PHỎNG VẤN NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI
NHÂN TRUNG QUỐC HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN 981
06-07-2014
Nhà văn Nhật Tuấn: Trung
Quốc đã có ý độc chiếm biển Đông từ trước khi cưỡng chiếm Hoàng Sa. Rồi
sau đó từ 1987 đến 1988 liên tục lấn chiếm đảo của Việt Nam: đảo
Louisa và một số bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, đánh
chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Hiện ráo riết xây đắp Gạc Ma
thành đảo nhân tạo khổng lồ có sân bay, cảng biển. Sau khi hoàn thành,
Gạc Ma sẽ là nơi Bắc Kinh giương oai diễu võ uy hiếp, khống chế các
nước ven bờ Biển Đông. Việc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền
kinh tế Việt Nam, chỉ là sự tiếp nối hàng chuỗi hành động diễn ra từ
cuối năm 1987 nhằm chiếm luôn cả Trường Sa. Đó là ý chí quyết không thay
đổi của Trung Quốc. Xin hỏi nhà văn Hoàng Quốc Hải, nếu chỉ dùng các
biện pháp hòa bình như chủ trương của đảng, chắc chắn Trung Quốc nuốt
gọn Trường Sa. Tới lúc đó liệu đảng có dám dùng tới vũ khí không ?”
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thưa
nhà văn Nhật Tuấn, việc anh hệ thống các chuỗi hành động mang tính xâm
lược của nhà cầm quyền Trung Quốc đủ tỏ rõ cái dã tâm thuộc về bản chất
của họ được ấp ủ từ lâu. Và họ đang thực hiện từng bước, mỗi khi thời cơ
đến. Cái học thuyết “Tọa sơn quan hổ đấu”, thực ra đó là thủ thuật lưu
manh của kẻ luôn chờ thời trục lợi.
Đơn cử như vụ tháng 1 năm 1974 là lúc ý
chí của người Mỹ ở Việt Nam đã rã rời. Và hai miền Nam – Bắc đang lo thủ
thế để diệt nhau. Chính lúc đó, quân Trung Quốc chớp thời cơ cướp đảo.
Sau này đọc lại các hồi ký của sỹ quan và binh lính trong quân lực Việt
Nam Cộng hòa, cho ta thấy ý chí bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc đối với
họ thật sục sôi. Họ hạ quyết tâm chiếm lại đảo. Bởi so sánh về khí tài
quân sự, Việt Nam Cộng hòa vượt hơn nhiều đối với Trung Quốc lúc đó. Đặc
biệt là với không quân. Quân chủng không quân đã lập nhiều phi đội,
quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược Trung Quốc cùng tất cả khí tài
của chúng, để hải quân đổ bộ lên tái chiếm Hoàng Sa. Bởi thời điểm đó
Trung Quốc chỉ sở hữu các loại máy bay Mig 15, Mig 17 của Liên Xô, loại
đó không thể bay ra chiến đấu tại Hoàng Sa và còn đủ xăng dầu bay về đất
liền. Thế nhưng cuối cùng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không phê duyệt
kế hoạch tác chiến, nghe đâu có sự can thiệp của tòa sứ Mỹ tại Sài Gòn.
Thế mới biết lòng yêu nước và quả cảm
của người lính là không giới hạn, nhưng nó bị cản trở bởi những đầu óc
ngu tối đang nắm giữ quyền lực nhưng lại phụ thuộc ngoại bang.
Thưa anh Nhật Tuấn, tôi đã nghiên cứu
khá kỹ về lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là giới cầm quyền Đại Hán, họ có
đầu óc hết sức bệnh hoạn, rằng bằng mọi cách phải cưỡi lên đầu thiên hạ
thay vì làm bạn với thiên hạ. Cái học thuyết “Tứ hải giai huynh đệ” của ông Khổng Tử, chỉ là lời nói suông giả dối. Cũng chính ông ta đưa ra thuyết “Tứ di”.
Nghĩa là các nước bao quanh Trung Quốc gồm bốn phương: Đông, Tây, Nam,
Bắc thì họ gọi là: Đông di, Tây nhung, Bắc địch, Nam man. Tức là các dân
tộc khắp bốn phương chỉ là sâu bọ, chó má thôi. Bởi chữ “ địch” có bộ
“khuyển”, chữ “man” có bộ “trùng”. Còn Trung Quốc của Khổng Tử là “Hoa
Hạ”, tức là đẹp đẽ văn minh, nên có sứ mệnh giáo hóa “ Tứ di”.
