Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

TỪ TỤC HÀ BÁ LẤY VỢ XƯA ĐẾN TỤC CHÉM LỢN, ĐẬP TRÂU THỜI NAY


TỪ TỤC HÀ BÁ LẤY VỢ THỜI XƯA
ĐẾN TỤC CHÉM LỢN, ĐẬP TRÂU THỜI NAY

Đào Tiến Thi 

Vào những lúc thịnh trị của chế độ phong kiến, các vua chúa Trung Quốc cũng như Việt Nam đều quản lý không chỉ thần dân mà còn “quản lý” cả thần thánh. Thần nào, thánh nào được nhà vua sắc phong mới được lập đền thờ. Những việc thờ cúng nhảm nhí đều bị trừng trị.

Xin lấy câu chuyện Hà Bá lấy vợ dưới đây trong tập sách Cổ học tinh hoa (Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, 1925) làm ví dụ. 

Truyện Hà Bá lấy vợ 

Dân đất Nghiệp[1] có tục cứ mỗi năm góp tiền mua một người con gái ném xuống sông để làm vợ cho Hà Bá. Sự mê tín ấy có đã lâu ngày, không ai phá nổi. Lúc ông Tây Môn Báo[2], đến làm quan ở đấy, ông thân hành ra đứng làm chủ lễ cưới cho Hà Bá. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng bà cốt, ông cho gọi người con gái đến. Ông xem mặt xong, chê rằng: “Người con gái này không được đẹp! Ta nhờ bọn ông đồng xuống nói với Hà Bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn”. Ông lập tức sai lính khiêng một ông đồng quẳng xuống sông.

Một lúc, ông nói: “Sao lâu thế này!”. Rồi ông bảo đám bà cốt xuống nói hộ. Lập tức sai lính bắt một bà cốt ném xuống sông.

Một lúc, ông nói: “Sao không thấy tin tức gì cả! Chừng lũ đồng cốt xuống nói không nên lời. Dám phiền các cụ bô lão đi giúp cho. Lại lập tức sai lính lôi một cụ vứt xuống sông.

Một lúc, ông nói: “Sao mãi không thấy về thế này! Bọn đồng cốt, bô lão dễ đi cũng không được việc, phải nhờ đến bậc hào trưởng mới xong”.

Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều xám xanh mặt lại, van lạy xin thôi. Tây Môn Báo nói: “Để thong thả ta xem đã...”. Mọi người run như cầy sấy. Một chốc ông mới bảo: “Thôi tha cho. Thế là Hà Bá không lấy vợ nữa rồi”.

Thành thử từ đây dân đất Nghiệp không ai dám nhắc đến truyện Hà Bá lấy vợ nữa. 

Lời bàn của tác giả Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân trong sách trên: “Sự mê tín thường làm hư người, tốn của, nát nhà, có khi mất cả mạng, thật là tai hại. Khi mê tín đã thành tục, thì khó lòng mà phá nổi. Muốn phá, tất phải dụng tâm khéo làm sao mới được. Ông Tây Môn Báo sở dĩ mà phá nổi cái tục cưới vợ cho Hà Bá là vì ông biết trừ tự cái gốc rễ; tức là đám đồng cốt quàng xiên, bọn cường hào ngoan cố, xưa nay quen thói cổ hoặc nhũng nhiễu người ta để kiếm ăn, để cầu lợi. Trừ hai hạng ấy để cứu vớt lương dân, chỉnh đốn phong tục thật là công minh và cương quyết vậy”.

Câu chuyện trên có thể có thật, mà cũng có thể chỉ là ngụ ngôn, nhưng nó cho thấy sự kiên quyết, sòng phẳng của nhà nước phong kiến đối với các cổ tục có hại.

Đến thời cộng sản, sau một thời kỳ vô thần đến tuyệt đối, nghĩa là bài trừ tất cả các cổ tục trong một cái rọ gọi là “mê tín dị đoan”, thì đến nay, thời “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, lại là thời kỳ “phục hưng” đến vô lối các loại cổ tục, dưới những cái nhãn hào nhoáng như “văn hoá dân tộc”, “tự do tín ngưỡng”. Đáng chú ý là các cổ tục ấy nhiều khi không chỉ là của riêng địa phương nữa mà đã cuốn hút đông đảo khách thập phương. Khách thập phương đến với mục đích hành hương tìm về cội nguồn thì ít mà cầu tài cầu lộc và cầu đủ thứ ích kỷ cho bản thân thì nhiều. Dân hăm hở đi mà quan chức, công chức nhà nước càng hăm hở hơn. Chủ thì thoả mãn lợi ích vật chất nắm được được trong tay, còn khách thì thoả mãn được những tham vọng tinh thần, tuy thầm kín, mơ hồ nhưng quyết liệt (phát tài phát lộc, thăng quan tiến chức, triệt hạ đối thủ,…). Chính vì thế, nó làm tái hồi hoặc nảy sinh thêm muôn vàn trò ác, trò lố trong các lễ hội khiến cho cả xã hội hoang mang. Một số quan chức nhà nước có trách nhiệm trực tiếp quản lý nhiều khi cũng phân vân, không biết hành xử thế nào cho phải.

Giữa lúc này, nói như cụ Ngô Đức Kế (Luận về chính học cùng tà thuyết, 1924), cái lúc mà “cuộc đời biến cải, việc nước đổi thay, quốc thị mơ màng, nhân tâm bỡ ngỡ, nền cũ đã đổ, nhà mới chưa thành”, thì xã hội đặt nhiều niềm tin ở các nhà nghiên cứu, những người được tôn vinh là các bậc trí giả, để ít ra cũng là chỗ dựa tinh thần cho xã hội. Nhưng than ôi, chỉ trong mấy tuần đầu mùa xuân năm nay, và chỉ riêng hai cái tục – chém lợn làng Ném Thượng và đập trâu (Phú Thọ)/ hoặc đâm trâm (Tây Nguyên)  – thì ý kiến của các vị có tay nghề chính hiệu ấy, lại làm chúng ta thất vọng vô cùng. 

Đọc ý kiến phát biểu của các bậc học giả ấy, tôi thấy có thể quy vào một số “thuyết” sau đây: 

Thuyết “ý nghĩa” của PGS. Trần Lâm Biền 

PGS. Trần Lâm Biền nói: “Trong tín ngưỡng của nhiều dân tộc, tiết của súc vật với màu đỏ đặc trưng luôn là biểu hiện cho sinh khí. Cư dân Việt Nam chém lợn để lấy tiết canh cúng thành hoàng có ngầm ý xin đất đai cũng được trù phú, màu mỡ như bát tiết ấy vậy”.

Và về tục đâm trâu ở Tây Nguyên, GS. Trần Lâm Biền nói: “Trâu được chọn làm vật dẫn linh bởi trâu có màu đen tượng trưng cho nước biển và mây trời, cặp sừng dài mang hình trăng lưỡi liềm, những xoáy lông tròn tượng trưng cho sấm chớp. Khi đâm trâu, một cây nêu được dựng lên để làm trục thông linh giữa trời đất, con trâu hiến tế có nhiệm vụ cõng “linh hồn” của thầy mo lên các tầng trời”.

Thực ra thì chả riêng gì GS. Trần Lâm Biền, mà các GS. Trần Ngọc Thêm, Bùi Quang Thắng,… đều có ý kiến tương tự.

GS. Trần Ngọc Thêm: “Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính thiêng liêng. Người dân gọi một cách tôn kính là “Ông ỉn”, vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ rong trống mở…”. “Sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may”.

PGS. Bùi Quang Thắng: “Người dân làng Ném Thượng thực hiện lễ chém lợn như một nghi thức thiêng để tưởng nhớ tướng Đoàn Thượng, người có công chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ thứ XIII. Dân làng Ném Thượng thông qua tục này để nhắc nhở con cháu nhớ đến vị thành hoàng làng. Vì thế, đây là “nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể”.

Hãy tạm bỏ qua việc ông PGS. Bùi Quang Thắng chẳng biết tí gì về Đoàn Thượng[3] (mà một học sinh cấp 2 cũng biết) để nghe tiếp: “Đã có ý kiến nên bỏ lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, vì có người coi con trâu là đầu cơ nghiệp, đâm trâu là tàn bạo. Nhưng thực chất, con trâu ở Tây Nguyên chỉ là vật tế thần chứ không phải đầu cơ nghiệp như người nông dân đồng bằng Bắc Bộ”.

Những kiến thức cho biết về ý nghĩa của các cổ tục nói trên thực ra cũng chẳng cần phải là nhà chuyên môn mới biết. Cứ đến lễ hội hỏi các cụ thì có hết. Lễ hội, cổ tục nào mà chẳng được giải thích bằng những lý do tốt đẹp cả. Có thế nó mới có lý do để tồn tại chứ! Nhưng, theo chúng tôi, xét đến cùng, những ý nghĩa đó cũng chỉ là sự thêm thắt, sự “vẽ rắn thêm chân” cho các trò vui (hay thiêng) trong lễ hội, còn bản chất nguyên thuỷ của các trò đâm giết động vật nói trên có lẽ đều giống nhau, đó là tái hiện hành vi săn bắn thời cổ. Điều đó nếu còn tái hiện thời nay thì chỉ để chúng ta biết thêm về cuộc sống của tổ tiên thời xa xưa, nhưng phải với điều kiện là nó vô hại đối với đời sống đương đại.

