Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Nguyễn Phan Khiêm: QUAN HỌ CỔ


Nguyễn Phan Khiêm

QUAN HỌ CỔ

Vương quốc của lễ hội - Bắc Ninh, đã khai hội mở đầu bằng Hội Lim, từ nay suốt ba tháng xuân các làng lần lượt mở hội cùng ca Quan họ. Không đi hội được cũng sốt ruột lắm, nhân có mấy bạn hỏi về vài thuật ngữ Quan họ, xin chia sẻ chút xíu.


Quan họ là hát giao duyên nam nữ, là hát đối đáp nên bên nữ (liền chị) ca trước thì sau đó bên nam (liền anh) phải ca lại câu đối đáp phù hợp với bên nữ. Những bài thường thấy trên TV như Se chỉ luồn kim, Người ơi người ở đừng về, Tay tiên chuốc chén rượu đào… là những bài giọng vặt, dùng trong cuộc hát đối đáp đó.

Ngày xưa các cụ ca không có nhạc nên luôn hát đôi, một người hát chính, một người hát phụ họa gọi là hát luồn. Vì không có nhạc đệm nên giọng thật, mộc mạc, rõ lời.

Hát canh là hát ở một gia đình tổ chức đêm hát, gọi là nhà chứa. Hai bên nam nữ ngồi ở hai bên gian biên hát đối đáp với nhau, thường từ tối đến 3-4 giờ sáng. Các cụ gọi là “đi trăng về mờ”. Đi từ lúc trăng sáng, ra về lúc mờ sáng. Một canh có ba phần,đầu bằng những giọng Lề lối (Kinh điển) sau đó là những Giọng vặt như Ngồi tựa song đào, Gọi đò... Và cuối cùng là hát những bài Giã bạn, kiểu Người ơi người ở đừng về...

Khi một tốp chị em 14-15 đến 18 -19 đã biết hát (gọi là bọn Quan họ) muốn đi hát thì họ phải kết bạn với một nhóm nam ở xã khác, cũng chưa kết bạn với nhóm nào. Hai nhóm này thành cặp đôi, thường xuyên ca hát và gắn bó với nhau đến già. Họ mê nhau nhưng theo quy định, hai bên tuyệt không được yêu đương, vì mê mà không được yêu nên tiếng hát của họ càng da diết, vấn vít mãi mãi không quên. (Lý thuyết như vậy nhưng chắc hẳn khó tránh tuyệt đối).

Người quan họ đối với bạn hát trân trọng, yêu quý vô cùng nên có câu: Quan họ thịt gà, giỗ cha thịt ếch. Nhà nghèo, giỗ cha cũng có mấy con ếch thôi nhưng khách quan họ đến là thịt gà, cỗ mặn bưng ra, cỗ chay bưng vào.

Và họ nói với nhau trang nhã, lịch thiệp. Dù bên kia ít tuối hơn họ cũng vẫn thưa anh Ba, anh Tư, chị Ba chị Tư và xưng em. Khi bên nữ nhún nhường tỏ ra kém hơn các liền anh thì liền anh thưa: "Dạ thưa chị Hai, chị Ba... Chị Hai, chị Ba không đi chợ xa thì cũng đi bảy mươi ba cái chợ gần".

Họ luôn nói bóng bẩy, ý nhị: "Thực là anh Hai cứ đánh lửa cho đau lòng khói" hay "Anh Hai, anh Ba nói mà như sấm bên Đông, chớp động bên Tây, mưa tỉnh Hà Nội mà đây ướt đường đấy ạ". Hoặc cách nói khách khí: "Dạ thưa chị Hai, chị Ba đã có lòng sang đất nhà chúng em, thì cho anh em chúng em được thừa tiếp dăm ba lối nữa ạ"...

Khi gặp câu khó không đối được, người ta không nói chúng em xin thua như trên TV mà nói: "Anh Hai, anh Ba dắt chị em chúng em vào rừng, chúng em chả biết lối ra ạ"...

Quan họ mới có nhạc và diễn viên chuyên nghiệp góp phần quảng bá Quan họ nhưng Quan họ cổ, quan họ trong các làng vẫn tồn tại song hành, nên những ai ham thích Quan họ dân gian mộc mạc, mỗi mùa hội đến lại về Bắc Ninh dự những đêm hát canh càng khuya càng da diết.

1 nhận xét :