Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Phạm Lê Vương Các: NẾU PHƯƠNG UYÊN PHẢI CHỊU ÁN TÙ

'Nếu Phương Uyên phải chịu án tù'
Cập nhật: 11:49 GMT - thứ tư, 15 tháng 5, 2013 

Công luận đang đặc biệt chú ý phiên tòa sơ thẩm xét xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vào ngày 16/5 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An với cáo buộc 'Tuyên truyền chống nhà nước' theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Xét xử theo điều luật ‘hai cái còng’ trở nên quen thuộc đối với công luận trong nuớc và thế giới trong vài năm trở lại đây, nhưng dùng nó để ‘chụp’ hai thanh niên đang ngồi trên ghế giảng đường với một cáo trạng đậm màu sắc chính trị không khỏi làm nhiều người thấy chột dạ và xót xa.

Nếu hai thanh niên này xếp hàng để khóc như trẻ con khi đuợc nắm tay các sao Hàn thì đã không sao. Nếu họ sử dụng tư duy để luyện tập lắng nghe một-hai-hay ba nốt nhạc để phán đoán bài hát thì cũng chẳng có vấn đề gì.
Còn nếu như họ hoạt động theo kiểu phong trào được ban phát từ Đoàn và Hội sinh viên có khi còn được thăng tiến và trọng dụng.

Nhưng hai sinh viên này đã không làm thế. Họ đã chọn cách lắng nghe tiếng gọi của dân tộc, viết bằng máu trên những mảnh vải có nội dung lên án giặc ngoại xâm.

Họ đã sử dụng tư duy của mình để phán đoán dòng chảy của nhân loại và cuối cùng lựa chọn con đường dấn thân đấu tranh chính trị thay vì có thái độ bàng quan như bao người cùng trang lứa. 

An ninh quốc gia? 

Cho nên, cáo buộc theo điều 88 vì 'truyền đơn có nội dung không hay về Trung Quốc’ và ‘phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam’ dành cho hai sinh viên này không những không đảm bảo cho an ninh quốc gia mà trái lại đã tạo nên dư luận và hình ảnh vô cùng xấu cho nhà nuớc.

Vì nó mang lại cảm giác rằng lòng yêu nước dường như đang bị xúc phạm khi mà Trung Quốc có những hành động đe dọa đối với Việt Nam trong thời gian gần đây.
.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên
Liệu phiên tòa xét xử Phương Uyên 
sẽ làm nhiều thanh niên sinh viên 'thức tỉnh'?
Nó cũng mang lại cảm giác bất an cho giới trẻ nói riêng và dân chúng nói chung khi nhìn vào đảng cầm quyền. Đã là đảng lãnh đạo của nhân dân mà không dung thứ cho việc bị phỉ báng hoặc chỉ trích thì ai có quyền hoài nghi về đảng đó.

Đáng nói hơn, vụ việc của Phương Uyên và Nguyên Kha là dấu hiệu cho thấy lực luợng chống đối Nhà nước đang dần được trẻ hóa.

Không chỉ là những ông già bà lão bị quy chụp là thành phần bất mãn, mà sự bất mãn này đã xâm nhập vào giới thanh niên sinh viên ở độ tuổi tràn đầy năng luợng sống đang ấp ủ những hoài bão tươi đẹp với đầy niềm tin vào tương lai.

Kết án tù Phương Uyên và Nguyên Kha trong trường hợp này không giúp đảm bảo an ninh quốc gia mà nó chỉ làm cho giới trẻ càng hoài nghi và chán nản để rồi tiếp tục bàng quan trước vận mệnh của đất nước, khiến quốc gia ngày càng rối ren. 

Tham dự chính trị 

Giới trẻ ngày nay hiểu rằng họ là ai, đất nước này đang cần gì và họ phải làm gì: không có gì khác hơn là chủ nhân của một đống nợ nần với tài nguyên quốc gia đang cạn kiệt cùng sự suy đồi đạo đức đã bám rễ và một định hướng đang phải mò mẫm mỗi ngày.

Họ cũng thừa biết trụ cột của một quốc gia thịnh vượng là gì: không có gì khác ngoài một thể chế dân chủ với quyền con người được đảm bảo và xã hội dân sự phát triển.

Để rồi tiếng gọi lương tri đã thôi thúc hai sinh viên này hành động.

Dù hành động rải truyền đơn của hai sinh viên này có thể không được nhiều người ủng hộ về phương pháp đấu tranh chính trị, nhưng nó thể hiện sự can dự vào chính trị khi dũng cảm thoát ly khỏi khuôn khổ của hệ thống chính trị hiện hành.

Sinh viên Việt Nam
Đa số thanh niên Việt Nam bàng quan với chính trị
Phương Uyên và Nguyên Kha đã không cố gắng bám víu và trông đợi vào sự 'cơ cấu' như nhiều người trẻ hiện nay mà lại chọn con đường dấn thân để rồi phải chịu rủi ro.

Từ đây có thể nói rằng:

"Con đuờng duy nhất để giới trẻ hiện nay rèn luyện năng lực tham dự vào chính trị là phải dũng cảm đối mặt và chấp nhận rủi ro từ Điều 88 Bộ luật Hình sự".

Đất nước này giờ đây không cần những vết máu loang trên những con đường mà luôn cần những tấm lòng dấn thân, sự dũng cảm đối mặt và chấp nhận rủi ro để đối diện với Điều 88 thì mới có hy vọng vào tương lai tươi sáng và tiền đồ cho dân tộc.

Nếu Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha phải chịu án tù thì họ chính là những người trẻ đã viết nên những trang đầu tiên làm lay động tâm thức xã hội.

Đó là đem vào đời sống chính trị Việt Nam hình ảnh của những người trẻ có tinh thần dân tộc, có lý tưởng sống nhưng phải đối diện với tù tội.

Nó đã thách thức lương tri của những tri thức hàng đầu của đất nước và đặt ra câu hỏi cho hàng triệu thanh niên sinh viên còn đang bàng quan với thời cuộc. 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một sinh viên năm thứ ba ngành Luật ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

4 nhận xét :

  1. Truy tố, bỏ tù 2 sinh viên yêu nước, Phương Uyên và Nguyên Kha, đảng CS lầm tưởng sẽ uy hiếp, răn đe được tinh thần phản kháng, lòng yêu nước vô song của nhân dân Việt Nam. Nhưng đảng đã lầm, bởi họ là sao ngăn được lòng dân, một người ngã xuống sẽ có hàng triệu người xông lên. Phương Uyên, Nguyên Kha sẽ là ngọn đuốc soi đường cho tất cả những ai có lương tri mà trước hết là lực lượng thầy cô giáo và sinh viên Việt Nam. Nó sẽ là cơn bão cuốn phăng bạo tàn, bất công trong một ngày không xa.

    Trả lờiXóa
  2. Hình ảnh của Phương Uyên trong sáng và rạng rỡ gấp ngàn lần những hoa hậu , á hậu lấy chồng Tầu

    Trả lờiXóa
  3. Cảm phục thay ! Phạm Lê Vương Các, người thanh niên Việt Nam kiên cường , đầy bản lĩnh ,dù đã và đang đối mặt với bao thử thách , khó khăn bởi cường quyền nhưng vẫn dũng cảm đứng lên bảo vệ cho lẽ phải ,cho công lý .
    Chúc các em bình an ,kiên định


    để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  4. Thờ ơ với chính trị có nghĩa là chúng ta đang thờ ơ với chính chúng ta. Nếu mất nước chúng ta sẽ làm nô lệ, chúng ta phải lao động vất vả hơn để trả nợ công,món nợ này không phải của chúng ta gây ra. Chúng ta hiểu điều đó nhưng không dám nói lên chính kiến bảo vệ công lý, đòi quyền lợi của chúng ta, hi vọng các nhà lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến trái chiều của nhân dân,để xây dựng XH Việt Nam tiến bộ hơn. 2 em Phương và Kha còn quá trẻ để bị tù đày trong khi chỉ dán truyền đơn Chống giặc Tàu, và chống tham nhũng. Chỉ có ở Việt Nam mình mới bị bỏ tù một cách oan uổng như thế. Nếu quay về thời bà Trưng, bà Triệu thì hành động của Uyên đáng biểu dương ca ngợi, còn thế kỷ 21 thì nhà nước bỏ tù các em. Chúc 2 em khỏe, bình an.

    Trả lờiXóa