Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Luân Lê: MỘT PHẦN HOÀNG SA VÀ 6 NĂM CÒN LẠI


Luân Lê
MỘT PHẦN HOÀNG SA VÀ 6 NĂM CÒN LẠI

Theo luật quốc tế, một quốc gia chiếm giữ một thực thể trong vòng 50 năm liên tục mà không có tranh chấp thì thực thể đó thuộc chủ quyền của quốc gia đang thực hiện việc chiếm giữ, quản lý.

Vậy quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng đánh chiếm thời VNCH vào ngày này 44 năm trước, ngày 19/01/1974 và giết chết 74 người lính quyết tâm giữ đảo nhưng bất thành, có được coi là đang có tranh chấp hay không kể từ năm 1974 đến nay?

Quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang thuộc chủ quyền của chính thể VNCH, xác lập theo Hiệp định Geneva năm 1954 ký giữa 6 bên, bao gồm cả Trung Cộng trong bàn đàm phán và ký ước. Và phía VN Dân chủ Cộng hoà vào năm 1958 đã có công hàm từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng xác nhận về chủ quyền đối với vùng 12 hải lý của Trung Quốc tại một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngay cả từ khi bị đánh chiếm năm 1974, phía Việt Nam DCCH vẫn chưa bao giờ có một động thái đưa vấn đề này thành tranh chấp chủ quyền về lãnh thổ đối với phần biển đảo bị Trung Cộng cưỡng chiếm từ VNCH.

Chính phủ Việt Nam thống nhất từ năm 1975 cho đến nay, chỉ phản đối các hành vi quân sự hoá và bồi đắp đảo đá nhân tạo tại quần đảo Hoàng Sa làm phức tạp thêm tình hình trên biển đông, mà chưa khi nào gửi một văn bản chính thức phản đối vấn đề chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm bằng vũ lực trái phép năm 1974 tới chính quyền Trung Quốc và/hoặc quốc tế.
 
Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với việc bành trướng lớn hơn của Trung Quốc bằng việc nước này gần đây đã liên tục gây hấn và tự công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn gần như chiếm trọn biển đông, mà phần lớn ăn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế cũng như lãnh hải của Việt Nam. Và vì hành động bành trướng bất chấp luật pháp và lấn chiếm phần lớn diện tích vùng biển, hải đảo không chỉ ở các vùng đã bị cưỡng chiếm trước đây, mà còn bao gồm cả một vùng rộng lớn hơn rất nhiều lần đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, nên việc phản đối của chúng ta thực chất mới chỉ nhằm giải quyết tình thế đối với hành động đơn phương bành trướng của những phần mà Trung Quốc cố tình nới rộng thêm, tức tạo ra một tranh chấp mới và lớn hơn, nghiêm trọng hơn để buộc một nước phải chống đỡ với những xung đột trực tiếp mà làm mờ đi phần tranh chấp trước đây.

Việc cần thiết để coi việc chiếm giữ một phần quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc từ năm 1974 cho đến nay là bất hợp pháp và thực thể do Trung Quốc đang quản lý là một thực thể vẫn đang có tranh chấp, thì buộc phía Việt Nam phải: 
 
(i) hoặc đưa đơn kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế nhằm có một phán quyết; hoặc 
 
(ii) ít nhất phải có một thông báo chính thức tới Liên Hiệp quốc cũng như chính Trung Quốc về vấn đề quần đảo Hoàng Sa thực chất thuộc chủ quyền đương nhiên và không bàn cãi của Việt Nam, bao gồm cả đối với phần biển, hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực và quân sự để cưỡng chiếm 44 năm trước từ VNCH.

Đó chính là giải pháp chính trị và luật pháp hữu lý cũng như giá trị nhất để có thể cữu vãn và thiết lập lại được phần chủ quyền đối với một phần lãnh thổ là máu thịt thiêng liêng của tổ quốc, mà dân tộc ta từ bao đời đã gắng công xây đắp, bảo vệ và gìn giữ bằng vô vàn xương máu của rất nhiều những thế hệ đã qua và cho đến ngày nay.
 
