Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Nhà thơ Inrasara: THẾ THÔI ! CHẤM HẾT !

Văn chương, đạo và không đạo 
Inrasara
Tiền Phong
06:45 ngày 25 tháng 10 năm 2015

TP - LTS: Ồn ào quanh vụ đạo thơ với nhân vật chính Phan Huyền Thư đang lắng dần. Lúc này, cần một cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về mặt chuyên môn cũng như cách ứng xử của những người liên quan. TPCN xin giới thiệu bài viết của nhà thơ, nhà phê bình Inrasara – nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam. Bài viết mang quan điểm riêng của tác giả.

 
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi coi như Phan Huyền Thư nghịch dại.

1. Đạo văn gần như là thuộc tính của văn chương, ở mọi nơi và mọi thời. Đời viết, không nhà văn nào dám tự nhận không đạo văn. Đạo từ hay cụm từ, đạo câu đến đạo nguyên đoạn hay cả trang, thậm chí đạo trọn một tác phẩm. Từ chôm ý, nhịp điệu hay thi ảnh một bài thơ tới mượn chi tiết, mô-típ, cốt truyện cũng là đạo. Ngay cả cái ý vừa diễn tả dài dòng ở trên đây cũng là một cách đạo: đạo từ đạo từ đạo… Không phải sao?


Khi Th.S. Eliot viết: “Thi sĩ non tay thì bắt chước; thi sĩ lão luyện thì ăn cắp” là đạo từ O. Wilde: “Nhà văn giỏi thì vay mượn, nhà văn vĩ đại thì ăn cắp”. Ý này cũng bị P. Picasso chôm lại với phát ngôn nổi tiếng của ông: “Hoạ sĩ giỏi thì sao chép, hoạ sĩ vĩ đại thì ăn cắp”.

Có kẻ đạo rồi xé lẻ ra, bồi đắp thêm, tiếp thu và sáng tạo - như chúng ta quen nói, hay nói theo kiểu như Xuân Diệu: Ăn cắp và phi tang. Nhà thơ, nhà văn hơn thua nhau là ở chỗ đó.

2. Thế giới từng xảy ra mênh mông chuyện đạo văn với kiện cáo liên quan đến đạo văn, có kể cả ngày không hết. Việt Nam ta cũng không thiếu truyền thống đạo văn. “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, Nguyễn Du dịch mà không chú thích, là đạo văn. Trịnh Công Sơn đạo câu thơ Bùi Giáng: “Còn hai con mắt khóc người một con”. “Yêu là chết trong lòng một ít” là Xuân Diệu đạo thơ Pháp, đạo nguyên câu thơ chỉ thay “đi” bằng “yêu”, là xong. Chẳng có ai làm rùm beng cả!

Giới âm nhạc thời gian qua có cả đống nhạc sĩ với khối ca khúc nảy ra từ ca dao, dân ca; họ vô tư cóp từ giai điệu đến tận ý thơ lẫn ca từ; nói chung là ăn cắp chính hiệu. Thế mà ta vẫn ca ngợi là biết tiếp thu và sáng tạo từ kho tàng văn hóa cha ông, rồi tặng giải thưởng, rồi ban danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Có sao đâu!

3. Thế giới văn chương nhỏ bé của Việt Nam mấy thập niên qua có không ít điển hình, trong đó có vài tác phẩm nổi tiếng bị phanh phui. Nhưng tại sao chúng chìm? Có thể ở mức độ: Ăn cắp mấy cái nhỏ lẻ chẳng hạn, mượn vài câu và khéo xào nấu. Còn ăn cắp ở mức độ lớn hơn, nhưng vì là nhân vật vô danh, mà chuyện xảy ra ở tỉnh lẻ, nơi vùng sâu vùng xa ở một tạp chí ít ai biết tới, nên dư luận cho qua. Hoặc giả người có vai vế biết nhiều mánh khóe để dìm hàng; cũng có thể do kẻ đạo văn lấy cắp của tác giả nước ngoài, người ta không biết để mà tranh chấp.

Ngược lại, nếu đụng phải bản quyền có tranh chấp, nhất là khi kẻ cắp là nhân vật có tiếng, khi tác phẩm ăn cắp kia giật giải thưởng danh giá, vấn đề sẽ nổ bùng ra. Như chuyện liên quan giữa hai bài thơ “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư và “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan, mấy ngày qua.

.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thu hồi giải thưởng là chưa hợp tình hợp lý.

4. Đâu là nguyên do?

Chắc chắn nó nảy sinh từ nghi án do hai người viết còn vô danh tố cáo bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai đạo đến 70-80% thơ mình. Hai người còn ít, chớ trăm người vẫn có thể kêu mình là tác giả “Tổ quốc gọi tên”. Bạt ngàn cụm từ làm sẵn được dùng đến sáo mòn như: Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, thắp lên ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã, dẫm đạp lên dáng hình đất nước, lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng, giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố, Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa… thì bất cứ nhà thơ trung bình nào cũng có thể nhặt ra đâu đó, để ra một bài thơ như thế kia, chớ gì phải đạo.

Điều đáng nói ở đây, là Phan Huyền Thư chả liên can, lại nhảy vào. Và dính đòn tận… “Nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển” từ blog Lê Thiếu Nhơn. Thư cãi, còn người phơi chuyện bị cánh bênh vực Thư xúm vào đánh. Thế là: Nhà thơ này ra tối hậu thư (ngày 16/10): “Tôi chính thức tuyên bố với Phan Huyền Thư: Trong vòng 24 h, nếu chị xóa ngay những ngôn từ miệt thị tôi trên Facebook của chị, thì tôi cũng sẽ thiện chí xóa luôn status này. Bằng không, đừng trách tôi hạ thủ không lưu tình!”

Tối hậu thư như báo hiệu chuyện chẳng lành sắp tới.

.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Thực ra tôi đã thấy gợn từ năm ngoái.
.
5. “Nếu tôi chết…” qua rồi tưởng đã yên, đột nhiên lộ ra “Bạch lộ”, thế là người thiên hạ làm ỏm tỏi lên. Dư luận phản ứng thế nào là chuyện của họ, chứ kẻ trong cuộc và người có trách nhiệm lên tiếng lạc điệu, mới kì.

Đầu tiên (tối 18/10), Phan Huyền Thư nhờ Phan Ngọc Thường Đoan “im lặng giúp”, để mai “bay vào Sài Gòn gặp trực tiếp”, với hi vọng sự vụ chìm xuồng. Không trách nhà thơ này, Thư chỉ học cách làm của các quan tham thời nay. Khi bị phanh phui (ngày 19/10), cũng hệt phong cách thường gặp ở quan tham ta, Thư quanh co bao biện. Hành xử và lời lẽ của Phan Huyền Thư đã tự khai: Lạy ông tôi ở bụi này rồi còn gì.

Nguyễn Việt Chiến (21/10) thấy: “đặt hai bài cạnh nhau, không cần xác minh cũng nhận ra một vụ đạo thơ trắng trợn”. BCH Hội Nhà văn Hà Nội (21/10) cũng thấy vậy, nên kí “quyết định thu hồi giải thưởng”.

Thế nên, khi Nguyễn Quang Thiều (21/10) cho rằng Hội Nhà văn Hà Nội “thu hồi giải thưởng là chưa hợp tình hợp lý bởi chưa xác định được cô có đạo thơ hay không”, như thể đổ dầu vào lửa. Phan Ngọc Thường Đoan quyết làm cho ra chuyện: Ai đạo thơ ai?

Hội Nhà văn Hà Nội đúng, chứ khi Nguyễn Việt Chiến (21/10) tuyên bố: “Thực ra tôi đã thấy gợn từ năm ngoái khi được Phan Huyền Thư tặng tập “Sẹo độc lập” chứ không chờ đến vụ này”, tưởng ngon lành, thật ra là khá hố. Anh ở trong BCH, anh kiêm luôn người chấm giải, 9/9 phiếu trong đó có anh, anh thấy “gợn từ năm ngoái” mà vẫn bỏ phiếu, là gì, nếu không là tắc trách?

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh (22/10) cho rằng: “Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư nghịch dại”. Hay! Nhưng dí dỏm thế ở trong nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam thì được, chứ Phan Huyền Thư là người của công chúng và sự vụ đang bị bày ra trước công luận, thì nó hơi bị… dí dỏm.

