Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Nhà văn Trần Đình Sử: NGHỀ VĂN KHÔNG SANG TRỌNG

Nghề văn không sang trọng 
Trần Đình Sử

Cách đây không lâu có người cao hứng tung ra một ý kiến ngộ nhận: “Nghề văn là nghề sang trọng.” Bao nhiêu người nói theo. Thế rồi ảo tưởng, hiếu danh, thế rồi số người viết văn, làm thơ tăng vọt, thế rồi số hội viên hội nhà văn ngày một tăng. Người sắp hàng chờ vào hội cũng rất đông.

Tôi không có ý phản đối ai làm nghề văn, tôi cũng không nghĩ rằng mọi người vào hội đều háo danh. Tôi chỉ muốn nói nghề văn không phải là nghề sang trọng, nhất là vào thời hiện đại.

Ngộ nhận đó có thể bắt đầu từ một thời văn chương là thú vui nhàn hạ của tầng lớp quan lại, áo mũ xênh xang, là nghề làm đẹp các sinh hoạt của giai tầng quý tộc, được tài trợ hậu hĩnh, là nghề may ra có thể có tác phẩm để đời (để khoe khoang cùng người sang trong họ, ngoài làng, thỏa mãn tâm lí hiếu danh). Người ấy có thể không biết, từ ngày xưa, văn chương của kẻ đã ở vào lầu son gác tía thường không hay bằng văn chương của kẻ ở lều tranh, đồng vắng.

Bước vào thời xã hội tư sản, kinh tế thị trường phát triển, Walter Benjamin trong sách Nhà thơ trữ tình trong thời đại tư bản phát triển (1973), chuyên nghiên cứu thơ Baudelaire, phát hiện ra bài thơ Rượu của những người nhặt rác (nhà thơ Vũ Đình  Liên dịch là “người nhặt giẻ”) có những câu sau:
Một ông lão nhặt rác bước qua, ngật ngưỡng cái đầu,
Chân vấp hè, trán húc tường như một chàng thi sĩ, 
Chẳng thèm nhìn cả bầy cớm như đầy tớ theo sau,
Dốc cả tâm hồn vào những mưu đồ hùng vĩ.

Thét to những lời thề, ban bố những luật thiêng,  
Quật ngã kẻ bạo tàn, nâng dậy gười oan ức,
Dưới cái tán mênh mông của bầu trời đêm,
Lặng lẽ say sưa của mình những hào quang đạo đức.

Phải những con người hàng ngày cuộc sống giày vò,
Sớm tối mệt nhừ, trĩu vai tuổi tác,
Đầu ngập, lưng còng dưới cái đống rác khổng lồ,
Mà Paris mênh mông, ngày đêm khạc mửa.[1]  
Khác với các nhà văn lãng mạn ở Việt Nam, mỗi khi nói đến Baudelaire thì chỉ nhớ đến nguyên tắc tương giao giác quan,  Benjamen[2] đã qua nhà thơ Pháp mà vẽ ra thân phận nhà văn trong xã hội tư sản. Ông ví nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, bất cứ cái gì mà xã hội tư sản thải ra, vửt bỏ, khinh bỉ, xéo nát dưới chân họ đều nhặt nhạnh, thu gom. Họ như người làm nghề đồng nát, từ trong rác thải nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế. Nhà thơ còn tìm ra các căn bệnh xã hội, tìm cách cứu chữa. Xã hội công nghiệp, thị trường đã làm đổi thay bậc thang giá trị, biết bao cái có giá trị đã bị vứt ra đường như là rác rưởi. Họ giống đám du thủ du thực, đi lang thang qua đầu đường xó chợ như người Bohemiên, bao gồm cả đĩ điếm, sống như những người vô gia cư, vô sản, nhưng trong cuộc lang thang họ biết tự ý thức và phát hiện ra cái mà xã hội bỏ qua.  Họ đồng tình với những ai làm lung lay nền tảng của xã hội tư sản. Ví von của Benjamin còn cho thấy, Họ ít nhiều đều sống cuộc đời bữa no bữa đói, đứng ở địa vị thấp kém mà phản kháng xã hội. Đã làm nghề nhặt rác thì chẳng có gì sang trọng, nhưng không thiếu sự dũng cảm và kiêu hãnh cũng như thách thức. Là người nhặt rác, Baudelaire đã sáng tạo ra Hoa ác, các nhà văn hiện đại tạo ra văn học phi lí, những thứ mới đầu nhiều người cứ tưởng là rác.

Ở Việt Nam, khi chuyển vào kinh tế thị trường đầu thế kỉ XX, cậu ấm Hiếu tài hoa, một “anh hồn” làm chủ soái văn đàn, sinh thời suốt ngày chỉ lo văn ế. Xuân Diệu thấy cơm áo không đùa với khách thơ. Các nhà văn chỉ là kiếp viết mướn nghèo nàn, tội nghiệp. Vũ Trọng Phụng đã nhặt được bao nhiêu rác qua Số đỏ, Vỡ đê, Giông tố và các phóng sự bất hủ của ông. Nhưng họ chính là những người đầu tiên dựng xây nền văn học hiện đại đích thực của một dân tộc bằng chữ quốc ngữ, cái văn học phần lớn đã từng bị vứt vào sọt rác mấy chục năm trời.

Bước vào thời đại cách mạng, nhà văn trở thành chiến sĩ, tay cầm kiếm, cầm dao, thơ văn là tạc đạn, bom mìn, lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, tự nguyện làm lỗ tai, con mắt của giai cấp, làm người lính gác ngăn chặn diễn biến hòa bình. Như thế thì thân phận công cụ cũng chẳng lấy gì làm sang trọng. Tuy đã làm chiến sĩ, nhưng thân phận trí thức, nghệ sĩ lại luôn luôn ở vào địa vị bị cảnh giác như những kẻ có thể gây rắc rối cho trật tự xã hội và tư tưởng thì từ trong bản chất lại càng chẳng có gì sang trọng cả. Những năm chiến tranh, nhà thơ Xuân Diệu đã hàng trăm lần đi nói chuyện thơ cho các tầng lớp cán bộ công nhân viên nghe. Đi đâu ông cũng yêu cầu bố trí phông màn cho sáng đẹp và dặn dò quan tâm bữa ăn cho có đủ calo. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến khi còn dạy học ở Đại học sư phạm Vinh, có lần cùng chúng tôi đến thăm nhà một học trò, được gia chủ làm gà tiếp đãi. Khi mâm được dọn ra, ông dơ hai tay làm điệu bộ ôm trọn cả mâm và nói đùa: Các cậu có dám thách đố một mình tớ ăn hết cả mâm này không? Mọi người đều cười vui, không ai chấp nhận thách đố cả. Tất nhiên nhà văn cách mạng không làm cái việc nhặt rác. Họ bị cấm nhặt rác, như trường hợp Nguyễn Công Hoan trong Đống rác cũ và nhiều người khác. Họ có trọng trách nhặt các tấm gương, những nhân tố tiên tiến trong xã hội để làm ra những hình tượng sáng ngời, có tác dụng giáo dục nhân dân quần chúng tiến lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù thân phận họ vẫn thấp kém. Xin được nói thêm, văn chương  ở đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, ngoài những tấm gương người tử tế, không thể quên số phận của những con người giữ nước .

Nhà văn hôm nay, khi xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, phấn đấu để được các nước phương Tây công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường, hệ giá trị đã hoàn toàn thay đổi, thì nhiệm vụ văn chương cũng có thay đổi. Rác rưởi tràn ngập khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ kinh tế đến văn hóa, từ trường học đến chùa chiền, từ trong nước ra ngoài nước, đâu có người Việt Nam thì ở đấy có rác. Thời cơ mới của nhà văn Việt Nam đã đến. Nhà văn vẫn là người nhặt rác. Walter Bejamin đâu có ngờ cái ví von của ông đã khắc họa rõ nét chính xác chân dung nhà văn của thời đại mới. Ông đâu có ngờ ở cái đất nước xa xôi mà có thể sinh thời ông không hề biết, kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, dể bảo lưu giá trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp.

Nghề văn có gì sang trọng đâu. Nếu có được tâm hồn trong sáng, có tài năng thật sự, sáng tác được ít nhiều tác phẩm có giá trị, không cơ hội, vụ lợi, họ có thể được coi là nhà văn cao quý. Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng.

Hà Nội, 3 – 8 – 2013




[1] Thơ Baudelaire, Vũ Đình Liên dịch, nxb. Văn học, Hà nội, 1995, tr. 157. 
[2] Walter Benjamin ( 1892 – 1940), nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đức, gốc Do Thái, sinh ở Berlin trong một gia đình giàu có, từng tham gia phong trào văn học cấp tiến, tham gia nhóm xã hội học Frankfurt. Sau khi viết luận văn Cội nguồn bi kịch Đức, không được trường phái này chấp nhận, ông chuyển sang Pháp, sống ở Paris. Năm 1940, Đức quốc xã chiếm Pháp, ông bỏ trốn mà không thoát, đã tự sát. Toàn bộ tác phẩm của ông đều được in sau khi chết.

8 nhận xét :

  1. Thiếu nữ làng HÓPlúc 12:32 9 tháng 8, 2013

    Nghề văn không Sang Trọng ,quá đúng(vì 2 ông này làm chính trị cơ mà)

    Trả lờiXóa
  2. Thưa ông Sử .
    Theo tôi , ông mới là nhà phê bình văn học lớn của VN ! Tôi có duyên đọc được 2 bài viết của ông gần đây thôi ! Lần trước ,mới đây không lâu ,cũng trên Blog nầy của TS Diện và tôi đã viết comment ,trong còm nầy tôi có nhắc tới bộ 4 kiểm dịch những người nhặt rác thời sau 1954 tại VNDCCH.
    Tôi được biết lịch sữ nhân loại ,những nhà thơ lớn hay là những nhà văn lớn thường là những người nhặt rác .
    Nói đâu xa ,cụ Nguyễn Du sau khi chạy về Tiên Điền và sau khi ra làm quan cho Nguyễn Ánh .Nhất là trong thời gian đi sứ qua Trung Hoa ,cụ về lại và đóng cửa viết Kiều và hàng 100 bài thơ chữ Hán ,có nghĩa là sau 1 thời gian nhặt rác cụ mới được 100 năm sau người ta vẫn còn khóc đại thi hào Nguyễn Du .
    Tô Đông Pha cũng vậy .Ông cũng 3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh , hơn cụ Nguyễn Du gấp 10 lần . Thế cứ 1 lần hoạn lộ lại đi nhặt rác và thơ lại càng hay !
    Thi hào Bùi Giáng trước 1975 . Thơ của ông tuôn trào đến nổi các nhà in thời đó " Cháy máy" ,in không kịp ,mực không đủ ,giấy không đủ . Ông không chịu làm giáo sư đại học ở đại học Vạn Hạnh của Phật giáo , không để ý tới tiền nhuận bút ,không để ý tới nổi tiếng hay chìm lĩm v.v.mà bỏ đi lang thang theo nghĩa đen trên mọi khu ổ chuột tại SG . Nếu chọn bình bầu , ai là thi sĩ nhặt rác rùng rợn , ly kỳ , gây cấn nhất trên lịch sử loài người thì người đó là thi hào nhặt rác Bùi Giáng.
    Tôi xin chào ,vợ vừa vào bảo chở đi cửa hàng hiệu để mua đồ ( Tôi nói thật,không đùa giỡn). Tôi rất tiếc .....về chuyện nhặt rác . Tôi sẽ còm lần nửa về đề tài nầy ! Tuy nhiên còn lệ thuộc vào anh Diện kiểm duyệt nữa

    Trả lờiXóa
  3. Một bài viết có lý, rất cụ thể và khó có thể phản bác. Tôi nòi thật người Việt ta sĩ diện hão vào loại số 1 thế giới

    Trả lờiXóa
  4. 1. GS. Trần Đình Sử chuyên về nghiên cứu hàn lâm, nhưng ở bài này lại đầy chất trào tiếu bình dân, đọc rất thú vị.
    Em xin được bổ sung ý này: Nghề văn hoàn toàn có thể là một nghề sang trọng. Tuy nhiên không thể lấy cái "sang" của bọn trọc phú để đo nhà văn được. Cái sang của nhà văn trái ngược với cái sang của bọn trọc phú.
    Nghề văn cũng có thể không sang trọng nhưng là một nghề can đảm, chỉ dành cho những người can đảm (nếu làm văn đích thực). Đoạn thơ thầy dẫn cho thấy nhà văn (đích thực) can đảm như thế nào:
    - Chẳng thèm nhìn cả bầy cớm như đầy tớ theo sau,
    Dốc cả tâm hồn vào những mưu đồ hùng vĩ.

    - Thét to những lời thề, ban bố những luật thiêng,
    Quật ngã kẻ bạo tàn, nâng dậy người oan ức.

    2. Xin phép kể thêm với độc giả câu chuyện này:
    Anh 2008, trong một cuộc hội thảo nhan đề "Thơ Việt Nam thế kỷ XX", hàng chục tham luận khẳng định các thành tựu này nọ, rồi bàn luận thế nào là thơ hay thơ dở. Tôi ngẫu hứng phát biểu "Muốn có thơ hay phải có người thơ hay". Tôi lấy hình "Người thơ" hay qua hình ảnh nhà thơ Tản Đà. Một số sách viết về Tản Đà trong thời gian cuối đời về ở Ngã Tư Sở sống túng quẫn và mưu sinh bằng việc "nhận làm thuê các thứ văn vui buồn thường dùng trong xã hội" thì cho ông là "nhếch nhác", nhưng tôi lại khẳng định đó chính là phần đời thơm tho bậc nhất trong cuộc đời thi sỹ của cụ. Nhà thơ Trần Huyền Trân tả lại cảnh sống của cụ lúc này:
    Có đàn con trẻ nheo nheo
    Có dăm món nợ eo sèo bên tai
    Chừng lâu rượu chẳng về chai
    Nhện giăng giá bút một vài đường tơ
    Nghiên son soi lớp bụi mờ
    Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi.
    Thế nhưng đâu có phải là cụ không thể kiếm một cuộc sống phong lưu. Chẳng qua là cụ tự nguyện đi một đường riêng đó thôi:
    Đường xa ư cụ quản chi
    Đi gần hạnh phúc là đi xa đường.
    Và vì thế, dù nghèo đói, bệnh tật, thậm chí cùng quẫn mà cụ đâu có than thở:
    Nhìn tôi người bỗng cười khà
    Đời là thế ấy ta là thế thôi.
    Kết thúc phát biểu, tôi liên hệ với nhà thơ bây giờ: Nhà thơ bây giờ, nếu có một chút tài năng, thì lại đi luồn cúi chốn quyền môn để mong được được vinh hoa phú quý. Như thế không bao giờ thành " người thơ" được. Và do đó lấy đâu có thơ hay.

    Trả lờiXóa
  5. Lão Nông Tri Điềnlúc 07:17 10 tháng 8, 2013

    Phải, ngộ nhận chỉ có nghề văn chương là sang trọng, nên các quan chức rửng mỡ ở ta đều muốn được đứng trong hàng ngũ văn sĩ. Muốn thành nhà văn thì phải có tiểu thuyết, truyện ngắn, ký... hơi bị...khó! Chỉ có thơ là dễ hơn cả: nhanh gọn, khó thẩm định, chỉ cần bỏ tiền xuất bản một vài tập mỏng, mời chức sắc Hội nhà văn đi nhậu vài phát, khắc có giải này giải nọ. Kết nạp hội viên Hội nhà văn mấy hồi?
    Bây giờ thơ hiện đại đang là mốt. Vì vậy làm thơ thật dễ dàng. Càng ngang phè, lê thê, tối tăm, chấm phẩy vô tội vạ thì càng có vẻ bí hiểm cao siêu. Chỉ cần vài cây đa cây đề nhắm mắt tụng ca là được.
    Nói nghề văn là sang trọng? Chưa chắc! Cứ xem cách Xuân Diệu chăm chăm miếng ăn, thù lao nói chuyện thơ, khắc biết. Vụ Nhân văn - Giai phẩm đấy, mấy văn sĩ khí khái được như Nguyên Hồng, Hữu Loan? Tất cả đều hèn hạ, tham sống sợ chết, ham chức tước bổng lộc mà sẵn sàng tự sỉ vả, thậm chí làm chỉ điểm, vu khống đồng nghiệp... ít nhất cũng tự khâu mồm lặng câm, đê tiện lắm.

    Trả lờiXóa
  6. Chả có nghề nào tự nó đã là sang trong và cũng không có nghề nào tự nó đã là không sang trọng. Nghề nào đc đa phần người hành nghề đó làm cho nó sang trọng hay kg sang trọng và đc xã hội thừa nhận mà thôi....

    Trả lờiXóa
  7. Nghề Văn ở VN chưa thấy ai in danh thiếp tự cho mình là văn sĩ hay văn nhân thi sĩ mà người đời tặng cho các vị ấy. Vì nếu có văn nhân thi sĩ nào được trả lương như các giám đốc, các giáo sư, các bác sĩ thì người ta lại coi văn chẳng ra gì. Vì văn của các người này chỉ viết theo đơn đạt hàng . Nguyễn Du chắc không viết Truyện Kiều để được trả tiền . Cao Bá Quát làm thơ chắc không phải ca tụng vua quan . Hay như ở VN trước 1945, gọi là văn thơ tiền chiến, các nhà văn nhà thơ được kể trong Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan chẳng thấy vị nào sáng tác do đơn đạt hàng. Cũng chẳng có vị nào viết văn dưới sự lãnh đạo của Ban VHTT TW ! Vậy mà bây giờ nhiều người vẫn thích và tìm đọc các tác phẩm văn thơ tiền chiến . Được nhiều người mến chuộng thì không sang trọng kiểu quan quyền nhất thời mà sang trọng kiểu ngàn đời vẫn có người nhớ người thương ! Cũng như Solokhov đang viết Sông Đông Êm Đềm hay như vây mà sau đó viết văn cho CM chẳng mấy người đọc !

    Trả lờiXóa
  8. Người sang đi xe, người hèn đi bộ.
    Người sang ăn thịt (ngày nay thịt gà, thịt lợn được nuôi bằng cám cò nên tràn trề, thừa mứa) người hèn ăn rau.
    Nếu lấy cái tiêu chuẩn sang hèn như thế thì rõ ràng là nhà văn không sang.
    Không, chẳng cứ nhà văn đâu. Còn nhiều, rất nhiều nữa những người "không sang".
    Thầy Khổng suốt đời lang thang mong được một chức quan, có áo có mũ vậy mà đâu có được. Những kẻ được sang chắc hẳn bảo thầy Khổng là người dại, sao không bám lấy cái chức Tư khấu trong triều vua nước Lỗ. Đã có chức rồi sao Ngài lại bỏ đi.
    Ồ, nhà văn cũng khối người ngồi xe, ăn thịt đấy chứ, sao bảo không sang.
    Nghề nào cũng vậy thôi, sang hèn tùy thuộc góc nhìn.

    Trả lờiXóa