Trọng Thành - RFI
Ngày 17/02/2014 là tròn 35 năm cuộc
chiến biên giới Việt-Trung. Gần đến ngày này, có nhiều câu hỏi đặt ra về
thái độ của chính quyền Việt Nam trước một sự kiện suốt hàng chục năm
nay bị dìm trong im lặng. Trong lúc một số hội nhóm thuộc xã hội dân sự
sẵn sàng tổ chức lễ tưởng niệm biến cố này vào ngày mai 16/02, chính
quyền dường như vẫn chưa có một động thái chính thức nào. Về vấn đề này,
RFI đặt câu hỏi với Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội.
Luật sư Trần Quốc Thuận là một trong những người ký tên vào "Lời kêu gọi nhân kỉ niệm 35 năm đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía bắc nước ta 17.2.1979", được công bố cách đây ít hôm.
RFI : Thưa Luật sư, còn hai ngày nữa là dịp 35 năm ngày xẩy
ra một sự biến đặc biệt trong lịch sử Việt Nam : cuộc chiến tranh biên
giới Việt – Trung 1979. Được biết Luật sư là người ký tên vào « Lời kêu
gọi nhân kỉ niệm 35 năm đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của Trung
Quốc… », Luật sư có thể cho biết vì sao Luật sư lại tham gia vào « Lời
kêu gọi… » này ?
LS Trần Quốc Thuận : Ngay tên của « Lời kêu gọi…
» đã nói lên lý do tại sao tôi tham gia. Vì tôi ủng hộ hoàn toàn nội
dung này. Đối với dân tộc Việt Nam thì hàng ngàn năm lịch sử, chưa bao
giờ cúi đầu với kẻ thù. Có lần tụt lùi, thì mất nước mình thấy rồi.
Trước kia thì có lần chần chừ. Nhưng mà Việt Nam vững vàng lên thì không
bao giờ bị mất nước. Lịch sử đã dậy cho một bài học như thế.
Còn bây giờ, có gì mà phải khiếp sợ trước Trung Quốc thế ? Dù thế nào
thì Việt Nam cũng đã đọ súng với Trung Quốc năm 1979 rồi. Cho nên, thật
sự là Việt Nam nên có sự sòng phẳng. Nhiều người đã trả lời trên đài
báo, đã nói rất rõ : Quan hệ chiến lược, quan hệ toàn diện đó là chuyện
quan hệ từ đây trở đi. Còn lịch sử vẫn là lịch sử, chứ làm gì xóa nhòa
được lịch sử. Xóa nhòa lịch sử là bưng bít, mà làm như vậy là để lại một
góc khuất trong lịch sử. Mà người ta tô lên, thì đó là vết nhục trước
sự bành trướng của Đại Hán. Cái đó bất cứ người Việt Nam nào cũng không
hài lòng. Đảng Cộng sản tự hào rằng, « nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng hoặc theo đảng để làm cách mạng »,
nhưng thực sự theo đảng làm cách mạng, bởi vì đảng yêu nước kia, đảng
đánh ngoại xâm kia, đảng giành độc lập kia, còn đảng cúi đầu thì ai theo
? Cho nên, nếu đảng Cộng sản Việt Nam mà không giữ ngọn cờ yêu nước,
ngọn cờ bất khuất, thì liệu cái tính chính danh của đảng có còn hay
không ?
RFI : Theo Luật sư, chính quyền Việt Nam sẽ có phản ứng ra
sao trước các cuộc tưởng niệm sẽ có thể được tổ chức trong ngày mai hoặc
ngày mốt ?
LS Trần Quốc Thuận : Cách đây vài tháng, tôi cũng
gặp một số người lãnh đạo cao nhất của đất nước này, tôi cũng đặt vấn đề
: Năm nay là kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm và 35 năm
chiến tranh biên giới, thì Việt Nam phải làm thế nào, chớ không người
dân họ không chấp nhận đâu !
Cứ giấu diếm như thế, cái thỏa thuận ngầm của hội nghị của Hội nghị
Thành Đô 1992 (Luật sư Trần Quốc Thuận muốn nói đến Hội nghị Thành Đô
1990). Vì ai cũng đặt vấn đề đó. Đó là một vết nhơ.
Có phải chăng là bước ngoặt đó cho thấy rằng đảng Cộng sản coi đảng
cao hơn là dân tộc không, độc lập dân tộc không ? Mà nếu coi đảng cao
hơn độc lập dân tộc, thì sinh mạng của đảng hãy coi chừng !
Dân tộc này chỉ đi theo đảng vì đảng bảo vệ cái độc lập dân tộc,
thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, chứ không bao giờ đi theo những kẻ quy
phục ngoại bang, mà nhất là quy phục cúi đầu trước Trung Quốc cả.
Và những người lãnh đạo đó cũng nói với tôi là phải kỷ niệm chứ ! Mà
mình kỷ niệm mà làm sao không ảnh hưởng được lòng dân mà không ảnh hưởng
đến ngoại giao. Sau đó, tôi cũng hỏi một người nữa, cũng cấp cao nữa
trong B.C.T. (Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam), nói là sẽ tổ chức đi
thăm viếng mồ mả, tôn vinh mồ mả cho anh em…
Bước đến năm 2014, Việt Nam có một số sự kiện nổi lên, đó là Hiến
pháp 2013 về nhân quyền, rồi sự kiện 40 năm Hoàng Sa, rồi sự kiện thứ ba
là thông điệp của Thủ tướng, rồi sự kiện thứ tư là cuộc chiến chống
tham nhũng đã đi vào cao điểm. Đây là thử thách của « dân chủ », « công khai », « minh bạch », thử thách của chế độ, rất là khắc nghiệt, để xem sự lèo lái ở trên sẽ là thế nào.
Câu trả lời không đơn giản ! Bởi vì, chúng tôi tự hào là dân tộc Việt
Nam là một dân tộc rất nhạy bén về chính trị, rất khôn ngoan về chính
trị. Vì vậy, cho nên Việt Nam mới có « chiến tranh nhân dân », ít nước
trên thế giới có « chiến tranh nhân dân » lắm, chỉ chiến tranh
du kích thôi. Chiến tranh nhân dân là mọi người dân đều sẽ đánh giặc, vì
họ yêu nước thật sự, thì họ mới dám đánh giặc, mới dám xả thân. Lịch sử
đã cho thấy như thế.
RFI : Như Luật sư cho biết, thì như vậy chính quyền cũng có
xu hướng nhìn nhận các thực tế của cuộc chiến 17-2-1979, có phải không ?
LS Trần Quốc Thuận : Về cái đó, thì nhìn thấy có dấu
hiệu chuyển biến rõ. Có những chương trình ca nhạc, thơ ca, từ Điện
Biên Phủ, Hoàng Sa, Trường Sa và Chiến tranh Biên giới, những chương
trình như thế rất hay, họ kết hợp như thế những chiến thắng đó là những
chiến thắng gần đây tạo nên cái vẻ vang của dân tộc này. Làm thơ ca, thì
đây cũng là dịp dân tộc Việt Nam được thể hiện.
Nhưng không biết có thể hiện được cái tầm không. Bởi vì người ta phản
ứng mạnh mẽ nhất, là bởi vì năm ngoái 2013, bên phía biên giới bên kia,
các cựu binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh biên giới, tổ chức
duyệt binh rầm rộ, xây đài tưởng niệm này kia,… còn Việt Nam thì im re.
Nên sau đó, nhiều người đặt vấn đề chất vấn. Kể cả trước Quốc hội cũng
đặt vấn đề chất vấn chuyện đó.
Có lần trong một hội nghị nhiều lãnh đạo, tôi cũng nói rồi, bây giờ
đi (ra đường) người ta vẽ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, nhưng
trước đây ai mặc áo « Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam », rồi chống đường 9 đoạn – « No-U »
thì bị bắt. Tôi đã nói với các đồng chí lãnh đạo, các vị lãnh đạo đó : «
Đã đến lúc các anh phải thả những người bị bắt vì nói chuyện đó ! ». « Điếu Cày » chẳng hạn và nhiều anh em khác. Mời họ về cái hội trường này, tổ chức linh đình ăn uống, rồi nâng ly lên và xin lỗi : « Các
anh đã đánh thức những con người ngủ mê và bây giờ chúng tôi cũng bắt
đầu thấy mình được biên cương tổ quốc phải giữ, chứ không giữ thì không
còn cái gì ! ». Phản bội lại tiền đồ của dân tộc là không thể chấp
nhận được, tôi cũng nói thẳng trước các hội nghị lớn của thành phố là
như thế. Các ông lãnh đạo lớn ngồi đó, thì thấy họ làm thinh.
Đã đến lúc phải tuyên dương mấy người blogger đó lên, chứ không phải
giữ người ta trong tù. Cái đó cũng không trái với Hiến pháp 2013. Đó
cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.
RFI : Về phía chính quyền, thì dường như cho đến giờ chưa có thông báo chính thức gì về hình thức tưởng niệm ?
LS Trần Quốc Thuận : Tôi đã nghỉ nhiều năm rồi, nên
tôi cũng không nắm được đã có thông báo, có chủ trương gì chưa, đưa tin
gì chưa. Nhưng thông qua hệ thống phát thanh truyền hình, tôi cũng thấy
có một số chương trình ca nhạc làm nó cũng xập xòa, xập xoạng như thế,
nó không chính danh. Đó là cái điều không thể chấp nhận được.
Phải có một cuộc mít tinh thật sự, cuộc mít tinh lớn để lên án và ghi
nhớ, như các cuộc mít tinh 30-4, 1-5, ngày Quốc khánh, mít tinh chiến
thắng Điện Biên Phủ với thực dân Pháp. Mà Việt Nam cũng quan hệ chiến
lược với Pháp, với Mỹ, thì quan hệ mình vẫn quan hệ, kỷ niệm vẫn cứ kỷ
niệm thì sao ?!
Trên đài báo ra rả tuyên truyền tội ác của Mỹ và tay sai thế này, thế
kia, còn tội ác của Trung Quốc thì đầy rẫy, thấm máu, mà cũng không có
một lời nào được lặp lại cả. Năm 1979, trên đài, báo Nhân dân cũng viết
đầy đủ hết, bây giờ lại đem dấu đi hết.
Hôm trước, tôi cũng gặp một vị lãnh đạo thuộc hàng cao nhất của đất
nước. Xin lỗi là tôi cũng lớn tiếng quát lại. (Người đó bảo) « Nói như thế là khiêu khích ! ». Tôi bảo : « Không phải là khiêu khích, mà nói như thế để thấy Việt Nam đứng thẳng người, chứ không phải cúi gục xuống như quý vị !
». Tôi đã nói thẳng như thế. Dân tộc Việt Nam này không có cúi đầu
đâu, họ đứng thẳng. Còn anh nào cúi đầu, thì liệu anh ấy còn đứng ở đó
hay không ? Thì phải tính.
RFI : Về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với cuộc chiến
biên giới Việt-Trung 1979, nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính quyền
lại có thái độ không minh bạch và che dấu như vậy ?
LS Trần Quốc Thuận : Lý giải lớn nhất là bí mật của
Hội nghị Thành Đô đến bây giờ cũng chưa công khai ra, tuy rằng một số
hồi ký cũng đặt vấn đề đó ra. Người ta cho rằng : "Chính hội nghị Thành Đô !"
Thái độ của những người bây giờ (tức nhiều người lãnh đạo – ndr) là
muốn tiếp tục để mà cầm quyền, để tiếp tục cai trị, chứ không phải phục
vụ nhân dân, dân tộc, đất nước này. Nếu phục vụ dân tộc, đất nước thì
phải đứng thẳng người lên chứ, sao lại cà rục, cà rục như thế ?!
Mình biết đấy, trước đây Tự Đức cứ ký nhường nhường rồi mất nước. Cứ
lùi là mất nước. Lịch sử dân tộc mấy ngàn năm chứng minh điều đó. Đứng
thẳng lên là nhân dân người ta ủng hộ.
Mà nhân dân Việt Nam có sợ hy sinh đâu ? Họ rất sẵn sàng. Nhưng mà có
những người đứng cản đường, không cho họ hy sinh. Thì không biết liệu
nhân dân có chấp nhận họ hay không ? Tôi nghĩ là không chấp nhận đâu.
RFI : Điều Luật sư nói, nếu diễn tả một cách khác, có phải là
việc chính quyền có một thái độ không rõ ràng như vậy (với chiến tranh
biên giới 1979) là do muốn dựa vào Bắc Kinh để duy trì chế độ như hiện
nay ?
