Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

ĐƯỜNG LÂM CẦN ...CẤP CỨU

QĐND - Thứ Sáu, 10/05/2013, 22:2 (GMT+7)
QĐND Online - Trước thông tin người dân làng cổ Đường Lâm gửi đơn đề nghị…trả lại bằng công nhận Di tích Quốc gia cho Nhà nước, chúng tôi về Đường Lâm tìm hiểu thì được biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến “sự kiện” này. Trao đổi với nhiều cán bộ ngành văn hóa và cán bộ, người dân, du khách ở làng cổ Đường Lâm, ai cũng khẩn cầu “Làng cổ Đường Lâm rất cần…cấp cứu!”.
Làng cổ thành “làng khổ”!
Về Đường Lâm sau gần 8 năm làng cổ này được công nhận di tích Quốc gia, chúng tôi vừa trầm trồ trước vẻ đẹp của cây đa, bến nước, cổng làng thì đã sững sờ thất vọng vì thấy trong làng có khá nhiều nhà cao tầng sơn màu sáng choang. Thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp những ngôi nhà, đoạn tường xây bằng đá ong cổ kính.
Nếu không “cấp cứu” kịp thời, làng cổ Đường Lâm sẽ ngày càng “trẻ hóa” vì người dân xây nhà mới. 
Đang bày tỏ xót xa vì làng cổ Đường Lâm bị “bê tông hóa”, chúng tôi bị một cụ già đứng trước ngôi nhà nhỏ bé, thấp lè tè ở xóm Hè thuộc thôn Mông Phụ (là khu trung tâm làng cổ)… “dội gáo nước lạnh”: 
- Các anh chị chưa biết gì về nỗi khổ của dân làng tôi thì thôi, đừng trách cứ. Chúng tôi đang khốn khổ vì cái danh hiệu làng cổ đây!
Quá bất ngờ trước câu nói của cụ già, chúng tôi lân la hỏi chuyện thì cụ cho biết: Việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm có nhiều bất hợp lý khiến cuộc sống của người dân ngày càng cực khổ. Nhiều nhà ở quá cũ nát, chật chội mà người dân không được cơi nới, xây cao.
Vào trụ sở Đảng ủy, UBND xã Đường Lâm tìm hiểu, chúng tôi được các đồng chí cán bộ xã cho xem các văn bản quy định về bảo tồn di tích Quốc gia làng cổ Đường Lâm, đồng thời bày tỏ nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo tồn di tích.
Theo trình bày của các đồng chí cán bộ xã thì làng cổ Đường Lâm được công nhận Di tích kiến trúc, nghệ thuật Quốc gia năm 2005. Ngay sau đó, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành quy định về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích làng cổ Đường Lâm. Theo quy định này, làng cổ Đường Lâm được chia thành 2 khu. Khu vực 1 gồm toàn bộ các công trình kiến trúc ở thôn Mông Phụ được bảo tồn theo nguyên tắc giữ nguyên kiến trúc nhà cổ và khuôn viên trong từng gia đình hiện có. Các nhà xây mới không được cao quá 1 tầng, lợp ngói mái dốc và phải làm bằng vật liệu truyền thống; Khu vực 2 gồm 4 thôn (Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm) được phép xây nhà không quá 2 tầng nhưng vẫn phải dùng ngói truyền thống, lợp mái dốc… Những ngôi nhà cổ phải giữ nguyên hiện trạng. Trong khu vực làng cổ không được làm mới các công trình che khuất nhà cổ; giữ nguyên hệ thống đường, tường rào, cổng, ngõ truyền thống. Mọi công trình xây dựng trong khu vực làng cổ Đường Lâm phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Rất nhiều gia đình ở Đường Lâm phải ở trong nhà cổ, nhà cũ ẩm thấp, chật chội, tối tăm như thế này.
Đồng chí Phan Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Đường Lâm giãi bày: Chủ trương bảo tồn làng cổ là rất đúng, nhưng vì đa số người dân chưa thấy được hưởng lợi gì, trong khi họ phải ăn ở chật chội, không được xây mới nhà cửa theo nhu cầu sử dụng nên không ủng hộ. Nhiều người còn gọi làng cổ là “làng khổ”! Thậm chí, bà con còn đề nghị trả lại bằng di tích Quốc gia để được xây nhà ở rộng rãi. Chờ đợi mãi mà chưa được cấp đất giãn dân nên nhiều gia đình đã lén lút xây mới, hoặc cơi nới nhà cửa trái với quy định bảo tồn làng cổ để giải quyết chỗ ở cho các con lập gia đình. Không ít trường hợp chính quyền đã đến tận nhà vận động, thuyết phục, thậm chí ra quyết định đình chỉ xây dựng nhưng họ vẫn xây. Đây là vấn đề nhức nhối mà cấp xã rất khó giải quyết, vì đụng đến lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân.
Đến thăm một số nhà dân gần sân đình Mông Phụ là khu trung tâm làng cổ, chúng tôi được nghe và chứng kiến “đủ thứ khổ” của người dân nơi đây: Nhiều gia đình 3 – 4 thế hệ, từ 8 đến 11 người phải chui rúc trong căn nhà cấp 4 chật chội, không đủ nơi kê giường nên thường xuyên phải nằm ngủ dưới đất. Các công trình phụ phục vụ sinh hoạt xuống cấp và nhếch nhác cũng khó làm mới. Nơi chăn nuôi, để nông cụ và phơi, cất nông sản sau khi thu hoạch thiếu nghiêm trọng…
