Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

ĐIỆN HẠT NHÂN TIẾP TỤC BỊ CHỈ TRÍCH NHÂN DỰ ÁN ĐÀ LẠT

Trọng Thành - rfi

Trung tuần tháng 8/2013, báo chí trong nước đưa tin về phản ứng lo ngại của chính quyền tỉnh Lâm Đồng đối với dự án xây dựng một cơ sở hạt nhân cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10 km. Nhìn nhận về nỗi lo ngại trước dự án hạt nhân Đà Lạt – một mắt xích cơ bản trong chủ trương chuẩn bị nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tương lai của Việt Nam – là một dịp trở lại với các câu hỏi : Liệu lựa chọn năng lượng hạt nhân có thực sự hữu ích ? Và trong trường hợp bất khả kháng, cần phải hành động như thế nào để ĐHN không trở thành một thảm họa ?

Về chủ đề này, Tạp chí Khoa học RFI trước hết xin giới thiệu với quý vị tiếng nói của Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn của Nha Kinh tế - Dự báo - Chiến lược của tập đoàn điện lực Pháp EDF. Từ mươi năm nay, Giáo sư Nhẫn dành rất nhiều tâm lực đặc biệt cho việc nghiên cứu về vấn đề ĐHN và năng lượng nói chung, nhằm đưa ra những tư vấn mang tính cảnh báo về nguy cơ của việc theo đuổi con đường phát triển ĐHN một cách mù quáng.
Toàn bộ phỏng vấn với Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn
(12:20)


RFI : Theo tin trong nước, Việt Nam đang có dự án xây cất Trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trị giá nửa tỷ USD, do Nga giúp đỡ công nghệ. Giáo sư đã từng nhiều lần lên tiếng về chương trình ĐHN của Việt Nam. Vậy xin Giáo sư cho biết quan điểm về Trung tâm này ? 

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn : Vì tôi hoàn toàn không đồng ý với chương trình ĐHN của Việt Nam, tôi rất tiếc phải nói rằng việc xây cất Trung tâm hạt nhân ở Đà Lạt, gắn liền với chương trình này, là không cần thiết lắm, phí tiền của dân mà không đem lợi ích gì cho nước nhà. Lẽ cố nhiên, đối với Viện Năng lượng nguyên tử, có trách nhiệm lớn trong chương trình ĐHN, tôi thông cảm với những lý do mà ông Viện trưởng, TS Trần Chí Thành, đã đưa ra. Theo ông Viện trưởng, thì Trung tâm có bổn phận phục vụ các nhà khoa học, các trường đại học và các cơ sở liên quan đến việc khai thác các nhà máy ĐHN.

Ta không có nhân lực thì phải có cơ sở để làm thí nghiệm và đào tạo một số cán bộ ở trong nước, chứ không thể hoàn toàn ỷ lại ngoại quốc, điều ấy dễ hiểu thôi, không có gì đáng trách móc lắm.

Điện hạt nhân đã lỗi thời và rất nguy hiểm

Vì thế trước tiên, cho phép tôi trả lời câu hỏi chính là : Tại sao tôi không ủng hộ chương trình ĐHN ?

Từ 10 năm nay, qua trên 40 bài tôi viết và trả lời phỏng vấn, tôi đã có dịp trình bày những lý do tại sao Việt Nam không nên làm ĐHN.

Tôi xin vắn tắt lại như sau : ĐHN đã lỗi thời, không an toàn, rất nguy hiểm cho hàng chục thế hệ con cháu sau này. ĐHN không kinh tế như người ta tuyên truyền láo, nó sẽ đắt hơn năng lượng tái tạo, khi ta xây cất xong các nhà máy. Hiện nay giá thành điện gió ở Âu Châu đã cạnh tranh được rồi.

Điện Hạt Nhân – ĐHN - là Điện Hại Nước, Điện Hại Non. Non Nước và dân ta có tội gì đâu, mà phải sống trong sự đe dọa thường trực của phóng xạ giết người, gây bệnh hoạn suốt đời, sau biết bao tang thương của những cuộc chiến tranh tàn ác để lại. Vì một chiến lược sai lầm, không phù hợp với cuộc cách mạng năng lượng thế giới đang diễn ra (smartgrid, Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng...), nếu rủi ro, trong chớp nhoáng, Việt Nam có thể bị điêu tàn, kinh tế sụp đổ, ngành du lịch, xuất khẩu tê liệt !

Trở lại vấn đề dự án Trung tâm hạt nhân Đà Lạt. Tại Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 10 vừa diễn ra tại Vũng Tàu, ông Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ KHCN - phát biểu như sau : Chúng ta đang thiếu nhân lực, cán bộ năng lượng nguyên tử, cán bộ giỏi về ĐHN. Hiện nay, các cán bộ trong nước đang gặp khó khăn trong việc thẩm định kết quả tư vấn cho hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận do chúng ta đang rất thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ làm việc cho cơ quan pháp quy để đảm bảo an toàn an ninh cho hạt nhân, thiếu đội ngũ cán bộ xây dựng nhà máy ĐHN. Việc quản lý chất thải nhà máy ĐHN cũng đang là vấn đề quan trọng đang tranh cãi chưa đưa ra được hướng đi.

Như thế thì tại sao ta phải xây dựng cấp bách nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận ? Rồi xây tiếp một loạt 14 lò đến năm 2030 ? Chưa gì mà có người đã hãnh diện cho Việt Nam, sẽ được xếp vào hàng thứ 15 trong số 33 nước có ĐHN trên thế giới !

Đầu tư khổng lồ, kết quả mờ mịt

Trên nguyên tắc, với 500 triệu đôla, ta có thể cấp ít nhất 50.000 học bổng cho các kỹ sư đã tốt nghiệp, du học ở ngoại quốc, khỏi cần xây cất Trung tâm này. Tuy nhiên, nếu làm 14 lò với tham vọng xây dựng nền tảng cho một công nghiệp hạt nhân, thì sẽ cần thêm hàng chục tỷ đô la để đầu tư vào nhiều cơ sở nghiên cứu khác, một Trung tâm có nghĩa lý gì ?

Diện tích đất trong dự án (Đà Lạt) lên đến 107 ha, tha hồ mà xây cất. Càng nhiều Trung tâm như vậy, giá điện càng tăng nhanh !

Nên biết rằng trước khi EDF (Electricité de France – Công ty điện lực quốc gia Pháp) bắt đầu xây cất các nhà máy ĐHN vào năm 1957, Pháp đã có lò Zoe – EL1 (1948), EL2 (1952). Sau đó, liên tiếp từ 1956 trở đi đến 1978, Pháp không ngừng xây cất gần 30 lò nghiên cứu và đào tạo, rải rác ở nhiều Trung tâm của CEA. Hiện nay chỉ 15 lò nghiên cứu còn hoạt động.

Như thế có nghĩa là, nếu ta quyết tâm chọn con đường hạt nhân, đầy chông gai hiểm trở, theo tôi, hoàn toàn bế tắt, thì ta sẽ phung phí hàng chục, rồi hàng trăm tỷ đôla của dân còn nghèo khổ. Nó sẽ thu hút tất cả nguồn sinh lực và tài chính quốc gia, không cho phép ta đầu tư vào những lĩnh vực then chốt khác : Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và tăng gia hiệu suất năng lượng, chưa kể các lĩnh vực ưu tiên, như giáo dục, nghiên cứu, y tế, xã hội...Và ta sẽ càng khó đuổi kịp các nước biết nhìn xa ngó rộng, biết đầu tư đúng nhịp tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay.

Chương trình ĐHN Pháp quá mạnh, nay cũng bị kẹt ! Pháp muốn khai thác nhanh Năng lượng tái tạo như Đức mà không đủ điều kiện, nhất là về tài chính. Đức rất khôn ngoan, đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực tái tạo từ hơn 20 năm nay !

Pháp : Cường quốc hạt nhân dần chuyển sang năng lượng xanh

Để có một ý niệm về tầm quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, tôi xin phép vắn tắt giới thiệu Trung tâm hạt nhân của Pháp nêu trên : CEA (Commisariat à l'Energie Atomique et aux Energies Alternatives). Hai chữ Energies Alternatives (các năng lượng mới) mới thêm vào cách đây vài năm, chứng tỏ sự chuyển hướng của Pháp trong lĩnh vực năng lượng. CEA, nỗi tiếng trên thế giới, có cả thảy 5 cơ sở dân sự (Saclay, Fontenay- aux- Roses, Grenoble, Marcoule và Cadarache) và 5 cơ sở quân sự. Với một ngân sách lên đến 4,7 tỷ euros và 16.000 nhân viên có trình độ rất cao, phục vụ ở 53 đơn vị, CEA hợp tác chặt chẽ với 500 xí nghiệp.

Riêng về CEA Grenoble, trước kia gọi là CENG (Centre d'Etudes Nucléaires Grenoble), được GS Louis Néel, Nobel Vật lý, thành lập năm 1956, tôi được biết rõ hơn cả vì đã tu nghiệp hạt nhân ở nơi đây.

CENG có cả thảy 12 phòng thí nghiệm, dành cho nghiên cứu vật lý cơ bản, vật lý chất rắn, nhiễu xạ nơtron, nhiệt độ thấp, cộng hưởng từ, máy gia tốc. Các phòng thí nghiệm khác đảm trách vật lý hạt nhân, truyền nhiệt, đặc tính hóa học của chất rắn và luyện kim, đặc tính hóa học dưới bức xạ, ứng dụng chất phóng xạ và điện tử. Cộng với 3 lò hạt nhân : Mélusine, Siloé, Siloette, CENG đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư cho EDF.

Từ 2002 đến 2012, CEA Grenoble đã phá gỡ 3 lò nêu trên. Vì thế hiện nay, CEA Grenoble hoàn toàn phi hạt nhân và 4 hướng nghiên cứu chính là công nghệ micro-nano, năng lượng mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu cơ bản.

Quá trình diễn biến khoa học và kỹ thuật của CENG cho phép tôi nói rằng : Việt Nam đi lùi hơn nửa thế kỉ mà không biết !

Vì cớ gì, người ta đi tới, mình đi lùi, người ta đi ra, mình đi vào ?

Lúc bắt đầu chương trình ĐHN, Pháp đã có một nền tảng công nghiệp cơ điện vững chắc, ngoài EDF và CEA. Lực lượng nguyên tử của họ ngày nay có thêm Areva, một xí nghiệp hùng mạnh, bao sân toàn bộ chu kỳ hạt nhân, từ mỏ uranium đến khâu xử lý chất thải phóng xạ. Nên biết rằng từ 1957 đến 2010, Pháp đã đầu tư cả thảy khoảng 300 tỷ đô la vào lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Liệu ta có đủ nhân lực và tài chính để ồ ạt xung phong vào một công nghiệp đang xuống dốc mạnh không ?

Dù sao, theo tôi, xây dựng Trung tâm hạt nhân Đà Lạt bây giờ thì cũng quá muộn rồi, so với lịch trình của một chương trình ĐHN quá tham vọng của ta, sang năm đã khởi công.

Dù sao, theo tôi, xây dựng Trung tâm hạt nhân Đà Lạt bây giờ thì cũng quá muộn rồi, so với lịch trình của một chương trình ĐHN quá tham vọng của ta, sang năm đã khởi công.

Nếu nâng cao hiệu suất sử dụng điện, không cần ĐHN
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Hiện nay có một mâu thuẫn như thế này : Chúng ta nói là Việt Nam thiếu điện. Tất nhiên hai năm nay, thì đỡ hơn rất nhiều, vì có một số tổ máy vào, không đến nỗi bị cúp điện như cách đây 3, 4 năm. Nhưng mà tôi vẫn giữ một quan điểm là Việt Nam rất lãng phí điện. Chúng tôi có những công trình nghiên cứu nói rõ những cái đó. Việt Nam lãng phí vào loại nhất thế giới. Nói ra điều này ít ai tin được, bởi vì một nước nghèo như Việt Nam, làm sao lại lãng phí đến mức như vậy ?!

Nhưng mà hãy hỏi các nhà nghiên cứu có tìm hiểu kỹ về vấn đề này, thì so sánh theo những tiêu chí nhất định, thì đúng như vậy. Hệ số đàn hồi của Việt Nam là luôn luôn lớn hơn 2, mà các nước xung quanh chỉ hơn 1. Như vậy đề làm được một đô la hay một euro, chúng ta phải tiêu thụ lượng điện gấp đôi các nước xung quanh. 5% tăng trưởng GDP hàng năm, thì tiêu thụ điện tăng tới 12%. Như thế hệ số đàn hồi lớn hơn 2. Hiện nay chưa giải được bài toán đó. Thực ra những người có thẩm quyền cũng biết việc này và cũng đặt kế hoạch đến 2020, làm sao Hệ số đàn hồi chỉ còn 1 thôi.

Cho nên quyết sách rất quan trọng. Nếu giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng điện… Cứ làm đúng như các nước xung quanh, thì mức tiêu thụ năm 2020 không phải là con số dự kiến như khi đưa ra Quốc hội, lúc đề nghị duyệt chương trình ĐHN. Nếu Việt Nam đề cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện năng, thì theo tôi chưa cần phải làm ĐHN. Cứ đẩy lùi chương trình này lại.

Cái này chứng minh không khó và không phải ít người thấy. Nhưng mà tại sao không thể làm được ? Thì thực ra tôi thấy cũng rất là khó hiểu ?!

Dân các nước dân chủ thường phản đối cơ sở hạt nhân gần dân cư

RFI : Hiện nay tỉnh Lâm Đồng không đồng ý về việc xây cất Trung tâm ở Đà Lạt, do sợ hạt nhân và có đề nghị nên tìm một địa điểm khác cách xa Đà Lạt 30 km. Xin Giáo sư cho biết suy nghĩ của Giáo sư về vấn đề này ? 

GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Tỉnh Lâm Đồng không đồng ý thì cũng có lý, tuy mức độ nguy hiểm của Trung tâm thấp hơn nhiều so với lò ĐHN.

Muốn so sánh, lấy ví dụ lò nghiên cứu Triga Đà Lạt 250 kW nhiệt của Mỹ viện trợ năm 1963. Sau đó vào năm 1984, hợp tác với Nga, công suất nhiệt đã được nâng lên 500 kW. Công suất điện lò Ninh Thuận là 1000 MW, tức gần 3000 MW nhiệt !

Rủi ro về ô nhiễm phóng xạ phần lớn là do sự cẩu thả hay sai lầm của nhân viên khai thác. Còn lạ gì về những nhược điểm của ta : Thiếu tác phong công nghiệp, tác phong xã hội, văn hóa an toàn. Thảm họa Tchernobyl hay Fukushima là do ở con người chứ không phải ở thiết bị.

Ngày nay ở các nước dân chủ, nhất là ở Âu Châu, phần đông các thành phố, làng, xã nhỏ hay lớn đều tìm mọi cách để từ chối việc cấp đất để xây cất nhà máy Điện hay cơ sở hạt nhân, dù có mua chuộc họ với tiền bạc đi nữa.

Cũng vì lẽ ấy mà các công ty điện lực như EDF, đề nghị kéo dài thời gian vận hành các lò từ 30 đến 40, 50 hay 60 năm ! Theo tôi, gia hạn như thế rất tốn kém và nguy hiểm.

Sở dĩ ngày xưa, các phòng thí nghiệm hạt nhân được xây dựng ở trung tâm thành phố, phần lớn cũng vì các chuyên gia thiếu kinh nghiệm và coi thường mức độ nguy hiểm của phóng xạ. Dân chúng thì không có thông tin chính xác để chống đối mạnh như ngày nay.

Ngay ở CENG tại thành phố Grenoble, ngày 7-11-1967, một thanh nhiên liệu đă bị nóng chảy ở lò nghiên cứu Siloé làm thoát ra 55.000 curies trong hồ nước và 2.000 curies trên khí quyển. Cũng ở Grenoble, tại lò RHF (Réacteur à Haut Flux) của Viện Laue-Langevin, ngày 19-7-1974, 2500 curies Antimoine 124 bị rò rỉ trong hồ nước, gây ô nhiễm ở lớp nước giếng.

Trưng cầu dân ý về ĐHN Việt Nam

RFI : Giáo sư có thêm ý kiến gì vấn đề này ?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Theo tôi, cần phải có cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam. Như thế mới là dân chủ !

Timothy Mitchell, Giáo sư Đại học Columbia (New York), trong cuốn sách « Carbon Democracy » (Năng lượng và nền Dân chủ) vừa xuất bản, đã chứng minh sự liên hệ mật thiết giữa dân chủ và năng lượng. Qua các thế kỉ 18, 19 và 20, ta thấy các tập đoàn, xí nghiệp, lobby, giàu mạnh trên thế giới, đã lợi dụng đồng tiền, uy tín và quyền lực của họ, gây áp lực và ảnh hưởng lớn trong cơ cấu chính quyền, các tổ chức xã hội, nghiệp đoàn, để khai thác và phát triển công nghiệp than, dầu, khí, rồi ĐHN.

Sau thảm họa Fukushima, họ thừa biết rằng thời kỳ oanh liệt của hạt nhân đã qua rồi (60 năm tròn, như chu kỳ dài hạn của nhà kinh tế Nga Kondratieff), nên đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang Năng lượng tái tạo.

Những nước không muốn trưng cầu dân ý, che đậy thông tin chính xác về ĐHN, sẽ làm mất giá trị và ý nghĩa của hai chữ dân chủ. Ở Pháp, nhờ sự tranh đấu vững mạnh của các tổ chức phi chính phủ (ONG), giai đoạn xấu xí này đã chấm dứt từ lâu.

Bài học đi trước thời đại của nước Áo

Nước Áo đã cho thế giới một bài học dân chủ có một không hai trong lĩnh vưc ĐHN, mà ít người biết đến. Từ 1972 đến 1977, nước này xây cất xong nhà máy ĐHN Zwentendorf (lò nước sôi BWR 730 MW), cách thủ đô Vienne 60 km, cạnh bờ sông Danube. Ngay sau đó, trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1978 (tức trước sự cố Three Miles Island ở Mỹ năm 1979), số phiếu chống ĐHN thắng với tỷ số eo hẹp 50,5% ! Tuy vậy, chính phủ vẫn ra lệnh tuyệt đối cấm không cho nhà máy này vận hành ! Nó đã trở thành một Viện bảo tàng và cũng là một địa điểm đang sản xuất điện mặt trời ! Đáng phục hơn nữa là năm 1999, luật ghi rõ trong hiến pháp - Nước Áo không hạt nhân - được quốc hội đồng thanh biểu quyết.

Sau thảm họa Fukushima, tỷ lệ số dân Áo chống ĐHN vọt lên 80% và người cầm đầu nước này, Werner Faymann, đã long trọng đề nghị Cộng đồng Âu Châu nên từ bỏ ĐHN và đầu tư mạnh vào Năng lượng tái tạo.

Theo tôi, chỉ có Năng lượng tái tạo (không tốn tiền nhiên liệu, đừng bao giờ quên !) mới đem lại độc lập, hòa bình và dân chủ cho thế giới.

Mỗi lò hạt nhân sẽ làm ta kẹt ít nhất 50 năm để khai thác và 50 năm để tháo gỡ. Đó là chưa kể phải tiếp tục quản lý chất thải phóng xạ suốt hàng trăm thế kỉ liên tiếp!

Nếu một tai nạn lớn như thảm họa Tchernobyl hay Fukushima, xẩy ra trong số 14 lò, sẽ được xây cất ở các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, thì lãnh thổ ta sẽ lâm nguy và bị cắt làm đôi, do phóng xạ bao trùm cả miền Trung. Dân chúng sẽ di tản ở đâu ? Chất thải phóng xạ giết đồng bào ngàn năm vẫn còn đó.

Ta đừng vội quên Fukushima. Chất độc phóng xạ tiếp tục tung hoành cả khu vực rộng lớn xấu số này. Hiện nay, Tepco đang gặp cơn khủng hoảng hết sức trầm trọng. Mỗi ngày Tepco tiếp tục đổ ra Thái Bình dương trên 300 tấn nước bị ô nhiễm ! Chính phủ Nhật đang hoang mang, vì những thùng chứa 200.000 tấn nước nhiễm phóng xạ đe dọa bị nứt. Vừa qua, 300 tấn nước rất độc hại đã thoát khỏi một thùng nước bị hỏng. Sự cố đã được nâng lên cấp số 3 trên thang INES (International Nuclear Event Scale). Tepco cũng như Rosatom của Nga đã nhiều lần bị chỉ trích về sự thiếu nghiêm túc và nói láo, ta cứ tin tưởng ở hai chữ an toàn của họ thì có ngày sẽ thất vọng và hối tiếc.

