Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

TRẦN QUANG ĐỨC CHIÊU TUYẾT CHO TÊN BÁN NƯỚC TRẦN ÍCH TẮC


Liên quan đến tên bán nước cầu vinh Trần Ích Tắc, chiều nay 19-1-2018, Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam có tọa đàm hẹp (kín) về truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của Trần Quỳnh Nga (báo Văn Nghệ số 50) - một truyện ngắn ca ngợi Trần Ích Tắc.

Chủ trì tọa đàm là Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Sáng tác, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Phía các khách mời gồm các nhà văn: Hoàng Quốc Hải, Trần Đình Hiến, Trần Đình Sử... và một số ông khác nữa. Được biết, báo Văn Nghệ sẽ ghi chép tại chỗ và đăng số tới (tuần sau).
_____________________
.
CHIÊU QUỐC VƯƠNG TRẦN ÍCH TẮC

Trần Quang Đức
17 Tháng 1 lúc 10:23

Bị gắn mác phản quốc hàng giặc, dẫu Chiêu Quốc vương có tài năng vượt trội, thơ văn xuất chúng, người đời sau cũng khó có thể bao dung, thưởng thức. Nhất là khi quan điểm lịch sử đã nhất thể hóa, giáo dục lịch sử thuần túy nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước như hiện nay. Song, vẫn không ít người tiếc cái tài của ông ta, thậm chí đặt ra giả thuyết Chiêu Quốc hàng giặc chỉ là cái kế trá ngụy làm gián điệp cho nhà Trần. Những ghi chép về Chiêu Quốc liệu có ủng hộ thuyết âm mưu này không? Và rốt cuộc việc Chiêu Quốc ''hàng giặc'' duyên do cụ thể là gì? Để làm rõ điều này buộc phải rà xét lại tất cả sử liệu gốc liên quan, đặc biệt là lời tự sự của chính người trong cuộc.

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, con vua Trần Thái Tông, em vua Trần Thánh Tông, là người học rộng, tài hoa bậc nhất vào đầu thời Trần, có lẽ không mấy ai bàn cãi. Toàn thư cho biết: "Ích Tắc thông minh hiếu học, làu thông kinh sử, lục nghệ (lễ, nhạc, xạ - bắn cung, ngự - đánh xe, thư - viết chữ, số - toán), văn chương đứng đầu thiên hạ. Tuy các ngón tiểu kỹ như đá bóng, đánh cờ vây, không gì không am tường" (Nguyên văn: 聰明好學 通經史六藝 文章冠世 雖小技如蹴毬 圍碁 無不精諳). An Nam chí lược ghi nhận: Trần Ích Tắc thông minh xuất chúng, ham học... thích đạo Phật, đạo Lão, giỏi làm thơ" (Nguyên văn: 聰俊好學 喜佛老 工於詩). Học giả Trung Quốc thời Thanh trong Nguyên thi tuyển đánh giá: Ích Tắc là vị vương đầu hàng, ngụ cư, mà thơ ca vẫn có thể sáng ngang với các văn sĩ Trung triều (Nguyên văn: 益稷以羈旅降王 猶能以歌吟與中朝文士相頡頏). Với tài năng nổi trội, Chiêu Quốc "từng mở học đường bên phải phủ đệ, chiêu tập văn sĩ bốn phương tới học tập, cấp cho đồ ăn mặc, đào tạo thành tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, hai mươi người đều được sử dụng ở đời." (Toàn thư. Nguyên văn: 嘗開學堂于第之右 集四方文士習學 給以衣食 造就成才 如旁河莫挺之 洪州裴放等二十人 皆資用於世). Việc Chiêu Quốc mở trường tư, tài trợ văn sĩ khắp nơi tới học (song hành với Quốc Tử Giám, ngôi trường dành riêng cho con em vua quan, quý tộc), nhằm đào tạo nhân tài phục vụ đất nước, hẳn phải có hậu thuẫn từ phía triều đình. Và rõ ràng, trước khi quân Nguyên xâm lược, trước khi có việc hàng giặc, Chiêu Quốc cho thấy bản thân là trí thức tài hoa bậc nhất, có cống hiến, đóng góp lớn cho triều đình nhà Trần. Cái tên Ích Tắc (Ích 益: ích lợi; Tắc 稷: xã tắc, quốc gia), cũng như tước hiệu Chiêu Quốc (Chiêu 昭: làm rạng rỡ; Quốc 國: đất nước), được đặt ra hẳn nhằm gửi gắm mong muốn đó của vua cha.

Trước khi xét lại việc Chiêu Quốc hàng giặc, cần lưu ý tới lời tâu của ông ta về người em cùng cha cùng mẹ là Trần Nhật Duật, khi lần đầu tiên quân Nguyên xâm phạm bờ cõi. Toàn thư cho biết, Trần Nhật Duật giỏi tiếng Trung Quốc, thường xuyên chơi với người Tống, có lần đi chơi ròng rã nhiều hôm. Nói chuyện với sứ thần nhà Nguyên không cần đến phiên dịch, thậm chí sứ thần còn tưởng ông là người miền Bắc Trung Quốc. Khi Trần Nhật Duật "trấn giữ Thu Vật Trại ở Tuyên Quang, giặc Hồ (chỉ quân Nguyên) lần đầu phạm bờ cõi. Chiêu Quốc tâu: "Chiêu Văn ở Tuyên Quang, chắc đã gọi bọn giặc đến rồi!"." Câu nói này từng được lý giải rằng, Chiêu Quốc vương sớm đã dùng kế ly gián, hãm hại em ruột mình, và ông ta chính là người mời quân Nguyên vào xâm lược đất nước. Cách lý giải ấy không đứng vững, bởi chính Toàn thư cũng đã nói rõ bằng một dòng chú thích ngay dưới câu nói của Chiêu Quốc vương: "Nhật Duật thích chơi với người Tống, nên Chiêu Quốc nói như thế". (Toàn thư. Nguyên văn: 紹保末 守宣光收物寨 胡虜初臨境 昭國奏 昭文在宣光 應在上呼胡虜矣 日燏喜宋人遊 故昭國云然) Câu nói của Chiêu Quốc nên được lý giải như một sự ngầm trách người em vì đã chơi quá thân với người phương Bắc. Qua đó cũng ngầm cho thấy, Chiêu Quốc trước khi hàng Nguyên, không phải người thích giao du thân mật với người "nước lạ" như ông em ruột mình.

Chiêu Quốc đầu hàng nhà Nguyên trong bối cảnh: nhà Nguyên đổ quân sang lần thứ hai, năm 1285, Toa Đô đóng ở Trường Yên, vua Trần Thánh Tông "bỏ thuyền đi bộ đến Thủy Chú, lấy thuyền ra sông Nam Triệu, vượt cửa biển Đại Bàng, vào Thanh Hóa" (Toàn thư), các tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng đều đã đầu hàng. Trước đó, Chiêu Quốc cùng quan điểm với Chương Hiến hầu Trần Kiện, khuyên Trần Thánh Tông đích thân sang triều kiến vua Nguyên nhằm tránh cuộc chiến không mong muốn. Trần Kiện từng nói với Lê Trắc: "Thế tử bị triệu kiến mà không tới chầu, để đến nỗi bị chinh phạt, nguy nan trong sớm chiều, vẫn u mê không tỉnh ngộ, ông ta nỡ để nước mất nhà tan hay sao?" (An Nam chí lược. Nguyên văn: 世子被召不朝 以致征討 危在旦夕 執迷不悟 其忍國覆家亡乎) Cũng cần nói thêm, vua Nguyên, Hốt Tất Liệt, ngay từ khi lấy được đất Trung Quốc, đã yêu cầu vua các thuộc quốc phải đích thân sang chầu hoặc cử thế tử sang chầu. Nhà Trần từ đầu chí cuối cự tuyệt việc này, trong khi thế tử Cao Ly đã sang Nguyên từ sớm. Tờ chiếu nhà Nguyên gửi cho nhà Trần vào tháng 4 năm 1286 có đoạn viết: "Nay nhân họ hàng gần của ngươi là Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên, lo cho nước nhà tông miếu sụp đổ, tai vạ liên lụy đến những kẻ vô tội, nhiều lần khuyên ngươi tới triều đình, rốt không nghe theo, nên tự đầu hàng quy thuận." (An Nam chí lược. Nguyên văn: 今因爾國近親陳益稷 陳秀爰 慮宗國覆滅 殃及無辜 屢勸爾來庭 終不見從 自投來歸) Trong tờ chế gia ban phẩm trật cho Trần Ích Tắc năm 1312 thời Nguyên Nhân Tông, có đoạn viết: "Mong giữ nước để bảo toàn muôn dân... Sợ tổ tông không được thờ cúng, tự đứng ra mà tới chầu" (An Nam chí lược. Nguyên văn: 期保境以全民 ... 懼祖宗之不祀 自拔而來). Như vậy, ít nhất ở góc nhìn bề mặt, Chiêu Quốc khuyên anh mình sang triều kiến vua Nguyên hay sau đó đích thân ông ta đầu hàng nhà Nguyên, đều xuất phát từ mong muốn giữ gìn lãnh thổ (保境 bảo cảnh), bảo toàn muôn dân (全民 toàn dân), và duy trì việc hương hỏa của dòng họ Trần.

Bản thân Chiêu Quốc vương nói gì? Trong bài thơ Xuất Quốc (ra khỏi nước), được làm sau khi Trần Ích Tắc đã về già, ở Trung Quốc, lấy tên hiệu là Thiện Lạc lão nhân (Ông già lương thiện vui vẻ). Ông ta viết: "Năm xưa vì việc nghĩa ra khỏi nước Nam. Lòng trung son sắt sáng rực đối diện với trời. Không phải Văn Công chạy trốn nạn nước Tấn. Như là Vi Tử cảm khái khi nhà Ân mất. Việc kế thừa sự nghiệp của cha ông chưa mai một, các bậc tiên vương oanh liệt. Sách vở hẳn còn lưu lại, đời sau còn truyền tụng. Nay là lúc bốn bể đã thống nhất. Việc thờ cúng ở quê nhà được nối dài hơn cả những rặng núi" (An Nam chí lược. Nguyên văn: 當年扶義出南邦 耿耿丹忠對彼蒼 不是文公逃晉難 庶㡬㣲子慨殷亡 箕裘未冺先君烈 簡䇿應留後世芳 寰海車書㑹同日 故家延祀越山長) Ở đây, cần lưu ý tới nhân vật Vi Tử, bởi Chiêu Quốc ví việc mình làm có phần giống với nhân vật này. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Vi Tử là anh của vua Trụ nhà Thương, nhiều lần can gián nhưng Trụ vương không nghe, để đến nỗi nước loạn, đối diện với nguy cơ diệt vong. Cuối cùng, Vi Tử liền rời bỏ Trụ vương, đến đất Vi. Khi Chu Võ Vương đánh thắng vua Trụ, Vi Tử đem đồ thờ cúng tới trước quân doanh kể lại sự tình. Chu Võ Vương tha cho Vi Tử, khôi phục địa vị cũ. Đến khi Chu Công nhiếp chính, liền phân phong cho Vi Tử ở đất Tống, cho tiếp tục thờ cúng nhà Thương bằng nghi lễ của thiên tử. Như vậy, có thể thấy qua dòng tự sự của chính Chiêu Quốc, khi xưa rời khỏi nước là việc NGHĨA (việc đúng đắn, không thể không làm), nhằm duy trì hương hỏa của dòng họ, nối tiếp sự nghiệp của tiên vương (đáng lý là việc làm của con trai trưởng trong quan niệm phong kiến) trước nguy cơ mất nước. Với danh tiếng cũng như sức ảnh hưởng của Chiêu Quốc, cùng lời lẽ của ông ta trình bày qua thư từ trước khi hàng Nguyên, Hốt Tất Liệt đã "đặc biệt phong cho Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, để phụng thờ họ Trần". (An Nam chí lược. Nguyên văn: 特封陳益稷為安南國王 以奉陳祀). Đây cũng chính là nguyên ủy khiến các tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng Chiêu Quốc từ lâu đã "ngầm mang lòng đoạt ngôi trưởng đích, từng đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên xuống phương Nam, đến khi quân nguyên vào cướp, bèn đầu hàng, mong có được nước mình." (Toàn thư. Nguyên văn: 潜有奪嫡之心 嘗挾私書寄雲屯商客 乞元師南下 至是元人入冦 遂降之 冀有其國).

Đứng từ góc độ của vua quan nhà Trần, họ nhìn nhận thế nào về Chiêu Quốc? Thứ nhất, để giải thích cho việc một vị hoàng thân tài năng vượt trội, có sức ảnh hưởng lớn, lại đầu hàng giặc, sử quan nhà Trần đã viện vào một câu chuyện hư cấu mà nếu không có chỉ đạo từ Trần Thánh Tông, Ngự sử đài chắc chắn không dám dựng khống lên như vậy. Giấc mơ của tiên đế Thái Tông, từ khi Chiêu Quốc còn chưa ra đời được kể lại rằng: "Ban đầu, lúc Ích Tắc chưa ra đời, Thái Tông mơ thấy người thần có ba mắt, từ trên trời giáng xuống, nói với Thái Tông rằng: "Thần bị thượng đế quở trách, xin gởi gắm cho hoàng thượng. Rồi sau trở về phương Bắc." Đến khi Ích Tắc ra đời, giữa trán có hằn vết, thoáng như hình con mắt, diện mạo giống người trong mơ. Năm 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông sử sách và các kỹ thuật (Toàn thư. Nguyên văn: 初 益稷未生時 太宗夢見神人有三眼 從天而下 言於太宗曰 臣為上帝所責 願託於帝 後乃北㱕 及益稷生 額中有文 隱然如眼形 貌似所夢之人 年十五 聰明過人 通書史及諸技術). Hình tượng vị thần 3 mắt ở trên trời được sử dụng ở đây có thể là Nhị Lang thần, trong quan niệm của Đạo giáo, vốn là vị thần nước chuyên trị thủy. Con mắt thứ ba, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, vừa là biểu hiện của trí tuệ, vừa có năng lực tấn công, hủy diệt. Câu chuyện này được kể ra nhằm mục đích lý giải cho việc Chiêu Quốc trở về phương Bắc là một nhân duyên tiền định, không thể khác. Đồng thời như một ám chỉ về trí tuệ siêu việt của Chiêu Quốc. Sau này, khi cuộc chiến chống Nguyên kết thúc, trong khi các tông thất hàng giặc khác đều bị đổi họ xóa tên, bị xử tử hình dù không còn có mặt trong nước, riêng trường hợp Trần Ích Tắc, kẻ hàng giặc đáng lý mang tội lớn nhất, thì vua Trần Thánh Tông, Nhân Tông lại "không nỡ đổi họ cũng như bỏ tên, chỉ gọi là "Ả Trần", với ý bảo ông ta nhu nhược như đàn bà vậy". (Toàn thư. Nguyên văn: 不忍改姓及斥名 乃命曰妸陳 謂其柔懦似婦人也). Tức là chỉ chê trách tội nhu nhược, yếu đuối, không dám ở lại kháng cự quân Nguyên đến cùng, một cái tội được đặt ra để xử cho có mà thôi. Trong khi đó, Trần Ích Tắc từ sau khi hàng Nguyên, với tài năng được ca tụng từ hai phía chiến tuyến, nhưng lại không thấy có tác dụng gì trong việc giúp quân Nguyên bình định Đại Việt. Đây chính là những điểm mâu thuẫn, sơ hở trong ghi chép của Toàn Thư, mà có lẽ, sẽ chẳng thể nói cho tròn trịa, nếu không đặt ra giả thiết về một cái kế trá ngụy nhằm làm điệp viên cho nhà Trần.

