Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Lễ hội Chém lợn: DÂN LÀNG TÔI MUỐN GIỮ TỤC CHÉM LỢN

Dân Ném Thượng muốn giữ tục chém lợn

VNexpress
Thứ sáu, 30/1/2015 | 11:46 GMT+7 

Nhiều người cho rằng, tục chém lợn là để giáo dục con cháu về truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc khi xưa của đội quân do Lý thành hoàng làng lãnh đạo. Tục nuôi lợn tế thánh còn khuyến khích người dân chăn nuôi để có những 'ông ỉn' tốt. 
Ngồi bên đình làng Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), nơi hàng năm diễn ra lễ hội chém lợn, ông Trần Văn Hân (67 tuổi) mỉm cười nhớ lại nguồn gốc của lễ hội quê mà từ bé được cha mẹ, ông bà kể lại. Ông Hân tự hào bảo, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng có truyền thống từ mấy trăm năm, gắn liền với truyền thuyết vị tướng nhà Lý tên Đoàn Thượng khi đánh trận đã trốn trên núi Nghè, chém lợn rừng nuôi quân rồi phá vòng vây thoát ra. Những đời vua Trần sau này vẫn tôn vinh, ghi nhận công lao của Đoàn Thượng khi bao lần phò vua Lý chống giặc ngoại xâm.

Để tưởng nhớ người có công khai khẩn vùng đất này, nhân dân lập đền thờ Lý thành hoàng và hàng năm tổ chức lễ hội chém lợn, nhắc nhau về truyền thống xưa. Những năm kháng chiến chống Pháp, đình làng Thượng bị bom đạn tàn phá, lễ hội từ đó cũng mất đi.

Đến năm 1999, ông Hân khi ấy là trưởng thôn, đã cùng nhân dân lập lại đền và khôi phục lễ hội truyền thống vào năm 2000. "Ngày dựng lại được lễ hội truyền thống đã mất của cha ông, dân làng tôi mừng lắm. Con cháu khắp nơi tụ hội về. Đến nay chúng tôi đã tổ chức được 14 mùa lễ hội chém lợn", ông Hân kể.

Người đàn ông gần tuổi cổ lai hi cho biết, nhà nào được dân làng chọn cho chăm nuôi "cụ ỉn" đều tự hào lắm. Ngày lễ hội (mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm), gia chủ mặc áo dài, trang phục đỏ, chuẩn bị xôi, cỗ làm lễ rước "cụ ỉn" ra đình. Làng Thượng những ngày lễ hội bừng sáng bởi cờ, lộng, trống rước. "Cụ ỉn" sau khi được rước quanh làng sẽ về giữa sân đình và được khai đao chém tế thánh. Dân làng, khách thập phương hàng nghìn người đứng kín quanh khu vực đình háo hức xem nghi lễ này.

Ông Hân giọng trầm buồn khi kể chuyện người cháu của mình thắc mắc "sao 2 năm nay không chém lợn nữa". Ông bảo không hiểu vì lý do gì từ năm 2012, lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá  Bắc Ninh không cho tổ chức tục lệ này ở sân đình. Thay vì chém "cụ ỉn", nay người làng Thượng chỉ khai đao trước sân đình, rồi lui vào hậu cung 5-7 người sẽ chọc tiết, mổ thịt lấy khoanh cổ "cụ ỉn" tế thánh.

"Các cụ làng tôi bức xúc lắm khi bị yêu cầu thay đổi nét truyền thống của lễ hội. Mong muốn của chúng tôi là được giữ gìn phong tục của cha ông. Đây là dịp để con cháu khắp nơi tụ về, cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, để giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc của đội quân Lý thành hoàng. Tục nuôi lợn tế thánh còn khuyến khích người dân đua nhau chăn nuôi để mỗi năm có những 'ông ỉn' tốt", ông Hân nói.

Từng nhiều năm là Phó ban tổ chức lễ hội chém lợn, chỉ huy khai đao, ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi) cho biết, nghi thức này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. "Người xem rất đông, đứng vòng trong, vòng ngoài nên có những ông bạn của tôi 6-7 năm sang xem lễ hội mà chưa một lần chứng kiến được tục chém lợn này", ông Lợi nói.  

Để tổ chức nghi lễ chém lợn tế thánh, dân làng đã chuẩn bị với tâm thế cẩn trọng, tôn kính từ một năm trước. Người chăm sóc "cụ ỉn" phải chọn lựa từ các gia đình có cuộc sống đầm ấm, uy tín và thuận hoà với dân làng. Hai "cụ ỉn" phải là giống trắng tuyền không tì vết, được nuôi, tắm sạch sẽ. Hai thanh đao sắc dài gần 2 m để chém lợn được bảo quản cẩn thận, trân trọng đặt trong đình, đến lễ hội mới đưa ra. 
.
le-hoi-chem-lon-4991-1422583917.jpg
Ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi) có nhiều năm chỉ huy khai đao trong lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông Lợi, chém lợn là phong tục truyền thống gợi về cái đẹp, khí thế hào hùng của Lý thành hoàng xưa nên người dân làng Thượng ai cũng muốn giữ. Cá nhân ông thấy hình ảnh "máu chảy, đầu rơi" diễn ra vào đầu năm chưa hợp lý, nhất là khi tổ chức trước sự chứng kiến của nhiều người, cả trẻ nhỏ. Ông Lợi ủng hộ việc thay đổi chém lợn ở hậu cung, tuy nhiên, lễ hội nhất định phải giữ lại.

"Đề xuất của Tổ chức động vật châu Á về chấm dứt lễ hội chém lợn, tôi không đồng ý. Chúng ta thay đổi những gì chưa phù hợp với xã hội hiện đại nhưng vẫn phải giữ được nét truyền thống, bản sắc của dân tộc, vùng miền", ông Lợi nói. 

Bà Nguyễn Thị Định (84 tuổi), bà Trần Thị Lự (76 tuổi), thủ đao Nguyễn Tiến Xuê (55 tuổi)... mong muốn giữ phong tục tập quán quê hương. "Giữ được thì lễ hội vui hơn. 2 năm nay không chém lợn ở sân đình nữa, người dân, du khách đến tham gia lễ hội giảm hẳn", bà Định nói. Những người này kịch liệt phản đối đề xuất chấm dứt lễ hội truyền thống của quê mình.

Trước ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á về việc lễ hội chém lợn ảnh hưởng không tốt đến người trẻ, Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) cho biết, bạn bè mình đã nhiều lần được xem tục lệ đó nhưng không "có vấn đề gì". Cường cho rằng, so với một số lễ hội khác như chọi trâu (Hải Phòng), đâm trâu (Tây Nguyên) và đặc biệt những gì mình và bạn bè có thể tìm thấy trên Internet, hình ảnh chém lợn trong lễ hội của làng "không thấm tháp gì".

Qua lễ hội này, Cường và các thanh niên trong làng được người lớn giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương. "Em nhìn lễ hội theo hướng là nét đẹp truyền thống, khuyến khích chăn nuôi, khơi gợi niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc. Em nghĩ nên giữ phong tục truyền thống này, vẫn cho tổ chức ở sân đình để mọi người được chứng kiến. Nếu các cụ cứ âm thầm tiến hành bên trong hậu cung, lớp trẻ sau em sẽ không hiểu được tục lệ của làng và có lẽ sau thời gian sẽ bị mai một", Cường nói. 
.

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, sau khi nhận được thư đề xuất của tổ chức Động vật châu Á vào năm 2012, trước đó là một tổ chức của Bỉ, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có công văn phúc đáp vào tháng 10/2013.
Theo đó, sau khi xem xét và nhận thấy, đối với phần lớn người dân, đặc biệt là những người không thuộc phường Khắc Niệm, tục chém lợn là hành vi phản cảm, không phù hợp với nhận thức tiến bộ chung của xã hội.
Từ năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi "chém lợn". Qua tuyên truyền, vận động bước đầu, nhân dân thôn Ném Thượng, phường Khắc Niệm đã thay đổi việc tổ chức tục lệ ở giữa sân đình, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương bằng việc sắp xếp một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh. Ngoài những người đã được phân công nhiệm vụ giết mổ lợn và làm cỗ, tất cả người dân và du khách đều không được vào khu vực này.

Quỳnh Trang

6 nhận xét :

  1. Thi đâm bò tót thì được, lễ hội đâm trâu thì được, lễ hội đâm lợn sao lại không được?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tây Ban Nha đã ngưng "đâm bò tót" từ lâu.
      Họ không muốn bị coi là mọi rợ.

      Xóa
  2. Ông có nhìn thấy quân lính nhà Lý cầm đao chém lợn đứt đôi thân như các ông chém không?có chăng là họ bắn cung tên hay đặt bẫy.Sạo quá.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  3. Nếu cứ suy diễn theo kiểu của mấy ông nghành văn hóa thì mấy cái lễ hội đâm trâu,chọi trâu và cả linh tinh tình phộc cũng nên cấm luôn.Ai lại đem chuyện đụ nhau ra thể hiện giữa nơi tế tự như thế phản cảm lắm phải không mấy ông văn hóa

    Trả lờiXóa
  4. Lễ hội vùng miền là nơi phục vụ dân vùng miền. Đó cũng là một cách để dân làng tụ tập, đặc biệt là thanh niên. Nếu các vùng xoá đi Lễ hội của mình thì dần dần thanh niên, nhất là con nhà nghèo, chẳng biết tụ nhau ở đâu ngoài quán rượu. Vì ra khỏi làng là phải có tiền, nào tiền đi lại, tiền vé vào cổng nơi "có văn hoá", tiền chịu đắt đỏ ăn tô mì để còn sức trở về ...
    Xin các "nhà" hãy đừng để thế hệ thanh thiếu niên không có chỗ tụ tập rồi chính từ đó sinh tệ nạn.

    Trả lờiXóa
  5. Tin của "Việt báo" từ năm 2007:
    Tây Ban Nha ngừng chiếu trực tiếp cảnh đấu bò tót.
    Các chương trình của Đài truyền hình quốc gia Tây Ban Nha đã ngừng chiếu trực tiếp các trận đấu bò tót, chấm dứt truyền thống nhiều thập kỷ trình chiếu trò giải trí mạo hiểm này trên các phương tiện truyền thông do Nhà nước quản lý.
    Quyết định trên được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến lo ngại rằng, những cuộc đấu tay đôi đổ máu giữa các đấu sỹ và bò tót “những hành động thô bạo và hung ác” có tác động tiêu cực tới tính cách khán giả nhỏ tuổi.
    Nhiều nhóm bảo vệ động vật đang phản đối sự tàn nhẫn trong các trận đấu bò tót. Barcelona và một số thành phố khác thậm chí tuyên bố chính thức phản đối môn thể thao này.

    Trả lờiXóa