LS Trần Quốc Thuận : Nếu mình suy thế này thế kia,
thì có thể đúng, có thể không đúng. Nhưng bây giờ đề nghị đảng phải công
khai, công bố cam kết tại Hội nghị Thành Đô là cái gì ? Tại sao Việt
Nam phải cam kết chuyện đó ?
Việt Nam bây giờ khác rồi, đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ chiến
lược hợp tác toàn diện với năm nước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và
mười mấy nước khác nữa…
Đã đến lúc không còn giấu cái đấy nữa ! Một cách công khai. Công
khai mà cũng nói thẳng rằng : Tôi với anh tuy rằng đồng chế độ, nhưng mà
anh thì thái độ như thế, còn Việt Nam, dân tộc này không bao giờ để một
tấc đấc, một sải nước cho kẻ ngoại xâm chiếm được. Người Việt Nam sẵn
sàng xả thân, ông cha đã dậy điều đó, người Việt Nam bây giờ cũng cam
kết điều đó. Cho nên, tất cả những chuyện gì liên quan đến cái đó, chúng
tôi phải nói - có thể là – cho « các đồng chí biết ». Chắc « các đồng chí » cũng đọc lịch sử Việt Nam với Trung Quốc rồi.
RFI : Cam kết tại Hội nghị Thành Đô là cam kết bằng chữ viết hay chỉ là cam kết bằng miệng và bằng thái độ ngầm hiểu ?
LS Trần Quốc Thuận : Bây giờ, cho dù cam kết gì đi
nữa, thì cũng phải công bố. Đòi hỏi của chúng tôi, của những người chúng
tôi biết, là như thế. Cho dù cam kết bằng gì chăng nữa. Nhưng tôi nghĩ
chắc là cam kết bằng giấy. Tôi nhớ là (nhà báo) Huy Đức đã nói rằng bác
Phạm Văn Đồng bảo chúng ta đã bị lừa. Tất cả những chuyện đó cũng là nói
qua, nói lại thôi. Lịch sử thì phải có bằng chứng.
Đã đến lúc phải đòi hỏi đảng Cộng sản này bạch hóa ra. Nếu không bạch
hóa ra, thì người ta nói rằng đảng Cộng sản này chỉ yêu cái đảng này
thôi, chứ có yêu nước đâu. Cho nên người ta nói rằng, những gì không
bạch hóa là mảnh đất phong phú cho người ta nói đủ thứ chuyện, kể cả
xuyên tạc. Người ta nói đủ thứ chuyện thì cũng ráng chịu thôi. (Nếu
không muốn thì) anh cứ công khai ra ! Ví dụ như, trong lúc đó, thế này,
thế kia, tôi phải thế này, thế kia, nhưng bây giờ… ( ?). Không phải nói
như vậy là Trung Quốc nó xua quân nó chiếm đất nước này. Không dễ đâu !
(…).
Mỗi người đều nghĩ, như chúng tôi đều nghĩ : Nếu cái đảng này còn yêu
nước, thì phải kỷ niệm 35 năm ngày chiến tranh biên giới một cách đường
hoàng. Nếu như cái đảng này mà đã phai mờ, không nắm vững ngọn cờ yêu
nước, thì đó là cái điều thất vọng và đừng có mong rằng những người yêu
nước tiếp tục ủng hộ đảng.
RFI : Trước khi chia tay với thính giả, Luật sư có thêm chia sẻ gì không ?
LS Trần Quốc Thuận : Niềm chia sẻ của tôi đó là đồng
bào trong nước và cả nước phải sát cánh cùng nhau với nhà cầm quyền,
với đảng này để thực hiện đầy đủ những điều đã ghi trong Hiến pháp 2013,
nhất là vấn đề đấu tranh vì nhân quyền, nhất là vấn đề đấu tranh chống
tham nhũng một mất, một còn, rồi vấn đề công khai minh bạch. Những vấn
đề đó là phải nên sát cánh.
Và tôi cho rằng đã đến lúc phải nên đưa ra những giải pháp mang tính
cách xây dựng. Đồng bào một số người, kể cả trong nước và nước ngoài, họ
hay dùng (một số) cái chữ không hay gì, « chửi rủa » nhau… Cái
đó không nên. Đến lúc tiếp tục phải nêu những kiến nghị, giải pháp, để
coi sự tiến lên của chế độ này nó như thế nào, phải có lối ra… Mình cho
nói. Bây giờ được nói rồi. Ít ra được nói trên mạng.
(…) Cứ nói thẳng là « Anh làm thế này là sai, hứa mà không thực hiện », « anh phải thực hiện ! ».
Ví dụ thông điệp của Thủ tướng nói là dân chủ, công khai, minh bạch,
yêu cầu đầu tiên nhất, ông nên công khai minh bạch tài sản của ông đi,
của vợ con ông đi, của các con trong gia đình ông đi. Đó là con đường
công khai minh bạch mà tổng thống các nước Nhật, Hàn Quốc xung quanh đây
đều phải làm cả, trên thế giới các nước văn minh đều làm cả. Thì Việt
Nam cũng phải làm. Mình phải đòi hỏi như thế.
Cũng như là Hiến pháp nói nhân quyền, thì bây giờ tự do báo chí, báo
chí tư nhân, cho tự do biểu tình đi… Tất cả những cái đó phải có luật
liền đi. Không thể có những cái gọi là treo, những lời hứa treo, thông
điệp treo để tô vẽ hình bóng của mình cho nó sáng sủa.
Cho nên tôi muốn đòi hỏi là tất cả những người đã lên tiếng được, thì
nên đòi hỏi những người lên tiếng thực hiện các cam kết của mình, nhất
là những cam kết trong Hiến pháp.
RFI xin cảm ơn Luật sư Trần Quốc Thuận đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.
Nhân dân Nhật vẫn tưởng niệm về 2 Quả bom Nguyên tử từ thế chiến thứ II cho đến bây giờ.
Trả lờiXóaNhưng, 2 nước Nhật – Hoa kỳ vẫn quan hệ hữu nghị với nhau đó thôi. Dấu giếm cuộc chiến 17/2 làm gì cho mang tiếng xạo, láo với Nhân dân và mang tội với Dân tộc
Tôi thì nghĩ là không phải họ muốn giấu cuộc chiến 17/2 đâu bác ạ, vì có giấu cũng chẳng được. Hơn nửa triệu binh lính của mỗi bên, hơn 50 nghìn người Việt Nam bị giết thì làm thế nào mà giấu được.
XóaNhưng nếu "bạch hóa" toàn bộ cuộc chiến, kể cả cái nguyên nhân và hậu quả của nó, thì họ sẽ phải "bạch hóa" những điều họ đã "đi đêm" với đảng Cộng Sản Tàu, mà trong đó Hội Nghị Thành Đô chỉ là một. Như vậy chẳng hóa ra là họ tự thú là bán nước sao!
Bởi vậy họ muốn giấu. Biết là "lấy thúng úp voi" nhưng còn ăn được ngày nào hay ngày đó.
Buồn và nhục!
Đúng thế! Dù có "chết đến đít" rồi cũng phải cố bám víu vì cái "lợi ích nhóm" chứ!
XóaQuá hay, ủng hộ Ls Thuận
Trả lờiXóaĐúng,nếu còn yêu nước,nhà nước phải kỷ niệm buổi lễ này một cách hết sức long lọng trên toàn quốc .
Trả lờiXóaƠn Tổ tiên! Còn những người như bác Thuận và nhiều bác tương tự thì linh khí dân tộc trường tồn, dân tộc Việt Nam luôn đứng thẳng. Ngọn bút viết vào trời xanh, lời nói đặt vào tim người.
Trả lờiXóaLS Thuận thật sáng suốt. Kính chúc Ls và phu nhân khỏe, hạnh phúc, an lành!
Trả lờiXóaHoan nghênh LS. Trần Quốc Thuận.
Trả lờiXóaTôi cũng muốn gửi đến các bác (xin gọi thế cho thân mật) lãnh đạo Đảng CSVN rằng: Xưa nay tất cả các nhà nước (nhà nước độc lập, bất kể theo thể chế gì) đều lo bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước của công dân nước mình. Vì chỉ khi đa số công dân của đất nước là những người yêu nước thì đất nước đó mới tồn tại. Chưa có một nhà nước (độc lập) nào lại đi tìm cách tiêu diệt lòng yêu nước của công dân nước mình. Cụ Hồ nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". Vậy thì tại sao những người VN yêu nước hôm nay lại luôn bị khống chế, đàn áp, vu cáo, bôi nhọ đến như vậy?
Trong 90 triệu dân VN, các bác đứng ở đỉnh cao nhất của quyền lực, nhưng liệu các bác có sung sướng không khi mất cả quyền tự chủ, cứ phải làm theo yêu cầu này nọ của chính quyền ngoại bang, kể cả việc tri ân với đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh vì mình?
Xin gửi các bác mấy câu nói sau đây của vua Bảo Đại lúc làm lễ thoái vị, chiều 30-8-1945, trước hàng vạn nhân dân Huế:
"Riêng về phần trẫm, trong 20 năm ở ngôi, trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do trong một nước độc lập".
Không có xứ sở nào kỳ khôi như xứ VIỆT này!? Ai đời người dân lại đi định hướng...lòng yêu nước cho lãnh đạo!!! Tôi nghĩ chỉ có độc nhất vô nhị được hiện hữu trên dãy đất hình chữ S này!?!?!?
Trả lờiXóaNếu người dân định hướng lòng yêu nước cho nhà nước được thì đã phúc cho dân tộc Việt. Đàng này....
Xóa(Nhà em không muốn viết "định hướng lòng yêu nước cho lãnh đạo" vì "nhà nước" và "lãnh đạo" là hai thứ khác nhạu. Nhà nước chỉ thay mặt người dân để thực thi ý dân. Nếu hiểu như vậy thì người dân lãnh đạo nhà nước là đúng rồi).
Rất kính trọng và cảm ơn Luật sư Trần Quốc Thuận.
Trả lờiXóaTễu ơi sao không thấy cái ông “Tướng Quốc Thước: Bỏ Đảng khi khó khăn là có lỗi với Đảng” lên tiếng nhỉ?
Trả lờiXóaYêu nước thì cũng yêu, nhưng ít hơn. Họ yêu Đảng nhiều hơn vì yêu đảng là có tiền, có tiền là có tất cả, nhưng yêu đảng thì lại phải sợ Tàu, phải thôi. Thông cảm cho họ .
Trả lờiXóaTự cho mình quyền lãnh đạo đất nước mà lấy bất cứ lý do gì "quên" kỷ niệm công cuộc chống quân TQ xâm lược cách đây đúng 35 năm(2/1979) là không thể chấp nhận. Chúng ta không gây thêm thù hằn dân tộc do quá khứ để lại, nhưng phải tôn trọng sự thật lịch sử dù đâu thương và bi đát để tưởng nhớ biết ơn người đã khuất và ghi khắc những "sự cố" làm bài học cho thế hệ sau.
Trả lờiXóaQua đây mới thấy biết ơn những vị lãnh đạo có Tâm có Tầm có Đức và Trí như Bác Hồ, Lê Duẩn, tướng Võ Nguyên Giáp dù bị kẻ thù dọa nạt cũng không sợ mà nghe theo ý chúng, tất cả vì độc lập dân tộc, lấy dân làm gốc. Thắng lợi hay không là ở sự lãnh đạo gây nên sự đoàn kết dân tộc.
Trả lờiXóaHoan hô Luật sư Thuận!. Chính kiến của ông trả lời phóng viên RFI rất rõ ràng, dứt khoát và cũng là nói thay ý nguyện của đa số nhân dân VN về kỷ niệm 35 năm ngày chống quân xâm lược T.Q ( 17/2/1979 -17/2/2014). Lãnh đạo ĐCSVN không tổ chức kỷ niệm, ngăn cản nhân dân tự phát tổ chức là đi ngược lại ý nguyện của nhân dân và truyền thống của dân tộc. Một bộ phận lãnh đạo ĐCSVN đã đặt lợi ích của Dân tộc dưới lợi ích của họ. Như vậy, ĐCSVN đã thực sự từ bỏ vai trò lãnh đạo nhân dân mà họ tự nhận và bắt nhân dân phải chấp nhận ( điều 4 HP 2013).
Trả lờiXóa"Nếu còn yêu nước, Đảng phải tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung" ?
Trả lờiXóaCâu hỏi cũng là câu trả lời!