Cuối cùng (22/10), sau hai ngày hai đêm “bay đi Âu Mỹ” truy tìm “Bạch lộ” chả thấy đâu, Phan Huyền Thư mới có bức thư thứ hai xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan, thừa nhận bài “Bạch lộ” viết sau bài “Buổi sáng”. “Viết sau” thôi, chứ không phải “đạo” - cũng thương cho Thư: Việt Nam không có thói quen dám nhận hành vi sai trái của mình; càng chưa có văn hóa xin lỗi, nên nhà thơ này xin lỗi cũng không ra xin lỗi, cũng bởi thế. Tội!

Nhưng Phan Ngọc Thường Đoan đã tạm chấp nhận lời xin lỗi này. Rất đúng mực. Màn hạ!

Nhưng trước khi màn hạ, (21/10) Vi Thùy Linh nhào vô. Nào bức thư kia “là một trò trí trá của con buôn”, nào là Phan Huyền Thư “lươn lẹo và trơ trẽn”, “quanh co bịp bợm”... Thêm món đề nghị: “giới truyền thông và các đồng nghiệp, khi điểm danh thế hệ nhà thơ nữ trưởng thành sau năm 1975, làm ơn đừng nhắc tên tôi chung với Phan Huyền Thư”. Nhảm!

.
Nhà thơ Vi Thùy Linh: Làm ơn đừng nhắc tên tôi chung với Phan Huyền Thư
.
6. Tường Linh (22/10): “Văn chương là hành động ăn cắp” - nhà báo Mỹ James Atlas từng tuyên bố như thế. Ông ấy đã đúng. Lịch sử các cuốn sách và hoạt động viết lách đã ủng hộ quan điểm có vẻ khó nghe này của ông.

Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời, các nhà hậu hiện đại biết rõ chuyện này hơn ai hết, thế nên họ mới bày ra trò nhại văn. Mươi năm qua, thi đàn Việt đã xuất hiện nhiều bài thơ nhại cực kì, thế nhưng ở đó không ít vị không thích cứ cho nó là “đạo”. Thì cũng do cảm thức sáng tác và tiếp nhận mà ra. Nhưng cần lưu ý, Phan Huyền Thư không là nhà thơ hậu hiện đại, chưa xài tới thủ pháp kia, nên “Bạch lộ” là đạo, đúng nghĩa đen của từ.

Thế thôi, chấm hết!


.

29 nhận xét :

  1. Bài viết hay quá . Tác giả đã phản ánh rất trung thực, khách quan về chân dung từng nhà văn , nhà thơ có liên quan đến vụ việc ĐẠO THƠ này .

    Trả lờiXóa
  2. "Đạo" là Đời mà...

    Trả lờiXóa
  3. Càng nói ra càng thấy cái mặt bẩn của Văn đàn thời nay, cái đẹp mai một dần, nói đến thơ và "nhà thơ" thời nay, những người yêu thơ phải nhăn mặt quay đi. Có thích thì tìm đồ cổ thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Ông này viết bài này không khác nối giáo cho giặc!

    Trả lờiXóa
  5. tôi yêu Inrasara
    tôi thích Inrasara
    tôi có đọc Inrasara
    ...nhưng chưa hiểu mấy....

    Trả lờiXóa
  6. THƯỜNG NHÂN
    AI “ĐẠO” AI?
    (Bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh và bài thơ “Thượng đế sinh ra mặt trời” củaChrista Reinig)

    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng khen bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh: “Đọc Hữu Thỉnh, dễ nhận thấy anh thường chặt ở câu mà lỏng ở bài. Có người bảo anh là “nhà thơ nhiều câu ít bài”, kể cũng có lý của họ… (Nhưng trong tập Thư mùa đông – TN) hiệu quả lập tứ hiện rõ ở các bài “Người ấy”, “Chạm cốc với Xa-in”, và đặc biệt là bài “Hỏi” (…) Đấy là một nghệ thuật cô đúc, tinh vi chặt chẽ đến nỗi, ít mà không thiếu, nhiều mà chẳng thừa. Tác giả hoàn toàn làm chủ những con chữ của mình, mà người đọc vẫn cảm thấy như tự bài thơ nó vốn thế, nó là một khối vẹn toàn, lấp lánh tâm hồn và trí tuệ. Những bài thơ như thế làm mới Hữu Thỉnh…” (Văn chương cảm và luận, Nxb Văn hoá Thông tin 1999).

    Nhận xét như thế là rất đúng với bài thơ “Hỏi”. Nhưng lúc đó, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không hề biết là trước khi Hữu Thỉnh có bài “Hỏi” thì đã có bài thơ“Thượng đế sinh ra mặt trời” của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig [1] (sinh năm 1926), trong một tập thơ của bà đoạt giải thưởng Văn chương Bremen 1964.

    Nguyên bản tiếng Đức:
    Gott schuf die sonne
    Ich rufe den wind
    wind antworte mir
    ich bin sagt der wind
    bin bei dir
    ich rufe die sonne
    sonne antworte mir
    ich bin sagt die sonne
    bin bei dir
    ich rufe die sterne
    antwortet mir
    wir sind sagen die sterne
    alle bei dir
    ich rufe den menschen
    antworte mir
    ich rufe – es schweigt
    nichts antwortet mir
    (Christa Reinig, Gedichte, Nxb Fischer 1963, tr. 34)

    Bản dịch ra tiếng Việt của miền Nam trước 1975, không rõ tên dịch giả, được lưu truyền như sau:

    Bản dịch 1
    Thượng đế tạo ra mặt trời

    Tôi hỏi gió
    Gió với em thế nào?
    – Gió luôn ở bên em.
    Tôi hỏi mặt trời
    Mặt trời với em thế nào?
    – Mặt trời luôn ở bên em.
    Tôi hỏi các vì sao
    Các vì sao với em thế nào?
    – Các vì sao luôn ở bên em.
    Tôi hỏi con người
    Con người với em thế nào?
    – Con người im lặng không ai trả lời tôi.

    Bài thơ này còn có một bản dịch khác, của Quang Chiến, in trên tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam số 6–2002:

    Bản dịch 2
    Thượng đế đã làm ra mặt trời
    Tôi gọi gió
    Gió hãy trả lời tôi
    Gió nói
    Tôi ở bên em.
    Tôi gọi mặt trời
    Mặt trời hãy trả lời tôi.
    Mặt trời nói
    Tôi ở bên em.
    Tôi gọi các vì sao,
    Xin hãy trả lời tôi
    Các vì sao nói
    Chúng tôi ở bên em.
    Tôi gọi con người,
    Xin hãy trả lời tôi
    Tôi gọi – im lặng
    Không ai trả lời tôi.

    Trả lờiXóa
  7. (tiếp theo)... Còn bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh đã in ở nhiều sách, nó còn là bài đọc thêm trong sách giáo khoa phổ thông (chắc các nhà biên soạn sách giáo khoa cũng chưa hề biết bài thơ trên của Christa Reinig). Nguyên văn như sau:

    Hỏi
    Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
    – Chúng tôi tôn cao nhau.
    Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
    – Chúng tôi làm đầy nhau.
    Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
    – Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
    Tôi hỏi người:
    – Người sống với người như thế nào?
    Tôi hỏi người:
    – Người sống với người như thế nào?
    Tôi hỏi người:
    – Người sống với người như thế nào?

    Đặt hai bài thơ của hai tác giả, một của nữ nhà thơ Đức và một của chủ tịch nhà văn Việt, cạnh nhau, sao chúng giống nhau đến thế. Giống nhau về lập tứ, giống nhau về tinh thần, giống nhau về tư tưởng, giống nhau về cả cách hỏi, cách lập ngôn. Nó như là thơ “phỏng dịch” của nhau vậy.
    Christa Reinig chọn 4 đối tượng để hỏi: Gió, mặt trời, sao, người.
    Hữu Thỉnh cũng chọn 4 đối tượng để hỏi: Đất, nước, cỏ, người.

    Ba đối tượng trên có thể thay đổi thế nào cũng được, ví dụ có thể hỏi bò, lợn, chó xem nó sống với nhau thế nào, chắc cũng sẽ có những câu trả lời hay.

    Ví dụ:
    Tôi hỏi bò: Bò sống với bò thế nào?
    – Chúng tôi nhường cỏ cho nhau.
    Tôi hỏi lợn: Lợn sống với lợn thế nào?
    – Chúng tôi ủn ỉn cùng nhau.
    Tôi hỏi chó: Chó sống với chó thế nào?
    – Chúng tôi sủa cùng nhau.

    Nhưng muốn bài thơ có tứ hay, nhất thiết là phải giữ nguyên đối tượng thứ tư, đấy là con người, thì bài thơ mới trở nên hoàn chỉnh. Với bài thơ “Bò lợn chó” trên đây, chỉ cần ghép thêm vào đoạn kết của Christa Reinig hoặc của Hữu Thỉnh là không chê vào đâu được.

    Vậy thì nhà thơ cần sáng tác ra bài thơ, hay chỉ cần đi sửa lại đôi chút thơ người khác? Tất nhiên đã là nhà thơ thì phải tự mình làm ra ý, ra tứ, ra lời, tức là làm ra “bài thơ của mình”. Việc cóp nhặt thơ, ăn cắp thơ, đạo thơ… những tưởng chỉ có những người mới tập làm thơ, hay những kẻ hám danh “trẻ người non dạ” mới phạm tội.

    Vậy mà câu chuyện đạo thơ ấy nó lại rơi đúng vào ông Chủ tịch Hội Nhà văn – người đã từng đoạt một bồ giải thưởng về thơ của Hội Nhà văn. Liệu người ta có tin được những giải thưởng ấy nữa hay không? Biêt nó là giải thật hay giải dỏm?

    Nghe nói Hữu Thỉnh là nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc ca dao tục ngữ. Nhưng ông đâu chỉ ảnh hưởng ca dao tục ngữ – thơ ca khuyết danh, có cóp cũng chẳng sao. Tỷ như Hữu Thỉnh đã “sửa” hai câu thơ của Tự Đức (vì tưởng là của Khuyết Danh?): “Đập cổ kính ra tìm thấy bóng – Xếp tàn y lại để dành hơi” thành ra thơ của mình: “Mở trăng ra tìm, Trăng còn in bóng – Mở cỏ ra xem, Cỏ còn hơi ấm”.

    Nhưng cứ như bài thơ “Hỏi” thì ông còn “ảnh hưởng” cả thơ hữu danh của Đức. Nếu mà ông không biết chuyện này, sang làm việc với các nhà thơ Đức, lại đem bài thơ “Hỏi” ra đọc, và người ta dịch lại tiếng Đức bằng chính bài thơ của Christa Reinig, chắc sẽ được vỗ tay đến không về nước được.

    Văn nghệ Việt Nam gần đây kể cũng hơi bị buồn. Chưa xong câu chuyện “tự nguyện” rút khỏi giải thưởng khi bị các nhạc sĩ tố giác “đạo nhạc” của nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc, đã đến chuyện “đạo thơ” và tự trao giải thưởng cho mình của ông Chủ tịch Hội Văn. Âu cũng là câu chuyện có vay có trả vậy. Thôi thì người của công chúng cũng “nhân bất thập toàn” mà. Tôi đưa ra cái chuyện“Ai đạo ai” này chẳng qua cũng là muốn trị bệnh cứu người, và muốn những nhà soạn sách giáo khoa cũng nên xem kỹ lại, muốn đua ra những ‘đấu hỏi’ với bà thơ“Hỏi” mà thôi.

    T.N (From: Bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh…)

    Trả lờiXóa
  8. Cũng hay! Nhưng tác giả chưa bình mà mới chỉ phóng sự ngoài nội dung đạo thơ.

    Trả lờiXóa
  9. Như vậy ông Trần Mạnh Hảo CŨNG LÀ NHÀ THƠ ĂN CẮP phải không thưa ông Inrasara ? Đề nghị ông Trần Mạnh Hảo có ý kiến về bài văn trên .

    Trả lờiXóa
  10. Bài hay! viết lôi cuốn như viết truyện chưởng!
    Chỉ có cái lầm về chuyện đạo văn trong lịch sử văn học.
    Thi pháp văn học Trung đại nó thế,
    họ cho phép "tập cổ, nghĩ cổ"- đó là đặc trưng thi pháp,
    và với một nền tri thức khổng lồ,
    bất kỳ người đọc nào thời đó cũng hiểu câu đó, ý đó, tứ đó là lẩy từ đâu ra.
    Cho nên, Nguyễn Du không ăn cắp đâu!
    Khác hoàn toàn Phan Huyền Thư!

    Trả lờiXóa
  11. Theo ông Hữu Thỉnh, Kiều Trinh đi ra nước ngoài ăn cắp mấy lần cũng là mấy lần nghịch dại thôi mà .NguyênTổng thanh tra Trần Văn Truyền trước khi về hưu ký quyết định cho hàng chục cán bộ lên chức cấp Vụ cũng là nghịch dại.Thế kỷ 22 khi không thấy Việt Nam lên được CNXH bấy giờ cháu 3 đời ông Hữu Thỉnh nói rằng thời trước ông Nguyễn Phú Trọng nghịch dai...

    Trả lờiXóa
  12. Nói thế thì từ người tập viết cho đến đại văn hào không ai tránh được đạo văn. Cho nên cần phân biệt đạo và copy, đạo là có sáng tạo còn copy là ăn cắp.

    Trả lờiXóa
  13. 盜 đạo (12n)
    2 : Ăn trộm ăn cắp, cái gì không phải của mình mà mình lấy đều gọi là đạo cả.
    3 : Tự thủ lợi ngầm.
    (Tự điển Thiều Chửu)

    Ăn cắp là ăn cắp, là trộm đạo. Trong văn chương, đạo văn ngày nay thường dùng theo nghĩa của "plagiarism" nghĩa là xử dụng từ ngữ, ý tưởng văn chương của người khác mà không cho biết nguồn. Nhưng đạo văn sẽ trở thành tội, lỗi của writers khi anh/chị dùng nó để thủ lợi. Phải có một sự hạn chế về pháp lý thì mới định rõ vấn đề đạo văn. Ở Hoa Kỳ, mỗi băng hình phim ảnh đều có phần thông báo của FBI về sự sao chép sẽ bị phạt rất nặng, tù có thể lên đến 5 năm và tiền phạt có thể đến 250 ngàn đô. Và chỉ bị coi là tội phạm crime khi sự sao chép phim ảnh dùng để thủ lợi - commercial. Tôi ghi âm, ghi hình lại nhưng tôi không bán, tôi chỉ để cất giữ dùng cho cá nhân thì không kể là hành động ăn cắp. Cũng vậy, tôi đạo văn để làm luận án (thủ lợi) thì coi như tôi phạm tội.

    Một thí dụ khác rộng rãi hơn, nếu tôi viết trong truyện của tôi câu thành ngữ "mua vui âu cũng một vài trống canh" thì có thể tôi không cần để nguồn cũng được vì ai ai cũng biết dó là Nguyễn Du. Nhưng nếu tôi đặt tên quyển tiểu thuyết của tôi như vậy và không để nguồn, đồng thời quyển sách được chọn cho giải thưởng nào đó, có thể tôi đã mắc tội đạo văn. Vì tôi đã thủ lợi quá rõ ràng. Tóm tắt, bà PHT đã đạo văn người khác kể cả ý nghĩa thuộc về đức lý người cầm bút (ethic) lẫn tội phạm hình sự (crime) vì bà đã hiển nhiên thủ lợi do sự đạo văn đó đem lại, vi phạm tác quyền của người khác.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nói đúng nhất: "bà PHT đã đạo văn người khác kể cả ý nghĩa thuộc về đức lý người cầm bút (ethic) lẫn tội phạm hình sự (crime) vì bà đã hiển nhiên thủ lợi do sự đạo văn đó đem lại, vi phạm tác quyền của người khác".

      Xóa
    2. Ông inrasa...nên đọc bài của bác Nặc danh 23:59 để có khái niệm rõ ràng về "đạo văn".

