ĐIẾU VĂN
Do ông Dương Trung Quốc đọc tại lễ tang ông Đào Hùng
11h ngày 21/12/2013 tại Nhà Tang lễ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Kính thưa các Cụ, các Ông, các Bà, các Anh, các Chị và các Bạn,
Kính thưa Bà quả phụ Đào Hùng- Tôn Nữ Nghi Trinh cùng tang quyến
Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau chia tay một người
thân thiết với tất cả chúng ta, là người chồng, người cha, người ông,
một thành viên trong mối quan hệ họ mạc với gia tộc, quê hương; là người
bạn, đồng nghiệp đáng kính trên nhiều lĩnh vực của đời sống học thuật
và các hoạt động xã hội mà trước hết là giới văn hóa nghệ thuật, giới sử
học và các khoa học xã hội nhân văn, giới báo chí cũng như dịch thuật.
Người đó đã ra đi mãi mãi sau một cơn bạo bệnh vào lúc 19 giờ 07 phút
ngày 17/12/2013 (tức ngày Rằm tháng Mười Một năm Quý Tỵ). Ông Đào Hùng
sinh ngày 03/10/1932, như thế là ông đã hưởng thọ 82 tuổi.
82
năm của cuộc đời người vừa khuất là một tiểu sử gắn với lịch sử đất nước
đã trải qua. Tên cha mẹ đặt là Đào Thế Hùng, sau này người ta biết
nhiều đến một cái tên rút gọn lại là Đào Hùng trong xưng hô và trên các
trang sách, báo. Nguyên quán của ông là làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai,
Hà Đông (nay thuộc thủ đô Hà Nội). Nhưng ông lại được sinh ra tại kinh
đô Huế, nơi cha mẹ lập nghiệp và suốt một thời đoạn trưởng thành của ông
gắn với sông Hương núi Ngự và với ngôi trường nổi tiếng Thiên Hựu
(Providence), cùng ngồi trên ghế học trò với người anh ruột sau này trở
thành một nhà nông học nổi tiếng, là Đào Thế Tuấn và người bạn học thưở
hàn vi sau này thành danh như một nhà Dân tộc học lỗi lạc, là Từ Chi...
Đó cũng là thời kỳ mà cha ông, một nhà hoạt động chính trị trong phong
trào yêu nước, chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, như là chủ bút báo "Tiếng
Dân" của chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng hay là người sáng lập nhà sách "Quan
Hải Tùng Thư"... có một sự nghiệp chính trị không thành đạt, nhưng cũng
vì thế mà sau này trở thành một nhà bác học nổi danh là Đào Duy Anh. Còn
Mẹ ông, Cụ bà Trần Thị Như Mân là người tiên phong trong công cuộc Duy
Tân, ngay trên ghế nhà trường đã khảng khái viết thư cho Toàn quyền Đông
Dương đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và trọn đời với nghề
giáo.
Ông Đào Hùng là người con thứ hai sau Đào Thế Tuấn, ra
đời trước đó hai năm (1930). Chính những người con của Cụ Đào Duy Anh ra
đời trên đất Thần Kinh đã gây cảm xúc để nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội
Châu đang bị thực dân an trí tại Bến Ngự đã viết lên những vần thơ sâu
sắc:
"Hai mươi lăm triệu giống dòng ta
Hôm trước nghe thêm một tiếng oa
Mừng chị em mình vừa đáng mẹ
Mong thằng bé nó khéo in cha
Gió đưa nam tới sen đầy hột
Trời khiến thu về quế nở hoa
Sinh tụ mười năm mong thế mãi
Ấy Nhà là Nước, Nước là Nhà".
Vì những quan hệ của Cha Mẹ, những người con của Cụ Đào Duy Anh ngay từ
lúc còn thơ đã sớm được gần gũi những người sau này được lưu danh trong
lịch sử như Phan Bội Châu, Võ Nguyên Giáp... Cuộc Cách mạng tháng Tám
năm 1945 rồi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ... ở tuổi 18,
Đào Hùng được kết nạp vào đảng Cộng sản (ngày 05/01/1950) khi còn đang
là học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền ở Thanh Hóa, nơi cả gia đình tản
cư ra vùng Tự do sau ngày Mặt trận Huế bị vỡ. Cùng với người anh trai
của mình, ở tuổi 18, Đào Hùng nhập ngũ và phục vụ trong bộ đội công binh
tại Việt Bắc cho đến ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và cánh
cửa trường đại học mở lại.
Hoàn thành trách nhiệm của tuổi trẻ
trong quân ngũ, Đào Hùng đã hướng nghiệp theo người Cha học giả đã toàn
tâm đeo đuổi và cống hiến cuộc đời mình, đó là Sử học.Nhập học khóa II
khoa Lịch sử của trường đại học Tổng hợp (1957-1960), nơi người Cha đứng
trên bục giảng trong những ngày đầy sóng gió thử thách của thời cuộc.
Chính tại đây, Đào Hùng gặp lại bạn cũ Từ Chi và thân thiết với người
bạn học mới sau này cũng trở thành nhà viết lịch sử kinh tế hàng đầu là
Đặng Phong cùng nhiều bạn đồng môn, đến nay kẻ còn, người mất nhưng số
đông đều theo nghiệp nghiên cứu hay giảng dạy lịch sử.
Tốt
nghiệp khoa Sử (1960), Đào Hùng trở lại chiến khu xưa tham gia gây dựng
tòa Bảo tàng Dân tộc học Việt Bắc (1961-1969), sau đó chuyển về công tác
tại Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương. Sau Hiệp định Paris (1973),
ông được huy động tham gia vào các hoạt động đối ngoại trong bộ Ngoại
giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để rồi sau đó ông
bước qua lĩnh vực văn hóa đối ngoại khi được điều về làm Trưởng ban
Biên tập "Tạp chí Étude Vietnamiennes" (Nghiên cứu Việt Nam) danh tiếng
gắn với nhà xuất bản Ngoại văn, nay là nhà xuất bản Thế Giới, cùng nhà
trí thức lớn Nguyễn Khắc Viện... và công tác tại đây liên tục 17 năm cho
đến lúc nghỉ hưu (1976-1993)
Năn 1994, ông đã là một trong
những người góp sức cho sự ra đời của "Tạp chí Xưa&Nay", cơ quan
ngôn luận của Hội Sử học Việt Nam mà tôi có may mắn được giao nhiệm vụ
Tổng biên tập, tồn tại cho đến ngày hôm nay. Ông đảm nhiệm cương vị Phó
Tổng biên tập cho tới lúc qua đời.
Nhà báo Đào Hùng với nhiệt
huyết, trí tuệ và kinh nghiệm của mình không chỉ làm công việc chỉ đạo
mà trực tiếp cầm bút viết và cầm tay dìu dắt những đồng nghiệp trẻ trong
suốt hai thập kỷ qua để tờ "Xưa&Nay" có được những ấn tượng tốt đẹp
và bổ ích đối với bạn đọc xa gần, trong đó có các đồng nghiệp trong và
ngoài nước. Với "Xưa&Nay", Phó Tổng biên tập Đào Hùng là người tổ
chức bản thảo, quan hệ với cộng tác viên, duy trì các quan hệ đối ngoại,
trực tiếp biên tập và cũng là cây bút đóng góp rất nhiều những bài báo,
bài dịch... giúp cho tạp chí có được một chỗ đứng nhất định trong lòng
những bạn đọc yêu lịch sử.
Với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,
ông Đào Hùng trong nhiều nhiệm kỳ là ủy viên ban Chấp hành phụ trách
công tác đối ngoại đã góp phần gắn kết giới Sử học Việt nam với nhiều tổ
chức và các đồng nghiệp quốc tế cũng như giới Sử học Việt kiều sinh
sống ở nước ngoài.
Với tầm quảng giao, Đào Hùng còn là một cộng tác
viên của nhiều tờ báo, nhiều nhà xuất bản, nhiều trung tâm văn hóa quốc
tế và luôn được trọng thị vì quảng bác, nhiệt tình với công việc và luôn
thân thiện với những người cộng tác, dù đó là người đồng trang lứa hay
các bạn trẻ. Ông là người tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và sử học, giao
kết với nhiều nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật mà ông
là người am hiểu, là tác giả của nhiều cuốn sách viết về văn hóa, nghệ
thuật, lịch sử và dịch thuật.
