Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Nguyễn Khắc Mai - BÀN VỀ CHỮ "HẬU" VỚI ÔNG CẨM KHÊ

Bàn về chữ “Hậu” với ông Cẩm Khê


Nguyễn Khắc Mai
Đọc bài báo của báo Nhân dân ngày 10-3-2014, nhan đề “Xét lại lịch sử” như vậy để làm gì”, tác giả Cẩm Khê (hay Cấm Khê).( nếu là Cẩm khê thì có nghĩa là dòng nước đep như hoa như gấm. Còn Cấm khê thì có thể có nghĩa là mẹ bảo nấu cơm cấm khê.) Do không đọc trực tiếp trên báo giấy, nên có hồ nghi như vậy. Viết mấy câu mở đầu như thế cho vui. 

Tôi không bàn về những lập luận của bài báo, mặc dầu nó có nhiều điều đáng bàn.. Tôi chỉ góp một chữ. Chữ “Hậu” mà tác giả bài báo đã để trong ngoặc kép. Nguyên văn câu của Cẩm Khê như sau: "Còn biện pháp của Phan Châu Trinh, vì chữ “hậu” của nó, mới đặt vấn đề việc gì làm trước, việc gì làm sau.”

Như thế tác giả đã hiểu nghĩa chữ hậu này là sau. Còn nhớ hồi nhỏ học chữ nho với thầy đồ, thầy dạy bài học thuộc lòng để nhớ nghĩa: "Tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa.” Chữ hậu này để chỉ cái phía sau, đối lập với cái phía trước là tiên hoặc tiền. Người ta chế diễu việc đi dấm dúi đút lót quan lại là đi cổng hậu. Vì chỉ dừng lại trình độ “tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa”,nên tác giả Cẩm Khê mới giải (không) thích như vậy.

Giở Từ điển Hán Viêt bất kỳ, ta đều thấy chữ Hậu có đến 5 nghĩa. Một là chờ, hy vọng…Hai là cái thành nhỏ bằng đất, hay nấm đât bên đường để đánh dấu dặm đường. Ba là sau, ngược với tiền. Bốn là vua, vợ vua. Năm là sâu dày, ngược với bạc là mỏng. Cái nghĩa sâu dày này thừơng đi kèm với các từ như hậu hỉ, hậu đãi  (hay bạc đãi), hậu lộc (bỗng lộc hậu hỉ) v.v.

Trở lại tư tưởng “Tam Dân” của Phan Châu Trinh và các nhà nho cấp tiến tiền bối thuở ấy, ta thấy Họ nêu lên ba vấn đề của Dân là: Dân trí, Dân khí, Dân sinh. Mỗi vấn đề đều kèm theo trong tư duy một động từ trạng ngữ để nói rõ vừa là phương thức hành động, vừa là mức độ yêu cầu.

Dân trí thì hưng, hoặc khai,nghĩa là nâng lên, mở rộng ra. Dân khí, nghĩa là khí phách, ý chí là ý thức về quyền lực của dân, không cúi đầu làm nô lệ, không thụ động, trông chờ, không cầu xin…thì trấn hay chấn có nghìa là kích động, dựng lên, chấn chỉnh cho mạnh mẽ… Một khí phách mới của người dân,mà Họ còn gọi một cách trân trọng là “Quốc Dân”,với nghĩa như là con người chủ thể của quốc gia. Ngay như thời nay chữ dân sự, nghĩa là việc của người dân nhiều kẻ còn sợ, và ra lệnh cấm nói cấm bàn, nên bấy giờ đề cao quan niệm dân là quốc dân là một đóng góp lớn cho tiến trình dân chủ ,dân quyền ở  nước ta. Chữ Dân thứ ba là Dân sinh, đời sống, cuộc sống của dân. Dân sinh thì phải “hậu”có nghĩa là làm cho đời sống của người dân tốt lên, sâu dày lên, tử tế, đàng hoàng lên, không qua loa chiếu lệ. Hậu là như vậy, chứ không có nghĩa là việc ấy làm sau, khi đã xong những việc trước thì đến viêc này!

Các vị đại nho đâu có tùy tiện suy nghĩ như bọn hậu thế chúng ta. Ba thuật ngữ, ba khái niệm phải đồng  đẳng, một đằng là khai mở ra, một đằng thì chấn phát lên , một đằng thì làm cho sâu dày, đầy đặn lên. Cách hiểu như thế làm cho trong hành xử, chính sách, chủ trương là phải coi trọng như nhau, làm đồng thời cho cái nọ hỗ trợ cái kia, liên hoàn làm tiền đề lẫn nhau.

Một ví dụ rất thú vị là vấn đề nông dân.Vào thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” thì nông dân đói mà cả xã hội cũng đói.Về sau trả lại quyền  làm chủ cho nông dân, (chưa chịu trả hết cho sòng phẳng), thì lương thực, thực phẩm dồi dào hơn, còn xuất khẩu với khối lượng lớn. Đó là bài học về tầm quan trọng của chấn dân khí ! Bây giờ ta thấy dân sinh có bề khá hơn trước, rõ ràng dân đã lo đến già nửa kinh phí giáo dục của Đất nước.

Ai có tâm, có trí có tài có đức với những chủ trương, đường lối, kế hoạch, dự án hài hòa được cả ba vấn đề then chốt kể trên với tầm và phương thức của Thời đại mới, sẽ là vị cứu tinh của Dân tộc. 

N.K.M

1 nhận xét :

  1. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 10:21 14 tháng 3, 2014

    Ô. Cẩm Khê học được chữ Hậu của Nhất thiên tự cũng là quí rồi . Chữ Nho chưa đầy những trang đầu của cuốn sách thì bàn sao cho sâu được !

    Trả lờiXóa