Mặt khác, dùng thuyết “ý nghĩa” nói trên không thể biện minh được cho những tục lệ man rợ ở mức nghiêm trọng. Giả sử tục Hà Bá lấy vợ bây giờ sống lại thì liệu GS. Trần Lâm Biền có dám dùng thuyết “ý nghĩa” để bảo vệ không? Cũng tương tự như vậy, đối với tục ném đá vào người bị coi là “tội phạm” cho đến chết vẫn còn ở một số dân tộc trên thế giới hiện nay và nhiều cổ tục man rợ khác? 

Thuyết “không gian văn hoá” của GS.VS. Trần Ngọc Thêm 

GS.Trần Ngọc Thêm nói: “Lễ hội là một hiện tượng mang tính văn hoá đậm đặc. Mà văn hoá thì luôn là sản phẩm của một cộng đồng cụ thể, trong một không gian và thời gian rất cụ thể”. Để từ đó dẫn đến logic tưởng như đúng: “Từ ngàn đời nay (…), làng Ném Thượng vẫn chém lợn, (…), không vì thế mà đứa trẻ trở nên hung ác. Bây giờ thử thống kê xem trong số những người trộm cướp trên cả nước có bao nhiêu người gốc ở làng Ném Thượng? So sánh với các làng xung quanh xem, làng ném Thượng có tàn ác hơn không?”

Nhưng lập luận của cái gọi là “không gian văn hoá” ấy mâu thuẫn với chính nó. Thứ nhất, vì “không gian văn hoá” (của chính địa phương đó) thời xa xưa với thời nay đã khác nhau nhiều lắm; thứ hai, vì “không gian văn hoá” ngày nay đã mở rộng chứ không bó hẹp trong làng quê có cổ tục đó nữa.

Lý do thứ nhất nói trên không cần phải nói thì đã rõ. Ta chỉ bàn lý do thứ hai. Ngày xưa, với Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng đó thờ, thì thuyết “không gian văn hoá” có thể đúng. Nhưng ngày nay, khách thập phương có thể kéo đến rất đông ở một lễ hội địa phương, có thể đông gấp nhiều lần dân bản địa. Đặc biệt, với mạng internet, “không gian văn hoá” đã mở ra gần như vô tận. Mạng internet đã chuyển tải “chuông” và “thánh” của một làng đến khắp mọi nơi trên thế giới. Rõ ràng những hình ảnh như cái đầu lợn bị chặt phăng, máu phun ra xối xả hay con trâu bị buộc vào cột để hàng chục thanh niên dùng vồ đập cho đến khi gục xuống, máu me be bét là hình ảnh không thể chấp nhận với những người ở ngoài “không gian văn hoá” làng Ném Thượng (Bắc Ninh) hay xã Hương Nha (Phú Thọ). Chính vì thế, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) mới phải khuyến cáo Việt Nam bỏ lễ chém lợn làng Ném Thượng, coi đó là một tục lệ man rợ.   

Thuyết “khác biệt văn hoá” của PGS. Bùi Quang Thắng 

PGS. Bùi Quang Thắng nói:

“Việc đòi bỏ diễn xướng chém lợn chẳng khác nào việc tranh cãi có nên ăn thịt chó hay không. Vì mỗi nền văn hóa đều có ý nghĩa riêng. Văn hóa là sự khác biệt, không nên so sánh nền văn hóa này với nền văn hóa khác”.

“Trên thế giới có nhiều lễ hội mà ta cho là “tàn bạo” nếu như không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội đó. Như tại Đan Mạch, tới tuổi trưởng thành, các chàng trai đảo Faroe phải giết một con cá heo hoặc cá voi để được công nhận là những ngư dân trưởng thành. Người Nepal giết hàng nghìn con bò để cảm tạ nữ thần Gadhima. Hay như trong lễ trưởng thành của người Samburu (Kenya), mỗi ngày họ sẽ giết 100 con bò trong vòng một tuần”.