Cái thứ văn hóa tự đề cao mình và coi
khinh thiên hạ, tự nó đã không có nhân tố văn hóa rồi. Cho nên cái văn
minh của nó là văn minh ăn cướp. Bởi thế, việc xâm lấn hoặc ăn cướp đất
đai trở thành bản chất kẻ cướp. Khi họ yếu thì họ lấn, một xăng ti mét
họ cũng lấn. Khi họ mạnh thì họ cướp. Cướp theo kiểu xung đột biên giới
chứ không dùng chiến tranh tổng lực. Đem quân ra khỏi biên giới làm
chiến tranh tổng lực, chưa bao giờ Trung Quốc thắng. Cứ chiêm nghiệm mà
xem. Ngoài biển cũng thế thôi, họ cứ nhập nhèm biến vùng không có tranh
chấp thành yếu tố tranh chấp, rồi mới chịu thương lượng, và đòi chia cái
không phải của họ và chưa bao giờ thuộc về họ. Đó là quốc sách truyền
đời của Hán tộc. Xa xưa người Hán chỉ lưu trú quanh quẩn trong lưu vực
sông Hoàng Hà, nghĩa là họ cũng nhỏ bé như các tộc người khác. Nhưng họ
được sở hữu một đồng bằng phì nhiêu, nên kinh tế, văn hóa sớm phát
triển. Và chỉ bằng việc lấn và cướp đất, đã nuốt chửng hàng trăm quốc
gia và bộ tộc khác xung quanh nó. Và họ Hán hóa bằng chính văn hóa của
Hán tộc. Vì vậy ngày nay, Trung Quốc chỉ đồng tự chứ không đồng ngôn.
Nghĩa là chỉ thống nhất được về chữ viết chứ chưa thống nhất được về
tiếng nói.
Năm 1950, họ nuốt chửng cả một nước Tây
Tạng, rồi năm 1962 họ gây hấn với Ấn Độ, cướp một dải đất biên giới tới
50.000km2. Cho tới nay họ còn đòi cả bang Amurachal Pradesh của Ấn Độ
nữa kia. Thế thì việc họ vẽ cái bản đồ hình lưỡi bò trùm lên hết tất cả
các phần thềm lục địa của các nước khác, vi phạm trắng trợn Công ước
quốc tế về Luật biển UNCLOS mà họ cũng là một bên ký kết là nằm trong
tham vọng của họ. Họ bất chấp cả công lý và đạo lý và tự thi hành một
thứ luật rừng. Và viên Bộ trưởng Bộ quốc phòng đưa ra một thứ chứng cớ
bất minh tuồng như dân lục lâm Thủy Hử,rằng vùng biển này đã thuộc về
Trung Hoa từ 2200 năm trước, nay mới thực thi chủ quyền.
Số phận dân tộc ta phải sống bên cạnh
một hàng xóm gian manh đáng kinh tởm như vậy. Chỉ hớ hênh một chút,
không chỉ mất mạng mà còn mất nước không chừng.
Thưa anh Nhật Tuấn, phần kết thúc câu
hỏi một, anh có ý nhấn mạnh: “Xin hỏi nhà văn Hoàng Quốc Hải, nếu chỉ
dùng các biện pháp hòa bình như trước của Đảng, chắc chắn Trung Quốc
nuốt trọn Trường Sa. Tới lúc đó liệu Đảng có dám dùng tới vũ khí
không?”.
Trước hết anh hãy nhìn ra biển Đông, xem
hàng ngày các lực lượng chấp pháp của chúng ta đang xua đuổi bọn cướp
biển. Thì trước đây nó xâm phạm vùng biển chủ quyền của mình, bắt ngư
dân, cướp ngư cụ, tịch thu tàu thuyền, đòi tiền chuộc y hệt bọn cứop
biển Xô-ma-li mà ta chỉ dám kêu “tầu lạ”. Ngay việc nó cắt cáp tầu Bình
Minh và “ Vi king” đang làm nhiệm vụ thăm dò dầu khí trong vùng biển của
mình, cũng chỉ dám kêu là “ tầu lạ xâm phạm”. Như thế là ta đã dám chơm
chớm tháo cái vòng kim cô “ Bốn tốt” và “ Mừoi sáu chữ” gông xiềng rồi
đấy chứ.
Ngoài việc lực lượng chấp pháp ngày đêm
xua đuổi lũ cướp biển HD- 981, thì hàng ngày Đài Truyền hình trung ương
và các Đài của trên 60 tình thành ra rả chửi bọn cướp biển, và tung hình
chúng nó hung hăng đâm, húc và bắn súng nước vào tầu của ta, không chỉ
cho dân ta mà cho cả thế giới đều biết. Lại nữa Hội thảo và họp báo cả
trong và ngoài nước, nói về bằng chứng lịch sử chủ quyền của ta trên hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho tới khi giặc Trung Hoa cưỡng chiếm
năm 1974 và 1988.