Đáng nói hơn hết, Đào Hùng là một
mẫu người biết gắn niềm đam mê cuộc sống đời thường với những khát khao
nghề nghiệp tựa như người anh trai của mình, Viện sỹ Đào Thế Tuấn, và
đúng như những gì năm xưa Cụ Phan Bội Châu gửi gắm là những người con
nối nghiệp và xứng danh với tên tuổi các bậc sinh thành. Người ta luôn
nhìn thấy ở ông khi còn trẻ hay lúc đã già một con người ham sống, ham
vui, ham làm việc…
Ngày hôm nay, trước lúc chia tay với người
Thầy, người Bạn nghề cùng nhau gắn bó 20 năm qua trong gia đình
"Xưa&Nay", tôi muốn xác tín rằng : Đào Hùng chính là hạt nhân tổ
chức tờ tạp chí này, là người đóng góp nhiều nhất và để lại những dấu ấn
đạm nét nhất trên mặt báo, trong bạn đọc và trong lòng những đồng
nghiệp trong tòa báo, trong đó có nhiêu thành viên trẻ tuổi luôn coi ông
không chỉ là thủ trưởng mà là người ông, người cha hay người thầy và
cũng là người bạn vong niên của mình.
Tạp chí "Xưa&Nay" sắp
bước qua tuổi 20, giữa lúc đang đứng trước những thử thách lớn mà lại
phải chia tay người Phó Tổng biên tập kính mến của mình, thật là một mất
mát to lớn. Ai cũng không thể vượt qua cái giới hạn của tuổi tác con
người nhưng anh em trong tòa soạn chưa ai dám hình dung đến một ngày như
hôm nay, Phó Tổng biên tập Đào Hùng đã ra đi vĩnh viễn. Cùng với Trưởng
Ban Biên tập là Trưởng nam của ông, anh chị em trong tòa soạn sẽ gắng
sức để tờ báo vẫn sống như hồi ông còn sống, vì "Xưa&Nay" mãi mãi
gắn với tên tuổi của Đào Hùng.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
cũng mất đi một thành viên lão thành đầy kinh nghiệm, đã cống hiến đúng ¼
thế kỷ vừa qua (1988-2013).
Nhưng chúng ta có mặt ở đây đều hiểu
rằng mất mát lớn nhất vẫn là những người thân yêu trong gia đình của ông
Đào Hùng. Với lòng chân thành, thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
và Tạp chí "Xưa&Nay", cùng Nhà xuất bản Thế Giới, nơi ông công tác
lâu năm, xin được gửi tới bà Tôn Nữ Nghi Trinh, đến anh Đào Thế Đức cùng
toàn thể các thành viên trong gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất.
Vào thời khắc "sinh ly tử biệt" này, chúng ta cùng nhau dành một phút
mặc niệm ông Đào Hùng, với niềm tin rằng ông đã rời dương thế với sự
thanh thản, vì những công việc ông đang làm dang dở cuối đời sẽ có những
đồng nghiệp kế tục, cũng như con cháu ông sẽ trưởng thành trong sự phù
hộ của Ông, con người nay đã trở thành bậc Tiên Hiền không chỉ trong gia
tộc.
Phút mặc niệm bắt đầu.
Xin chân thành cảm tạ !
Đúng là điếu ra điếu ,văn ra văn . Bài điếu văn thể hiện cái tầm của người viết và người được viết .
Trả lờiXóaCòn tôi xưa nay coi ông Quốc là người tiến bộ nhất trong quốc hội của Tư Bản Đỏ , có nghĩa là ông cũng là ông nghị nhưng it gật ! Nay đọc bài điếu văn của ông Quốc tôi lần đầu tiên thấy được cái tâm của ông ! Thời đại nầy ở VN chúng ta đâu có mấy người như vậy !
XóaNhững trí thức thực thụ và có tầm cao như ô. D.T.Quốc mới có bài văn điều đầy xúc cảm của tình yêu con người, tình đất nước và Tổ quốc.
Trả lờiXóaỞ nước ta có nhiều danh gia vọng tộc, không phải danh gia vì giàu có lắm tiền nhiều của nhưng danh gia vì sự đóng góp cho Đất Nước thật lớn lao . Cụ thể như gia đình học giả Đào Duy Anh và phu nhân Trần thị Như Mân. Nhân gian cũng chưa biết nhiều về những cống hiến to lớn của các con cụ Đào Duy Anh và bà Như Mân . Mong rằng một ngày không xa những công trình của cụ Đào Hùng sẽ được công bố trọn vẹn để nhiều người được tiếp cận và tham khảo .
Trả lờiXóaNhờ bài này tôi mới biết cụ Đào Hùng là con trai học giả Đào Duy Anh nổi tiếng, cũng như là người có công lớn đối với tạp chí Xưa & Nay và nhà xuất bản Thế Giới. Tôi thấy mình từng chịu ơn - được học hỏi nhiều - từ những ấn phẩm của hai cơ quan văn hóa này. Xin kính dâng nén hương lòng đưa tiễn vị học giả đáng kính.
Trả lờiXóa