Như vậy, quan niệm về sự “khác biệt” văn hoá của ông Bùi Quang Thắng được mở ra vô tận. Ông đã không phân sự khác biệt (đa dạng) văn hoá với sự phản nhân văn, phản nhân đạo. Sự khác biệt làm nên sự phong phú cho văn hoá, còn sự phản nhân văn, phản nhân đạo thì đích thị là phản văn hoá, là phá huỷ văn hoá.

Mặt khác ông Bùi Quang Thắng khi dẫn chứng những cổ tục trên đã cố lờ đi chính các cổ tục đó cũng đang bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Ví dụ, bản tin về lễ hội săn cá voi của dân đảo Faroe viết: “Lễ hội săn cá voi là một truyền thống văn hóa của đảo Faroe trong hàng trăm năm, nhưng gần đây lễ hội này đã bị các tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối (…) Các nhà bảo tồn cáo buộc rằng việc giết hại hàng trăm con cá một lúc là vô cùng vô nghĩa, rằng “truyền thống này đã lỗi thời, tàn nhẫn và không cần thiết với một trong những nơi có mức sống cao nhất châu Âu”, và rằng phần lớn thịt cá voi đều bị bỏ phí (bị bỏ lại trên bãi biển hoặc bị vứt xuống biển sau khi lễ hội kết thúc)”

Cuối cùng, thay lời kết, tôi thấy còn một “thuyết” khá phổ biến khác: Các nhà khoa học thường kêu ca các nhà quản lý lấy con mắt của thời nay để phán xét những phong tục, tập quán, lễ hội mang tính dân gian truyền thống. Thiết nghĩ, về nguyên tắc, để công nhận các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống được phép tồn tại ngày hôm nay hay không, rõ ràng phải nhìn nhận bằng quan điểm của ngày hôm nay. Nhìn bằng con mắt người xưa (đối với giới khoa học) chỉ là để hiểu cội nguồn. Nhìn bằng con mắt thời nay để đánh giá sự tác động tích cực hay tiêu cực lên đời sống xã hội của nó là thực sự cần thiết. Nếu nó tác động tiêu cực lên đời sống ngày nay thì bất kể nguyên thuỷ của nó có ý nghĩa hay đẹp như thế nào cũng phải bỏ. Ví dụ, các tục nối dây, tục tảo hôn của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam phải loại trừ (dù có thể phải làm từ từ). Các tục chém lợn, đập trâu (hoặc đâm trâu) tác động lợi hại lên xã hội hiện nay ra sao cần có những nghiên cứu cụ thể hơn, nhưng dứt khoát không thể lấy cái ý nghĩa nguyên thuỷ của nó để biện minh cho tất cả.

ĐTT (tháng 3-2015)




[1] Nghiệp: tên một huyện đời Hán, tức huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam bây giờ. (Chú thích của tác giả Cổ học tinh hoa) 

[2] Tây Môn Báo: người nước Nguỵ đời Chiến quốc, làm quan rất giỏi, trừ được hại, hưng được lợi cho dân. (Chú thích của tác giả Cổ học tinh hoa). 

[3] Đoàn Thượng (? – 1229) là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nhà Lý, và khi nhà Trần thành lập, Trần Thủ Độ tìm cách giảng hoà với ông, nhưng ông chống lại luôn cả nhà Trần. Cuối cùng bị Trần Thủ Độ giết. Đoàn Thượng không liên quan gì đến chống ngoại xâm.

4 nhận xét :

  1. Hà bá lấy vợ hay dân ta thích xem chọi trâu, chém lợn cũng tại có cùng một nguyên nhân là " cho sướng cái con mắt-còn vắt óc thì lười"?

    Trả lờiXóa
  2. để dân đói để dân khổ để dân không có tự do còn dã man hơn lễ chém lợn

    Trả lờiXóa
  3. http://vi.rfi.fr/chau-a/20160210-nam-khi-nghiem-tuc-ban-chuyen-khi

    Trả lờiXóa
  4. Qua đây xin hiến kế: Trước Tết AAL thường thấy GS Lê Văn Lan và Nhà văn hóa Trần Lâm Biền lên TV cổ súy đốt vàng mã. Cách cổ súy của họ là: là phong tục ta có đốt nhưng vừa thôi.
    Vậy thế nào là vừa? Dân u mê nghe vậy suy ra là đốt vẫn hơn. Thế là cháy chợ hàng mã chiều ngày ông Công ông Táo.
    Ta nên tổ chức đốt thật nhiều rồi mời hai ông ấy đến và đốt luôn cả hai ông cho các ông ấy theo ẵm luôn số vàng mã ấy để giàu nhanh, tha hồ mua sắm.

    Trả lờiXóa