Thưa anh Nhật Tuấn, trong câu hỏi của
anh, tôi cảm nhận như anh vẫn lo lắng rằng ta sợ Tầu. Không phải đâu,
cái gì cũng phải có lộ trình chứ. Cứ nôn nóng đi trước một bước như mọi
năm dân ta đi biểu tình chống Trung Quốc, khối người bị bắt, bị tù đấy
thôi. Còn như trên mặt báo công khai mà nói đến Hoàng Sa là cấm kỵ.
Tình hình bây giờ khác rồi Nhật Tuấn ạ.
Tôi vừa có một bài khá dài nói về lịch sử thực thi chủ quyền trên hai
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ17 tới nay, và lịch
sử không Trường Sa, Hoàng Sa của Trung Hoa và cả lịch sử họ ăn cướp hai
quần đảo của ta như thế nào. Bài đăng trang trọng trên “Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm” của Hội ta hẳn hoi. Nói dại chứ chỉ cách đây dăm tháng thôi mà viết thế, thì…bố ai dám in.
Theo tôi, cái gì cũng phải công bằng,
tôi thấy mặt trái của sự xâm lược (Giàn khoan HD- 981) này, nó giúp ta
sáng mắt ra đấy. Để biết ai là bạn ai là thù. Ta hãy nghe những lời phát
biểu của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Mở đầu cho cuộc phản kích tự vệ theo lập
trường của Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông phát biểu sau vụ
giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm lấn vùng biển đặc quyền kinh tế về
quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam: “ Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” ( 22-5-2014).
Sau cuộc tiếp xúc với Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “ Việt Nam cân nhắc hòa bình hữu nghị với Trung Quốc, nhưng phải giữ được chủ quyền”.
Buổi họp Quốc hội chiều 2-6-2014, đại biểu tỉnh Thanh Hóa bức xúc nói:, Không
bán mình cho quỉ dữ và không đẩy nhân dân của chúng ta vào chốn hòn tên
mũi đạn chiến tranh” “ Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà
cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục.”
Ngày 21 tháng 6 Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang khi trả lời TTX Việt Nam, ông có trích nguyên văn lời vua Lê Thánh
tông răn dạy các triều quan đi đàm phán với phía Trung Hoa về biên giới
lãnh thổ .
Tiếp đó ông nói: “Trung Quốc đã đơn phưong vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế”.
Như vậy lập trường của Nhà nước và của
Đảng cộng sản Việt Nam đối với hành vi xâm phạm (đúng ra là xâm lược)
của phía Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng đặc quyền
kinh tế thềm lục địa của ta là rõ ràng và dứt khoát.
Những phát biểu đó là đại diện cho ý
nguyện của toàn dân đối với đất đai, sông núi, biển trời của Tổ Quốc. Nó
được đổi bằng xương máu của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Tới
lúc này mà kẻ nào còn mơ hồ nhận họ là “ bạn” là “ chiến hữu” nữa, chắc
sẽ tự xếp mình vào hàng ngũ Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn
Hoan…
Mà này Nhật Tuấn, cái chỗ anh hỏi: “ Tới lúc đó Đảng có dám dùng tới vũ khí không?”.
Tôi thấy câu hỏi ấy hình như chưa ổn. Chỗ này tôi sẽ bàn với anh sau.
Nhưng cái việc dùng tới cơ bắp, bao giờ cũng là hạ sách. Thì Tầu chẳng
đang dùng cơ bắp và cũng đang làm trò cười cho thế giới đó sao. Chỗ này
thì mưu Tầu quá thấp. Hay nói cách khác, cu cậu nóng ăn quá, trỗi dậy
non quá. Thành thử nó là một cú tự lật mặt rất ngoạn mục. Bởi họ cam kết
“ trỗi dậy trong hòa bình” và “ không bá quyền”.
Trở lại câu hỏi: “ Tới lúc đó Đảng có dám dùng tới vũ khí không?”.
Đây là việc mất còn của cả một dân tộc. Việc ấy thuộc về toàn dân. Dân
quyết thì không một kẻ thù nào dù mạnh như quân Mông Cổ thế kỷ 13, cũng
chỉ một “ Diên Hồng” là xong. Giặc Minh thế kỷ 15, cũng chỉ một ngọn cờ
nghĩa của Lê Lợi cũng xong. Nhưng trước đó Hồ Quý Ly hết thành này đến
lũy nọ, nhưng số phận của cha con ông ta cũng kết thúc chóng vánh. Tất
cả đều bị giặc Minh bắt, giết, hoặc cầm tù. Chỉ vì ông ta khinh dân,
không cho người dân có một vai trò gì hết, ngoài việc làm bia đỡ đạn. Đã
thế thì nước ấy là của cha con Hồ Quý Ly chứ không phải của nhân dân
Đại Việt nữa.