      Xóa
  14. Con người là phiên bản của nhau . Người VN trong nước chưa quen phân biệt cứ nhìn các ông bà da trắng mũi cao đều gọi là Tây hết . Người Âu Mỹ lần đầu mới nhìn người Việt cũng là là Chinois, Chinese hết ! Vậy ra Thượng Đế cũng ăn cắp chính mình ! Văn tự Latin có hai mấy chữ cái , xếp qua xếp lại thành văn , thành thơ . Hàng tỉ con người , hàng tỉ ý tưởng , nhưng người ta lại nói các tư tưởng lớn gặp nhau . Quả vậy Phật, Lão, Khổng, Chúa Jesus có nhiều tư tưởng giống nhau . Không lẽ nói là các Ngài ăn cắp tư tưởng của nhau ?
    Văn học VN trước đây lấy tư tưởng từ Văn Học Trung Hoa rất nhiều . Ý của Thơ Đường tản mác trong thơ chữ Nôm . Nguyễn Du viết Truyện Kiều cũng dựa trên ý truyện Trung Hoa của Thanh Tâm Tài Nhân !
    Còn phim ảnh của thế giới như Mỹ dựa trên Kinh Thánh , phim ảnh Trung Quốc diễn tả lại những tác phẩm Văn Học như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng ,Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử hay chuyện kiếm hiệp của Kim Dung ! Mọi dòng đểu đổ ra biển . Sông nhỏ đổ vào sống lớn . Nhiều suối nhỏ tạo thành dòng sông lớn ! Người phận nhỏ học đòi những tư cách lớn thôi !

    Trả lờiXóa
  15. Ngạc nhiên chưa, cái ông này
    Tán nhăng tán cuội, tiếp tay "đạo" nhà!

    Trả lờiXóa
  16. Tôi thấy ông Inrasara viết khá hỗn loạn.

    Trả lờiXóa
  17. Hỗn mang, hỗn loạn, hỗn hào
    Thôi thôi, "RA"... cũng "khép vào" đi thôi!

    Trả lờiXóa
  18. Hoài Linh nói: "Nghệ sĩ thì phải... khùng khùng"?

    Trả lờiXóa
  19. Thông cảm anh Inrasara là nhà thơ nhà phê bình, không phải nhà nghiên cứu, nên anh thấy gì nói đó, tung ra để đồng đạo luận bàn, đừng mắng anh ấy té tát như thế chứ.

    Có nhiều cách tiếp cận vấn đề "đạo hay không đạo". Tôi thử đưa một cách nhận biết: một tác phẩm bị coi là đạo nếu như không có tác phẩm đạo (có trước) thì không thể có tác phẩm sau (của "đạo tặc"), nói cách khác, tác phẩm sinh sau bị gọi là đạo nếu mượn cốt lõi nghệ thuật của tác phẩm trước.., Nguyễn Du mượn côt truyện của Thanh Tâm tài nhân nhưng sáng taọ cái cốt lõi nghệ thuật Truyện Kiều.. Cốt truyện chưa phải cốt lõi nghệ thuật....Cách kể chuyện mới thực là nghệ thuật...Nguyễn Du mượn câu thơ "Đào hoa y cựu tiếu đông phong" của Thôi Hộ nhưng sáng tạo cái tâm trạng Kim Trọng thất vọng trở lại vườn Thúy không thấy Kiều... Câu thơ "Đào hoa y cựu..." chỉ là chi tiết, không phải cốt lõi của bài Thôi Hộ... Tâm trạng Kim Trọng là một bộ phận nhỏ của Truỵen Kiều, không phải phần chính làm nên Truyện Kiều.v.v...

    Trả lờiXóa
  20. Cách tiếp cận thứ 2:
    Lý luận văn học từng khẳng định rằng: các nhà văn nhà thơ góp phần làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc, họ góp phần làm cho lời ăn tiếng nói của cộng đồng thêm phong phú, biểu cảm hơn. Tức là, thừa nhận rằng mỗi người đều có thể sử dụng ngôn từ ấy như là của chung rồi, và chẳng biết của ai sáng tác ban đầu.