Trong khi nhu cầu hưởng thụ, mua sắm tiện nghi sinh hoạt của nhân dân ngày càng cao, thì đại đa số người dân ở Đường Lâm phải sống trong nhà cũ, chật chội và tối tăm, không dám mua sắm tiện nghi vì chẳng có chỗ để. Rất nhiều gia đình không có chỗ kê bàn ghế cho con trẻ học bài. Vài thế hệ sống chung một nhà mà không có phòng riêng nên rất bất tiện trong ngủ nghỉ, sinh hoạt, nhất là các cặp vợ chồng trẻ…
Người dân Đường Lâm chủ yếu làm nghề nông nên rất vất vả và cần có sân nhà rộng rãi để phơi, cất nông sản.
“Chẳng lẽ hàng nghìn hộ dân làng tôi phải chịu khổ suốt đời thế này?” – câu hỏi của bà Phan Thị Hồng – người có ngôi nhà hơn 30m2, “thấp bé như chuồng vịt” nhưng 7 người ở trong đó  khiến chúng tôi không khỏi day dứt.
Muốn “cứu” Đường Lâm cần tháo gỡ 3 bất cập
Tìm hiểu thực tế ở làng cổ Đường Lâm, chúng tôi thấy việc quản lý, bảo tồn di tích Quốc gia này hiện nay có 3 điều bất cập lớn.
“Đúng là việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm có nhiều bất cập, nhất là việc chưa có đất giãn dân. Chúng tôi đã mấy lần đề nghị nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa giải quyết được. Chúng tôi cũng rất thông cảm, chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của người dân Đường Lâm. Nhưng bà con không nên vì khó khăn trước mắt mà làm hỏng làng cổ, vì đây là di sản quý không chỉ của địa phương mà của cả nước. Rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương “cứu” làng cổ Đường Lâm. Nếu chậm trễ thì vừa khó bảo tồn làng cổ, vừa khổ dân”, Ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm cho biết.  
Bất cập thứ nhất là, người dân hầu như chưa được hưởng lợi gì từ di tích mà còn thêm khổ vì phải bảo tồn làng cổ, dẫn đến không ủng hộ và cố tình vi phạm quy định bảo tồn. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân ở làng cổ Đường Lâm thẳng thắn bày tỏ: Chính quyền yêu cầu người dân phải giữ nhà cổ, làng cổ, nhưng chỉ đầu tư sửa 10 ngôi nhà cổ nhất và cho 10 gia đình này mỗi tháng từ 200 đến 400 nghìn đồng. Hàng nghìn gia đình khác chẳng được hưởng lợi gì từ nguồn thu phí khách tham quan, thậm chí còn khổ thêm thì ai muốn giữ nhà cổ, nhà cũ?
Bất cập thứ hai là, dù làng cổ Đường Lâm đã được công nhận di tích Quốc gia từ năm 2005, nằm trong diện phải bảo tồn đặc biệt để giữ nguyên nét cổ, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa lập được quy hoạch xây dựng làng cổ, chưa bố trí được đất giãn dân để cấp cho những gia đình trong diện phải bảo tồn. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến nhiều gia đình phá nhà cũ, xây nhà mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính đáng và bức thiết, khiến cho làng cổ Đường Lâm ngày càng bị “bê tông hóa”.
Bất cập thứ ba là, trong khi yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm các quy định về bảo tồn di tích Quốc gia làng cổ Đường Lâm, thì chính quyền địa phương lại “đương nhiên” cho mình “được phép vi phạm” quy định này. Sáng  10-5, chúng tôi được một số người dân dẫn đến xem 2 trường phổ thông mới xây ở xã Đường Lâm (Trường Tiểu học Đường Lâm và Trường THCS Đường Lâm). Đập vào mắt chúng tôi là những khu nhà 2-3 tầng hoành tráng, quét ve vàng sáng choang, toàn cửa kính và trên đỉnh lợp tôn chống nóng. Trong khi đó, theo quy định của UBND thị xã Sơn Tây thì khu vực này chỉ được phép xây nhà không quá 2 tầng, lợp mái dốc bằng ngói truyền thống và dùng cửa gỗ. Điều hết sức bất ngờ là chính UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư xây dựng 2 trường này!
Hãy sớm “cứu” người dân Đường Lâm và làng cổ Đường Lâm! Nếu chậm trễ thì làng cổ này sẽ ngày càng bị “bê tông hóa” và mục tiêu trở thành di tích Quốc gia hạng đặc biệt, di sản văn hóa thế giới sẽ trở nên xa vời, viển vông; đồng thời hàng nghìn hộ dân ở đây kêu than, oán trách vì phải sống quá chật chội, bức bối.
Chúng tôi xin kính chuyển lời “kêu cứu” của Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm và chính quyền, người dân địa phương tới Bộ VH, TT&DL, UBND thành phố Hà Nội, với mong muốn di tích Quốc gia quý giá này không tiếp tục bị “trẻ hóa” đến xót xa.

Bài và ảnh: HUY QUANG

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét