốc tế có chất lượng, thu hút sự tham gia của nhiều nhà NNH nổi tiếng đến từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Hàn, Nhật..., chưa kể các seminar, workshop nhỏ nhưng chuyên sâu khác, mở ra các hướng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, những hoạt động gần như bị quên lãng trong nhiều năm trước đây ở Viện NNH.

Trong 3 năm gần đây, Viện NNH cũng đã đăng ký và cạnh tranh thành công để được giao 4 đề tài khoa học cấp nhà nước với ngân sách 3-4 tỷ đồng cho 1 đề tài, một việc chưa từng có trước đây ở Viện NNH. Với những việc đã làm được, những kế hoạch đã có và dự định triển khai, theo đánh giá chung của nhiều người, Viện NNH nói chung và Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp nói riêng đang đi đúng hướng.

Cùng với những thay đổi trong hoạt động chuyên môn, tình hình của Viện NNH cũng ngày càng ổn định và đoàn kết hơn theo cảm nhận của tôi, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, khi những vụ việc nóng đã được giảm nhiệt dần dần bằng nhiều động thái, tuy chưa xử lý dứt điểm, rõ ràng đúng sai như nhiều người mong đợi, nhưng đã tạo ra một không khí mới ở Viện NNH, làm nhẹ lòng những người lo lắng cho Viện, kể cả những người đang làm việc hay nghỉ hưu, làm an lòng các đồng nghiệp của ngành NNH ở Hà Nội và trong cả nước, dù có thể không phải là tất cả.

Có được những thay đổi đó tất nhiên là nhờ công sức của cả Viện NNH, nhưng không thể không nói đến vai trò của Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp.

Vậy nên, khi nghe tin Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp được/bị điều động khỏi Viện NNH để nhận nhiệm vụ phụ trách một Viện khác, nhiều người trong và ngoài Viện NNH không khỏi băn khoăn, thậm chí bàng hoàng, và nhiều người trong số đó đã lên tiếng phản đối.

Vì sao họ phản đối? Ngoài những lý do riêng của họ, rất có thể có một lý do là họ đã nhìn thấy những hệ luỵ của việc điều chuyển này, như tôi sẽ chỉ ra ở mục (tút) tiếp theo.

1 nhận xét :

  1. Vấn đề là viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp có đồng ý nhận nhiệm vụ mới (cũng viện trưởng) hay không.
    Nếu ông không nhận (vì trái nghề), mà người ta không bới ra được lỗi gì khác, thì không thể "điều" ông được. Bao giờ đủ tuổi, về hưu.

    Trả lờiXóa