    Trả lờiXóa
  21. Việt Nam mình vốn có truyền thống "ăn cắp" (đạo), gọi sang là "mượn", rồi biến thành của mình, gọi sang là "tiếp biến"... Xét thấy trong mấy nghìn năm nay, người Việt mình chẳng sáng tạo được cái gì quý giá của riêng mình, khiến cho lân bang phải ăn cắp / "mượn" để "tiếp biến"... Tôi chưa thấy có cái gì sang quý của người Việt mà thế giới phải trầm trồ, thán phục, và ăn cắp. Được/bị ăn cắp, nói thực, phải lấy làm sung sướng. Có quý giá người ta mới ăn trộm, mảnh sành ngói vỡ trộm cắp làm gì? Này nhé, các bác có thấy thời phong kiến thì mình “mượn”, “tiếp biến” của anh Tàu tất tần tật không, nào ngôn ngữ, giáo dục, khoa cử, tôn giáo, trang phục, kiến trúc, mĩ thuật, cấu trúc xã hội, thể chế chính trị… Đến thời Tây thì mình lại “mượn”, “tiếp biến” của anh Tây tất tần tật, nào comle, cavat, xich lô, ghi đông, poc ba ga, pê đan, xà phòng, sơ mi… nào ngôn ngữ, giáo dục, khoa cử, tôn giáo, trang phục, kiến trúc, mĩ thuật, cấu trúc xã hội, thể chế chính trị… Đến thời Liên Xô thì mình lại “mượn”, “tiếp biến” của anh Liên Xô tất tần tật… Đến thời Tung cộng thì mình lại “mượn”, “tiếp biến” của anh Trung cộng tất tần tật… đến cái bộ quân phục của quân đội cũng “mượn”, khiến khi sang Tàu, nhìn lính Tàu cứ ngỡ lính VN… Nói dại, nhưng chắc cụ Nguyễn Du cũng không giận, cái Truyện Kiều của cụ, được xem là sáng tạo nhất trong mọi sáng tạo của văn chương Việt Nam nghìn đời, thì cũng chẳng thể xí xóa bảo rằng cụ không “mượn” của cụ Thanh Tâm Tài Nhân tẹo nào. Tuy nhiên, phải nói thế này, cái vụ cụ Nguyễn Du “mượn” của cụ Thanh Tâm Tài Nhân, nói như anh Long Tuyên giáo, là “mượn có văn hóa”, còn chuyện “mượn” của cô Thư hay anh Thỉnh là “mượn vô văn hóa”…

    Trả lờiXóa
  22. Ông Inrasara ơi, ông lẫn lộn lung tung các khái niệm niệm rồi, ông dẫn trường hợp này nọ ra để loè thiên hạ chứ ý tưởng của ông rối rắm tối nghĩa lắm, ông vơ đũa cả nắm rồi, Ông viết cái này mục đích gì? bài này của ông khiến tôi hình dung ông đang cầm bình nước dội vào cái hai vụ đạo thơ vừa rồi, hoà loãng bớt cái mùi nặng nề đang bốc nồng nặc. ông muốn "bình thường hoá" hành động ăn cắp đó ư? Với những người đang tập tọng cầm bút thì bài viết của ông là hành động "dậy khỉ leo cây"; với người bất tài đang có ý định chôm chỉa thì nó như khuyến khích họ hành động, gọi là "Nối giáo cho giặc"; riêng với NPQM và PHT thì họ quá sành sỏi nghề này rồi, không cần phải "dậy đĩ vén sống" nữa!

    Trả lờiXóa
  23. Lại thêm một ông trưởng hội thấy "cũng thương cho Thư" thấy "tội" Thư. Ông hội trưởng HT thì thấy tôi nghiệp Thư vì trót "nghịch dại", các ông ăn phải bả gì mà không nhận ra cao thủ lão luyện HT?

    Trả lờiXóa
  24. Ghét cách nói của lão này lập lờ, ngạo mạn...

    Trả lờiXóa
  25. Chỉ có ăn cắp (nghĩa đen) sách thường được tha thứ. Vì kẻ ăn cắp mê cuốn đó quá, muốn học hỏi điều hay từ đấy, trong khi không mua được ở đâu. Nếu nói "cướp có văn hóa" thì chính là đây.

    Trả lờiXóa
  26. Tôi sợ nhất là hầu chuyện với mấy ông triết gia lởm kiểu này.

    Trả lờiXóa