BauxiteVietNam phân ưu cùng gia đình học giả Đào Hùng
Được
tin học giả kiêm dịch giả ĐÀO HÙNG tức Đào Thế Hùng vừa tạ thế vào 19
giờ 7 phút ngày 17-12-2013 sau một ca mổ tim bất thành, thọ 82 tuổi
(1932 - 2013), Bauxite Việt Nam vô cùng đau xót.
Là người được đào tạo bài bản từ nhỏ qua các trường học Pháp Việt ở Huế trước 1945 như Jeanne d'Arc, Providence và Quốc học, trở thành người có vốn Pháp ngữ thành thạo, từ lâu đã là một cây bút dịch tiếng Pháp tin cậy, suốt thời gian dài làm biên tập ở Nhà xuất bản Ngoại văn, ông Đào Hùng đã góp phần nâng cao uy tín cho khối sách dịch tiếng pháp hai chiều của Nhà xuất bản này, đặc biệt giúp độc giả người Pháp hiểu sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam. Cũng là người được đào luyện từ nhỏ trong môi trường một gia đình trí thức nổi tiếng, vợ chồng nhà bác học Đào Duy Anh và nhà giáo Trần Thị Như Mân, ông Đào Hùng không những đã trang bị cho mình một vốn tri thức văn hóa sâu rộng, vững chãi mà còn có quan điểm khoa học cấp tiến và cởi mở. Từ 1999 với cương vị Phó tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay ông đã dồn công sức dẫn dắt tờ báo theo một đường hướng gắn công tác nghiên cứu sử học với việc giải đáp những vấn đề lịch sử thiết thực nhất, từng là dấu hỏi tồn đọng trong nhiều năm, phanh phui được nhiều tư liệu mới mẻ và xác đáng, soi tỏ lại không ít giá trị vốn đang bị khuất lấp. Xưa & Nay trở thành một trong số ít tờ tạp chí sáng giá của ngành sử học hiện đại có phần đóng góp rất lớn của ông.
Phó TBT Đào Hùng (ngoài cùng bên phải) trong buổi trò chuyện vào ngày 9-12-2008 giữa tạp chí Xưa & Nay
và những nhân chứng trong cuộc khởi nghĩa Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày
16-8-1945. Người có râu tóc bạc trắng là ông Trần Doãn Hoài, thành viên
còn lại của cuộc khởi nghĩa. Người đứng giữa hai ông là Đặng Văn Doãn,
nguyên Tri huyện Can Lộc lúc bấy giờ. Ảnh: Hy Tuệ.
Bauxite Việt Nam mất đi một cộng tác viên trung hậu và nghiêm cẩn, một người thận trọng, viết ít nhưng những gì viết ra đều trở thành phát ngôn chắc nịch, làm cho bạn đọc tin cậy. Xin thành kính chia buồn cùng bà quả phụ Công Huyền Tôn Nữ Nghi Trinh và các con cháu trong đại gia đình. Cầu mong hương hồn ông tiêu dao nơi Cực Lạc.
Bauxite Việt Nam
|
Tưởng nhớ Nhà sử học, Dịch giả, nhà báo Đào Hùng,
chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Trần Ký Trung:
Nhà văn Trần Kỳ Trung
Sáng nay (18/12/2013) tôi hay tin anh Đào Hùng, một cộng tác viên vô
cùng thân thiết của NXB Đà Nẵng, qua đời sau một cơn bạo bệnh.
Những kỷ niệm thân thiết về anh lại trào lên trong tôi.
Có thể nói, khi NXB Đà Nẵng mới thành lập, anh Đào Hùng là một trong
những cộng tác viên đến với NXB Đà Nẵng sớm nhất. Cũng một lẽ, anh vốn
rất quý anh Nguyễn Văn Giai, giám đốc đầu tiên của NXB Đà Nẵng. Điều
nữa, tuy anh Đào Hùng về tuổi đời hơn chúng tôi rất nhiều, về kiến thức,
nhất là kiến thức lịch sử, anh là bậc thầy nhưng đối với chúng tôi,
với một đội ngũ biên tập viên của NXB Đà Nẵng, đại bộ phận đã tốt nghiệp
đại học một cách bài bản, anh rất vui, ham nói chuyện, nói chuyện một
cách bình đẳng, không khoảng cách. Mỗi lần anh đến với NXB Đà Nẵng, là
một lần “náo động” tiếng cười. Anh ít khi đi một mình, khi thì đi với
nhà sử học Dương Trung Quốc, khi thì đi với nhà sử học Trần Quốc Vượng,
lúc lại cùng nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân, khi thì có nhà nghiên cứu lịch
sử Chăm Trần Phương Kỳ… Mỗi lần như thế quanh một bàn nhậu dân dã, anh
cùng các nhà sử học, văn hóa, nghiên cứu… danh tiếng, kể những câu
chuyện tưởng là “đời”, nhưng thực ra đó là một buổi bồi dưỡng về kiến
thức văn hóa, lịch sử… mà những người biên tập viên như chúng tôi cần
có. Thông qua những buổi nói chuyện như vậy, chúng tôi vỡ vạc ra rất
nhiều điều như về nhân vật lịch sử Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Phạm
Phú Thứ… về quan hệ Việt Minh với Mỹ trong những ngày đầu trước buổi
binh minh lập nước… Đến bây giờ, những vấn đề này ngày càng sáng tỏ,
nhưng những ngày ấy, vào thời điểm những năm tám mươi của thế kỷ trước,
không phải nói ra ai cũng biết, ai cũng hiểu. Là một nhà dịch thuật, sử
học, nhà báo danh tiếng, lại sinh trưởng trong một gia đình tri thức,
thân phụ của anh là nhà nghiên cứu sử học, nhà Hán học nổi tiếng Đào Duy
Anh, nhưng với chúng tôi, những biên tập viên NXB Đà Nẵng, anh Đào Hùng
vẫn rất bình dị, thân thiết. Mỗi lần anh đến với NXB Đà Nẵng sau tiếng
cười, hỏi thăm hết lượt, anh lại giới thiệu với chúng tôi những tập bản
thảo mới, những tác giả mới cần liên hệ cứ y như anh là một cán bộ chính
thức của NXB Đà Nẵng chứ không phải khách viếng thăm. Chính nhờ anh mà
NXB Đà Nẵng là NXB đầu tiên in cuốn “ Tại sao Việt Nam?” rồi một loạt
các cuốn sách nổi tiếng khác, có tính chất tư liệu lịch sử rất cao,
trung thực, khách quan như những cuốn sách viết về Phan Chu Trinh, Phạm
Phú Thứ, về sự hình thành phát triển của Đà Nẵng… Trong thời kỳ này,
khi NXB Đà Nẵng mới chân ướt, chân ráo của sự hình thành nhưng đã được
đông đảo bạn đọc trong cả nước chú ý về những cuốn sách có giá trị về
lịch sử, văn hóa…phải nói rằng đó là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của nhiều
cộng tác viên có uy tín, trong đó phải kể đến anh Đào Hùng. Mỗi lần tôi
hoặc Đà Linh ( bút danh của của nhà văn Nguyễn Đức Hùng) ra Hà Nội công
tác, người đầu tiên chúng tôi muốn gặp là anh. Anh Đào Hùng gần như là
bạn thân thiết của nhiều nhà tri thức lớn ở Hà Nội. Anh dẫn chúng tôi đi
gặp được hầu hết những nhà trí thức này. Từ dịch giả Dương Tường đến
nhà văn Hà Ân, biên tập biên NXB thế giới Phương Quỳnh đến cả đạo diễn
điện ảnh Nguyễn Đỗ Ngọc…Đến đâu anh cũng nói với mọi người ưu thế của
NXB Đà Nẵng, một NXB tầm cỡ miền trung, thay mặt chúng tôi, anh mời mọi
người cộng tác. Có anh giúp đỡ, chúng tôi đỡ vất vả nhiều, nhất là vấn
