Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

CHỈ CÓ NGƯỜI Ở NGOÀI MỚI MUỐN CẤM LỄ HỘI CHÉM LỢN

'Cấm lễ chém lợn là cái lý người đứng ngoài'

Theo Tổ chức Động vật châu Á, 5/2/2014, nghi lễ chém lợn vẫn được tổ chức tại 
làng Ném Thượng (Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á cung cấp)

Lễ hội chém lợn truyền thống của làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đang trở thành đề tài bàn luận gây tranh cãi tại Việt Nam trong vài ngày gần đây.

Việc Tổ chức Động vật Châu Á (AA) phát động chiến dịch "gây ảnh hưởng tới cộng đồng cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông chấm dứt Lễ hội Chém lợn" hôm 27/1, đã khiến có rất nhiều ý kiến trái ngược.



Lễ hội này thường diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch khi hàng ngàn người dân tụ hội về thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh để tham dự lễ hội chém lợn mà tại đó những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước cả đám đông, trong đó có cả trẻ em.

Thông cáo báo chí của AA gửi các cơ quan truyền thông Việt Nam viết: "Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng."

Đây không phải lần đầu tiên AA lên tiếng về việc này với lập luận rằng hoạt động giết lợn như vậy là dã man và phản cảm và cũng nói thêm rằng" nhiều lễ hội và hoạt động trên thế giới liên quan tới tàn sát và lối đối xử ngược đãi động vật đều bị lên án và đã phải chấm dứt".

Trả lời BBC Việt Ngữ, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho biết lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết đã có hàng trăm năm nay và rằng ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á cũng có cái lý của nó, nhưng là "cái lý của người đứng ngoài, không có cảm nhận văn hóa của người chủ thể văn hóa".

Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói thêm: "Có thể với những người không có niềm tin tín ngưỡng như người dân Ném Thượng thì đúng là họ thấy những cái đó là ghê rợn thật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái lý của chủ thể văn hóa đó, của người dân Ném Thượng."
Ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á cũng có cái lý của nó, nhưng là cái lý của người đứng ngoài, không có cảm nhận văn hóa của người chủ thể văn hóa
Gs Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa
Ông lập luận rằng "trên nguyên tắc của văn hóa và tín ngưỡng thì không ai có quyền phủ nhận niềm tin tín ngưỡng của người khác, chứ chưa nói đây là của một cộng đồng".

"Và nguyên tắc đó, chính UNESCO cũng nói, phải để chủ thể văn hóa đó quyết định. Họ quyết định là trong điều kiện xã hội ngày nay, cái đó còn phù hợp không, họ tiếp tục hay từ bỏ nó. Và đó là quyền của chủ thể văn hóa chứ không phải quyền của chúng ta".

Văn hóa 'tự điều chỉnh'?

Tổ chức Động vật châu Á cũng nhắc tới việc "văn hóa" và "truyền thống" thường được dùng để biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này.

"Nhưng ngay cả văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và chuyển hóa theo thời gian, những hủ tục không còn phù hợp nên được sửa đổi. Ngoài ra lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau," Thông cáo báo chí của AA viết.

Trả lời các câu hỏi của báo chí về kiến nghị đối với lễ hội chém lợn, AA cho biết họ "kiến nghị xoá bỏ phần nghi lễ chém lợn, hoặc thay thế bằng nghi lễ khác nhân văn hơn ... có ý kiến thay thế bằng lễ cúng hoa quả hoặc làm lợn giả. Đó có thể là thay đổi tốt."

Khi được hỏi tại sao nhiều lễ hội dường như được phục hồi, như lễ hội chém lợn này những năm gần đây mới nổi lên và được nhiều người biết đến, một học giả hàng đầu về văn hóa dân gian không muốn nêu danh nói với BBC Việt Ngữ rằng hơn ba mươi năm trước đây, cái gì cũng chính trị cả và theo chủ nghĩa duy vật nên nhiều lễ hội bị cấm vì cho là mê tín, nhưng nói tránh là do chiến tranh nên không tổ chức được những cuộc vui như thế.
"Văn hóa" và "truyền thống" thường được dùng để biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này. Nhưng ngay cả văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và chuyển hóa theo thời gian, những hủ tục không còn phù hợp nên được sửa đổi.
Tổ chức Động vật châu Á
"Nay xã hội dân chủ hơn và đặc biệt sau khi UNESCO công nhận một số là di sản văn hóa thì nhân dân mới tỉnh ra rằng cái mà chúng ta coi thường lại là di sản tốt".

Một ví dụ được học giả về văn hóa dân gian nêu ra là loại hình âm nhạc Chầu văn, vốn từng bị cấm nhưng "mặc dù đánh nó như thế nhưng nó không chết".

Ông lập luận rằng nếu lên án tục chém lợn của Việt Nam thì các tổ chức nước ngoài đó có lẽ cũng nên xem lại môn đấu bò tót tại một số nước phương tây, mà "nó cũng tàn bạo chả kém gì chém con lợn cả", chưa kể môn đấm bốc là giữa con người với con người.

Có lẽ việc kêu gọi chính quyền can thiệp để chấm dứt một tập tục văn hóa, đã khiến một số nhà văn hóa và dân tộc học bất bình vì cho rằng thay đổi một tập tục gắn liền với tín ngưỡng địa phương phải đến từ nhận thức của chính người dân địa phương chứ không thể bằng văn bản hành chính.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh "nếu chính người dân cho rằng cái đó lỗi thời rồi thì họ sẽ từ bỏ, còn bây giờ họ vẫn tiếp tục mà chúng ta lại ra một cái lệnh là họ phải bỏ thì không được. Họ có thể bỏ nhưng đó phải từ nhận thức của chính họ."

2 nhận xét :

  1. Ông nào nói cũng hay cả. Có những cái như "xin cho" mà khó khăn lắm cũng chưa bỏ được ! Tại sao có thời gian lễ chém lợn đã bỏ, gần đây mới được nổi lên nhiều người biết , mà bây giờ lại không bỏ được ? Có nghĩa là có nó cũng được mà không có nó cũng chẳng chết ai !

    Trả lờiXóa
  2. Ông GS Ngô Đức Thịnh nói như vậy thì không khác nào nguyên tắc của văn hoá và tín ngưỡng được phép đứng trên cả luật pháp.Vì ông nói"trên
    nguyên tắc của văn hoá và tín ngưỡng
    thì không ai có quyền phủ nhận niềm
    tin tín ngưỡng của người khác...".Vậy nếu cũng là tín ngưỡng như tục hiến tế chôn sống cô gái đồng chinh,tín ngưỡng của tộc người khi sinh đôi ra hai đứa trẻ thì phải chôn sống một đứa cho thần linh.v.v.Vậy luật pháp có quyền ngăn cấm không thưa GS?hay phải tôn trọng vì tín ngưỡng của họ mà cứ để tiếp diễn.Nói cho cùng phong tục,tín ngưỡng rất cần tôn trọng,nhưng khi phản tác dụng cho đại đa số người dân và không mang lại ảnh hưởng tốt cho xã hội thì nên dẹp,đừng cứ khư khư theo sách vở là văn hoá,là tín ngưỡng mà cố đấm ăn xôi thưa GS Thịnh.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa