Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

CÁC ĐẠI SỨ QUÁN HỌP NGHE TƯỜNG TRÌNH VỀ VỤ ÁN LÊ VĂN MẠNH


CÁC ĐẠI SỨ QUÁN HỌP NGHE TƯỜNG TRÌNH VỀ VỤ ÁN LÊ VĂN MẠNH

Hoàng Thành - Mạnh Cường

Sáng 10/11, tại trụ sở văn phòng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Hà Nội, một loạt đại sứ quán phương Tây đã tổ chức họp với gia đình tử tù Lê Văn Mạnh để tìm hiểu thêm thông tin về vụ án có dấu hiệu oan sai rất nghiêm trọng này.

Tham dự cuộc họp là đại diện các sứ quán: Mỹ, Anh, Phái đoàn EU, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nauy, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Australia, cùng luật sư Trần Vũ Hải và một số nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội như Trịnh Anh Tuấn (tức blogger Gió Lang Thang), Mai Phương Thảo (Thảo Teresa)...

Mở đầu cuộc họp, luật sư Trần Vũ Hải tóm tắt nội dung chính của vụ án và một số diễn biến gần đây. Ông đã cùng một nhóm luật sư gửi đơn kiến nghị lên Tòa án Nhân dân Tối cao, đề nghị hoãn thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. Ông cho biết, hiện nay, số hồ sơ mà các luật sư tiếp cận được chỉ chiếm khoảng 40-50% số hồ sơ thực của vụ án. Một người trong nhóm là luật sư Nguyễn Hà Luân đã làm đơn xin tiếp cận thêm nhưng chưa được cơ quan chức năng trả lời.

Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh, và các nhà hoạt động cũng nêu ra và nhấn mạnh những vi phạm về thủ tục tố tụng và xét xử trong vụ án: Không có bất kỳ chứng cớ nào, việc kết tội hoàn toàn chỉ dựa vào lời nhận tội của bị cáo; thẩm vấn trẻ em mà không có người giám hộ hợp pháp; tòa chấp nhận để bị cáo tự bào chữa trong khi đây là một vụ việc nghiêm trọng, liên quan đến án tử hình, mà kiến thức pháp luật của bị cáo không thể đủ để tự bào chữa. 



Đại diện các đại sứ quán phương Tây đều tỏ ra quan tâm đặc biệt tới vụ án. Ông David V. Muehlke đặt câu hỏi về tình trạng pháp lý hiện thời của Lê Văn Mạnh cũng như hỏi xem ai là người đưa ra quyết định tạm dừng thi hành án. Câu trả lời của luật sư Trần Vũ Hải là, do không ai nhận họ đã ra quyết định thi hành án, nên cũng không có ai là người đưa ra quyết định tạm dừng.

Ông Felix Schwarz, Tham tán Chính trị và Nhân quyền, Đại sứ quán Đức, khuyên gia đình Lê Văn Mạnh và các nhà hoạt động nhân quyền nên liên hệ với các tổ chức nhân quyền quốc tế chuyên về chống án tử hình. Ông nói: “Chúng tôi chống án tử hình và chúng tôi mong Việt Nam xóa bỏ án tử hình, đảm bảo xét xử công bằng. Nhưng về nguyên tắc, chúng tôi không thể can thiệp vào tiến trình điều tra, xét xử để xem nó có công bằng hay không. Do đó, chúng tôi nghĩ là nếu gia đình có liên lạc với các NGO quốc tế thì họ có thể trở thành những đối tác hỗ trợ mạnh mẽ hơn”.

Blogger Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động nhân quyền trẻ ở Hà Nội, cho biết trong vụ án Lê Văn Mạnh, có ít nhất hai tổ chức tham gia vận động là Ân xá Quốc tế (AI) và Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ). Hai nơi này đã gửi thư đến Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án đối với Lê Văn Mạnh.

Blogger Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang) nhấn mạnh tình trạng bạo hành của công an đối với dân thường, khi mà trong ba năm qua, ở Việt Nam có tới 226 trường hợp người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã đưa ra một danh sách 18 vụ trọng án có dấu hiệu oan sai, cần giải quyết, song đến nay chưa vụ nào có kết quả xử lý.

“Về vụ Lê Văn Mạnh, từ đầu năm đến nay, đây là vụ việc thứ ba liên quan đến án tử hình oan sai mà chúng tôi tham gia bảo vệ nhân quyền. Cả ba vụ (Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh) đều có điểm chung là tới khi tử tù sắp bị xử đến nơi thì gia đình kêu cứu tới công luận” - anh Tuấn nói.

