Thiếu hiểu biết hay thiếu tôn trọng di tích quốc gia?
Thời báo Ngân hàng - Tại
sao chủ đầu tư cũng như BQL lại không điều chỉnh bản thiết kế và xin ý
kiến các cấp có thẩm quyền khi “vấp” phải thực tế là bức bình phong đặt
ngay trước lăng mộ Ngô Quyền rất bức bí? Rõ ràng ở đây đã thể hiện một
sự thiếu thận trọng trong ứng xử với một di tích quốc gia.
“Dân chủ” và dân... nổi giận
Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội vừa yêu cầu
tạm dừng thi công trùng tu, tôn tạo Lăng vua Ngô Quyền (Sơn Tây, Hà
Nội) chờ xử lý thì Ban quản lý (BQL) di tích này đã vội vã quyết định
đập bỏ bức bình phong vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời
gian qua.
Lý giải cho hành động này, chủ đầu tư là
BQL Di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng, “đây là việc làm hết sức bình
thường” bởi “hình ảnh bẩn như thế cứ để đấy mà xem à? Cho nên đập bỏ là
vấn đề rất… nhân văn”.
Thế nhưng, trong một cuộc họp khá kín mà
BQL Di tích làng cổ Đường Lâm và Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn
Tây tổ chức để giải trình về thông tin báo chí nêu bức bình phong có con
“quái thú” ngự ngay trước lăng Ngô Quyền khiến người dân bức xúc trong
thời gian qua, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng BQL liên tục khẳng định, mọi
hoạt động tu bổ, tôn tạo đều làm theo trình tự, đúng pháp luật và đặc
biệt là rất dân chủ.
“Chúng tôi làm đúng theo thiết kế đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt, kể cả bức bình phong”, ông nói.
“Mọi văn bản đều có chữ ký của xã, của
đại diện nhân dân địa phương, dòng họ Ngô, kể cả cụ Từ trông coi lăng.
Đây là một dự án hết sức dân chủ. Dân chủ từ chuyện một cái cây. Khi làm
đường, thấy vướng một cái cây chúng tôi cũng tổ chức họp dân để xin ý
kiến về việc lượn đường một tí để giữ cây. Đường nước không đảm bảo tâm
linh, chúng tôi cũng họp dân để đồng thuận bỏ đường nước”, ông Sơn khẳng
định.
Về thông tin con “quái thú” trên bức
bình phong trước lăng Ngô Quyền, ông Sơn khẳng định, việc thi công chưa
đẹp là “điều rất bình thường” bởi “đã nghiệm thu đâu”, chủ đầu tư sẽ bắt
đơn vị thi công phải sửa trước khi nghiệm thu.
Vậy nhưng, dự án “hoàn toàn sạch về vấn
đề pháp lý” và “hết sức dân chủ” này lại khiến nhiều người dân địa
phương, dòng họ Ngô, các nhà văn hóa, di sản đều cho rằng bức bình phong
thiếu thẩm mỹ, bí bách và “mạo phạm” tới vua Ngô Quyền. Ngay như
PGS-TS. Trần Lâm Biền - người được coi là đã gợi ý với chủ đầu tư xây
thêm bức bình phong này cũng phải giận dữ gọi hình hổ trên bình phong là
“báo lai chó sói chứ không phải ông hổ thần linh”.
“Nhân văn” hay trái luật
Ông Phạm Hùng Sơn, Chủ đầu tư dự án |
Dư luận chưa hết ngỡ ngàng khi ông Sơn,
mặc kệ những bức xúc của người dân cùng những phân tích của các nhà văn
hóa, vẫn một mực cho rằng các ông đã làm đúng thiết kế, đúng luật, thì
lại một lần nữa bất ngờ thấy chủ đầu tư công trình này vội vã dỡ bỏ bức
bình phong. Theo ông Sơn, việc đập bỏ bình phong trước lăng Ngô Quyền là
hết sức bình thường, không trái luật và còn rất… nhân văn.
“Ngày 11/3 chúng tôi đã họp xã, thôn và
mời dòng họ Ngô họp nhất trí với chủ đầu tư phá dỡ bức bình phong”. Ông
Sơn nói thêm: “Chúng tôi không thể để báo chí... nói rằng trước mặt vua
là mãnh thú, là chó, là chuột... Biên bản họp với dân cũng có ghi rõ đề
nghị chủ đầu tư cho phá bỏ, không để người ta tiếp tục bôi bác chúng tôi
được. Về mặt nhân văn, thử hỏi như thế có được không?”.
Ngoài khía cạnh nhân văn, ông Sơn cũng
khẳng định việc đập bỏ cũng… “hoàn toàn đúng luật”. Ông giải thích: “Nhà
nước không mất tiền. Đơn vị thi công làm chưa đạt yêu cầu kỹ, mỹ thuật
khiến dư luận có ý kiến thì chúng tôi phải yêu cầu đơn vị thi công cho
điều chỉnh. Công trình đang thi công, chúng tôi chưa nghiệm thu bàn giao
thì nếu chưa đạt yêu cầu chúng tôi có quyền yêu cầu đập bỏ làm lại cho
tới khi đúng thiết kế thì thôi”.
Thế nhưng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn
Minh Khang, chuyên viên quản lý di tích của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn
hóa – Thể thao và Du lịch) lập tức phản bác: “Đây là việc làm do cơ quan
quản lý Nhà nước cấp phép, nên nếu anh thấy rằng cần điều chỉnh để phù
hợp với nhu cầu thực tế thì phải có văn bản của cấp trên thỏa thuận cho
phép anh phá mới được phá. Chứ không phải anh muốn làm thế nào thì làm,
hôm nay xây, mai dỡ là quyền của anh”, ông Khang lập luận.
Xung quanh sự việc này, nhiều câu hỏi
đang được đặt ra: Liệu việc vội vã đập bỏ bức bình phong khi cấp trên có
yêu cầu giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý của chủ đầu tư dự án tu bổ lăng
Ngô Quyền có “đúng luật”? Tại sao ngay từ đầu một hạng mục không phải
là hạng mục vốn có của một di tích cấp quốc gia lại được lắp đặt thêm
vào, để rồi lại phải vội vàng gỡ bỏ sau khi dư luận bất bình lên tiếng?
Tại sao chủ đầu tư cũng như BQL lại
không điều chỉnh bản thiết kế và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền khi
“vấp” phải thực tế là bức bình phong đặt ngay trước lăng mộ Ngô Quyền
rất bức bí, để di dời bức bình phong ra bên ngoài?...
Dù câu trả lời thế nào đi nữa thì rõ
ràng ở đây đã thể hiện một sự thiếu thận trọng trong ứng xử với một di
tích quốc gia của chủ đầu tư và BQL di tích nên đã phải chạy theo để
giải quyết tình thế khi vấp phải sự phản đối của dư luận.
Nguy hại hơn, đằng sau sự thiếu thận
trọng này, rất có thể, như phân tích của PGS-TS. Trần Lâm Biền, nó không
chỉ là do thiếu hiểu biết mà còn do những tiêu cực trong chi tiêu tài
chính: “Rõ ràng ở đây ta thấy tư tưởng làm lấy được. Nó có hai nguyên
nhân. Một là không hiểu biết. Hai là tìm cách thanh toán cho hết tiền
của nhà tài trợ”.
Bài và ảnh Hoàng Phương
Nguồn: Thời báo Ngân hàng
Bức bình phong được coi là một bức phù điêu - nghệ thuật . Vì vậy, giá của nó sẽ là vô giá hoặc giá sẽ là rât chi là là...là ...lớn (mà thường thường được các nhà làm nghệ thuật cho là khó tính được bằng tiền). Vì vậy, khi đã có nó trong hồ sơ dự toán công trình được duyệt rồi thì...thì...thì rất khó ....bỏ.
Trả lờiXóaCó ai đó tiếp xúc với dự án, xem trong dự toán nó là bảo nhiêu nhỉ ? Đảm bảo ý kiến trên của tôi sẽ trúng cho mà xem !
Đứng đầu một bộ phận chuyên chịu trách nhiệm về thẩm mỹ và văn hoá (di tích) như "cái gọi là "Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch" mà kém cỏi về mặt ngôn ngữ, thẩm mỹ hay lịch sử đến nỗi phê duyệt một tấm bình phong chẳng ra gì kể cả 3 mặt trên ??? không hiểu là ...nước VN thiếu người tài giỏi xứng đáng hay đơn thuần chỉ là chứng bệnh zờ ốt zốt cộng với kiêu ngạo hay tham tiền?
Trả lờiXóaHãy từ chức để người có tài và có sự hiểu biết sâu rộng hơn đảm nhận trách nhiệm quan trọng này để đất nước còn mở mặt ra với người ta, trước nữa là khỏi bị "ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" !
Làm công trình tâm linh mà có ý đồ xà xẻo thì nguy to, đời này không bị báo ứng thì đời sau sẽ chịu. Biết đâu chính "Ngài "đã bắt phá đi không chừng?
Trả lờiXóa