Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

ĐÁM TANG VĨ ĐẠI


Đám tang vĩ đại
Ngô Minh 
Theo blog Ngô Minh 

Không có từ ngữ nào hơn để mô tả đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và Quảng Bình ngoài chữ VĨ ĐẠI. Đây là đám tang lớn nhất Việt Nam từ hàng ngàn năm lịch sử. Chưa bao giờ người dân lao động đưa tang một người lãnh đạo, một vị tướng lĩnh quân đội lại đầy ắp phố phường Hà Nội, đầy chật cứng đường Quốc lộ 1A như trong ngày 13 tháng 10 ấy. Các nhà sử học hãy ghi lại ngày tháng này. Đó là ý nguyện lịch sử, ý nguyên nhân dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh hùng dân độc đã hóa Thành giữa lòng dân.

Đoàn nhà văn việt Nam tại Huế chúng tôi, thuê xe đi ra Vũng Chùa, Quảng Đông, Quảng Bình để dự lễ an táng Đại tướng, cầu mong  mỗi người mỗi được bỏ nắm đất mẹ  xuống huệt mộ Đại tướng, trước khi vĩnh biệt Người. Đoàn chúng tôi gồm có có nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Hà Khánh Linh, Nguyên Quang Hà, Ngô Minh, Phạm Phú Phong, Mai Văn Hoan, Vĩnh Nguyên, ra An xá, Lệ Thủy,  Đồng Hới nhập thêm HoàngVũ Thuật, Trần Khởi và một số người có cả vợ con cùng đi. Chỉ hơn 200 cây số từ Huế đến Vũng Chùa, đoàn khởi hành từ Huế lúc 5 giờ 30  sáng ngày 13/10, mà mãi đến 6 giờ chiều, tức đi suốt 12 tiếng đồng hồ vẫn cách nơi an nghỉ Đại tướng gần 10 cây số. Chúng tôi nghe tin báo, bây giờ khu vực Vũng Chùa và ngã ba QL1A-Vũng Chùa và từ Đèo Ngang vào, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Lui không được, tiến cũng không được (thông tin sáng 14/10, trong bản tin Chào buổi sáng của VTV1 thì đến 10 giờ đêm vẫn kẹt xe ở đây rất trầm trọng). Thế là chúng tôi đành lui xe qua lại cầu Gianh, vô Huế với nỗi ngậm ngùi thương tiếc Đại tướng chứa chất trong tim mỗi người. Đoàn vô đến nhà riêng ở Huế đúng nửa đêm. Không  đến được nơi an nghỉ của Đại tướng, dù chỉ cảm nhận trênđường, nhưng mỗi nhà văn Huế chúng tôi đều nhận thức được tình cảm lớn lao, sâu nặng của nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình đối với Đại tướng trong ngày đưa tang.
.

Kẹt xe là do người tham gia đám tang Đại tướng quá đông .Xe ô tô chen chúc hàng năm hàng bảy trên đường nhích dần từng bước ở ngã ba Sân Bay Đồng Hới – QL1A, theo sau Đoàn xe tang lễ. 100 mét Quộc lộ 1A mà xe chúng tôi  phải nhích tới 2 tiếng đồng hồ. Hàng vạn người làng quê gần thì đi xe máy, bố mẹ chở con nhỏ, có em mới một hai tuổi. Thanh niên nam nữ trèo lên trên các ban công, sân thương tòa nhà hai tầng dọc xã Lộc Đại, Đồng Hới, cây cầm cờ đỏ sao vàng, giơ cao ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là cách biểu hiện tình cảm của họ. Đó là cách vĩnh biệt của họ. Người ở xa tận Tuyên Quang, Hà Giang , Sài Gòn, Thanh Hóa, Nghệ An… thì đi ô tô con, ô tô du lịch vào Quảng Bình đi đám . Xe nào cũng có ảnh Đại tướng, cũng dán băng rôn “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.Trước khi quay ra Vũng Chùa, buổi sớm họ vào làng An Xá thắp hương viếng Đại tướng. Buổi sáng 13, ở An Xá có tới hàng trăm chiếc xe  đến Nhà lưu niệm Đại tướng để viếng. Các nhà văn Huế trước khi đi Vũng Chùa, cũng ghé An Xá viếng Đại tướng.
.

Hai giờ chiều, xe chúng tôi  nhích qua được cầu Gianh, nghĩa là đã đi được 6 tiếng đồng hồ, lại bị một trận  kẹt xe tới ba tiếng đồng hồ nữa. Xe ô tô trên đường hàng năm, hàng bảy, cứ nhích lên , nhích lên. Máy nổ thường trực. Người đi xe máy chở theo vợ con cầm ảnh bác Giáp thì len lõi giữa các dòng xe cố vượt lên phía trước để kịp giờ an táng Đại tướng. Điều lạ lùng là giữa cái ma trận kẹt xe ấy, tuyệt nhiên tôi không nghe một tiếng la lối, ồn ào nào. Tất cả dòng người vẫn đăm chiêu, buồn buồn, lặng lẽ, kiên nhãn chờ đợi, vẫn nổ sẵn máy xe, có cơ hội là nhích lên từng bước.
.
Đọc đường qua các làng quê ở huyện Quảng Trạch, chúng tôi thấy người dân ở đây nhà nào cũng treo cờ rủ, bày cái bàn ra giữa sân để ảnh Đại tướng và lá cờ đỏ sao vàng vắt qua ảnh. Có nơi, các gia đình lại đưa cả nhà ra đứng ở cổng bên Quốc lộ 1A để tiễn biệt Đại tướng khi đoàn xe chở thi hài Đạit ướng đi qua. Cho đến phiên xe chúng tôi đến sau, họ vẫn đứng đó, nghiêm trang , kính cẩn. Một phóng viên nước ngoài từ Paris điện hỏi, trực tiếp phỏng vấn tôi về đám tang Đại tướng ở Quảng Bình. Tôi đã  kể cho họ nghe tất cả những điều đã thấy, đã cảm nhân ở trên , ngay trong xe, ngay ở giữa cái chỗ đang kẹt xe ấy: “Tôi đi từ sáng ở trong Huế ra, cùng đoàn nhà văn Việt Nam ở Huế tổ chức đi dự lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Đi từ sáng, tức là xuất phát từ Huế từ lúc 5 giờ 30 sáng, cho đến bây giờ là 12 tiếng đồng hồ rồi mà chưa đến được mộ, còn cách mộ khoảng 13 cây nữa. Nhưng chúng tôi ghé nhà dân bên cạnh để coi truyền hình trực tiếp thì mộ đã đắp xong rồi và người ta đã cúng bái xong rồi. Trên đường đi thì tôi thấy không khí vô cùng xúc động. Xe rất đông, đi trên đường quốc lộ 1, mà đi hàng 7 hàng 5 trên đường. Xe nào cũng mang ảnh bác Giáp và cờ, băng-rôn kính viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Hai bên đường, người dân quê, trẻ con, họ cầm ảnh bác Giáp. Vùng Quảng Bình, vùng nông thôn Quảng Trạch đây đều treo cờ rủ, nhà nào cũng treo cờ rủ. Nói chung không khí rất xúc động. Hàng vạn người đi trên đường. Khi đoàn xe chở thi hài Đại tướng đi trên đường, tôi thấy thanh niên nam nữ trèo lên cả nóc nhà xung quanh để coi, rất xúc động..." Quả thực, dù kẹt xe, nhưng tôi thực sự xúc động vì tôi đã được ở giữa hàng triệu người dân Việt Nam đi đám tang vị Đại tướng huyền thoại của mình trong ngày tang vĩ đại này.

Nữ nhà văn Hà Khánh Linh trong đoàn, khi nửa đêm xe trở về đến Huế, chia tay tôi, chị bảo:” Chúng ta không  đến nơi an táng được để vĩnh biệt Đại tướng được, nhưng chúng ta đã đến một nơi cần đến nhất : Đó là lòng dân đối với Thánh Giáp. Chúng ta đã có mặt cùng nhân dân dân mình trong một đám tang vĩ đại nhất…”.

N.M

6 nhận xét :

  1. Hết ngày Quốc tang, bây giờ đọc tin vẫn thấy bồi hồi xúc động!
    Các vị lãnh đạo đã phần nào thấy lòng dân là như thế nào. Dân rất công bằng. Dân biết không ngụy tạo những vụ như Sáu Sứ, T4. Kẻ ngụy tạo nghĩ sao?
    Câu thơ Anh Ngọc viết:
    "Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
    Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa"
    Bài thơ đã được nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc ngày 06/10/2013.
    "những đối thủ của Ông" có lẽ không chỉ riêng các tướng Pháp? Còn những "đối thủ" của Ông mà Ông đã lấy chữ NHẪN để kìm nén cảm xúc của một "dân oan" vĩ đại? Cũng vì thế mà Người là người VĨ ĐẠI trong suốt chiều dài lịch sử, không chỉ ở Việt Nam mà cả từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu.
    Cũng phải cảm ơn nền văn minh, cảm ơn truyền thông! Thế giới hiện đại đã không để lập lại một Ức Trai oan khuất ở thế kỷ XX - XXI .

    Trả lờiXóa
  2. Trong quân đội VN DCCH, đại tướng là người có học nhất, trong sạch nhất, không bè phái, không đấm đá đồng đội,trong chính trường thì ĐT lấy Nhẫn Nhục làm đầu, và lên tiếng bảo vệ đất nước trong vụ Bauxit rồi lại đứng chung với hàng ngũ trí thức trong nước, bằng bấy nhiêu ĐT đã đuợc nhân dân qúi mến. Còn vai tro của ĐT trong trận Điện Biền Phủ, Khe Sanh, Tết Mậu Thân, Mùa Hè lửa đỏ 1972 như thế nào, công lao ra sao... lần lần lịch sử sẽ làm sáng tỏ. Cầu chúc linh hồn ĐT an nghỉ nới bên kia thế gìới không hận thù...VT

    Trả lờiXóa
  3. "...Muốn đánh giá về di sản của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, cần cắt nghĩa tại sao hàng triệu người Việt Nam lại tự nguyện tiễn đưa ông, điều chắc chắn họ đã và sẽ không làm trong đám tang nhiều ông tai to khác chết trước và sau ông về sau này. Theo anh, Có hai di sản chính mà Đại tướng để lại cho hậu thế. Thế giới biết đến ông với vai trò của một danh tướng. Qua những thông tin lan rộng trên báo chí quốc tế, có thể thấy rằng ông là một danh tướng kiệt xuất trong lịch sử. Võ công của ông không chỉ đem lại độc lập cho dân tộc Việt Nam, mà còn cho nhiều dân tộc khác nữa từ Á sang Phi và Mỹ Latinh. Người Việt khóc thương ông trong niềm kính trọng, cũng giống như họ đã kính trọng, biết ơn và sau đó là thần thánh hoá các danh tướng trong lịch sử vệ quốc, giống như danh tướng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và nhiều vị tiền nhân dựng nước khác. Nhưng còn có một lý do khác, người Việt khóc tiễn đưa ông, vì với họ, ông là phần lương tri cuối cùng còn sót lại trong thế hệ của mình. Sự ra đi của ông, đối lập với sự tồn tại và vinh thân phì gia của một hệ thống toàn trị vô đạo đức đang bóp cổ dân đen, càng khiến người Việt thấy nuối tiếc. Khóc cho ông, cũng đồng thời khóc cho sự cơ cực của người Việt trong bối cảnh đạo đức ngả nghiêng trong xã hội hiện nay. Cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ khiến hầu hết người Việt có tri thức và hiểu biết phải bật ra câu hỏi: Họ và con cháu họ sẽ phải tiếp tục sống trong một xã hội mà sự thối nát và bất công lan rộng này đến bao giờ..." Lượm lặt trên xa lộ internet.

    Trả lờiXóa
  4. Có một phương án đưa linh cữu Đại tướng về Quảng Bình cực kỳ trang trọng, an toàn, nhanh chóng mà nhờ đó cực kỳ đông đảo tầng lớp nhân dân có thể trực tiếp tham gia viếng suốt hành trình: Dùng tàu hỏa.

    Nếu như vậy, đám tang Đại tướng sẽ là một trong những đám tang lớn nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

    Chính vì vậy mà phương án trên đã không được tính đến chăng?

    Một ĐV nhưng mà tốt nói.

    Trả lờiXóa
  5. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 18:59 14 tháng 10, 2013

    Chẳng cần đến CQ, người dân vẫn tự động đến với Đại Tướng. Già trẻ lớn bé, mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người ngày trước khác chiến tuyến với Đại Tướng cũng đến viếng Đại Tướng . Tài năng , đức độ của Đại Tướng đã thu phục lòng người . Không riêng đồng bào mà cả người nước ngoài . Thật Ngài là bậc vĩ nhân ! Xin nghiêng mình kính cẩn trước Anh Linh Người Anh hùng dân tộc .

    Trả lờiXóa
  6. Trái tim hồng và cái đầu lạnhlúc 21:52 14 tháng 10, 2013

    Xin nghiêng mình kính cẩn trước Anh Linh Người. Kính Người an giấc ngàn thu.
    Sốc với một bài viết với một cách nhìn duy lý. Có lẽ, chưa chắc đã là thích hợp trong thời điểm này. Chỉ có thể dành cho người nào có trái tim hồng nhưng cái đầu phải lạnh.
    Mong rằng tác giả sẽ không bị ném đá tơi bời !
    "Một đất nước mà càng có nhiều thần thánh và càng nhiều thần tượng để tôn thờ càng chứng tỏ dân tộc đó chưa trưởng thành, có những chỗ khuyết thiếu trong đời sống tinh thần".
    http://boxitvn.blogspot.fr/2013/10/ai-tuong-vo-nguyen-giap-nhung-goc-canh.html

    Trả lờiXóa