Sau rốt, Chiêu Quốc vương nhìn nhận thế nào về cuộc đời mình, về những việc bản thân đã làm? Câu trả lời nằm trong chính những câu bài thơ ông ta viết khi đã về già: "Anh hùng tiêu sái danh còn cả, ta thích cuồng ngâm chẳng thẹn trời" (Trú Mã độ đầu駐馬渡頭. Nguyên văn: 英雄瀟洒名俱在,我愛狂吟不愧天); "Bình sinh sự nghiệp y như trước. Đèn xanh tóc bạc biết làm sao!" (Thu vãn thụy giác秋晚睡覺. Nguyên văn: 平生事業渾如昨 無奈青燈照白頭); "Tóc sương già Việt tình chan chứa, tay áo ngâm thơ hướng cửa Nam." (Tống Lý Long Xuyên bình chương phó khuyết送李龍川平章赴闕. Nguyên văn: 二毛越叟情無限 獨向南窗袖手吟) "Trời nổi heo may quán xác xơ. Đèn soi nửa vách, vẻ bơ phờ. Tan hoang mộng sớm, chuông rền gối. Tàn tạ lòng thu, cửa rỏ mưa. Nhạn khuất Hành Dương, đường dặc dặc. Vượn gào Vu Hiệp, núi lô nhô. Quan sơn tít tắp khi nhìn lại. Mây nước chiều buông lớp lớp mờ." (Ngạc quán thư hoài 鄂館書懷. Nguyên văn: 蕭然孤館起凄風 半壁青燈照病容 滴碎秋心窗外雨 敲殘曉夢枕邊鐘 衡陽雁斷三千路 巫峽猿啼十二峰 不盡關山回首處 暮雲疊疊水重重)

Rõ ràng có một Trần Ích Tắc đã là biểu tượng phản quốc và có một Trần Ích Tắc thực tế dưới góc nhìn của sử liệu và sử học. Đáng tiếc, sau biết bao cuộc chiến, với lối dạy - học sử kiểu một chiều, thiếu vắng tư duy khoa học, hầu hết người Việt đều có thói quen "thuộc nằm lòng", bám chặt lấy các hình tượng, câu chuyện lịch sử. Để từ đó, hoặc dấy lên lòng sùng bái, thần tượng anh hùng. Hoặc phỉ báng, nguyền rủa những nhân vật phản diện. Các mặt xấu và tốt được nhìn nhận đơn giản, bất chấp sự thật đa chiều, có nhiều diễn biến, duyên do khác nhau. Tệ hơn nữa là việc cho mình cái quyền phán xét ai là người yêu nước, ai là Việt gian, và rồi lúc nào cũng chỉ sợ lịch sử bị viết lại. Trong khi, nếu lịch sử không thường xuyên được đem ra tranh luận, được viết lại, lịch sử đó coi như đã chết lâm sàng. 
------------------

Tuy đã cố công chiêu tuyết (minh oan) cho Trần Ích Tắc, nhưng Trần Quang Đức cũng thừa nhận không thể nào cãi được chuyện ra hàng giặc của Trần Ích Tắc. Hiện chúng tôi chưa rõ mối liên hệ giữa ông Trần Quang Đức và Trần Ích Tắc.

Độc giả đọc gì của Trần Quang Đức xin chớ vội tin ngay mà cần phải truy nguồn. Anh ta đã từng làm tài liệu giả để lỡm những người cả tin.


Mời các bác vào FB Trần Quang Đức để xem các lời bình luận và tranh luận của độc giả với tác giả này: https://www.facebook.com/quangduc.tran 
 

7 nhận xét :

  1. Trần Quang Đức là tên xuyên tạc , làm giả thơ văn của danh sĩ Dương Khuê thì nó có thể xuyên tạc, bóp méo thậm chí làm giả bất cứ tài liệu nào nó muốn. Trần Quang Đức chưa bao giờ giải trình nguồn tài liệu trích dẫn, đó là dấu hiệu mờ ám.
    Trần Quang Đức là một nhà nghiên cứu có thành tích bất hảo!

    Trả lờiXóa
  2. Chưa bàn về bài của Trần Quang Đức. Hãy nói về thông tin cuộc họp của Hội NV.VN. Chúng tôi thấy có vài điều lạ trong vụ Trần Quỳnh Nga: 1. Thông thường bộ 4 T hay bộ VH.TT.DL.rất nhạy bén và sắt máu với những gì là "trái chiều". Điển hình là vụ báo VN trẻ điện tử với chiếc xe của Nguyễn Xuân Anh, và gần đây là vụ hoa hậu hoàn vũ H'Hen Niê. Lần này sự việc nghiêm trọng hàng triệu lần hơn, cả hai bộ đều im tiếng...Vì sao nhỉ ? 2. Sự thật lịch sử rõ ràng hàng trăm năm nay, đã là máu thịt của tâm hồn dân tộc. Vậy mà, việc đổi trắng thay đen xáo lược đến thế, giới sử học tỏ ra không biết gì ! Vì sao nhỉ ? 3. Hội NV có thật "Vì Tổ quốc" không, khi có kẻ nhân danh văn chương, xúc phạm nặng nề Nhân Dân và Tổ quốc, mà phản ứng quá chậm ? Cuộc họp có mặt những nhà sử học lừng lẫy lâu nay, như Phan Huy Lê, Lê Văn Lan, đặc biệt Dương Trung Quốc...? 4. Chúng tôi vẫn chờ đợi sự lên tiếng của các bộ nêu trên và của Hội đồng lý luận trung ương, cũng như của ban tuyên giáo nữa ! 5. Chúng tôi tin rằng Trần Đăng Khoa không phụ lòng tin yêu và khâm phục của công chúng rộng rãi. Nhà thơ từ lâu đã là đại diện tiêu biểu của quảng đại dân thường. Chắc chắn ông sẽ vượt qua thử thách cay nghiệt một cách ngoạn mục !...

    Trả lờiXóa
  3. Hiện tại lắm kẻ đang ngợi ca kẻ phản quốc Trần Ích Tắc thời nay thì không lý gì không ngợi ca kẻ phản quốc Trần Ích Tắc thời xưa?

    Trả lờiXóa
  4. Trần Quang Đức lại lợi dụng điều nhiều người không biết về Trần Ích Tắc để dẫn người đọc vào chốn u minh . Đàng sau chốn u minh đó lại ngầm biện minh cho hành động bán nước của Trần Ích Tắc !

    Trả lờiXóa
  5. TIT có quá nhiều Tài lẻ,
    Nhưng có Tật quá to là hèn nhát,
    Thuộc BÈ LÚ BÁN NƯỚC CẦù VNH

    Trả lờiXóa
  6. Có lẽ tác giả Đức muốn mở đường cho những kẻ bán nước mới qua việc minh oan cho TIT!Nên nhớ kẻ bán nước bao giờ cũng vì tham vọng cá nhân và cộng tác với giặc. Nếu nhà Trần thua trận thì nhà Trần chỉ mất sự cai trị nhân dân, ngoài sự cai tri của giặc thì cả một dân tộc bị làm nô lệ, người VN sẽ mất hết danh nghĩa của một đất nước độc lập. Cái gọi là tránh đổ máu cho nhân dân chỉ là mánh lới của những kẻ hèn với giặc, ác với dân .Không nên lẫn lộn tài năng và lòng yêu nước, ngày nay niềm tự hào dân tộc của mỗi người VN đều được xây đắp bằng mồ hôi nước mắt của ngàn năm và xương máu của nhiều thế hệ qua nhiều thời đại mới có. Đó cũng là báu vật của con dân nước Việt tự cổ chí kim không gì có thể thay thế.Ngày nay bọn xâm lược mới sẽ tha hóa người Việt bằng con đường văn hóa và công tác an ninh, nên đừng mơ hồ một tờ báo có uy tín hay một cán bộ an ninh nào đó lấy cớ bảo vệ này nọ mà mất nước lúc nào không biết. Những ai có điều kiện cần cảnh báo cho nhân dân nước Việt biết điều này./.

    Trả lờiXóa
  7. Thấy ồn ào về những bài viết của cậu Đức bênh vực Trần Ích Tắc, hay bịa tạc về Quang Trung, tò mò. Vào mạng đọc, mới hay cậu là người được Tàu đào tạo. Nhìn cách cậu ăn mặc, nói năng, cách cậu dạy tiếng Tàu chữ Tàu cho lớp trẻ, thấy cậu hô hào cổ súy cho văn hóa Tàu… Phần nào hiểu được công việc và tâm huyết của cậu. Lại nhớ ai có đó nhắc: Hãy cảnh giác! Đừng nhìn mặt cậu, hãy nhìn sau lưng cậu!

    Trả lờiXóa