Bà Delphine Malard, Tham tán Thứ nhất Phái đoàn EU ở Hà Nội, cho biết: “Tất cả các đại sứ quán của các nước EU đều đã rất tích cực hành động ngay khi họ nghe nói về cái mốc 26/10 (là thời hạn chót để gia đình làm đơn xin nhận xác, theo thông báo của Tòa án Thanh Hóa - PV). Trong hai ngày 24-25/10, chúng tôi đã huy động mọi người, dùng mọi cách để liên hệ với các quan chức phía Việt Nam, đề nghị hoãn thi hành án. Chúng tôi đã và vẫn đang theo dõi vụ việc này rất chặt chẽ”.

Bà cũng nói thêm, Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam sắp diễn ra vào giữa tháng 12 tới, và tại đó, vấn đề án tử hình oan sai cũng sẽ được nêu ra.

Thay mặt Phái đoàn EU, bà Delphine Malard đã dành nhiều lời chia sẻ với gia đình Lê Văn Mạnh, cảm ơn các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, đồng thời hứa sẽ tiếp tục theo sát tình hình để đảm bảo nhân quyền và luật pháp phải được tôn trọng.

13 nhận xét :

  1. Rất hay!

    Đây là tiền lệ để dẫn tới nhân quyền ở Việt Nam được quốc tế giám sát, và chống oan sai trong bắt người, giam giữ, điều tra, xử án, thi hành án.

    Một ĐV nhưng mà tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Tứ trụ triều đình nên cất công sang Myanmar để chứng kiến và học tập sự thay đổi nhanh chóng về các mặt, trong đó có nhân quyền của nước này, thay vì cứ ngồi nhà mà chém gió.
    Nếu lãnh đạo VN vẫn bảo thủ thì VN sẽ là nước cô độc trên thế giới, giống như "người tồng chí" Tầu. "Hai anh em" muốn cùng khoác vai nhau chết chăng?

    Trả lờiXóa
  3. Giờ phải làm sao để thế giới đừng thờ ơ với bất công ở VN nữa!

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Đại sứ quán các nước đã quan tâm tới NHÂN QUYỀN VN .

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn các Luật sư và các Nhà hoạt động Nhân quyền dũng cảm. Các cụ ta xưa có cầu: "Cứu được mạng người phúc đẳng hà sa". Mặc dù Lê Văn Mạnh đã phải chết trong oan ức khi chưa đến tuổi thành niên, song linh hồn em cũng được an ủi phần nào khi thấy công việc mọi người đã cố gắng hết sức vì em. Nhất là 2 vị Luật sư đã vì muốn truy tìm công lý cho em đã phải đổ máu.
    Những gì các anh, các chị, và các bạn làm ngày hôm nay chính là góp tay ngăn chặn tội ác trong hiện tại và tương lai để cứu con cháu chúng ta thoát khỏi bàn tay của những kẻ khát máu khoác áo chính quyền.
    Xin ngả mũ trước tấm lòng tốt của tất cả mọi người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nhầm rồi bạn. LVM rất may chưa bị xử. Em đã chết là Đỗ Đăng Dư

      Xóa
  6. TƯƠNG LAI CỦA VN PHẢI DỰA VÀO YẾU TỐ QUỐC TẾ
    Nhân dân VN thành tâm cảm ơn các tổ chức Quốc tế này.
    Nếu không có sự tác động của các tổ chức Quốc tế thì nhân quyền, tự do và dân chủ ở VN khó có thể tiến triển tốt

    Trả lờiXóa
  7. Hãy giúp đở nhân dân VN với các vị sứ giả từ các nước văn minh và tiến bộ ! Xin đội ơn các ngài !

    Trả lờiXóa
  8. Xin cảm ơn thế giới văn minh đã không quản gian nan,giúp cho dân Việt được một chút quyền mà năm xưa ông Hồ tuyên bố trước quốc dân đồng bào.
    Bây giờ đám con cháu của ông đã chà đạp hết những lời ông tuyên bố năm xưa rồi

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn các ân nhân!

    Trả lờiXóa
  10. Xin các quí ngài đừng bỏ rơi dân VN chúng tôi,dân đen chúng tôi trong thân phận nô lệ đã 3/4 thế kỷ rồi !

    Trả lờiXóa
  11. Một vụ như vụ Lê Văn Mạnh cũng làm chấn động thế giới ! Thế mới biết ngành Tư Pháp VN tệ đến mức báo động . Đấy là hậu quả của LP XHCN , của không có tam quyền phân lập . Cám ơn những con người văn minh soi sáng vào góc tối thui của LP XHCN VN !

    Trả lờiXóa
  12. Cảm ơn các bạn thúc đẩy nhân quyền cho nhân dân Việt Nam,mặc dù chúng tôi không là nhân dân nước các bạn.

    Trả lờiXóa