Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC

Các sách đã xuất bản về Nhà Mạc - Vương Triều Mạc

Ý KIẾN CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU 
VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC

Nhân dịp UBND TP Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên đường Mạc Thái tổ (MẠC ĐĂNG DUNG) và Mạc Thái tông (MẠC ĐĂNG DOANH), xin trích đăng ý kiến của một số nhà nghiên cứu nói về VƯƠNG TRIỀU MẠC để mọi người tham khảo.

 GS PHAN HUY LÊ - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

“…Nên xoá bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc. nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc. Không nên đánh giá nặng nề về nhà Mạc như trước đây do nhận thức của một số người nghiên cứu còn hạn chế.

Nhà Mạc là Vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, thay nhà Mạc là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là sự cướp ngôi. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hoá, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế…”

(Trích tổng kết Hội thảo về Vương triều Mạc tại Hải Phòng ngày 18/7/1994).

GS VĂN TẠO - Nguyên Viện trưởng Viện Sử học:

“…Toàn bộ công tích của nhà Mạc cống hiến cho dân tộc đã được sử sách ghi chép. Riêng công trạng của Mạc Đăng Dung có thể tóm tắt như sau:

Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Thành tựu của nhà Mạc không ai có thể phủ nhận được.

Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng là “Vạn sự khởi đầu nan”-công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung.

Nhân dân ta một khi đã thừa nhận là nhà Mạc có những cống hiến nhất định cho dân tộc thì không thể  không thừa nhận công lao của Mạc Đăng Dung.

Nói tóm lại, vơi 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định vào lịch sử dân tộc. Công lao sự nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận. Hậu thế chúng ta cần trân trọng và phát huy”.

(Trích bài “Nhà Mạc (1527-1592)-Thái tổ Mạc Đăng Dung (1527-1529)”. 
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm 458 năm ngày mất của Mạc Thái tổ, 
tổ chức tại Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, Kiến Thuỵ, 
Hải Phòng ngày 22/8 Kỷ Mão-1999).

GS TRẦN QUỐC VƯỢNG: 

“…Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết. Triều đình Lê-Trịnh đối địch với triều Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI, và còn tiếp tục đối địch với triều Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng ba đời nữa cho đến hết nửa đầu thế kỷ XVII; do vậy sử thần nhà Lê-Trịnh bôi xấu triều Mạc là chuyện tất nhiên. “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” là chuyện thường tình…

Ta cần bổ sung bằng các tư liệu điền dã trong nước, tư liệu nước ngoài để “hiểu” về nhà Mạc ngày càng cụ thể, sâu sắc hơn…

Tuy vậy, đọc Đại Việt sử ký toàn thư, ta vẫn lọc được vài thông tin quý về đời Mạc. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn bổ sung rất nhiều cho Toàn thư về diễn biến lịch sử thế kỷ XVI.

Mạc Đăng Dung lấy ngôi vua nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà là từ những vua Lợn, vua Quỷ…Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo.

Toàn thư (tập IV, KHXH, 1968, tr 118) chép: “Bấy giờ thần dân trong nước theo Mạc Đăng Dung đều đón vào kinh sư”. Bài chiếu nhường ngôi, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo viết, việc ấy là “theo lẽ phải”! Lẽ phải chính trị, nhân văn…”

(Trích bài “Mấy vấn đề về nhà Mạc” Trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”).

“…Nếu Dương Kinh của nhà Mạc được xây dựng thành công, nếu nhà Mạc tồn tại lâu hơn nữa thì Đại Việt lần đầu tiên có kinh đô-cảng thị (port-capital) công thương nghiệp miền Hải Dương và cả nước phát triển mạnh mẽ hơn và chắc trong lòng xã hội quân chủ quan liêu đã nảy sinh được những nhân tố mới của một phương thức sản xuất mới, kinh doanh mới, quản lý mới…

Tiếc thay nhà Mạc đã thổi “tiếng kèn ngập ngừng” trong hành động hướng biển và hướng ngoại và các phần tử thủ cựu nhất của hàng ngũ quan liêu-địa chủ-sĩ phu Nho giáo đã tập hợp nhau ở xứ Thanh-nơi dân sinh dân trí còn kém phát triển hơn cư dân châu thổ Bắc Bộ-để quay ngược bánh xe lịch sử, dưới hình thức “trung hưng nhà Lê” cùng cái nhìn hướng nội và trọng nông trọng sĩ, tôn sùng Nho giáo. Chúng ta chứng kiến một thời kỳ quân chủ suy tàn rồi mất nước cho thực dân…”

(Trích bài “Hải Phòng nhìn từ thủ đô Hà Nội” trong cuốn “Việt Nam cái nhìn địa-văn hoá”, 
Nxb Văn hoá dân tộc-Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội-1998, tr 212)


Nhà sử học LÊ VĂN HÒE: 

“… Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam sử lược là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung - vua Thái Tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng Dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao”.
(Trích Hồ Quý Ly-Mạc Đăng Dung, Quốc học thư xã, 
Hà Nội-1959, tr 25)


Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam:

 “Nhà Mạc là một triều đại lịch sử tồn tại trên tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc…. chỉ có 65 năm nhưng một triều đại để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện của lịch sử dựng nước (giáo dục, kinh tế, an ninh xã hội, nghệ thuật kiến trúc…). Lịch sử cũng ghi nhận trong 65 năm trị vì của nhà Mạc những nhân tố của một thời kỳ phát triển (thịnh trị)”
 (Tạp chí Cửa biển, năm 2004. )

PGS TS ĐINH KHẮC THUÂN – Viện Hán - Nôm: 

… “Cũng qua các sự kiện này, ta thấy Mạc Đăng Dung không hề cắt đất cho nhà Minh. Sự thực bốn động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Kim Lặc thuộc hai đô (tức hai tổng Như Tích và Chiêm Lãng mà các động trưởng Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều và Hoàng Kiện từng về với nhà Lê sau chiến thắng chống ngoại xâm của Lê Lợi (1427) và sau đó con cháu họ đã nhập vào sổ quan nhà Minh sau khi nhà Mạc thay thế nhà Lê (1527). Có nghĩa là nhà Mạc chưa kịp nắm các động trưởng này thì họ đã bỏ theo nhà Minh rồi. Các nguồn sử liệu trên còn cho biết bốn động này vào năm Tuyên Đức 2 (1427) có 29 thôn, 292 hộ (Khâm Châu chí, quyển 9, tờ 10a-11b)”.

“Ngoài nguồn sử liệu liên quan đến một số sự kiện chính trị như vừa nêu ở trên, còn có một số tài liệu liên quan đến địa chí, tổ chức hành chính, chức quan sản vật… Đó là An Nam đồ thuyết và An Nam đồ chí. An Nam đồ thuyết do Trịnh Nhược Tăng biên soạn vào cuối thế kỷ XVI, được in lại trong Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, năm Nhâm thân (1932), chương 69, tr 473-548”  

(Xem bài “SỬ LIỆU TRUNG QUỐC VỀ VIỆT NAM THỜI NHÀ MẠC  
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.501-507).
 
PGS.TS TRẦN THỊ VINH -  Viện Sử học:

“…Nhiều nhà viết sử và nghiên cứu lịch sử cho Mạc Đăng Dung là kẻ “cướp ngôi”, là “thoán đoạt”, là “nghịch thần”, v.v.. và v.v.. Nhưng hãy hỏi nếu như trong tình thế lịch sử lúc đó ở triều chính nhà Lê, vua không ra vua, tôi không ra tôi, vậy ai sẽ là người đứng lên gánh lấy sứ mệnh trọng đại này? Nếu không là Mạc Đăng Dung thì sẽ là một người nào đó. Vì vậy sự kiện Mạc Đăng Dung phế bỏ triều Lê-một triều đại mà Mạc Đăng Dung đã từng gửi gắm ba phần tư quãng đời để lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc không phải là một điều sỉ nhục như nhiều sử thần thời phong kiến đã gán cho Mạc Đăng Dung. Đã đến lúc Mạc Đăng Dung và triều đại nhà Mạc phải được trả về vừa tầm với vị trí của mình (…) Nếu coi những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung ở cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI dẫn tới việc thiết lập vương triều Mạc là có tội thì trước kia vào cuối thời Lý đầu thời Trần, Trần Thủ Độ cũng dùng mưu mẹo thậm chí dùng cả hành động độc ác ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, giành cơ đồ về tay nhà Trần đưa nhà Trần lên trường chính trị tương tự như vậy tại sao lại không bị lịch sử lên án? Nói tóm lại trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, việc triều đại này đổ, triều đại kia lên là một tất yếu lịch sử. Như triều Lê thay triều Đinh, triều Lý thay triều Lê, triều Trần thay triều Lý, triều Hồ thay triều Trần, và triều Mạc thay triều Lê cũng là điều tất yếu lịch sử. Một số nhân vật như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly hay Mạc Đăng Dung gắn liền với các sự kiện thay đổi của các triều đại nói trên cũng là tất yếu lịch sử. Những nhân vật đó không thể bị coi là có tội trước lịch sử như quan niệm cũ”

(Trích bài “Thể chế chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ XV đầu XVI và những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung tiến tới thành lập Vương triều Mạc” trong cuốn “Vương triều Mạc”)


GS.TS TRƯƠNG HỮU QUÝNH -Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

“…Chính Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết: “Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đến đón vào kinh sư” (Sđd, tr 118). Tác giả Đại Việt thông sử cũng hoạ theo: “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đề ra đón về kinh đô” (Sđd, tr 264).

Như vậy, có thể thấy rằng Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi không phải vào lúc nhà Lê đang được suy tôn, kiểu như ở thời Lê Nghi Dân, mà vào lúc nhà Lê đã quá suy yếu, nhân dân chán nản cảnh chiến tranh giữa các phe phái phong kiến, mong muốn vãn hồi hoà bình để xây dựng lại cuộc sống. Nếu đúng như sử cũ đã ghi lại thì ít nhất có một bộ phận nhân dân dã tin ở họ Mạc và sẵn sàng ủng hộ họ Mạc. Chính vì vậy mà trong hơn 10 năm đầu của triều đình Mạc, đất nước trở lại yên bình. Đại Việt thông sử ghi: “Đăng Doanh thấy trong nước có nhiều trôm cướp, bèn re lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho Pháp ty bắt trị tội. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem theo khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm mà thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”(Sđd, trang 276). Đại Việt sử ký toàn thư ghi thêm: “đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng”(trang 126).

Tóm lại, nhà Mạc là một sản phẩm của tình ình xã hội Đại Việt đầu thế kỷ XVI, khi mà phương thức sản xuất phong kiến đi vào thế ổn định, cơ sở kinh tế xã hội của chế độ trung ương tập quyền đã bị phá vỡ. Nhà Mạc là nhà nước đầu tiên của giai đoạn mới này của chế độ phong kiến Việt Nam chứ không phải là triều đại gây nên sự suy tàn của xã hội phong kiến, gây nên sự sụp dổ của chính quyền quân chủ tập trung, tình trạng chiến tranh và chia cắt đất nước sau này.”

(Trích bài “Nhìn lại một số việc làm của nhà Mạc” 
trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”)

 K. W.  Tailor và John K. Whitmore:  

“Dương Văn An viết trong Lời nói đầu sách Ô châu cận lục: “Với triều Mạc, sự thông thái đã được lập lại, Trời và Đất đã hoà hợp, thực sự đây là thời kỳ của phồn vinh, Thượng Đế đã quay về”.

(Tiểu luận về quá khứ của Việt Nam, Trường Đaị học Cornell, USA, 1995, tr. 123 
- Trích theo Phan Đăng Nhật – 6/2011)


PGS CHU QUANG TRỨ - Viện Mỹ thuật:

“ Các bộ sử xưa thường coi nhà Mạc là “nguỵ triều”, không công nhận là chính thống nhưng cũng không phủ nhận được, nên trong khi viết về nhà Lê đã ‘phụ chép” về các vua nhà Mạc. Tuy nhiên, với tính khách quan của ngọn bút chép sử, các sử gia xưa đã dành nhiều dòng ca ngợi sự thịnh trị và nền nếp của triều đình Mạc cũng như sự được lòng dân của nhà Mạc. Nếu chiếu sử biên niên với những di tích và di vật may mắn còn lại của nhà Mạc, chúng ta mới có cơ sở chắc chắn để đặt niềm tin và tình cảm vào vương triều này. Ở đây, chúng tôi dưới góc độ mỹ thuật, dựa vào những di vật mới phát hiện và chỉ tuyển chọn, nhất là trên địa bàn Hải Phòng để khẳng định có thật một giai đoạn “Mỹ thuật Mạc”. Qua đó, hiểu thêm chính sách xã hội và kinh tế của nhà Mạc…

…Như vậy mỹ thuật Mạc là có thật với sự phát triển rộng và phong cách riêng (trong đó đất căn bản là xứ Đông), nó góp phần tạo nên bộ mặt đặc sắc của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI”.

(Trích bài “Hiểu về xã hội Mạc qua mấy phát hiện về mỹ thuật Mạc ở xứ Đông” 
trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”)…


GS NGUYỄN HUỆ CHI – Viện Văn học: 

“…Như vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ là hai nhà văn tầm cỡ của văn học thế kỷ XVI, của văn học Mạc, không thua kém bất kỳ đỉnh nào từ trước cho đến đấy và từ đấy về sau. Đứng về mặt khái quát chung, văn học triều đại Mạc là một nền văn học không nhỏ, nó xứng đáng đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử văn học Việt Nam”. 

… “Nói chung, với những nguồn tư liệu mới được phát hiện từ mấy chục năm nay, với các phương pháp tiếp cận hiệu quả tiếp thu được từ những nền khoa học hiện đại nhất, với không ít đổi mới trong cách đánh giá Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc, văn học thời Mạc cần được xem xét độc lập là một thời đại văn học đáng kể cả về số lượng cũng như thành tựu nội dung và nghệ thuật. Điều rất có ý nghĩa là văn học dưới thời đại Mạc đã xuất lộ một số yếu tố đánh dấu sự chuyển biến đúng hướng của văn học dân tộc ngày càng tiến gần đến hai khuynh hướng bình dân và hiện thực”.

(trích bài “Bước đầu suy nghĩ về Văn học Mạc”, 
đã đăng trên mục “Nghiên cứu – trao đổi”, mactoc.com 2/2012)


GS TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian:

…“Trước hết là ý chí của nhà Mạc, bằng mọi giá không cho giặc đặt chân vào đất nước ta, như Mạc Ngọc Liễn là Đô uý thái phó Đà Quốc công, đồng thời là phò mã, khi lâm chung có di chúc lại: “....Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”(18)  Mạc Ngọc Liễn không phát ngôn ý kiến cá nhân mà tuyên bố tư tưởng lớn của nhà Mạc. Đinh Khắc Thuân nhận định đúng như vậy: “Lời trăng trối   này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh với ngoại bang.”((19) 

Thứ hai, là chủ trương vô cùng sáng suốt của Thái tổ Mạc Đăng Dung, chiến hoà kết hợp, hoà nhưng sẵn sàng chiến đấu. “Đầu hàng giả, chiến đấu thật”. Trong hoà không hại gì cho đất nước, chỉ dâng đất khống.

Thứ ba, Mạc Thái Tổ cũng dùng cả đấu tranh chính trị, đưa Trạng nguyên Giáp Hải đi, để biểu lộ ý chí quyết tâm bảo về đất nước qua viêc hoạ thơ. Có người nói bải thơ đã đuổi được giặc. Không thật đúng. Bài thơ là một bộ phận của cuôc đấu tranh toàn diện, có vai trò nhất định trong cuộc  đấu tranh này.

 Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho Thiên triều hống hách giữ được thể diện. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi đươc 22 vạn quân Minh, mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu”.

(Trích bài “Mạc Đăng Dung đã tránh cho đất nước khỏi họa ngoại xâm”, 
đăng trong Phụ trương Tạp chí Xưa và Nay, số 385, tháng 8/2011)


PGS TS TRẦN THỊ VINH – Viện Sử học: … 

“Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: Đăng Doanh “ Là con Đăng Dung, tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khoá. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là thái bình”[1].

“Nắm giữ triều chính trong bối cảnh đất nước còn nhiều loạn lạc và lắm mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến thù địch, Mạc Đăng Doanh đã khéo biết chèo lái, vừa giữ vững pháp độ, vừa cấm làm những việc hà khắc, giảm nhẹ sưu thuế và tạp dịch, tạo dựng cho dân lành một cuộc sống bình yên, no đủ “ban đêm ngủ cửa không cần phải khoá”, “khi ra đường không phải mang theo khí giới để phòng vệ”, “nhiều năm liền phong đăng, dân cả bốn trấn đều yên ổn[2]. 

…“Về mặt Văn hoá giáo dục thì triều vua Mạc Đăng Doanh đã làm được những việc vô cùng quan trọng và vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đặt nền móng cho các triều vua sau mà còn cho cả vương triều Mạc, đó là việc đào tạo được một đội ngũ trí thức nho học có nhiều tài năng và tâm huyết phụng sự vương triều Mạc với những gương mặt vô cùng sáng giá đại diện cho lớp trí thức mới của thời Mạc nói riêng và trí thức của Đại Việt trong thế kỷ XVI nói chung, như: Nguyễn Thiến, Bùi Vịnh, Nguyễn Lương Bật, Nguyễn Bỉnh Kiêm, Giáp Hải v.v.. họ đều là những bậc trí thức có tài đỗ đạt dưới triều vua Mạc Đăng Doanh. Vào đầu thời Mạc, dưới triều Mạc Đăng Dung mới chỉ tổ chức được một khoa thi Tiến sĩ (năm 1529) tuyển chọn người tài vào giúp việc triều đình thì dưới triều vua thứ hai - Mạc Đăng Doanh, cứ đều kỳ, 3 năm mở một khoa thi chọn Tiến sĩ, mặc cho chiến sự xảy ra triền miên. Dưới triều Mạc Đăng Doanh đã tổ chức được 3 khoa thi vào các năm: Nhâm Thìn(1532), lấy đỗ được 27 Tiến sĩ, người đỗ đầu là Trạng Nguyên Nguyễn Thiến (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh); năm Ất Mùi (1535) lấy đỗ 32 Tiến Sĩ, người đỗ đầu là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh) và khoa thi năm Mậu Tuất(1538) lấy đỗ 36 Tiến sĩ, người đỗ đầu là Trạng nguyên Giáp Hải (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đê Đệ nhất danh)[3]”. 

(MẠC ĐĂNG DOANH- NGƯỜI KẾ TỤC VẺ VANG SỰ NGHIỆP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC-  đăng  trên mactoc.com, 5/2012)

(Mạc Văn Trang và Phan Đăng Thuận trích)
                                                                   

[1] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí ( Nhân vật chí), Tập I, Bản dịch Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr5, 180.
[2] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.270.
[3]  Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr.126,130, 131
    Lê Quí Đôn Đại việt thông sử,  Sđd, tr.276,277,278.
    Xem “Các nhà khoa bảng Việt Nam”(1075-1919), Ngô Đức Thọ(Cb), Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu   Mùi( biên soạn), Nxb Văn học 2005.


9 nhận xét :

  1. Cứ chế độ nào suy tàn bất lợi cho dân cho nước thì phải thay mới để tiến bộ hơn, nó trở thành quy luật tự nhiên rồi, bỏ lối tư duy áp đặt hay muôn năm đi, sau khỏi nhục với hậu thế.

    Dân Nghệ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng không tin nhiều vào các nhà sử học , các nhà nghiên cứu , thời nay . Họ là ai ? Họ hiểu biết kiểu gì , họ có trung thực không ? Ngay như những sự kiện rành rành trước mắt , họ cũng có đánh giá đúng đắn và khách quan đâu , họ chẳng nói lên được điều gì đáng giá.

      Xóa
  2. Nếu không có tội sao phải chịu "chu di cửa tộc" để rồi những người mang họ Mạc phải đổi sang Ph như PHL, PĐN

    Trả lờiXóa
  3. Gửi ND 09:18
    "Tội" của nhà Mạc là tội đối với nhà Lê sơ, cụ thể là với các ông vua bạo ngược dâm loạn Lê Uy Mục (vua quỷ), Lê Tương Dực (vua lợn), chứ không phải tội với dân tộc. Nói như bạn thì Nguyễn Trãi cũng bị nhà Lê tru di đấy.

    Trả lờiXóa
  4. Nói như bạn thì "TỘI" tức là bất cứ ai bị chính quyền mới trừng phạt? Hoàng tộc nhà Lý bị Trần Thủ Độ giết vô kể, Hoàng đế Quang Trung và hoàng tộc bị vua Gia Long hủy diệt tàn khốc v. v. đều là có trọng TỘI cả sao???

    Trả lờiXóa
  5. Hậu sinh nhiễu sự làm khổ tiền nhân. Tôi nghĩ các Cụ chả sướng gì cái trò dựng tượng, đặt tên đường và các trò tôn vinh om xòm. Mạc Đăng Dung chẳng hám làm vua. Ông ở ngôi có 3 năm, giao quyền cho con, về xây TP Dương kinh và "thường thích cưỡi thuyền ra biển cùng dân chài, vẫn nhớ nghề cũ"... Đặt tên đường chẳng quan trọng gì. Nhưng nên hiểu người xưa cho rõ mới là quan trọng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với Trang Mac. Nhưng "hiểu người xưa cho rõ" thì cần phải có các nhà sử học giỏi và đàng hoàng, phải có nghiên cứu sử học như một thứ học thuật thuần túy. Ta cũng có các nhà sử học, cũng có các hội thảo, cũng thảo luận, tham luận nhưng thực tế cho thấy họ làm việc không được độc lập. Để ý thì thấy tùy từng thời kỳ mà quan điểm, nhận định của họ đều đồng loạt giống nhau. Ví dụ khi tố cáo nhà Nguyễn cõng rắn cắn gà nhà thì cũng các ông ấy. Khi quay ngoắt 180 độ ca ngợi hết lời thì cũng lại các ông cả, mà vẫn là đồng thanh, chả ông nào dám nói khác. Đã gọi là học thuật thì phải có tranh cãi, có quan điểm khác dựa trên bằng chứng lịch sử và cách diễn giải các bằng chứng đó theo cách hiểu riêng. Đằng này toàn là "ý Đảng lòng dân", cho nên người ta nghi ngờ cũng phải thôi. Vấn đề nhà Mạc cũng không tránh khỏi lối mòn này. Thôi thì cứ để các cụ yên. Qua cái thời nhiễu nhương này đã rồi hẵng hay.

      Xóa
  6. Ông Mạc Đăng Dung là người Việt ta, lại có công với nước, lấy tên ông (hoặc tước hiệu của ông) đặt tên cho một con đường ở Hà Nội cũng được. Còn hơn việc lấy tên một người nước ngoài, mà người này không hề có chút công lao gì với nước ta, đặt tên cho một con đường ở thành phố mang tên Hồ Chí Minh. Tôi xin ví dụ: Đường Tôn Dật Tiên ở khu dân cư Phú Mỹ Hưng, ngay gần hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao.
    Ông này là lãnh tụ Quốc dân đảng Trung Quốc, lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), lập nên nhà nước Trung Hoa Dân Quốc và làm Tổng thống luôn. Sau khi ông này chết thì Tưởng Giới Thạch thay. Có công gì với Việt ta hoặc với Thế giới nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ờ, cái tên đường Tôn Dật Tiên (và chắc nhiều đường khác nữa) ở TP. HCM sao thấy lãng nhách, chẳng lẽ đất nước 4000 năm lại ...thiếu tên. Kính nhờ các vị Tuyên Giáo giải thích giùm!

      Xóa