 




7 nhận xét :

  1. "Chính phủ Việt Nam thống nhất từ năm 1975 cho đến nay, chỉ phản đối các hành vi quân sự hoá và bồi đắp đảo đá nhân tạo tại quần đảo Hoàng Sa làm phức tạp thêm tình hình trên biển đông, mà chưa khi nào gửi một văn bản chính thức phản đối vấn đề chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm bằng vũ lực trái phép năm 1974 tới chính quyền Trung Quốc và/hoặc quốc tế."
    Có thể nói gì đây ngoài mấy chữ HÈN MẠT, BÁN NƯỚC.
    Trong tình hình như vậy, tôi mong các tổ chức xã hội dân sự nên gửi một văn bản chính thức lên Liên hiệp quốc.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi hoan nghênh bài viết này của Luân Lê. Tôi chú ý lập luận của tác giả rất thiện chí và cung cấp một gợi ý để có giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Đoạn đó "...mà chưa khi nào gửi một văn bản chính thức phản đối vấn đề chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm bằng vũ lực trái phép năm 1974 tới chính quyền Trung Quốc và hoặc quốc tế". Tôi hiểu vẫn còn 6 năm để làm việc ôn hòa này.
    Trước đó, năm 2014 trong thư của nhóm TN61 cũng đã đề cập đến việc này. Như vậy là quả bóng đặt vào chân những siêu VIP đang giữ trọng trách quản trị quốc gia.
    Tôi cũng nghĩ là suốt mấy năm qua, bao nhiêu lần các siêu VIP, các vị 'dua', có khóa điểm mặt không thiếu siêu VIP nào sang yết kiến. Tôi tin là các cuộc triều kiến đó các siêu VIP thế nào cũng đề cập đến vấn đề Hoáng Sa, mà nội dung thế nào cũng đòi lại để nó trở về vớ đất nước. Biết việc đó khó như lên trời nhưng thế nào trong các cuộc đàm phán phải có. Hơn nữa các nhà ngoại giao của ta được coi là tài giỏi chỉ có các ngón tiểu sảo chắc là đã tính đến bước này.
    Hơn lúc nào hết các siêu VIP có trách nhiệm hẫy công bố những đòi hỏi của mình nêu ra trong các cuộc gặp chính thức cũng như không chính thức, cá cuộc đi đêm, gặp kín. Chắc rằng biên bản còn đó, băng hình còn đó.
    Dẫn ra mấy ý như thế, vì có dịp tôi nghe loáng thoáng Giang Trạch Dân đã nói với siêu VIP của ta đại ý: Đồng chí siêu VIP của VN ơi, các vấn đề biển đảo các đồng chí nêu ra, thế hệ chúng ta chưa giải quyết được đâu. Để cho các thế hệ con cháu mai sau chúng giải quyêt.
    Có phải là cái bẫy tiểu sảo đối với các siêu VIP của ta, ru ngủ đủ giấc ngủ 50 năm.Tôi viết thế, nếu sai xin các vị ở Bộ Ngoại giao bác bỏ.

    Trả lờiXóa
  3. 44 năm trôi qua không làm gì . Còn lại 6 năm cũng cho qua luôn như gió thoảng . NDVN ngậm bồ hòn làm ngọt được chăng ?

    Trả lờiXóa
  4. hơn 18000 nhà báo và phóng viên có bao nhiêu người còn nhớ và dám viết về hoàng sa bị tầu cướp ?

    Trả lờiXóa
  5. Luật sư Lân Lê đã cảnh báo: Chỉ còn 6 năm nữa, quần đảo Hoàng Sa sẽ chính thức thuộc Tàu cộng về mặt pháp lý. Nhưng điều này không mảy may làm lay chuyển ý chí của lãnh đạo ĐCSVN. Bởi vì vấn đề Hoàng Sa là vấn đề nhỏ, sự tồn vong của ĐCSVN mới là vấn đề lớn.
    Hy sinh cái nhỏ để được cái lớn.
    Đảng mới quan trọng, lãnh thổ quốc gia chỉ là thứ yếu.

    Trả lờiXóa
  6. Đối với một chính thể, một chế độ, một chính đảng cầm quyền, một nhà lãnh đạo đương nhiệm thì việc đầu tiên, cốt tử, sống còn phải là sự toàn vẹn lãnh thổ. Nếu không giữ được toàn vẹn lãnh thổ thì đương nhiên người dân mất niềm tin và thiếu tôn trọng vào giới cầm quyền!
    Nay lãnh thổ mất vào tay giặc mà không dám phản kháng, thậm chí còn không dám tưởng niệm những người lính ngã xuống vì quốc gia dân tộc, thậm chí còn cấm đoán người dân tưởng niệm hoặc nói về Hoàng Sa đã mất thì chính thể ấy, chế độ ấy, chính đảng cầm quyền ấy, nhà lãnh đạo đương nhiệm ấy còn là cái gì? Cái gì? Cái gì?

    Trả lờiXóa