Nhân dân Đại Việt lúc đó không hợp tác
với kẻ đã đàn áp họ, khinh thị họ. Nhưng sau đó họ quay về hợp tác với
Lê Lợi, dù phải nằm gai, nếm mật gian khó tới mười năm mới đuổi xong
giặc.
Nói cho cùng thì việc giữ nước, thời nào
cũng vậy đều thuộc về dân, đều là máu xương của dân cả. Dù Ngô Quyền
hay Lê Hoàn, dù Trần Nhân tông hay Lê Lợi, dù Lý Thường Kiệt, Trần Hưng
Đạo,Quang Trung hay Võ Nguyên Giáp…nếu dân không theo, cũng chẳng làm
nên trò trống gì.
Xứ sở chúng ta thời nào cũng có giặc. Vì
vậy, từng tấc đất, từng ngọn cỏ, gốc cây đều thấm máu cha ông ta. Chính
những người dân ấy làm nên nước non này, phải kính trọng họ.
Từ mấy ngàn năm nay, với dân tộc ta, tội
ác thường do giặc phương Bắc gây ra, không giấy bút nào mà chép ghi
cho xuể. Đúng như nhà thơ Lưu Trùng Dương đã viết:
Từng chiếc lá giặc ghi từng tội ác
Mỗi gốc cây ta khắc một căm hờn.
Thưa nhà văn Nhật Tuấn, với Hồ Quý Ly,
đó là bài học lịch sử đau đớn nhất mà dân tộc ta phải trả giá. Cứ yên
tâm đi Nhật Tuấn, nhân dân ta bây giờ thông minh và sáng suốt lắm, tới
mức hai chữ đó phải viết hoa: NHÂN DÂN.
Dân tộc ta đã trải non nửa thế kỷ chiến
tranh, nên chúng ta yêu quí hòa bình hơn cả châu ngọc. Chẳng hay ho gì
việc nổ súng đánh nhau. Nhưng nếu cực chẳng đã, không còn chỗ để lùi mà
nhân nhượng nữa, kẻ thù buộc ta phải cầm súng. Tới lúc đó NHÂN DÂN sẽ ra
lệnh !
Nhà văn Nhật Tuấn: Các
nhà lãnh đạo VN khi trả lời TQ thường viện ra những “thỏa thuận cấp
cao” , “đại cục”. Nó là cái gì vậy ? Những thoả thuận cấp cao đó nếu
liên quan tới lãnh thổ đã được quốc hội thông qua chưa ? Và vì sao không
công bố cho toàn dân…”
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Cái “đại cục”
chưa từng được công bố như nhà văn Nhật Tuấn hỏi đó, tôi chắc là đã có
thỏa thuận ở cấp cao. Làm sao mà tôi biết được nội dung của nó. Bởi nó ở
cái tầng nấc cao tít, có ngửa đến gẫy cổ cũng chẳng nhìn thấy.
Còn “vì sao không công bố” cũng
là một câu hỏi đi vào ngõ cụt. Làm sao mà tôi trả lời anh được. Hoặc đó
là bí mật của các nhà lãnh đạo hai nước mà họ cam kết không nói ra.
Hoặc nó thuộc phạm trù tế nhị khó nói lắm. Có trời mà biết được. Tốt
nhất anh đi hỏi các đời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bắt đầu từ
ông gọi là “đổi mới”, gọi là “cởi trói” – Ông Nguyễn Văn Linh ấy. Kế đó
là các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Đương kim là ngài
Nguyễn Phú Trọng.
Ông Linh chết rồi đã có các ông khác kế
tiếp. Họ đã từng nắm vận mệnh quốc gia, qua những bước thăng trầm lịch
sử. Đại cục là ở đấy, cứ hỏi họ là biết tuốt.
Nhà văn Nhật Tuấn: Có ý kiến cho rằng “Giữ quan hệ với Trung Quốc là giữ được chế độ. Mỹ vẫn là kẻ thù lâu dài.” là chủ trương lớn của đảng. Nhà văn nghĩ sao ?”
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhà văn Nhật Tuấn chắc không phải đảng viên Cộng sản, nên cứ hỏi kề cà, đôi khi lạc đề.
Anh nên nhớ Đảng cộng sản Việt Nam lãnh
đạo toàn diện. Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
đã hiến định rồi.
Đến lớn như cơ quan quyền lực cao nhất
của toàn dân là Quốc hội, còn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và nhỏ như
“nuôi con gì”, “trồng cây gì” của người nông dân cũng đều dưới sự lãnh
đạo của Đảng cả. Mới vài ngày gần đây thôi, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng
bí thư Đảng cộng sản Việt Nam còn ra tận đảo Phú Quý (Bình Thuận) khuyên
ngư dân phải đóng tầu to, ra khơi xa đánh bắt cá mới tăng được sản
lượng khai thác, và bảo vệ biển đảo cho Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng
vừa toàn diện vừa sát sao đến vậy đó. Thế thì cái việc xác định ai là
bạn, ai là thù để có lợi cho Đảng, sao chẳng thuộc về chủ trương đường
lối của Đảng. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, không ai có thể chia sẻ
được quyền lãnh đạo ấy. Đây là chuyện bất khả bàn.
Anh lại hỏi: “Nhà văn nghĩ sao?” Việc đã rõ rành rành như thế lại còn hỏi “nghĩ sao”.
Tuy nhiên, tôi vẫn có thể trả lời anh về
suy nghĩ của riêng mình. Rằng tôi chỉ có một niềm suy nghĩ mà không gì
có thể chuyển lay được. Đó là nghĩ về Tổ quốc tôi và Nhân dân tôi. Bởi
tôi thuộc về họ.
Nhà văn Nhật Tuấn: Qua
chuyến sang Hà Nội của Dương Khiết Trì, các nhà lãnh đạo VN có dịp phát
hiểu rất hăng hái đòi rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng lãnh hải VN và
biểu lộ quyết tâm giữ nước đến cùng, báo chí cũng đã được phép nói nhiều
về những tham vọng, thủ đoạn thâm độc của Trung Quốc. Vậy sao biểu tình
chống Trung Quốc vẫn bị cấm triệt để ? Có phải để làm vừa lòng Trung
Quốc không ?”
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Thưa nhà văn Nhật Tuấn, về cái chuyện biểu tình, anh nên nhớ, nước mình
thường có chuyện trái khoáy. Hiến pháp từ năm 1946, 1959, 1980,
1992…đều ghi công dân có quyền biểu tình, có quyền lập hội và nhiều
quyền khác nữa. Nhưng Quốc hội bận trăm công nghìn việc nên chưa kịp làm
luật. Mà chưa có luật anh đã làm, lại làm không đúng lúc chính quyền
cần thì anh bị cấm, thậm chí bị bắt, bị cầm tù vì biểu tình trái phép.
Trái phép tức là trái pháp luật. Mà luật thì chưa có, mới thực sự khó
cho người dân muốn biểu lộ sự yêu mến hoặc bức xúc của mình.
Sau vụ “giàn khoan HD 981” tôi cũng đi
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Chúng tôi đi đông lắm. Đến tận vườn
hoa Canh Nông, ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc, hô khẩu hiệu đả đảo
và đòi rút ngay lập tức gian khoan ra khỏi vùng biển quyền chủ quyền của
Việt Nam. Xong lại giễu về tận vườn hoa Lý Thái Tổ, rồi tản về các phố.
Chúng tôi đi, công an còn phải chạy theo giữ trật tự, không cho ô tô và
xe máy cản đường của người biểu tình.
Thế vì sao sau đó lại cấm biểu tình? Là
bởi có các vụ biểu tình đập phá, tức là phá hoại ghê gớm ở Bình Dương, ở
Hà Tĩnh khiến Chính phủ phải è cổ đền bù các nhà đầu tư, nghe nói tới
cả hàng trăm triệu Đô đấy. Cũng lại nghe nói vụ ấy là bọn gián điệp Tầu
cài cắm cùng bọn thân Tầu gây ra. Cho nên cái sự biểu tình ở ta nó phức
tạp lắm anh Nhật Tuấn ạ. Đành phải chờ khi nào Quốc hội vãn việc đã, mới
có thì giờ soạn luật. Lúc ấy, dân ta sẽ biểu tình đúng luật như dân
Thái Lan. Dân Thái biểu tình tới gần năm trời, chính phủ vẫn cứ phải tôn
trọng, cho đến khi cả nội các đổ kềnh.
Nhà văn Nhật Tuấn: Vừa
rồi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời Thông tấn xã, có nói: “Tôi
xin nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được
ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của
ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ
lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày
rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.
Vậy thì để mất Hoàng Sa, Gạc Ma, thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, mấy trăm
kilômét biên giới phía Bắc…những ai sẽ phải tru di đây?”
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Trong
tình hình an ninh đất nước đang bị đe dọa, biển đảo đang đứng trước
nguy cơ bị lấn cướp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mượn lời nhà vua Lê
Thánh Tông nói với toàn dân , như thế là thượng sách, vì nó rất hợp với
lòng dân.
Anh lại hỏi việc để mất Hoàng Sa năm
1974, mất một số đảo thuộc Trường Sa năm 1988, đều do giặc Trung Hoa
dùng lực lượng áp đảo cưỡng chiếm. Đó là hành vi xâm lược. Đất đai đi ăn
cướp không thể tuyên bố chủ quyền. Không có luật pháp nào thừa nhận
nó.
Còn như thác “Bản Giốc”, ải “Pha Lũy” hoặc “Ải Bắc” mà bên kia gọi là “Mục Nam Quan” anh bảo mất về tay Trung Quốc.
Phần biên giới đất liền, đã có lần tôi
xem ông Trưởng ban biên giới nói trên Đài truyền hình Trung ương rằng:
“Không có chuyện mất đất về tay Trung Quốc. Chỉ có sự hai bên điều
chỉnh. Chỗ thì Trung quốc lấn sang ta, chỗ thì ta lấn sang Trung Quốc
sau điều chỉnh”.
Thưa anh Nhật Tuấn, tôi là người viết
tiểu thuyết lịch sử, nên rất kỹ tính trong xử lý tư liệu, cho nên tôi
phải đi điền dã đối chiếu thực địa so với tư liệu. Vùng biên giới Quảng
Ninh thì tôi làm báo ở đó tới 5 năm, nên tôi biết khá rõ. Còn như biên
giới ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang thì các năm 1977, 1978 tôi
theo xe Văn hóa của Nhà văn hóa Trung ương đi tuyên truyền trở đi trở
lại nhiều lần. Trước chiến tranh biên giới (tháng 2/1979), tôi viết khá
nhiều phóng sự về biên ải, nên cũng am hiểu về biên thùy phía Bắc.
Sau khi Hiệp định biên giới được ký giữa
hai nước, tôi lại đi điền dã một lần nữa, thật ra là nhiều lần Nhật
Tuấn ạ, để xem cái phần hai bên điều chỉnh ta được thêm ra ở chỗ nào và
hụt đi ở chỗ nào.
Tới đồn biên phòng nào tôi cũng hỏi cái
phần dôi ra hoặc phần mất đi. Ví dụ đến đồn A, tôi bảo biên giới trước
kia ở đoạn mãi tít kia cơ mà. Anh em bảo mới đến không biết mới cũ thế
nào, chỉ biết cái hiện tại. Lúc vắng người lại nói thật, đúng là ở chỗ
như bác nói đấy. Nhưng ở đây ta thiệt một chút thì đồn B bên tỉnh kia ta
lại lợi một ít.
Theo tôi, đó là phần anh em biên phòng
được phổ biến, chứ chỗ tôi quan sát thì không hẳn vậy. Ví như bãi Tục
Lãm, nơi cửa sông Bắc Luân, trước chiến tranh hoàn toàn thuộc về ta. Nay
thì họ chiếm mất một phần. Tôi có bản đồ so sánh. Cái phần ấy tự thân
nó vô nghĩa. Nhưng nó liên quan đến việc phân chia vịnh Bắc Bộ. Chuyện
này dài lắm. Đại loại là vậy. Tôi chắc sau này Quốc hội sẽ phải công
khai chỗ bây giờ đang khó nói với quốc dân đồng bào, bằng một loại bản
đồ so sánh.
Anh hỏi cái phần đất đai Trung Quốc cưỡng chiếm và cả lấn chiếm ấy, ai chịu trách nhiệm?
Bản chất chế độ ta là làm chủ tập thể.
Quyền làm chủ ấy thuộc về tập thể, tức là thuộc về toàn dân. Cho nên, từ
việc lớn đến việc nhỏ đều do tập thể quyết. Về phương diện cá nhân
không ai phải chịu trách nhiệm cả. Ngay như việc Vinashin để thất thoát
tới 84 ngàn tỷ đồng, các đại biểu Quốc hội thắc mắc về xử lý kỷ luật thế
nào. Ngài Chủ tịch Quốc hội nói một cách nhẹ tênh: “Bộ Chính trị xem
xét rồi, không kỷ luật ai cả”.
Thế thì cái việc quy trách nhiệm cho ai,
ai phải chịu trách nhiệm như nhà văn Nhật Tuấn hỏi.
Theo tôi từ cơ chế
làm chủ tập thể mà suy, chắc là Nhân dân phải chịu trách nhiệm trước
lịch sử thôi chứ còn phải bàn cãi gì nữa.
Nhà văn Nhật Tuấn: Anh
cho tôi hỏi thêm một câu hỏi phụ để kết thúc buổi trò chuyện giữa chúng
ta cho nó có hậu. Như ông Chủ tịch Quốc hội nói: “Tình hình an ninh đất
nước đang bị đe dọa”. Theo anh, trong tình thế này chúng ta nên làm gì?
Tôi biết anh rất ngại nói, vì mọi người đều biết rằng, nói cũng chẳng
có ai nghe. Nhưng chẳng nhẽ chúng ta lại tự khóa miệng mình sao?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Anh như người làm xiếc vậy, vừa tung vừa hứng. Về cái việc nói và nghe,
tôi nhớ vào năm 1995 hoặc 1996 gì đó, lãnh đạo Thành phố Hà Nội có mời
trong diện hẹp, gọi là một số văn nghệ sĩ và nhà khoa học tiêu biểu. Vì
trong giấy mời có đề nghị viết tham luận hoặc chuẩn bị phát biểu ý kiến
về vấn đề xây dựng và phát triển đất nước. Tôi có viết một tham luận
ngắn khoảng non ngàn chữ, trong đó tôi đề cập mấy vấn đề.
