Đường Lâm: Di sản 'sống' bị ép phải 'chết'?
VNN - Được giao nhiệm vụ bảo tồn làng cổ nhưng bảo tồn để phát triển chứ bảo tồn để người dân sống như trở về thời kỳ đồ đá đồ đồng như hiện tại thì thật là ác.Sống như thời "ăn hang ở lỗ", dân làng cổ Đường Lâm kêu cứu
Trả lại danh hiệu Di tích quốc gia: Không phải thích là được!
Trường mầm non giống “Lò ấp trứng vịt”Nói là “lò ấp trứng vịt” không phải nói cho vui mà đó là tình trạng có thật đang xảy ra tại trường mầm non của xã Đường Lâm vì quá tải. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hải của trường mầm non xã Đường Lâm bày tỏ thái độ chán nản: “Bức xúc lắm nhà báo ạ, nhưng chúng tôi chỉ biết kêu thôi.”
Được biết từ năm 2009 đến 2013, từ 47 cháu nhập học năm 2009 nay đã lên tới 548 cháu. “Đấy, vừa mới có mấy phụ huynh đến gặp tôi xin gửi cháu vào trường. Nhưng chúng tôi không dám nhận vì tình trạng quá tải đã lâu. Khó lắm, chúng tôi không lo vất vả, nhưng khổ các cháu, không nhận thì dân nhiều người không thông cảm họ lại trách. Có phụ huynh đến còn nói với chúng tôi rằng hết chỗ cô cứ cho cháu ngồi ở ngoài hành lang thôi cũng được. Thế có tội nghiệp không.”
Theo lời cô hiệu trưởng, có những lớp học lên tới 93 cháu.
Cô hiệu trưởng dẫn lời: “Trường đã đón đoàn của thị xã Sơn Tây xuống đây tham quan nhiều lần, và có lần nhiều người trong đoàn cũng phải giật mình vì số lượng các cháu ở chung một lớp quá lớn. Hiện tại có lớp nhiều nhất có tới 93 cháu.
Mùa mát còn đỡ, mùa nóng oi bức thì lớp học như một lò ấp trứng vịt đến người lớn cũng còn cảm thấy khó chịu. Không có giấc ngủ trưa, phòng ốc nhỏ lại nóng và oi bí, điều hòa thì không được lắp vì theo quy định không được nhận quỹ đóng góp từ người dân, các cháu đa phần rất dễ ốm.”
Bếp ăn uống với diện tích khá bé dùng để phục vụ cho bữa ăn của hơn 500 học sinh.
Công việc chăm sóc ăn uống, ngủ nghỉ tại đây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do số lượng một lớp các cháu khá đông, diện tích phòng ốc thì có hạn nên đến giờ ăn một lớp được chia ra làm 2 nhóm, một nhóm xếp bàn vào giữa ăn trước, một nửa chơi xung quanh để ăn sau.
“Ngay cả đến phòng vệ sinh nhà trường cũng chỉ có 1 khu nhà vệ sinh duy nhất cho hơn 500 trẻ", Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ với phóng viên ngay tại phòng làm việc, cũng chính là nhà vệ sinh của các cháu trước đây được tận dụng vì khu văn phòng của ban giám hiệu đã sử dụng để lấy chỗ mở lớp cho các cháu.
Khi được hỏi Toàn bộ các cháu trong làng đều tới đây học hay không?cô hiệu trưởng trả lời: “Chúng tôi không dám nhận hết, hiện tại số cháu ở đây mới chỉ chiếm hơn 50% các cháu trong độ tuổi theo lớp tại làng.”
Thiếu sân chơi, nên thời gian hầu hết các cháu đều phải ở trong lớp là chủ yếu. Việc tập thể dục buổi sáng cũng chỉ có thể dành cho các cháu 5 tuổi, còn các cháu 3, 4 tuổi thì đành ở trong lớp và chỉ được ra sân chơi vào 2 ngày cuối tuần.
Chúng tôi kiến nghị lên cấp trên về việc mở rộng trường rất nhiều lần nhưng đáng tiếc lãnh đạo huyện, thị xã chỉ biết chia sẻ mà không giúp gì được hơn. Quỹ đất của nhà trường trong xã thì không thể mở rộng thêm, xây thêm tầng thì không được. Quả thực là không còn lối thoát.”
Mỗi lần xây nhà là mỗi lần rơi nước mắt
Nỗi bức xúc của người dân làng cổ Đường Lâm đã lên đến đỉnh điểm khi chính quyền thẳng tay tháo dỡ tầng 2 ngôi nhà của bà Hà Thị Khanh. Tìm đến ngôi nhà của bà Hà Thị Khanh ngay tại đầu làng để tìm hiểu, đập vào mắt PV là ngôi nhà 1 tầng nhưng cụt nóc do bị phá dỡ. Bà Khanh – người phụ nữ có khuôn mặt lam lũ đã mở đầu câu chuyện để chào chúng tôi: “Các chú giúp dân chúng tôi với, dân ở làng ở đây mỗi lần xây nhà là mỗi lần rơi nước mắt.”
Khu vực tầng 2 của nhà bà Khanh bị chính quyền cưỡng chế dỡ bỏ. Xung quanh đằng xa có nhiều nhà xây dựng 2 tầng kiên cố.
Theo lời bà kể, hộ gia đình bà có 8 nhân khẩu bao gồm bà, 2 cặp vợ chồng và 3 đứa cháu. Ngôi nhà của bà được xây dựng từ những năm 1990 theo kiểu nhà kìm cấp 4, vì dột nát lại thêm người nên gia đình bà quyết định xây lại ngôi nhà để cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên khi ngôi nhà xây xong được 2 tháng với số tiền tổng cộng hết 800 triệu đồng thì bị chính quyền tiễn hành cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ tầng 2. Ngày tháo dỡ, chính quyền bao gồm lực lượng công an, đội tiến hành tháo dỡ và đại diện các ban ngành đã tập trung từ sáng sớm ngăn đường làng để tiến hành cưỡng chế nhiều người dân trong làng khiếp sợ.
Trong quá trình xây dựng, chính quyền chẳng nhẽ không biết và yêu cầu dừng thi công?Bà Khanh thở dài trả lời: “Có, nhà tôi cũng bị các anh bắt ngừng thi công. Chúng tôi cũng ngừng nhưng đợi mãi, 6 tháng trời cả gia đình phải ở tạm ngoài sân không chịu nổi nữa nên chúng tôi buộc phải làm tiếp. Ở được 2 tháng thì ra nông nỗi này. Toàn bộ tầng 2 bị tháo dỡ, chưa kể khi tháo dỡ xong khu cầu thang nhà tôi coi như không có mái, mưa đến là như chạy lũ, tiền thì không còn mãi sau này mới xây bịt lại được như bây giờ đấy. Khổ lắm!”
Lối lên tầng 2 nhà bà Khanh đã được xây bịt tạm lại. Vết đen chạy ngang tường là hậu quả của việc cưỡng chế tháo dỡ nhà để lại do nước mưa tràn vào nhà.
Rời nhà bà Khanh theo quan sát của PV ngay trong thôn Mông Phụ thuộc khu vực I của khu di tích Đường Lâm xuất hiện không ít nhà có 2 tầng, thậm chí là gần như được mới xây khi tường sơn còn rất mới.
Ngôi nhà 2 tầng vừa mới xây dựng ngay cạnh ngôi nhà của bà Khanh.
Chính quyền xã: Thật là ác với dân quá
PV tìm đến gặp phó chủ tịch UBND Xã Đường Lâm, Phan Văn Hòa. Ông Hòa chia sẻ: “Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi. Nói thực là dưới là dân, trên thì lãnh đạo và quy định. Bây giờ có bảo chúng tôi phá dỡ nhà dân tôi cũng xin chịu.”
Ông Hòa cho biết thêm “Làng cổ Đường Lâm hiện tại chưa có quy hoạch, chưa có hướng dẫn về mặt kiến trúc nếu người dân muốn cải tạo nhà cửa thì phải làm thế nào. Còn họ xây nhà tầng 2, theo đúng Luật bây giờ là sai rồi. Mà đã sai thì phải xử lý. Nhưng khổ, đấy là nhu cầu chính đáng của họ, chúng tôi có ép cũng không hợp với lòng dân. Thử hỏi phải làm sao?”
Ngôi nhà dân mới tự tháo dỡ phần tầng 2 do chính quyền vận động tháo dỡ vì vi phạm Luật di sản trong vấn đề xây dựng.
Về việc các ngôi nhà 2 tầng đang hiện hữu ngay trong thôn Mông Phụ, thậm chí ngay đầu làng ông Hòa trả lời: “Hiện tại có 2 nhà đã xây dựng sai phép, một vài trường hợp khác sau khi vận động đã tự tháo dỡ. Còn lại thì một vài trường hợp xây dựng từ trước 2005 là lúc làng cổ được phong di tích cấp quốc gia nên chưa có hướng giải quyết. Các trường hợp đang vi phạm chúng tôi đã lập biên bản, tuy nhiên chưa có quyết định cưỡng chế nên chúng tôi cũng không làm gì cả.
Là người sống gần với người dân, tôi cũng rất chia sẻ với bà con. Được giao nhiệm vụ bảo tồn làng cổ nhưng thiết nghĩ bảo tồn để phát triển chứ bảo tồn để người dân sống như trở về thời kỳ đồ đá đồ đồng như hiện tại thì cũng thật là ác với dân quá".
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét