Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Trần Đức Anh Sơn: KÍNH CẨN VĨNH BIỆT ÔNG NGUYỄN BÁ THANH


KÍNH CẨN VĨNH BIỆT ÔNG NGUYỄN BÁ THANH 
 
TS. Trần Đức Anh Sơn

Tôi nhận được tin ông mất đầu chiều nay từ message của người bạn gửi qua FB. Vẫn biết trước là ngày này rồi cũng sẽ đến nhưng vẫn thấy bất ngờ. Một sự đau buồn, uất nghẹn bao chiếm tâm can. Hai tuần trước, một bác sĩ tôi quen ở Bệnh viện Đà Nẵng nói với tôi: “Sức khỏe anh Thanh rất đáng ngại, không lạc quan như báo chí đưa tin đâu, chắc là cầm cự không được lâu”. Tôi nghe nhưng vẫn hy vọng sẽ có một phép mầu nào đó giữ ông lại với Đà Nẵng lâu hơn. Nhưng không có phép mầu nào cả, ngoài những tin đồn, sự ngờ vực và sự bất tín của dân tình đối với những tin tức chính thống về sức khỏe và bệnh tình của ông, kể cả đến lúc ông rời khỏi cõi trần.

Trong sự tiếc thương này, tôi nhớ lại những lần gặp gỡ và làm việc với ông. Xin được kể ra đây như là một sự tưởng nhớ người lãnh đạo mà tôi kính trọng.

CUỘC GẶP ĐẦU TIÊN

Tôi gặp ông lần đầu vào cuối năm 2008, lúc tôi quyết định về đầu quân cho Đà Nẵng. Bạn N.Q.D. cán bộ Sở Nội vụ Đà Nẵng báo với tôi: “Đồng chí Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh muốn trực tiếp gặp anh trước khi anh chính thức về làm việc cho Đà Nẵng” và cho tôi lịch hẹn. Khoảng 10h30 phút ngày 27/12/2008, N.Q.D. đưa tôi tới trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng. Thư ký của ông là anh P.V.T đón tôi ở phòng khách của Văn phòng HĐND, đưa tôi vào gặp ông. Anh T. nói: “Anh Thanh sẽ tiếp anh khoảng 10 phút. Anh có đề đạt gì thì báo cáo trực tiếp với anh ấy luôn nghe”. Sau khi giới thiệu tôi với ông, anh T. lui ra. Ông bảo tôi: “Ngồi đi, ông uống chè xanh được không?”. Tôi nói: “Dạ được?”. Ông rót cho tôi một ly chè xanh, rồi hỏi: “Hút thuốc không?”. “Dạ không”. “Vậy thì tui hút một mình”. Lại hỏi: “Ông nghiên cứu lịch sử à, rứa có biết cái Hải Vân Quan thuộc về nơi mô không?”. Tôi nói: “Dạ, thuộc về Thừa Thiên Huế”. “Bằng chứng mô?”. Tôi liền dẫn chứng một loạt sử liệu để chứng minh. Ông hỏi tiếp: “Cứ tạm tin tư liệu của ông đi, nhưng tui hỏi ông là Đà Nẵng giữ Hải Vân Quan hay hơn hay Huế giữ thì hay hơn?”. Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói tiếp: “Vậy hòn Sơn Trà con của Đà Nẵng sao Huế lại giữ?”. Tôi nói: “Quả thực là em không biết chuyện này”. Vậy là ông ngồi kể một hồi về lai lịch tranh chấp hòn Sơn Trà con (Huế gọi là đảo Sơn Chà) và Hải Vân Quan giữa Đà Nẵng với Huế rồi bảo: “Của ai cũng là của nước Việt Nam, nhưng bên nào quản lý, khai thác tốt, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ tốt kinh tế - xã hội thì nên ủng hộ bên đó giữ”.

Rồi ông hỏi tôi: “Ông mạnh điểm gì? Yếu điểm gì?”. Tôi nói: “Dạ, em chuyên nghiên cứu về bảo tồn, bảo tàng, di sản văn hóa…”. Ông cắt lời: “Tui không hỏi chuyện chuyên môn mà là hỏi về năng lực, tính cách, sở trường, sở đoản của ông”. Tôi nói: “Dạ, năng lực thì em không dám nhận xét nhưng em tự tin trong công việc, nhất là trong chuyên môn của em, và rất chịu khó làm việc, đọc sách, nghiên cứu. Về điểm yếu thì tính em rất nóng và rất hay cãi”. Ông nói: “Ông cãi hơn người Quảng không mà đòi cãi. Nóng tính thì có bằng nóng bằng tui không?”. Ông nói tiếp: “Có tinh thần phản biện là tốt, nhưng nhớ đừng phản đối. Nhất là với cấp trên. Ông cũng nên nhớ là không phải lãnh đạo nào cũng có thể hiểu ngay những đề xuất, kiến nghị của mấy người nghiên cứu, vì họ không phải là nhà nghiên cứu, là tiến sĩ như ông. Vì thế họ có thể không quan tâm hoặc phản đối ý tưởng của ông. Nhưng không vì thế mà ông chê họ kém và bất mãn vì họ bỏ ngoài ta đề nghị của ông. Cái chi ông nghiên cứu tâm huyết, thấy hay và có ích thì cứ đề xuất với lãnh đạo và tìm cách thuyết phục lãnh đạo nghe ý kiến của mình. Nói một lần họ không nghe thì nói nhiều lần. Nói ở cơ quan không xong thì tới nhà nói…”. Tôi cắt ngang lời ông: “Nhưng em không tới nhà lãnh đạo bao giờ cả, vì sợ người ta hiểu nhầm em nịnh nọt lãnh đạo”. Ông nói: “Đó, đó. Chưa nghe xong mà đã cãi. Nếu mình tới nhà lãnh đạo vì việc chung thì cứ tới, ngày tới không gặp thì đêm tới. Lần này họ không tiếp thì lần sau tới lại. Làm sao cho lãnh đạo hiểu mới là thành công, chứ mới nói một vài câu họ chưa thông mà đã nản thì không ra chi”.

Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện ông 5 lần xin gặp Trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Quân khu 5, để xin Quân khu nhường đất ở Ngã tư quân đoàn để mở rộng đường Núi Thành và đường Duy Tân. Ông cho biết lúc đầu tướng Phan Hoan không chịu tiếp, ông phải đăng ký gặp mấy lần mới được. Gặp được rồi thì tướng Hoan không đồng ý nhường đất, lại phải gặp thêm mấy lần nữa, thuyết phục tướng Hoan vì lợi ích của thành phố và nhân dân Đà Nẵng nên đề nghị Quân khu nhường cho thành phố thêm ít đất để mở rộng hai tuyến đường này. Ông nói: “Lúc đầu gay go lắm, nhưng tui cứ xin gặp ổng mãi, giải thích mãi, cuối cùng ổng cũng đồng ý, cho nên chỗ đó bây giờ mới khang trang như rứa. Đó! Mình chân thành và kiên trì thì người ta đâu quay lưng với mình. Ông còn trẻ, nên bỏ cái tính sĩ diện đó đi thì mới làm được việc lớn”.

Tôi nhìn ra ngoài cửa, thấy anh P.V.T. thập thò mấy lần, tay chỉ vào đồng hồ. Ông khoát tay bảo: “Nói họ chờ 1 chút”. Rồi ông quay qua hỏi tôi: “Ông định làm gì khi về Viện (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, nơi tôi đang làm việc hiện nay)”. Tôi nói: “Dạ em có sở trường về nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bảo tàng. Lĩnh vực này em thấy Đà Nẵng còn nhiều đất trống nên em nghĩ em có thể phát huy. Nhân tiện, em tặng anh 4 cuốn sách em mới xuất bản trong năm nay”. Tôi ký tặng ông 4 cuốn: ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI NGUYỄN, HUẾ TRIỀU NGUYỄN. MỘT CÁI NHÌN, RONG RUỔI THỰC LỤC và TRÒ CHƠI VÀ THÚ TIÊU KHIỂN CỦA NGƯỜI HUẾ. Ông hỏi: “Có quyển mô viết Hải Vân Quan và hòn Sơn Trà con là của Huế không?”. Tôi nói: “Dạ không”. Ông nói: “Tưởng viết chi hay thì đọc cho biết, chứ không có chi hay thì tui không đọc”. Nhưng rồi ông lại cười: “Nói đùa thôi. Cứ để đó, khi mô rảnh tui đọc. Không chừng vài bữa ông quay lại đây tui kể vanh vách ông viết chi trong đó cho ông nghe coi đúng hay không?”. Rồi ông dặn tôi nên để tâm nghiên cứu văn hóa xứ Quảng và thử tìm xem một mô hình nào đó để phát triển du lịch ở nông thôn huyện Hòa Vang.

Ông hỏi thêm: “Có nguyện vọng chi về nhà cửa, lương bổng, công việc vợ con không?”. Tôi nói: “Dạ, em chưa có nhà ở Đà Nẵng nên mong muốn được thành phố bố trí nơi ở. Vợ em đang làm việc ở di tích Huế, sẽ theo em về đây, nên mong có công việc phù hợp”. Ông nói: “Có đơn xin bố trí nhà ở chưa?”. Tôi nói: “Dạ có” và đưa đơn cho ông. Ông cầm bút phê luôn vào đơn: “Bố trí 1 căn hộ ở chung cư Hòa Thuận”, rồi nói tiếp: “Công việc của vợ ông thì liên hệ với chỗ ông Ngữ (anh Đặng Công Ngữ, lúc đó là Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng), ông Ngữ sẽ giải quyết theo nguyện vọng của vợ ông. Việc học của con cái thì lấy cái quyết định thu hút ông về làm việc ở Đà Nẵng, lên (Phòng) Giáo dục Hải Châu nói họ bố trí trường cho tụi nhỏ”. Ông hỏi tiếp: “Ông định khi mô thì chính thức đi làm?”. Tôi nói: “Dạ, khi mô cũng được”. Ông nói: “Được rồi, bên ủy ban làm thủ tục tiếp nhận ông từ ngày 1/1/2009, nhưng đi làm thì cho ông chọn ngày tốt rồi đi cũng được. À, ngày 5/1 là ngày tốt đó. Ông coi ngày đó hợp với ông thì tới trình diện với ông Minh (TS. Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng). Rứa được chưa?”. Tôi nói: “Dạ, quá được anh ạ. Em cám ơn anh”. Ông nói tiếp: “Lương bổng, chế độ đãi ngộ thì cứ nói ông Ngữ theo Quyết định 34 mà giải quyết, việc chi vướng mắc thì có thể gặp tui để phản ánh. Đây, tui đưa ông cái cạc, có chi gọi cho tui”.

Tôi lại thấy anh P.V.T. lấp ló ngoài cửa. Nhìn đồng hồ đã hơn 11h trưa. Ông khoát tay: “Nói họ chờ chút”. Rồi ông quay sang tôi nói tiếp: “Thực ra Đà Nẵng với Huế không có chi mâu thuẫn cả. Chẳng qua là do ngày xưa Huế là kinh đô, dân Quảng phải ra Huế học, còn dân Huế thì vô Quảng làm quan nên hai bên có vẻ xa cách. Dân Huế nghĩ mình là tầng lớp trên, dân Quảng thì có chút tự ti vì điều kiện học hành không bằng dân Huế. Từ đó mà sinh ra chuyện không thích nhau. Nhưng đó là chuyện ngày xưa chứ bây giờ khác trước nhiều rồi. Đà Nẵng bây giờ cũng là một trung tâm giáo dục và văn hóa. Người Đà Nẵng hay người Quảng nói chung bây giờ học hành, thành đạt nhiều nên không còn tự ti, tự ái với Huế như trước nữa. Ông ngẫm coi tui nói đúng không? Tui đã tổ chức giải đá banh với lãnh đạo Thừa Thiên Huế, mời ông Mãn (ông Hồ Xuân Mãn, lúc đó là Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) đem quân vô đây đá giao hữu. Chơi vài trận banh là hiểu nhau thôi. Mai mốt tui tính đưa đội tennis của Đà Nẵng ra Huế giao lưu với đội của ông Mãn. À, ông có chơi đá banh hay tennis không?”. Tôi thưa: “Dạ không, em không rành thể thao, không đá banh và không biết chơi tennis”. Ông nói lớn: “Đàn ông chi mà không biết chơi thể thao, dở òm. Cố gắng chơi một môn thể thao chi đó, vừa khỏe người, vừa có bạn có bè”. Rồi ông nói thêm: “Thôi, dừng lại ở đây, tui có khách đợi. Rứa nghe”. Tôi dạ và xin phép ông ra về. Ông vỗ vai tôi nói tiếp: “Về sửa cái tính bộp chộp và sĩ diện đi nghe. Với lại phải nhớ là phản biện thì được mà phản đối là không được với tui mô”. Rồi ông nói vọng ra cửa: “Mời vào”.
Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Bá Thanh, người đã tạo cho tôi một cảm giác dung dị và gần gũi nhưng cũng đầy “dọa dẫm”, khiến tôi vừa phục, vừa lo: “Không biết sau này sẽ phải làm việc thế nào dưới quyền của một vị lãnh đạo ‘ăn to nói lớn’ mà sâu sát như ông Nguyễn Bá Thanh đây?”. 

Đó là một câu chuyện dài mà tôi sẽ kể nơi đây trong nay mai, về những cuộc gặp tiếp theo với ông trong những năm tháng ông còn làm việc ở Đà Nẵng và kể cả lúc ông ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính trung ương.

T.Đ.A.S. (Ngày 13/2/2015)

CUỘC GẶP THỨ HAI

Tôi về Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đầu tháng 1/2009. 10 ngày sau Viện trưởng Hồ Kỳ Minh bổ nhiệm tôi làm Trưởng phòng Nghiên cứu Xã hội - Nhân văn. Phòng có 1 thạc sĩ ngành Văn hóa học ở Hà Nội, 1 KTS tốt nghiệp ở Sài Gòn nhưng rất ít khi xuất hiện. Một tháng sau có thêm 1 cử nhân ngành Công tác Xã hội từ Đại học Khoa học Huế. Hai tháng sau có thêm 1 thạc sĩ ngành Môi trường đất học ở Úc về. Tất cả đều là “dân thu hút” (cách mà cán bộ, công chức Đà Nẵng gọi những người từ địa phương, bộ ngành khác về đầu quân cho Đà Nẵng theo chương trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố).

Nhờ có “bút phê” của ông Nguyễn Bá Thanh và nhờ các ban ngành ở thành phố Đà Nẵng đã nhất quán thực hiện các chính sách, chế độ đối với “dân thu hút” nên tôi đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục nhận nhà, xin việc cho vợ, chuyển trường cho con, cũng như nhận các chế độ đãi ngộ của thành phố. Quyết định tuyển dụng do Chủ tịch Trần Văn Minh ký. Quyết định bố trí căn hộ do Phó Chủ tịch Văn Hữu Chiến ký. Ngày 27/3/2009, tôi nhận căn hộ 61 m2 ở Chung cư Hòa Thuận (cách nơi tôi làm việc 2,8 km). Vợ tôi được nhận vào làm ở Phòng Nghiên cứu Thuyết minh của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Con trai được bố trí vào học ở Trường THCS Trưng Vương. Con gái học Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Ngoài sự hỗ trợ từ chính sách của thành phố, thì việc hai con tôi được vào học ở hai trường chuẩn của Đà Nẵng, lại ở gần nơi làm việc của vợ chồng tôi, thuận tiện đưa đó, là nhờ sự giúp đỡ và hướng dẫn chí tình của anh T., một cán bộ của Sở Giáo dục Đà Nẵng và là ba của một đồng nghiệp trong Viện tôi.

Một hôm, Viện trưởng Hồ Kỳ Minh gặp tôi bảo: “Anh phải nghĩ ra một hai đề tài gì đó để tổ chức cho Phòng Xã hội - Nhân văn nghiên cứu. Em cũng sẽ bảo anh Thái (TS. Nguyễn Phú Thái, khi đó là Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, cũng là ‘dân thu hút’ từ Hà Nội về, sau làm Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, nay là đương kim Viện trưởng Viện tôi) nghĩ ra một vài đề tài gì đó để làm. Tụi mình sẽ gặp anh Thanh để xin ý kiến anh và nhờ anh hỗ trợ”. 

Sau đó, Hồ Kỳ Minh gặp gỡ, liên hệ với ông Nguyễn Bá Thanh thế nào thì tôi không rõ, nhưng khoảng cuối hè 2009, Minh báo: “Tuần tới anh Thanh sẽ đến Viện mình làm việc. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành của Đà Nẵng. Anh, anh Thái và em chuẩn bị một số nội dung để làm việc với anh Thanh và trình với anh một số đề tài nghiên cứu để xin ý kiến nhé”. 

Khoảng một tuần sau, ông Nguyễn Bá Thanh đến Viện cùng khoảng 10 vị là lãnh đạo các sở ngành: Tài chính, VHTTDL, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch - Đầu tư, Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND… 

Tôi không nhớ hết Hồ Kỳ Minh đề xuất những gì, chỉ còn nhớ mấy việc chính sau: Xin nâng mức hỗ trợ ưu đãi cho các tiến sĩ thu hút về Viện; xin cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài và Việt kiều về làm việc có thời hạn cho Viện và cơ chế trả thù lao cho những chuyên gia, học giả bên ngoài có đóng góp, tư vấn cho Viện; xin ý kiến chỉ đạo về một số đề án mà Viện trình với ông trong cuộc gặp đó; xin mua một chiếc ô tô để đưa đón chuyên gia và chở người của Viện đi nghiên cứu.

Ông Nguyễn Bá Thanh nghe và hỏi rất kỹ những điều mà Viện đề xuất, vì sao phải đề xuất, có thiết thực không, có làm "ra tấm ra món" chi không? Cuối cùng ông kết luận: “Về đãi ngộ, đồng ý cho nâng mức hưởng lương ưu đãi của tiến sĩ thu hút về Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng lên 200% và được hưởng trong 4 năm. Sau đó phải nỗ lực nghiên cứu làm thêm mà kiếm thêm thu nhập” (mức ưu đãi cũ theo Quyết định 34 là hưởng lương ưu đãi 150% trong 2 năm). “Về thuê mướn, thu hút chuyên gia thì nhất trí hoàn toàn, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa nhưng nhớ là phải mời cho được người giỏi thực sự, có nguyện vọng, năng lực và sức khỏe để cống hiến, và phải là những chuyên gia ở các ngành mà thành phố đang cần. Không mời mấy ông mắt mũi kèm nhèm, tiến sĩ mấy ngành trời ơi về đây ngồi chật chỗ, rồi đau ốm, bệnh tật hết giờ, không làm cái chi được cho thành phố đó nghe. Tui ớn mấy cái ông tiến sĩ, giáo sư loại đó lắm rồi". Ông nói thêm: "Thành phố sẽ cấp cho Viện mỗi năm 50 triệu để có tiền đón tiếp mấy chuyên gia. Họ tới đây thì cũng mời họ được một bữa ăn cho đàng hoàng. Còn chiếc xe thì thôi. Chưa cần thiết. Đi mô thì báo văn phòng ủy ban điều xe, đón tiếp chuyên gia cũng thế. Thành phố cũng cấp thêm 1 khoản kinh phí để khi cần Viện tự thuê xe mà đi công tác, nghiên cứu cho kịp việc”.

Về mấy đề tài nghiên cứu mà Viện đề xuất thì cơ bản là ông đồng ý cho triển khai. Nhưng cái đề tài “Fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” do tôi đề xuất thì ông “vặn vẹo” rất kỹ. Đầu tiên ông nói: “Tui làm bí thư và chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng. Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng mà tui có dám mơ được bước chân lên quần đảo Hoàng Sa mô. Ông làm cái đề tài này có đòi lại được Hoàng Sa không?”. Tôi nói: “Xin anh cho em 10 phút để trình bày cho rõ ràng”. Ông bảo: “Nói đi, ngắn gọn”. Vậy là tôi trình bày đề cương nghiên cứu chi tiết của mình, đặc biệt nhấn mạnh vì sao phải triển khai đề tài này, đặc biệt là việc phải xây dựng cơ sở dữ liệu để chứng minh Việt Nam thụ đắc chủ quyền với Hoàng Sa từ hàng trăm năm nay. Tôi nói: “Thưa anh là chúng ta làm đề tài này không phải là để đòi lại Hoàng Sa mà trước hết là để chứng minh với đồng bào là ta có hồ sơ, sử liệu, bằng chứng pháp lý lâu đời với Hoàng Sa. Đây sẽ là những tư liệu cần thiết để chứng minh với thế giới là Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, để họ bênh vực mình, góp phần ngăn chặn Trung Quốc lấn thêm biển đảo của mình”. (Lúc đó vì chưa đi sâu nghiên cứu đề tài này nên kiến thức và lý lẽ của tôi cũng đơn giản như vậy). 

Sau khi tôi trình bày, ông Nguyễn Bá Thanh hỏi ý kiến một số lãnh đạo sở ngành cùng dự họp. Có vài ý kiến phản đối, nhưng cơ bản thì cũng thuận. Ông kết luận: “Cần thiết vậy thì đồng ý cho triển khai làm. Nhưng nhớ chọn lọc mà làm, bỏ cái phần nghiên cứu về tư liệu Trung Quốc hiện đại đối với Hoàng Sa đi. Cái đó phức tạp và tế nhị lắm. Tập trung tìm kiếm tư liệu cổ chứng minh Hoàng Sa chắc chắn của mình. Kể cả tư liệu nước ngoài. Ít cũng được, nhưng phải chắc và độ tin cậy cao”. Tôi dạ. Ông hỏi thêm: “Mà ông tính xin bao nhiêu để làm đề tài ni?”. “Dạ, khoảng 200 triệu”. “Thôi được, tui cho ông xê xích từ 200 đến 250 triệu, tính toán cho kỹ, trình Sở Khoa học Công nghệ xét duyệt rồi trình Ủy ban phê duyệt mà làm. Làm xong giai đoạn một, thấy tốt, thấy còn tư liệu thì trình tiếp đề án làm giai đoạn hai”. Vậy là đề tài nghiên cứu của tôi được ổng phê duyệt. Tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu chủ quyền biển đảo Việt Nam từ đó.

Ít bữa sau, tôi được Viện trưởng báo là sẽ đề nghị bổ nhiệm tôi làm Phó Viện trưởng. Tôi nói: “Làm thì mình làm được, nhưng chắc là sẽ khó được cấp trên phê duyệt. Ngoài Huế đưa mình vào đối tượng 3 hay đối tượng 2 gì đó bao năm nay mà có bổ nhiệm, bổ nhiếc chi mô. Thôi, để mình làm Trưởng phòng cho yên”. 

Hồ Kỳ Minh bảo: “Thì Viện cứ đề nghị, còn bổ nhiệm thì có quy trình, được hay không thì tính sau. Viện cần có cấp phó phụ trách lĩnh vực này để nâng tầm hoạt động”. Sau đó thì tôi thấy người của Ban Tổ chức thành ủy kêu tôi bổ túc hồ sơ, lý lịch và cho biết họ sẽ ra Huế thẩm tra bổ sung. Tôi nói với anh H. cán bộ phụ trách hồ sơ: “Anh ơi, làm cho vui ri thôi, chứ không được mô. Ngoài Huế họ kêu em vi phạm cái quyết định 57 hay 75 gì đó, vì ông già em là lính Việt Nam cộng hòa chết trận”. Anh H. nói: “Đó không phải là việc của em. Em cứ lo khai bổ sung lý lịch cho rõ ràng cho anh”. Chừng 1 tuần sau anh H. gọi điện nói: “Anh thấy ngoài Huế có nặng nề với lý lịch của em lắm đâu. Hồ sơ em xong rồi. Đang trình lãnh đạo”. Cuối tháng 8/2009, tôi được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, nhiệm kỳ 5 năm. Quyết định do Chủ tịch Trần Văn Minh ký.

Sau này, tôi nghe anh Nguyễn Lương Đình, Chánh văn phòng Viện, kiêm Phó bí thư chi bộ Viện tôi và là người thân thiết với ông Nguyễn Bá Thanh, thường xuyên đánh cờ tướng và chơi tennis với ông, nói: “Cũng có ý kiến nói vào, nói ra trong việc bổ nhiệm em. Nhưng anh Thanh nói: ‘Cứ bổ nhiệm đi, để họ có động lực mà làm việc cho tốt. Nếu thấy không đạt yêu cầu và có vấn đề thì bãi nhiệm. Đưa lên được thì đưa xuống được”. Có lẽ nhờ câu nói này của ông Nguyễn Bá Thanh mà tôi trở thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, không phải chỉ 1 nhiệm kỳ 5 năm, mà đã sang nhiệm kỳ thứ 2 đã được gần 2 năm rồi.

T.Đ.A.S. (Ngày 14/2/2015)


3 nhận xét :

  1. Người Tốt lành cứ Lần lượt ra đi..
    Để lại thế gian 1 Phường Trộm cướp
    Cái nghịch lý muôn Đời không hiểu được?
    Cứ nhẹ nhàng như Lá Mùa Thu....

    Trả lờiXóa
  2. A Di Đà Phật.
    Xin thắp một nén tâm hương tưởng niệm một người tốt.
    Xin nhỏ một giọt lệ tiếc thương một tâm nguyện chưa thành.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thì không kính cẩn đâu nhé.

    Trả lờiXóa