Đừng để các nhà nghiên cứu mong ngóng tiền
PGS-TS Ngô Đức Thọ cho rằng khi một nhà nghiên cứu tự mang bị đi
xin kinh phí để nghiên cứu thì việc nghiên cứu cũng sẽ ảnh hưởng. Đó không chỉ là cách đối xử không công bằng với di sản mà làm việc nghiên cứu bị băm nhỏ, không theo trình tự nào.
PGS-TS Ngô Đức Thọ sinh năm 1936 tại Hà Tĩnh. Ông từng nhiều năm làm việc tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và giữ vai trò trưởng Ban Văn bản học tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).Nhiều công trình chuyên khảo của ông được đánh giá là đặt nền móng cho một số ngành xã hội: Công trình Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại được GS Hà Văn Tấn đánh giá là đặt nền móng cho môn tị húy học Việt Nam; công trình Cơ sở văn bản học Hán Nôm cũng được coi là một cuốn sách đặt nền móng cho ngành văn bản học Hán Nôm Việt Nam.Ông cũng là dịch giả các tác phẩm Hán Nôm có giá trị như Đại Việt Sử ký toàn thư, Văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử giám, Thiền uyển tập anh, Nam triều công nghiệp diễn chí, Đồng Khánh địa dư chí, Hoàng Việt hưng long chí...
Tròn một tuần trước, lễ trao Giải văn
hóa Phan Châu Trinh lần thứ VII năm 2014 đã trao giải Dịch thuật cho
PGS-TS Ngô Đức Thọ. Ông là cháu đích tôn của nhà chí sĩ yêu nước Ngô Đức
Kế. Ông hiện là chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm, là một nhà nghiên cứu
chuyên sâu và tâm huyết.
Lý do Hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Phan
Châu Trinh trao giải thưởng Dịch thuật cho PGS-TS Ngô Đức Thọ bởi những
đóng góp xuất sắc của ông trong dịch thuật và truyền bá văn hóa Hán Nôm.
Còn với PGS-TS Ngô Đức Thọ thì việc nhận giải thưởng lần này là “sự
nhắc nhở với tôi trong nghề nghiệp nghiên cứu”. Để đến nay đã gần 80
tuổi nhưng mỗi ngày ông Thọ đều làm việc bởi trong con đường nghiên cứu,
dịch thuật Hán Nôm ông vẫn thấy còn quá nhiều việc dở dang, nhiều việc
cần làm…
Ngôn ngữ Hán Nôm vẫn là mảnh đất trống
. Phóng viên: Niềm
đam mê với những thư tịch Hán Nôm của ông đến từ ngày bé qua bà và ông
nội. Việc sinh ra trong gia đình Nho học có phải là ưu thế cho việc tiếp
tục nghiên cứu Hán Nôm của ông?
+ PGS-TS Ngô Đức Thọ:
Sinh ra trong gia đình Nho học rất quan trọng. Nó không chỉ giúp tôi
trong con đường học thuật sau này mà cả trong cuộc đời. Tôi luôn nhớ
truyền thống đạo đức tốt đẹp của Nho gia. Từ hồi nhỏ, bà nội tôi dẫn đi
học chữ Hán. Là vợ cụ nghè Ngô Đức Kế nên bà cũng là người rất am hiểu
vấn đề văn hóa cổ. Những câu chuyện hằng ngày, với tôi, bạn bè hay bất
cứ ai, bà luôn dặn “gì thì gì nước mình tiếng Nho không bỏ được”.
. Vậy theo ông tầm quan trọng của di sản Hán Nôm đối với lịch sử, văn hóa Việt như thế nào?
+ Di sản Hán Nôm vô cùng quan trọng. Đó
là sản phẩm tinh thần quá khứ mà cha ông để lại. Tuy nhiên, cách hiểu di
sản Hán Nôm hiện nay cũng phải bàn thêm.
Hiện cách hiểu về di sản Hán Nôm chia
làm hai mảng: Hán Nôm là di sản về ngôn ngữ thể hiện trên chữ viết và
ngôn ngữ nói; và Hán Nôm là di sản thư tịch bi chí thể hiện qua văn bia,
sách vở. Chúng ta có nghiên cứu về di sản thư tịch Hán Nôm nhưng phần
di sản về ngôn ngữ vẫn chưa được lưu tâm nhiều. Trong khi đó trong lời
ăn tiếng nói hằng ngày của chúng ta hiện nay khoảng 60%-70% thành phần
từ Hán Việt. Chưa nghiên cứu về âm Hán Việt trong phần ngôn ngữ Hán Nôm
là thiếu sót vô cùng.
. Thiếu sót trong nghiên cứu âm Hán
Việt có dẫn đến hậu quả nhãn tiền nào không hay chỉ là thiếu sót của
việc nghiên cứu, thưa ông?
+ Chính việc chưa hiểu hết ngôn ngữ Hán
Việt trong lời nói hằng ngày nên nhiều thế hệ giờ dùng từ Hán Việt tương
đối tự phát. Ở nhà trường học không được bao nhiêu dẫn đến dùng từ Hán
Việt sai. Dùng sai khiến nhận thức sai, coi từ Hán Việt là của Trung
Quốc. Từ việc tưởng chừng nhỏ như thế mà các vấn đề di sản văn hóa bị
hiểu không đầy đủ. Đó là trách nhiệm của chúng ta, khi khai thác tương
đối tốt thư tịch nhưng lại bị hụt hẫng về mặt ngôn ngữ.
Thiếu chỉ đạo về tinh thần học thuật
. So với các chuyên ngành khoa học
xã hội khác, Hán Nôm là chuyên ngành không thu hút nhiều thế hệ trẻ học,
nghiên cứu, vì sao vậy, thưa ông?
+ Việc này hơi khó để đánh giá. Nếu nhìn
tổng quan thì người trẻ không quan tâm đến nhiều nhưng khi bước vào
những viện, cơ quan nghiên cứu chuyên biệt như Viện Hán Nôm, ĐH Sư phạm
Hà Nội… vẫn có nhiều anh chị em trẻ say mê nghiên cứu. Tuy nhiên, sự say
mê như thế đã phải là mong muốn chưa thì còn vấn đề.
PGS-TS Ngô Đức Thọ đọc diễn từ nhận giải Dịch thuật tại lễ trao Giải
thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vào ngày 24-3 tại TP.HCM. Ảnh: QUỲNH
TRANG
Các cơ quan, viện chưa có chính sách
khích lệ những nhà nghiên cứu trẻ. Ngành chúng tôi lương bổng hạn chế,
chỉ có lương, không có bổng nên có người trẻ nào cố theo thì họ phải cố
gắng hết sức để thoát khỏi gánh nặng cơm áo.
Nhưng quan trọng hơn, môi trường học
thuật của chúng ta chưa có sự giao lưu. Thời tôi, những lớp người nghiên
cứu cao tuổi, trẻ tuổi gặp nhau nhiều, còn giờ thì ai làm việc đó, rất
âm thầm mà thiếu sự trò chuyện kích thích nghiên cứu.
. Nhưng đâu chỉ Hán Nôm, nhiều ngành khoa học xã hội khác cũng đều đang bị kinh tế thị trường đè bẹp…
+ Đúng vậy. Khoan nói đến chính sách từ
phía Nhà nước, ngay việc xã hội hóa đã dành hàng ngàn tỉ đồng cho việc
xây chùa, thiền viện lớn…, trong khi đó một chút đỉnh cho nghiên cứu văn
hóa Hán Nôm hay khoa học xã hội không ai chú ý. Tôi chỉ mong sao đừng
nên để những người nghiên cứu tự mang bị đi xin tiền.
Khi họ tự mang bị đi xin thì việc nghiên
cứu cũng sẽ ảnh hưởng. Nhà nghiên cứu lúc đó chỉ chọn đề tài nghiên cứu
dựa trên cái gì họ yêu thích chứ không chọn nghiên cứu theo một trình
tự nào. Đây không chỉ là cách đối xử không công bằng với di sản mà một
phần từ đó mà việc nghiên cứu bị băm nhỏ, không theo trình tự nào.
. Trong suốt 50 năm qua, ngành Hán Nôm đã từng được lưu tâm lần nào để có những khoản đầu tư nghiên cứu thích đáng?
+ Ông Võ Văn Kiệt là người rất chú ý đến
việc nghiên cứu Hán Nôm. Đó là khoảng năm 1991, sau chuyến thăm
Malaysia, một đất nước có văn hóa Hán ảnh hưởng như Việt Nam. Vừa xuống
sân bay Nội Bài, ông Kiệt đã gọi điện thoại để đến thăm Viện Hán Nôm.
Ngay sau đó ông Kiệt chỉ đạo viện xây dựng đề án nghiên cứu Hán Nôm và
cấp ngay 1 tỉ đồng cho việc nghiên cứu. Chúng tôi không dám xài nhiều mà
1 tỉ đồng đó chia làm nhiều năm nghiên cứu (với 1 tỉ đồng, Dự án điều tra sưu tầm của
Viện Hán Nôm kéo dài khoảng tám năm – PV). Từ số tiền đó các nhà nghiên
cứu trong viện đi thực địa, sưu tầm và có rất nhiều thành quả. Còn lại
chưa bao giờ Viện Hán Nôm được một khoản nghiên cứu nào mang tính đề án
như thế từ Nhà nước cả. Để các nhà nghiên cứu mong ngóng tiền là quá tội
nghiệp!
. Xin cảm ơn ông.
Nguồn: PL TP HCM
Bây giờ ngành nào cũng có Viện Hàn Lâm . Thành viên Viện Hàn Lâm như ở Pháp được gọi là các nhà bất tử ( immortel) . Chắc VN cũng giống thế . Mong các cụ đừng chết vì đồng tiền mà công trình của các cụ bất tử và giúp ích cho con Đất Nước bây giờ và mai sau !
Trả lờiXóa