Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

GS. Mạc Văn Trang: GIÁP TẾT NGHĨ VỀ HAI CHỮ "TIẾP TẾ"....


Trại giam B14 - Bộ Công an. Nơi giam giữ một số người con ưu tú của đất nước.
Ảnh: Gia đình LS Nguyễn Văn Đài tiếp tế trước Tết Bính Thân.

GIÁP TẾT NGHĨ VỀ HAI CHỮ “TIẾP TẾ”…
Mạc Văn Trang

Tết đến không gì buồn hơn là phải lo đi “tiếp tế” cho người nhà ở tù. Người tù nào Tết đến tâm trạng của họ và những người thân ở nhà cũng bồn chồn, khắc khoải…

Nhưng tôi muốn chia sẻ với gia đình những nguồi tù chính trị, hay những người gọi là “tù nhân lương tâm”. Bởi vì ngày từ nhỏ tôi đã trải nghiệm tâm trạng này. Chữ “tiếp tế” tôi được nghe Mẹ nói vào giáp Tết 1947, khi cha tôi bị lính Pháp bắt đi; mẹ cứ khắc khoải lo âu, không biết “thầy mày bị giam ở đâu để đi tiếp tế”! Thế rồi sau này vào năm 1950 - 52, lần lượt chị gái tôi bị bắt, anh trai thứ hai cũng bị bắt…Lý do, có lẽ là vì anh cả tôi làm cán bộ Việt Minh, chúng săn mãi không bắt được, thì bắt người nhà... Mẹ tôi cứ lặn lội, lần mò hết đi “tiếp tế” cho chồng lại cho con!


Tôi bắt đầu được biết thế hệ những người tù chính trị từ trước 1945 đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 -54. Họ bị bắt, tù đầy tra tấn dã man, nhưng có niềm an ủi lớn lao, là gia đình, bạn bè luôn quan tâm động viên tinh thần và “tiếp tế” thuốc men, cái ăn, cái mặc; bà con làng xóm và dư luận xã hội thông cảm và nể phục… Nhớ mỗi lần mẹ tôi đi “tiếp tế” về, bà con làng xóm xúm đến hỏi han tình hình, an ủi, động viên… Đó là những người tù chính trị THẾ HỆ THỨ NHÂT mà tôi được biết. Nhà tù không “cải tạo” được họ, trái lại “nhà tù là trường học”, ra tù họ càng đấu tranh hăng hơn, giỏi hơn…

Những người bị bắt, bị tù thời Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm và nhiều vụ án “chống Đảng” khác, tôi coi là THẾ HỆ THỨ HAI tù chính trị, hay “tù nhân lương tâm”, thì rất khác. Hầu hết những người bị bắt, bị tù, liền bị xã hội ruồng bỏ, bạn bè xã lánh, người thân tủi nhục; bị phân biệt đối xử là “gia đình thành phần”, “gia đình liên quan”, “gia đình có vấn đề chính trị”… Những người tù này bị oan chẳng được kêu oan; cô đơn khủng khiếp. Nhiều người bị vợ/chồng tuyên bố từ bỏ; nhiều người bị người thân, bạn bè xa lánh; thậm chí có người còn bị người thân về hùa với chính quyền để tố cáo, bôi nhọ, lên án … Ít người được người thân “tiếp tế”, vì nhiều lý do. Có lẽ đây là thế hệ những người tù chính trị, “tù nhân lương tâm” đau đớn nhất, cơ cực nhất, không những bị đọa đầy về thể xác mà còn bị khủng bố, day dứt về tinh thần khủng khiếp nhất…

Thế hệ THỨ BA tù chính trị, “tù nhân lương tâm” là những người bị chính quyền bắt tù (xét xử hoặc không xét xử) trong vòng hơn chục năm nay. Họ vẫn bị chính quyền kết tội “chống phá Nhà nước”, “tuyên truyền xuyên tạc”, “âm mưu lật đổ chế độ”, “chống người thi hành công vụ”, hay bị gán cho tội “trốn thuê”, “gây rối trật tự” hay thấy “bắt được 2 bao cao su đã qua sử dụng”… Chính quyền vẫn dùng các thủ đoạn như với tù chính trị thế hệ thứ hai, nhưng hầu như thất bại hoàn toàn! Họ lại giống như thế hệ tù chính trị thứ nhất. Người thân, bạn bè luôn xót thương, lo “tiếp tế”; bà con lối xóm quan tâm thăm hỏi, dư luận xã hội nể phục… Đặc biệt ngày nay có phương tiện truyền thông hiện đại, dư luận trong nước và quốc tế luôn dõi theo, động viên, chia sẻ và góp phần đấu tranh, bênh vực họ. Người tù và gia đình họ không còn cô đơn, chính quyền dùng đủ trò cũng không cô lập được họ với xã hội. Đặc biệt, nhưng người vợ, người chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè của người tù luôn hết lòng đấu tranh, chăm lo “tiếp tế” cho họ. Họ được an ủi, động viên, và hầu hết không khuất phục trước việc “cải tạo” của chính quyền. Ra tù họ tiếp tục đấu tranh khôn ngoan, bền bỉ hơn… Tôi thấy họ giống như thế hệ “tù nhân cách mạng” thế hệ thứ nhất.

Như vậy, sự phát triển của xã hội này đã theo đường “xoáy trôn ốc”, các tù “chính trị”, “tù nhân lương tâm” ngày nay đang lặp lại thế hệ tù nhân thứ nhất, như tôi nói ở trên. Họ dấn thân vì lý tưởng xã hội, và vì thế càng ngày họ càng được xã hội nể trọng, nhân dân nhớ đến…

Tết này, những người tù chính trị hay “tù nhân lương tâm” thế hệ thứ ba chắc chắn được “tiếp tế” rôm rả, và họ cũng cảm thấy: “Thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao”… Tôi đoán thế!

M.V.T
27 Tết Bính Thân.

2 nhận xét :

  1. Đọc bài viết của anh Mạc Văn Trang gợi lại tôi đến loại tù thứ 2 trong gia đình tôi thời cải cách ruộng đất mà cha tôi là nạn nhân mặc dầu gia đình tôi chỉ có 1 mẫu ruộng chẳng bóc lột ai.Năm 1947 quân Pháp chiêm làng tôi, a đình tô phải tản cư ra Nghệ an kiếm sống và cung cấp cho quân đội 4 con trai... nhưng thời CCRĐ cha tôi nguyên chủ tịch liên việt xã cũng bị nhiều nhục hình... tôi nghĩ lại rất căm thù bọn cộng sản bất lương.Nay liên hệ với xả hội ta tuy độc lập thống nhất từ lâu song vẫn còn nhiều "thù địch" chỉ vì họ không chấp nhân chế độ xhcn và mong muốn thay đổi thể chế chính trị phù hợp với trào lưu của thời đại.

    Trả lờiXóa
  2. Xã hội chủ nghĩa sưu việt ở chỗ là sau khi thành công thì cướp tài sản và bỏ tù những ai chống đối lại sự vô nhân của chính sách

    Trả lờiXóa