đề bản thảo có chất lượng. Cũng đôi ba lần anh dẫn chúng tôi về căn hộ ở
khu tập thể Kim Liên, nơi gia đình anh sinh sống. Một căn hộ chật hẹp
thời bao cấp nhưng điều đặc biệt rất rộng lòng. Hồi đó, chúng tôi biết,
đồng lương của anh “vón cục”, có được bao nhiêu đâu, nhưng anh sẵn sàng
mang ra hết để đãi bạn hiền. Tôi còn nhớ một kỷ niệm, ai đó biếu gia
đình anh một chai rượu ngoại, hồi đó là của hiếm, chỉ khi có chuyện thật
hệ trọng mới mang ra dùng. Khi thấy tôi và Đà Linh đến thăm, anh lẳng
lặng mang chai rượu ngoại ra chợ bán, rồi dùng số tiền đã bán chai rượu
để đãi hai chúng tôi. Đà Linh biết chuyện muốn trả lại anh số tiền trên
nhưng dứt khoát anh không nhận, hai anh em cứ đùn đẩy nhau số tiền đó,
tôi nhìn vừa thương, vừa buồn cười. Với bạn bè của anh cũng như vậy, còn
nhớ lần tôi với anh đến thăm đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc, nhà ở phố Quan
Thánh. Trước khi đến nhà bạn, anh bảo với tôi ra chợ mua đồ nhậu, anh
giải thích: “ Thằng ấy ( chỉ đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc) khí khái, lại
nghèo, đang cô đơn, mày với tao đến thăm đừng làm phiền nó…”. Anh mua
hết những thứ cần có, khi đến nhà của đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc chỉ việc
bày biện ra, tôi nhớ, đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc có trách anh về việc này,
nhưng trên khóe mắt của đạo diễn cứ rưng rưng…
Hồi tôi làm biên tập viên NXB Đà Nẵng được tiếp rất nhiều nhà văn, nhà
thơ, nhà báo, dịch giả… nổi tiếng. Tôi có một nhận xét, những nhà văn,
nhà thơ, nhà báo, dịch giả… kiến thức càng rộng, tầm hiểu biết càng sâu,
ngoại ngữ giỏi, đại bộ phận những con người đó tố chất là khiêm tốn,
giản dị, rất tôn trọng, bình đẳng với người đối thoại. Với chúng tôi,
khi tiếp xúc với anh Đào Hùng, rất ngưỡng mộ trình độ ngoại ngữ, kiến
thức sử học uyên thâm của anh nhưng chúng tôi ngưỡng mộ hơn là đức tính
giản dị, không khoa trương của anh, từ cách ăn mặc, lời nói đến cách
bông đùa… Với lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy, anh Đào Hùng với chúng
tôi là không có khoảng cách. Những lần anh vào công tác ở Đà Nẵng, Sau
giờ làm việc, chúng tôi thường rủ anh đi chơi, dù có bận mấy, anh cũng
nhận lời, tham gia nhiệt tình, không hề khách khí. Có những lần chúng
tôi cùng anh, nhà nghiên cứu lịch sử Chăm Trần Phương Kỳ lên Mỹ Sơn chơi
cả đêm mà hồi đó Mỹ Sơn không như bây giờ, còn hoang vu, đầy bom mìn,
muỗi, vắt…Giữa không gian mênh mông, lặng đến độ sợ cả tiếng cú rúc, ánh
trăng lạnh mênh mang rải xuống một khu vực âm u, bóng đền tháp ẩn hiện
như những bóng ma… thế mà anh cùng nhà nghiên cứu Chăm Trần Phương Kỳ
vẫn say sưa kể như đang giảng đạo cho con chiên về truyền thuyết người
Chăm làm cho chúng tôi bái phục…
Anh Đào Hùng với NXB Đà Nẵng trong thời kỳ đầu mới thành lập, có rất nhiều kỷ niệm…
Nhắc lại một vài kỷ niệm về anh, cũng là nén hương thành tâm kính viếng anh.
Anh Đào Hùng, một nhà tri thức, một nhà khoa học chân chính mà chúng tôi, thế hệ tri thức đi sau, hết sức kính trọng.
T.K.T
Nguồn: Blog Nhà văn Trần Kỳ Trung
Không biết giới Sử Học phân ưu về sự ra đi của cụ Đào Hùng ở đâu ? Có lẽ không phải trên trang Tễu Blog này !
Trả lờiXóa