Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Khởi tố chủ tọa tòa phúc thẩm xử vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn

Khởi tố chủ tọa toà phúc thẩm xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn

Thứ Tư, 09:01  01/10/2014

(NLĐO)- Ông Phạm Tuấn Chiêm - nguyên thẩm phán TAND Tối cao, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn - đã bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 2 từ trái qua) đã gặp TAND Tối cao giữa tháng 8 vừa qua để được hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường
Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 2 từ trái qua) đã gặp TAND Tối cao giữa tháng 8 vừa qua để được hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường

Ngày 30-9, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), nguyên thẩm phán TAND Tối cao, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật Hình sự. Đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can Chiêm để phục vụ công tác điều tra.


Thông tin ban đầu, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người xảy ra vào ngày 15-8-2003, ông Chiêm với tư cách là thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa, đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra tài liệu đánh giá chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định, tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn tội Giết người.

Mặc dù thời điểm xảy ra vụ án này, có nhiều nhân chứng có đơn và xác nhận ông Chấn đang gọi điện thoại cho người khác tại nhà riêng. Gia đình nạn nhân cũng đề nghị xem xét việc chị Nguyễn Thị  Hoan (nạn nhân trong vụ án mạng xảy ra ngày 15-8-2003) mất 2 chiếc nhẫn đeo trên tay trước khi bị sát hại tại cấp sơ thẩm nhưng ông Chiêm thiếu trách nhiệm không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót vi phạm về tố tụng hình sự.

Trong quá trình xét xử phúc thẩm, ông Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định gần đúng với dấu hết bàn chân thu thập được tại hiện trường làm chứng cứ quy kết ông Chấn tội giết người.

Việc làm của ông Chiêm đã gây nên hậu quả làm ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan hơn 10 năm.

Trước đó, sau khi vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn được đưa ra ánh sáng, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với: Trần Nhật Luật, nguyên điều tra viên công an tỉnh Bắc Giang; Đặng Thế Vinh, nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang về tội làm sai lệch vụ án theo điều 300 Bộ luật Hình sự.

Trong đó, ông Đặng Thế Vinh được phân công tham gia giám sát vụ án nhưng đã không đưa vào hồ sơ vụ án 2 biên bản hỏi cung bị can thể hiện việc ông Chấn kêu oan, tố cáo bị đe dọa phải nhận tội. Còn ông Trần Nhật Luật đã tự bỏ bản tự thú của ông Chấn ra khỏi hồ sơ vụ án thay vào đó là bản tự thú có sửa chữa, khi lấy mẫu vân chân của 16 người tình nghi trong đó có ông Chấn, đã được bộ phận kỹ thuật hình sự thông báo miệng cho bị can Luật biết kết quả giám định, dấu chân thu được tại hiện trường không phải của ông Chấn nhưng Luật vẫn vẽ, in kích thước bàn chân của ông Chấn và buộc ông này phải khai nhận đã đi chân đất vào nhà nạn nhân rồi sát hại.

Ngoài ra, Luật còn buộc ông Chấn phải tập diễn các động tác gây án co phù hợp với hiện trường.

Như Báo Người Lao Động đã đưa, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 15-8-2003, Lý Nguyễn Chung (SN 1988, quê Lạng Sơn, thời điểm này đang ở với bố là Lý Nguễn Chức ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã đến cửa hàng chị Nguyễn Thị Hoan (người cùng thôn Me) mua dầu gội đầu.

Thấy trong tủ kính có hộp đựng tiền, Chung nảy sinh ý định giết chị Hoan để lấy tiền. Chung đã dùng dao bấm đâm chị Hoan và sát hại chị này ngay sau đó. Sau khi giết chị Hoan, Chung đã tháo 2 chiếc nhẫn rồi tắt điện, đóng cửa ra về. Vài ngày sau, Lý Nguyễn Chung bỏ trốn rồi lấy vợ sinh con tại tỉnh Đắk Lắk cho đến ngày 25-10-2013 mới ra đầu thú.

Vụ án gây chấn động dư luận khi ông Nguyễn Thanh Chấn (ở cùng thôn Me) đã bị bắt và bị quy kết tội giết chị Nguyễn Thị Hoan, phải nhận án chung thân qua 2 cấp xét xử. Dù tại cơ quan điều tra, trong quá trình giam giữ cũng như tại toà và sau khi ngồi tù, ông Chấn liên tục kêu oan song không được xem xét.

Cuối năm 2013, ông Chấn được trả tự do, Hội đồng tái thẩm (TAND Tối cao) đã tuyên hủy bản án của 2 phiên tòa phúc thẩm và sơ thẩm có hiệu lực từ gần 10 năm trước với ông Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 25-1-2014, ông Chấn mới chính thức được minh oan.

Vừa qua, ông Chấn mới nộp đơn yêu cầu Toà phúc thẩm phải bồi thường cho 10 năm ngồi tù oan của mình số tiền gần 10 tỉ đồng.

Nguyễn Quyết

2 nhận xét :

  1. Những kẻ như Chiêm và đồng bọn trong cơ quan Cảnh sát điều tra đã mang đến nỗi oan khuất rất lớn cho ông Chấn chỉ là một trường hợp trong hàng vạn trường hợp"bị lộ".với tiêu chí" khoán án,khoán tội"để lấy thành tích như hiện nay,thì ông Chấn chỉ là trường hợp may mắn trong hàng vạn người kém may mắn đang chịu oan khuất. Bọn Chiêm khi ra toà kiểu gì cũng được"chiếc áo công vụ"che thân,nẽn xẽ nhẹ tội hơn dân đen.Mọi người đánh giá thế nào tôi không biết,nhưng tôi tin bây giờ" cán cân công lý"đã có hình như con giun chết khô rồi.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  2. Chẳng qua chỉ là phe nhóm khác trong ngành "luật pháp" VN nhân việc này mà chơi nhau thôi. Ông Chấn lại phải "dấn thân" một cách rối rắm...
    Nếu là tôi, sẽ viết tự truyện và bán, sẽ có được rất nhiều tiền mà an toàn (nhưng trước đó phải chuồn qua nước "dân chủ kém vạn lần xứ Vịt" cho chắc ăn).

    Trả lờiXóa