Nước Áo vô cùng sáng suốt đã hỏi ý kiến dân trước khi xẩy ra 3 biến cố khủng khiếp nhất : Three Miles Island, Tchernobyl và Fukushima.

Vì vận mệnh thiêng liêng của tổ quốc và sự sống còn của đồng bào, một lần nữa, tôi thiết tha đề nghị Chính phủ Việt Nam tổ chức gấp một cuộc trưng cầu dân ý, trước khi khởi công. Nếu không, những ai lấy quyết định hôm nay, ngày mai đâu còn đó mà chịu trách nhiệm với non sông ? ».

An toàn là đòi hỏi số một

Trở lại với chủ trương xây dựng một trung tâm hạt nhân tại Đà Lạt. Ngoài các mục tiêu nghiên cứu cơ bản và sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho y tế và một số ngành kinh tế, dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân Đà Lạt nằm trong chương trình đào tạo nhân lực cho kế hoạch phát triển ĐHN tại Việt Nam, trước mắt với việc xây dựng hai nhà máy hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, với công nghệ và tín dụng của Nga và Nhật Bản, dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp điện từ năm 2020. Việc khởi sự một trung tâm đào tạo nhân lực hạt nhân vào thời điểm sắp khởi công xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên (năm 2014) cho thấy Việt Nam đang lúng túng trong chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân, mà việc đào tạo vốn có những đòi hỏi rất cao. Một số nhà quản lý và chuyên gia trong nước cảnh báo, một mặt, Việt Nam chưa xây dựng xong chương trình đào tạo ở bậc đại học cho các ngành nghề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử - với ước tính cần khoảng hơn 4.000 kỹ sư, chuyên viên… từ sau năm 2020 -, mặt khác, các ngành học này khó thu hút được sinh viên, đặc biệt các sinh viên có năng lực khá, giỏi. 

Bên cạnh những ý kiến phê phán triệt để chủ trương phát triển ĐHN như của Giáo sự Nguyễn Khắc Nhân trong phần trình bày phía trên, tại Việt Nam, sau khi chương trình hạt nhân chính thức được thông qua, một số chuyên gia trước có quan điểm phản đối, nay chấp nhận chủ trương chính thức của Nhà nước, nhưng tiếp tục bảo vệ quan điểm : Để ĐHN không trở thành một tai họa, điều tiên quyết số một là phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực đủ để tham gia xây dựng, vận hành và bảo đảm an toàn các nhà máy trong tương lai.
Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị tiếng nói của Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện là chủ tịch hội đồng khoa học cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân Việt Nam.

Phỏng vấn với Giáo sư Phạm Duy Hiển
(11:49)
 

Giáo sư Phạm Duy Hiển : « Sau tai nạn Fukushima, thì trên thế giới có tổng kết lại là tại sao nó xẩy ra. Thì người ta rút ra mấy cái kết luận như thế này : Cái an toàn của ĐHN nó không phải là tự trong máy móc thiết bị đã được cài sẵn, mà vấn đề là cái an toàn đó nó được thể hiện qua đội ngũ về chuyên môn cũng như về quản lý. Do đó cho nên, Việt Nam muốn làm ĐHN, thì như chúng tôi đã nói rất nhiều lần là cái công tác đào tạo con người là việc hết sức quan trọng. Mà tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng đã quan tâm đến chuyện đó. Do đó cho nên, việc xây dựng cái trung tâm nghiên cứu hạt nhân, với Trung tâm nghiên cứu hạt nhân cái lò phản ứng công suất hơn 10 MW là nằm trong chủ trương ấy.

Hiện nay, Nhà nước, Quốc hội rất muốn là có ĐHN sau 2020, nhưng mà trên thực tế tiến độ đó là khó thực hiện được, bởi vì ngay đến bây giờ phía Việt Nam vẫn chưa nhận được những tài liệu thiết kế cần thiết, thậm chí những tài liệu kỹ thuật, luận chứng của các đối tác cũng chưa có. Là bởi vì, như tôi nói nhiều năm trước, việc làm ĐHN không đơn giản như thế, như khi ta quyết định xây dựng một nhà máy đóng giày… Đặc biệt sau vụ Fukushima, mọi người đều thấy rằng an toàn ĐHN là vấn đề rất lớn.

Nhân lực có trình độ cao không chỉ trong kỹ thuật mà cả trong quản lý 

GS Phạm Duy Hiển : Cho nên không thể làm mà đốt cháy giai đoạn được. Thực chất vấn đề này chúng tôi đã dự đoán trước từ nhiều năm, thậm chí từ cách đây 10 năm. Thế và cũng căn cứ vào tình hình chung ở rất nhiều nước trên thế giới, nói chung trong thời gian những năm gần đây, có lẽ loại trừ Trung Quốc là một nước có lẽ cũng đặc biệt, còn tất cả các nước khác làm ĐHN đều trễ tiến độ, so với lại dự kiến ban đầu, thậm chí trễ rất nhiều. Tất cả đều là do chuyện con người bây giờ, người ta lo cho chuyện an toàn, không thể chấp nhận, không thể bỏ qua bất cứ sai sót nào. Và cái đó nó cũng đặt ra một thách thức cho Việt Nam. Là muốn làm được như vậy, thì phải có đội ngũ, phải có những người am hiểu, chứ không phải lúc nào cũng thuê nước ngoài được cả.

Thế thì trở lại vấn đề nhân lực cho Việt Nam. Nhân lực có trình độ cao không phải chỉ trong lĩnh vực học thuật, chuyên môn, kỹ thuật, mà còn cả về quản lý, lo lắng cho công tác an toàn. Và việc chỉ đạo, lãnh đạo từ phía cấp cao của Nhà nước. Chúng ta thấy, như vụ Fukushima hiện nay. Ngay vụ rò rỉ phóng xạ, Thủ tướng chính phủ phải đứng ra giải quyết.

Đội ngũ nhân lực chưa sẵn sàng thì chưa thể xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN

GS Phạm Duy Hiển : Bây giờ gần đây nói thêm, cũng có chuyện là trong nước cũng có chính sách là tuyên truyền cho người dân biết về ĐHN. Nhưng mà các nước người ta tổng kết về tuyên truyền như thế này : Anh tuyên truyền cho ĐHN, thì anh không thể nói được là ĐHN là an toàn, vì nó không đúng nữa rồi. Khắp nơi nó xẩy ra chuyện này, chuyện khác, nhất là vụ Fukushima. Tuyên truyền (thực chất) cho ĐHN thì phải nói như thế này : ''Bà con hãy tin tưởng vào chúng tôi ! Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho ĐHN an toàn đến mức có thể được''. Đấy là câu tổng kết mà tôi cho là rất có giá trị.

Như vậy có nghĩa là, thực chất mọi người phải làm thế nào để cho nó an toàn, và tuyên truyền có nghĩa là thể hiện cho đồng bào, nhân dân thấy là chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm cho nó an toàn. Đó là tình hình của Việt Nam ta hiện nay, khi đã có quyết định là làm ĐHN, thì có lẽ cách tốt nhất là phải nói như vậy.

Mà nói như vậy có nghĩa là phải có hành động. Có hành động là mọi biện pháp để có được đội ngũ bảo đảm an toàn cho ĐHN. Tôi nói với tư cách của một người được giao nhiệm vụ làm ngành hạt nhân này từ 35 năm nay ở trong nước. Trước đây tôi không có nhất trí với việc làm sớm và làm ồ ạt ĐHN, nhưng bây giờ một khi chính phủ đã quyết, thì chúng tôi phải nói rất mạnh đến vấn đề là nhân lực của ta chưa thật sẵn sàng và phải hết sức tập trung vào đào tạo được nhân lực đó. Và chừng nào đội ngũ nhân lực đó mà chưa sẵn sàng, thì chưa có thể làm, chưa có thể cho vận hành, xây dựng nhà máy ĐHN được.

----

Trong nhiều năm, trước khi được Quốc hội thông qua, chương trình ĐHN của Việt Nam bị nhiều ý kiến phê phán dữ dội của các chuyên gia trong và ngoài nước, về mặt nguyên tắc. Sau khi đã trở thành một chủ trương chính thức tại Việt Nam vào năm 2009, chương trình phát triển ĐHN tiếp tục bị chỉ trích trong vận hành cụ thể, đặc biệt sau khi giới chuyên gia thu nhận được rất nhiều bài học đắt giá về những sai lầm của con người trong việc quản lý phóng xạ sau thảm họa Fukushima. Sự lúng túng của chính phủ trong việc thực hiện chương trình phát triển ĐHN như dự kiến là một dịp để đặt lại vấn đề : Trong bối cảnh tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc thấp hơn nhiều so với dự kiến, liệu việc phát triển cấp tốc năng lượng hạt nhân có cần thiết ? Bên cạnh đó, nếu tổ chức được việc tiết kiệm điện thực sự hiệu quả và kiên quyết phát triển mạnh các loại năng lượng tái tạo, liệu Việt Nam có thể thu hẹp quy mô của ĐHN ?

Để có cơ sở đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề kể trên, nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải có những tính toán về dự báo tiêu thụ điện và phương hướng tiết kiệm điện, phát triển các năng lượng xanh mang tính minh bạch và khách quan hơn hiện nay

Các bài liên quan

Về chủ trương làm đường điện 750 kV tại Ninh Thuận

GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Tôi không rõ ai đề xướng điện áp 750 kV (con số tiêu chuẩn là 765 kV). Thật hết sức vô lý !

Trên lý thuyết, khi đường dây dài quá 700 km hay 800 km, dùng điện siêu áp (ultra haute tension) 750 kV hay điện một chiều (courant continu) cao thế là phải.

Đường dây Bắc Nam của ta dài gần 1.500 km, xây dựng vào năm 1992, dùng điện xoay chiều 500 kV. Sở dĩ không dùng điện một chiều là vì dọc đường phải cung cấp điện cho nhiều thành phố, qua các trạm biến thế. Lúc bấy giờ ta không dùng 750 kV vì điện áp cao nhất của lưới điện quốc gia là 220 kV. Từ con số này vọt ngay lên 750 kV thì rất bất tiện cho việc khai thác. 

Từ các nhà máy điện hạt nhân ở miền Trung truyền tải đến lưới điện quốc gia (220 kV hay 500 kV) khoảng cách chẳng là bao, đâu cần phải dùng siêu điện áp 750 kV làm gì, tốn kém vô ích.

Không phải muốn tăng mức điện áp lúc nào cũng được ! Nhiều người tưởng lầm rằng điện áp hay điện thế (U) tăng cùng tỷ lệ với công suất điện (P), vì thế khi có nhiều nhà máy điện với công suất lớn, thì phải tăng mức điện thế theo ngay. Nhưng trên thực tế, điện thế U tỷ lệ với √ P chứ không phải với P, tức là mức tăng điện áp chậm hơn rất nhiều so với mức tăng công suất.

Nga đã sử dụng điện áp 750 kV từ lâu vì đất rộng và nhu cầu điện mênh mông. Hay có chuyên gia ngoại quốc nào đây quảng cáo láo để bán trang thiết bị cho ta ?

Điều này cũng dễ hiểu thôi vì thị trường hạt nhân đang xuống dốc mạnh. Nhiều nước, đã lỡ đặt lò, sau Fukushima, rút lui có trật tự. Chương trình khuếch trương điện lực của Nhật cũng có dự kiến sẽ xây cất thêm 14 lò trước thảm họa. Tội gì mà không bán hàng tồn kho cho Việt Nam ?

Lúc xưa, tôi phải tranh đấu mạnh với công ty Nippon Koei nên họ mới chịu trang bị đường dây Danhim Sàigòn dài 257 km, với điện áp 220 kV thay vì 154 kV. Lý do là họ không làm đúng kỹ thuật và tôi cũng nghĩ rằng họ muốn bán thiết bị tồn kho, vì điện áp 154 kV đã lỗi thời !

Đầu những năm 1970, các kỹ sư EDF vì quá lạc quan, cũng đã có sai lầm trong dự báo chiến lược như ta. Họ đã tuyên bố rằng đến năm 2000 điện áp cao nhất của lưới điện EDF là 750 kV và tổng sản lượng điện của Pháp là 1.000 TWh !

Sau cơn khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên năm 1973, nhờ kế hoạch tiết kiệm năng lượng, mức tiêu thụ đã hạ thấp nhanh. Từ nhiều năm nay, tổng sản lượng điện của Pháp vẫn giữ con số 500 TWh và điện áp cao nhất 400 kV vẫn không thay đổi.

Có kịch bản khuyến khích khai thác triệt để Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và tăng gia hiệu quả năng lượng để hạ tổng sản lượng điện Pháp xuống 400 TWh !

Ta nên hết sức thận trọng, cần phải nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ, không nên tung ra những con số thiếu chính xác, gây ra những lỗi lầm đáng tiếc trong việc kiến thiết quốc gia.

 

26 nhận xét :

  1. Cám ơn GS Nguyễn Khắc Nhẫn về những ý kiến rất tâm huyết và đầy trách nhiệm đối với Dân tộc và Nhân dân Việt Nam. Tôi đồng tình và ủng hộ các ý kiến của ông. Riêng đề nghị "cần phải có cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam" thì tôi thấy còn phân vân. Đúng như GS Nguyễn Khắc Nhẫn đã nói: "Như thế mới là dân chủ". Có lẽ một cuộc trưng cầu dân ý như thế sẽ không xảy ra trong một thể chế chưa chấp nhận dân chủ và chưa quan tâm đến dân ý. Nhưng giả sử họ tổ chức trưng cầu dân ý, thì chắc cũng sẽ có cách để thu được kết quả như họ mong muốn, chẳng hạn huy động bộ máy tuyên truyền quốc doanh tung ra những thông tin sai trái, hay ép người dân bỏ phiếu theo ý họ, thậm chí có thể mạo cả kết quả bỏ phiếu. E rằng dân ta chưa có đủ hiểu biết cần thiết về vấn đề điện hạt nhân và chưa có đủ tinh thần trách nhiệm để "đối đầu" với một "cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam".

    Về ý kiến của Giáo sư Phạm Duy Hiển, tôi thấy có chỗ không rõ, đó là lập luận "nhưng bây giờ một khi chính phủ đã quyết..." Chẳng nhẽ chúng ta buộc phải chấp nhận mọi điều sai trái "khi chính phủ đã quyết" hay sao? "Chính phủ đã quyết" dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, còn phong cho nó cái danh "chủ trương lớn của đảng và Nhà nước", nhưng nhiều người (trong đó có ông) vẫn kiến nghị dừng lại cơ mà. Tại sao riêng việc xây dựng nhà máy điện nhân thì lại phải chấp nhận "khi chính phủ đã quyết"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GS Nguyễn Khắc Nhẫn không sống ở trong nước nên nghĩ trưng cầu dân ý ở VN giống như bên châu Âu. Không trách GS được.
      Về việc này thì không phải trưng cầu dân ý đâu, mà phải làm cho lãh đạo đảng và nhà nước hiểu được tính nguy hiểm của điên hạt nhân. Còn trưng cầu dân ý thì ta chưa có luật. Mà có luật thì kết quả cũng sẽ trên 80% đồng ý với chính phủ thôi, nó cũng giống như góp ý dự thảo hiến pháp vậy.
      Nên phải kiên quyết chống lại việt "quyết liệt" làm điện hạt nhân. Không cần trưng cầu dân ý, nhưng cần phải có kiến nghị của tất cả các trí thức VN trong và ngoài nước. Đặc biệt là tất cả các chuyên gia về hạt nhân.
      Hình như rất nhiều lãnh đạo nhà nước ta không hiểu biết những kiến thức phổ thông về hạt nhân nên đặt ra "quyết tâm chính trị" để rồi "chịu trách nhiệm chính trị" về quyết định mà không một cá nhân nào chịu cả.
      Dừng lại khi còn chưa muộn.

      Xóa
  2. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 01:31 6 tháng 9, 2013

    Những kẻ háo danh muốn VN trở thành cường quốc ĐHN là những kẻ sẽ cao bay xa chạy khi hết nhiệm kì. Họ được những nhà thầu bán thiết bị đút cho quá nhiều tiền và bảo dảm cho cuộc sống ở nước ngoài sau khi mãn nhiệm kì . Họ đâu có lo cho tương lai phi hạt nhân cho VN . Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi !
    Còn trưng cầu ý dân ? Làm gì có ở VNCS . Các nhà lãnh đạo CSVN vẫn thường nói là ý đảng lòng dân . Đảng và dân nay đang đồng sàng dị mộng. Trong giấc ngủ NDVN kinh hòang, thấy toàn ác mộng , ngáo ộp . Thức dậy thì thấy SĐHP chỉ còn duy nhất một ĐCS l4nh đạo , CA đầy đường , tiền túi hết sạch, mình đã là kẻ ăn xin mà sao cứ bị đòi nợ, thì ra những nước cho vay ODA nay đến hạn đòi . Tài nguyên trong nước thì bán hết . Vàng, than , bauxite, titan, sắt, đồng , chì , kẽm, cát trắng bị TQ và các con buôn nước ngoài mua hết, quan chức trốn mất tiêu , dân bơ vơ . Cũng giống như miền Nam VN trước 30/4/75, quan chức cấp cao trốn sạch . NVT, NCK, TTK, CVV, ... cao bay xa chạy ! Đừng mơ tưởng TCYD ở các nước CS toàn trị . Mơ roi điện với AK, nhà tù và tương lai là ĐHN lơ lửng trên đầu thì có . Ông Trời ở đâu xin cứu VN với ! SOS VN ! Những kẻ thấp cổ bé miệng , dân ngu khu đen biết làm gì bây giờ ?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi rất đồng tình với GS Hoàng Xuân Phú về việc trưng cầu dân ý ĐHN là việc không nên làm.Lý do sự hiểu biết của đại bộ phận dân chúng(trên 70% là sản xuất NN)về điện hạt nhân còn quá nhiều hạn chế nên khó có sự lựa chọn cho chính xác.Tiếp đến CP lại chơi bài lấy ý kiến Nhân dân theo kiểu như lấy ý kiến ND về HP rồi họ gian lận là OK kết quả theo ý muốn của họ ngay.Như vậy cuối cùng trách nhiệm là ND phải gánh chịu còn CP là vô can một khi không may sự cố xẩy ra hay hiệu quả KT của dự án xấu,kém.Trăm dâu đổ đầu tằm rồi đừng bắt dân chúng tôi phải gánh thêm tội nữa

    Trả lờiXóa
  4. Sáng nay chúng tôi đã được đọc bài viết này trên Anhbasam, rất lấy làm tâm đắc! Xin trân trọng cảm ơn những tâm huyết trách nhiệm, đóng góp không mệt mỏi và tình cảm vô cùng đáng quý đối với vận mệnh đất nước, tương lai dân tộc của GS Nguyễn Khắc Nhẫn. Chúng tôi xin đồng tình và ủng hộ các ý kiến của ông. Nhưng có điều chúng tôi cũng có hai suy nghĩ giống như GS Hoàng Xuân Phú, về đề nghị "Cần phải có cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam" đúng như những gì GS Hoàng Xuân Phú đã nêu. Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay có THỪA KINH NGHIỆM VÀ DƯ SỨC để có một cuộc "trưng cầu dân ý... như mong muốn".
    Có lẽ với cái tâm trong sáng của những nhà khoa học đích thực GS Nguyễn Khắc Nhẫn chưa lường được bản chất thật này.

    Và điều nữa là ý kiến của GS Phạm Duy Hiển đúng như GS Hoàng Xuân Phú đã nhận định, có chỗ không rõ thật, không thể lập lờ hay lập luận rằng "nhưng bây giờ một khi chính phủ đã quyết...". Nhiệm vụ của những Nhà Khoa Học là phải trung thực, chính xác, khoa học. Không thể nhắm mắt bịt tai với những cái chết được báo trước như thế (?!)

    Giả sử nói như GS Phạm Duy Hiển: Nếu Việt Nam làm ĐHN chẳng may (khả năng cao là chắc chắn) bị rò rỉ phóng xạ. Thủ tướng Chính phủ phải Đức GS ra giải quyết. đấy là Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Pháp.., có trình độ, vậy còn Thủ tướng ta thì sao, có muốn lắm cũng khó (?)
    Hơn nữa GS Phạm Duy Hiển có quá lạc quan chăng khi cho rằng "tuyên truyền có nghĩa thể hiện cho đồng bào, nhân dân thấy là chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm cho nó an toàn". Xin thưa rằng, đồng bào, nhân dân đâ thấy rất nhiều rồi, chỉ mới là mấy cây cầu nổi, cầu chìm thôi cũng đã rõ lắm rồi cái trình độ kỹ thuật, năng lực quản lý, và công tác đào tạo con người.. nói gì đến ĐIỆN HẠT NHÂN, còn xa vời lắm!

    Với trách nhiệm của người dân thiết tha mong các GS Nguyễn Khắc Nhẫn, Hoàng Xuân Phú... tiếp tục lên tiếng ngăn chặn ĐHN đã lỗi thời và rất nguy hiểm đang có nguy cơ "bùng phát" vì ý thức hệ XHCN bất chấp sự tồn vong của Dân Tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sorry, Xuân Diện sửa lại giúp mình nhé...
      "Thủ tướng Chính phủ phải đứng ra giải quyết, đấy là Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Pháp.., có trình độ, vậy còn Thủ tướng ta thì sao..."
      Thanks!

      Xóa
  5. Thế mới biết VN lạc hậu hơn người ta biết chừng nào . Người ta thải ra VN mới cố vơ vào !

    Trả lờiXóa
  6. Để con cháu đời này và hàng ngàn đời sau không phải lo lắng về sự cố nhiễm phóng xạ hạt nhân thì tốt nhất là không bao giờ làm dự án điện hạt nhân. Làm điện hạt nhân bây giờ là có tội với con cháu hàng ngàn đời sau và có tội với Non Sông Đất Nước Việt Nam. Nước Việt Nam chưa bao giờ thoát được cảnh chiến tranh do vị trí địa chính trị quan trọng của mình, do đó nếu lỡ một sự cố do chiến tranh mang lại sẽ để lại hậu họa khó lường. Ông Nguyễn Tấn Dũng có còn chịu trách nhiệm khi kí Quyết định xây dựng nhà máy hạt nhân ngày hôm nay? Đời con cháu ông có còn chịu trách nhiệm nữa không hay nhắm mắt xuôi tay rồi kệ mặc bay tự lo lấy?

    Tôi phản đối làm điện hạt nhân tại Việt Nam và các nơi trên thế giới.

    Đồng Bào.

    Trả lờiXóa
  7. Rò rỉ phóng xạ đâu chưa biết nhưng chắc chắn rò rỉ thất thoát kinh tế là nhỡn tiền.Với cái đà thất thoát tiền bạc theo tỷ lệ % khi xây dựng như từ trước tới nay thì chắc chắn dân sẽ chết đói trước khi xây dựng xong ĐHN chứ chưa cần tới phóng xạ.Hãy dừng ngay!Xin đừng để từ Mục Nam quan(quên cửa khẩu Tân thanh)đến địa đầu Móng cái sạch bóng người dân Việt để bọn Đại Hán ra rức muốn làm gì thì làm nhé!

    Trả lờiXóa
  8. TRÍCH: "Tuyên truyền (thực chất) cho ĐHN thì phải nói như thế này: 'Bà con hãy tin tưởng vào chúng tôi! Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho Điện hạt nhân an toàn đến mức có thể được'. Đấy là câu tổng kết mà tôi cho là rất có giá trị."

    BÌNH LUẬN: "Bà con hãy tin tưởng vào chúng tôi" về cái gì? Cùng lắm là tin tưởng rằng "Chúng tôi sẽ cố gắng...". Nhưng đó là một lời hứa ấu trĩ, nếu như không phải là một thủ thuật lừa gạt những người ấu trĩ. Mỗi người đứng ra hứa với Nhân dân có thể "cố gắng" để... toại nguyện trong việc "chia chác lợi lộc", chứ không thể làm được đủ nhiều để đảm bảo sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân, nhất là trong giai đoạn vận hành khi người hứa đã về hưu. Trong bài
    "Bài học tồn vong từ thảm họa"
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=BaiHocTonVongTuThamHoa-20121019
    tôi đã viết rằng:
    "Dù ở bất cứ cương vị nào, thì mỗi người cũng chỉ là một mắt xích trong số hàng vạn mắt xích, tham gia vận hành cỗ máy khổng lồ và quá phức tạp, mà chỉ cần một mắt bị đứt là cỗ máy đã khựng lại, thậm chí có thể nổ tung. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, một sai sót cũng có thể khởi động dây chuyền sự cố, dẫn đến thảm họa. Đảm bảo về hành động của bản thân trong suốt 10 năm tới đã là quá khó. Không ai có thể cam đoan rằng một cộng đồng vô cùng đa dạng, gồm hàng nghìn, hàng vạn người mà mình không hề quen biết, sẽ hành động chuẩn mực và hợp lý trong mọi hoàn cảnh, suốt nửa thế kỷ. Không ai có thể cam đoan rằng mọi máy móc, thiết bị sẽ luôn hoạt động hoàn hảo, bất chấp mọi thiên tai, địch họa. Vì vậy, cam đoan điện hạt nhân an toàn là liều lĩnh và hoàn toàn vô trách nhiệm."

    "Bà con hãy tin tưởng vào chúng tôi! Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho Điện hạt nhân an toàn đến mức có thể được." Còn nếu chúng tôi đã làm hết mình mà nhà máy điện hạt nhân vẫn cứ trục trặc, vẫn cứ nổ, thì đó là ngoài ý muốn, "lực bất tòng tâm", bà con thông cảm và ráng chịu. Có phải đó là "giá trị" của lời hứa hay không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng ý với GS Hoàng Xuân Phú!
      Giá trị thực của lời hứa "Bà con hãy tin tưởng vào chúng tôi! Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho ĐHN an toàn đến mức có thể được." nằm ở đầu môi chót lưỡi của người hứa, hoặc là hứa láo hứa liều, hoặc là dốt kém hứa bừa theo kiểu... "Không hiểu gì về điện, sờ đèn dầu sợ giật"!
      Nhưng vấn đề đặt ra là, người có hiểu biết, có trách nhiệm và có TRÁI TIM DÂN TỘC sẽ không dám hứa "như đinh đóng cột" một vấn đề hết sức vĩ mô như ĐHN.
      Do đó có thể khẳng định rằng đó là lời hứa láo của những kẻ vô trách nhiệm, vì một mục đích khác trong đó?!

      Xóa
  9. Sao không đem vào giữa Hà Nội mà xây cho thuận lợi,đỡ tốn kém xây dựng đường dây truyền tải,cung cấp kịp thời và đảm bảo trái tim cả nước luôn luôn khỏe mạnh,gần gũi TW dễ quản lý điều hành...lại đem xây ở miền Trung.Tôi phản đối!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong bài
      "Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân"
      http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=ManBanVeAnToanDienHatNhan-20120714
      tôi đã viết:
      "Nếu quả thật họ tin là điện hạt nhân vừa rẻ, vừa an toàn thì sao không “ưu tiên” xây dựng nhà máy giữa Hà Nội để trang trí cho thủ đô, mà lại “nhường” cho Ninh Thuận? Nếu thiết lập một vành đai biệt thự xung quanh nhà máy điện hạt nhân, dành những người đã góp phần quyết định, thì họ có đồng ý đến đó ở hay không? Đấy không chỉ là phép thử lòng trung thực, mà còn là một biện pháp thiết thực có thể góp phần hạn chế sự cố hạt nhân."

      Xóa
    2. Gửi Ts Hoàng Xuân Phú: "xây một vanh đai biệt thự xugn quanh nhà máy DHN" , tôi đồng ý , nhưng mà phải : BẮT BUỘC những người đã tham gia quyết định xây dựng DHN vào đó ở , chứ chờ họ đồng ý hay không thì có mà phí tiền dân!

      Xóa
  10. Xin mời những người quan tâm đến vấn đề điện hạt nhân đọc 4 bài sau:

    Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=ManBanVeAnToanDienHatNhan-20120714

    Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=VeHuyenThoaiDienHatNhanGiaRe-20110725

    Phiêu lưu điện hạt nhân
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=PhieuLuuDienHatNhan-20130327

    Bài học tồn vong từ thảm họa
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=BaiHocTonVongTuThamHoa-20121019

    Cả bốn bài trên đều đã đăng trên trang "Xuân Diện Hán Nôm".

    Trả lờiXóa
  11. với tư duy nhiệm kỳ thì mấy thằng xây dựng nhà máy hạt nhân xong csolex đã chuyển quốc tịch và trở thành việt kiều ( với rất nhiều tiền) còn người ở lại thì lãnh đủ

    Trả lờiXóa
  12. VN sẽ cắt làm đôi nếu có sự cố hạt nhân

    Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Tchernobyl hay Fukushima, theo cảnh báo của một chuyên gia điện hạt nhân từ Pháp.


    Chi tiết bài phỏng vấn trên BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/09/130905_ninhthuan_dalat_nuclear_experience.shtml

    Trả lờiXóa
  13. Chỉ cần tham khảo vụ chôn hóa chất xuống lòng đất của Cty Nicotex Thanh Thái, đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa
    http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/139131/san-sang-ban-nha--phanh-phui-vu--chon-hoa-chat-.html
    thì cũng có thể ngoại suy ra cách hành xử của doanh nghiệp và của chính quyền đối với an toàn điện hạt nhân. Chỉ khác nhau "chút xíu": Hậu quả của sự cố hạt nhân thì cả nước phải gánh chịu, chứ không chỉ một xã hay một huyện như trong trường hợp chôn hóa chất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 05:12 8 tháng 9, 2013

      Từ vụ Cty Nicotex ở H. Cẩm Thủy, Thanh Hóa, ND ta hãy mạnh mẽ đứng lên chống lại ĐHN. ND ta bây giờ không ngu nữa đâu. Nắm 1945 hai quả bom NT khiến cho Nhật phải đầu hàng vô điều kiện, với cuốn sách " Tiếng Chuông Trường Kỳ " đã cảnh báo thế giới về tai hoa nguyên tử , chắc chả mấy người đọc, đến tai họa Chernobyl ( 1986 ) các quan chức VN hiện giờ đang biện hộ cho ĐHN chắc mới chập chững bước chân vào đại học, ngày ấy VN cũng lãnh chữa trị cho vài nạn nhân Chernobyl bằng than dừa hoạt tính ( sự thực tôi chẳng hiểu đó là cái gì ! ), nhưng nào có ích lợi gì .
      Ngày nay dường như khi vđ gì lớn, các nhân sĩ trí thức lên tiếng nhiều thì lãnh đạo Đ và NN lớn tiếng át đi , phán đó là chủ trương lớn của Đ và NN. Đến giữa chừng, kết quả nhìn thấy cái tệ, cái sai của nó như Vinashin, bauxite thì các cấp cao kiếm chỗ đổ thừa, chỉnh đốn , tái cơ cấu . Đất nước cứ thế mà bị thiệt thòi vì những cái ngớ ngẩn của LĐ . Lần này thì LĐ Đ và NN rước bom hạt nhân vào để làm cho VN tiêu tùng đi theo với sự nghiệp của Đ ta . Trước khi ta chết thì cho tụi bay chết hết. Nhưng tụi bay chết với cái CN của ta chứ còn ta thì chỗ thảnh thơi rồi . Ai có thân có thế có tiền thi co giò chạy trước đi. Ai ở lại ( dân ngu ) lãnh phóng xạ hạt nhân .

      Xóa
  14. Ôi trời ơi, khéo phải bỏ đất VN mà đi mất thôi, thật là dân chúng tôi chẳng còn biết sống ở đâu, tin vào điều gì ở đất nước này nữa rồi.

    Trả lờiXóa
  15. Nếu có làm điện hạt nhân hay nguyên tử gì đó thì ... vác lên Lạng Sơn, Lai Châu,,, mấy cái tỉnh sát biên giới TQ ấy mà làm, rồi nếu nó có "xì ra" thì... thì dân hoan nghênh; hay chí ít thì mang ra TS - HS cũng được đấy! Đố Bố thằng Tàu dám còn mộng lai vãng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lào Campuchia Thailand chỉ cách nhà máy ĐHN Việt nam có nơi chưa tới 100km chim bay,nếu có sự cố thì chết cả nút, sao họ không phản đối nhỉ ?

      Xóa
    2. Một đám dân Thái đã từng tỏ thái độ phản đối trước Đại sứ quán VN tại Băng Cốc cách đây không lâu đó thôi.

      Xóa
  16. Có cảm giác các nhà máy điện hạt nhân đểu này sẽ kết liễu nhiều thứ. Ta đang đi hồi kết thúc.

    Trả lờiXóa
  17. Cũng giống như ăn lá ngón mà tưởng rau ngon.

    Trả lờiXóa
  18. Thiên hạ người ta đã vứt đi rồi VN lại vơ vào làm của quý !
    Trời ạ ! Ông Nguyễn Khắc Nhẫn ông ấy ở tận Pháp ông có ăn bổng ăn lộc gì ở VN đâu mà ông vẫn tâm huyết góp ý , sao mấy cái đầu đất VN không rỏng tai lên mà nghe. ngu hết chỗ nói , đúng là văn hóa bưng biền .

    Trả lờiXóa