- Một là nhà nước nên chú trọng đầu tư vào ngành đóng tầu biển.
- Hai là lập một rồi phát triển ra thành
nhiều đoàn tầu vận tải biển. Việc chuyên chở hàng hóa Bắc – Nam hoặc
Nam – Bắc chủ yếu bằng đường biển để hỗ trợ cho ngành đường sắt ọp ẹp và
quốc lộ 1A vừa hẹp vừa bị ách tắc trong mùa mưa bão. Hơn nữa, giá thành
vận tải biển rẻ hơn đường bộ và đường sắt rất nhiều.
- Ba là hỗ trợ ngư dân và đào tạo ngư
phủ, để lập những đoàn tầu cá trọng tải lớn, công suất cao để đánh bắt
xa bờ, tiến tới mỗi tỉnh có một đoàn tàu cá mạnh như một hạm đội nhỏ.
Việc đó có lợi, vừa thu hải sản, vừa lúc
nào tầu thuyền ta cũng có mặt để canh giữ mặt biển. Và nó hỗ trợ khá
nhiều cho lực lượng hải quân và cảnh sát biển. Khi có chiến tranh, những
đội tầu vận tải đó, và cả tầu cá có thể cải tạo thành tầu chiến.
Tôi trình bầy tham luận xong, thấy Ban
tổ chức có vẻ lạnh nhạt, duy có nhóm tác giả biên soạn “Từ điển bách
khoa” thì bắt tay chia sẻ.
Thật tình những cuộc họp hành như thế, người ta tổ chức cho nó có đầu việc và để tiêu tiền, chứ không cần ai hiến kế.
Hiện nay về phía Nhà nước, tôi chắc
những người có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia đã có đối sách và cũng
chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chẳng nhẽ chỉ có vài lời khẳng định
chủ quyền mà giữ được toàn vẹn lãnh thổ sao.
Nước mình có thói quen cứ cháy nhà mới bắt đầu sắm phương tiện chữa cháy.
Theo tôi, có mấy việc nên làm khẩn cấp.
1 – Cổ vũ lòng yêu nước chân chính tiềm
ẩn trong trong mỗi công dân. Tuyệt đối không khuấy động tinh thần dân
tộc chủ nghĩa, không khích động hận thù dân tộc, nhưng phải coi trọng
các giá trị truyền thống.
2 – Huy động trí lực, tài lực, vật lực trong nhân dân. Chúng ta không thiếu nhân tài, không thiếu của cải.
Nếu dân đủ tin, thì việc huy động tiền
bạc để trang bị khí tài phòng thủ như máy bay, tên lửa, tàu ngầm, tầu
khu trục đủ sức bảo vệ 3200 km bờ biển và trên một triệu km2 mặt biển,
mà ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế là
việc trong tầm tay.
Gần đây ông Phạm Ngọc Lân, chủ của Tập
đoàn Đức Khải, quyết tâm đầu tư một số tiền lớn để mua 100 tầu đánh cá
loại công suất lớn, và hai máy bay trực thăng với một khát vọng là góp
phần nhỏ bé giúp ngư dân ra xa bám biển, giữ chủ quyền.
Tôi nghĩ những người giầu, có lòng ái
quốc như ông Lân không thiếu. Họ chỉ băn khoăn tiền ấy có được tiêu vào
việc giữ gìn quốc sỉ và bảo vệ quốc gia hay không.
3 – Phải kết bạn đồng minh.
Như hiện nay, ta mới chỉ có người quen,
tựa như một thứ bạn gặp nhau trong ngày hội, gặp nhau ngoài phố, ngoài
chợ. Sau đó có thể nhớ cũng có thể quên mặt ngay. Bạn như thế sao có thể
vì nhau, có thể giúp nhau khi hoạn nạn.
Muốn làm bạn thật sự, phải có liên kết
đồng minh, phải có cùng chí hướng, cùng lợi ích. Như thế mới vì nhau mà
chia ngọt, sẻ bùi, gắn kết với nhau khi nguy nan.
Hiện nay, ta chỉ có một người “bạn”, người hàng xóm, giả vờ kết thân với ta, có vẻ như tâm đồng ý hợp. Nào là:
Sơn thủy tương thông
Tư tưởng tương đồng
Vận mệnh tương liên
Lại còn đúc kết tình thân ấy thành 16 chữ, kêu nó là 16 chữ vàng để làm tiêu chí cho ta phấn đấu:
Láng giềng hữu nghị
Hợp tác toàn diện
Ổn định lâu dài
Hướng tới tương lai
Quan sát những gì xảy ra từ mấy chục năm nay về cách hành xử của “bạn”, dân gian cũng có 16 chữ họa lại:
Láng giềng hiểm độc
Cướp đất toàn diện
Lấn biển lâu dài
Thôn tính tương lai
Thế mới biết, dân ta sáng suốt và luôn tỉnh táo, cảnh giác.
Muốn vận nước thoát khỏi bước nguy nan,
ta phải nhanh chóng đoạn tuyệt với loại bạn phản phúc, nhưng chớ biến nó
thành thù. Và cũng phải khẩn trương tìm lấy đồng minh mà kết thân, phải
tựa vào nhau mới bảo vệ được mình.
Trên thế giới hiện nay, khách quan hình
thành nhiều đồng minh chống Trung Quốc. Tức là chống sự hung hăng gây
hấn của họ nhằm lăm le ngôi bá. Tuy vậy, mỗi liên minh đều có tiêu chí
của nó. Không đủ tiêu chí người ta không cho nhập hội.
4 – Muốn làm được các việc trên phải có
cải cách sâu rộng về nền dân chủ. Phải thiết lập một xã hội công dân,
trong đó các quyền cơ bản của con người trong thế giới văn minh ngày nay
phải được tôn trọng. Hơn nữa, các thế hệ công dân Việt Nam từ 1945 tới
nay (chưa nói tới cả ngàn năm trước) hy sinh xương máu là để giành lấy
cái quyền cơ bản đó, ấy là ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, độc lập mà không có tự do (tức quyền sống của con người) thà không có độc lập còn hơn.
5 – Phải nhanh chóng hoàn thiện được hồ
sơ kiện Trung Quốc về cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò (từ 11 đoạn trở về
9 đoạn, nay là 10 đoạn) theo Luật biển quốc tế UNCLOS 1982 mà Trung
Quốc cũng là một bên kí kết.
Các học giả thế giới đều đồng tình với
ta, vì cả thế giới không chỉ thấy tính phi lý của đường lưỡi bò, mà còn
thấy cả mưu đồ bá quyền độc chiếm Biển Đông. Không ai xui dại ta cả,
ngoài Trung Quốc vừa đe dọa vừa khuyên ta không nên kiện cáo. Ta phải
đứng thẳng lưng và nói lớn, ta là một quốc gia có chủ quyền. Tại sao
Trung Quốc cứ khăng khăng đòi ta đàm phán song phương và không nên quốc
tế hóa. Song phương thì họ bảo “Hoàng Sa” không có gì để bàn. Họ sợ quốc
tế hóa vì quá khứ họ không có bằng chứng lịch sử, mà hiện tại thì họ
phạm luật.
Hãy nghe ông Daniel Schaeffer, thiếu tướng quân đội nước Cộng hoà Pháp trả lời báo Dân Trí ngày 20.6.2014: “Tôi
đã từng nói với đồng nghiệp của bạn ở Paris rằng: “Việt Nam là đất nước
Trống đồng” nên tôi nghĩ các bạn hãy “gõ trống” để cả thế giới thấy
được vấn đề. Asean cũng cần phải đoàn kết hơn để dẫn đầu cuộc vận động
khắp thế giới chống lại Trung Quốc”.
Dư luận thế giới ủng hộ ta, công lý
thuộc về ta, cả dân tộc đồng lòng đứng sau Nhà nước. Vậy nhà nước còn do
dự gì nữa. Nếu lãnh đạo Nhà nước còn phân vân nên làm một cuộc thăm dò
bằng hình thức cho toàn dân bỏ phiếu. Nhiều báo mạng đã thăm dò bạn đọc,
tại sao không công bố?
Do dự để mất thời cơ làm thiệt hại đến
đất đai, sông biển, sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch
sử, như lời Lê Thánh Tông mà Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trích dẫn. Xin
đưa lại ý đó của Chủ tịch: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ
nào lại vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần.
Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bầy rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.
6 – Tình thế cấp bách, lúc này Nhà nước phải đặt lòng tin vào dân. Nhưng phải bộc lộ được những phẩm chất cần thiết để dân tin.
Nếu Nhà nước và toàn thể dân tộc (kể cả ở
trong và ngoài nước) đoàn kết thành một khối, tự thân nó sẽ là sức mạnh
siêu thần nhập hóa để giữ nước khiến kẻ thù phải nản chí. Nếu làm ngược
lại, sẽ là thảm họa khôn lường, nó đồng nghĩa với việc tự mình dâng
nước cho giặc.
Hà Nội, 5.7.2014.
Độc lập mà không có tự do (Tự do Tín ngưỡng, Tự do hội họp,Biểu tình Tự do tư tưởng, Tự do Báo chí...) thà không có độc lập còn hơn.
Trả lờiXóa