Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

MỘT NHÀ SƯ RA TỐI HẬU THƯ CHO CHÍNH QUYỀN TP HÀ NỘI

Trụ trì chùa Một Cột ra “tối hậu thư” cho UBND TP.Hà Nội
(LĐ) - Số 101 - Thứ ba 07/05/2013 06:35

Ngày 3.5, đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột, ngôi chùa được công nhận là “có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á” - đã có đơn gửi UBND TP.Hà Nội bày tỏ sự lo lắng vì mùa mưa đang sắp tới, trong khi tình trạng của chùa thì đã bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Đồng thời, đại đức Thích Tâm Kiên cũng đưa ra “tối hậu thư”: “Kể từ hôm nay, sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”. Tại sao lại có sự kiên quyết này từ phía nhà chùa?
 
Trong đơn, đại đức Thích Tâm Kiên nói rõ: Cách đây hơn 5 năm (20.5.2008), tôi  đã trình UBND TP.Hà Nội đề nghị kiểm tra và có kế hoạch tôn tạo. Sự việc chùa xuống cấp đã được dư luận, phật tử, khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, bức xúc. Rất nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng kêu cứu cho ngôi chùa này. Hiện, cứ mưa to là tượng Phật phải choàng áo mưa... Nhà chùa rất lo lắng, khi mùa mưa bão sắp tới”.  

Được biết, từ năm 2008, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch tôn tạo di tích chùa Một Cột với kinh phí hơn 31 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2013; song đến nay, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí, chưa có một cuộc hội thảo khoa học nào được tiến hành để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này.
 
Ngày 6.5, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) trả lời vẫn chưa nhận được văn bản trên (nhà chùa có gửi cho cả Cục Di sản, UBND quận Ba Đình và UBND phường Đội Cấn), nên chưa có câu trả lời cho báo chí về hướng phối hợp giải quyết. 
 
Bài học về sự thờ ơ của các cấp quản lý với chùa Trăm Gian vẫn còn nóng. Liệu sự việc tương tự có xảy ra với chùa Diên Hựu - Một Cột? 


Nguồn: Lao Động.

Trụ trì chùa Một Cột kiên quyết muốn hạ giải chùa

(Toquoc)- Sự chậm trễ trong việc thực hiện trùng tu chùa Diên Hựu- chùa Một Cột đã khiến trụ trì ngôi chùa này có một động thái khá kiên quyết: nếu không có ý kiến của các cơ quan chức năng, sẽ tự hạ giải chùa.

 >> Sẽ đẩy nhanh tiến độ trùng tu chùa Một Cột
Ngày 2/5, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Diên Hựu- Một Cột đã gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội và một số cơ quan báo chí về việc cần thiết trùng tu tôn tạo chùa Một Cột và cho rằng: “Kể từ hôm nay (tức 2/5/2013), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
5 năm dự án vẫn trên giấy 

Mùa mưa đã đến, đứng trước nguy cơ ngập lụt và thấm dột, để không tái diễn cảnh tượng phải mặc áo mưa, đội nón… yêu cầu của Trụ trì chùa Một Cột là chính đáng.

Báo điện tử Tổ Quốc đã có loạt bài phản ánh về sự chậm trễ của Hà Nội trong việc trùng tu chùa Một Cột: Ngày 23/11/2009, UBND quận Ba Đình đã có quyết định số 2692/QĐ-UBND về việc tu bổ, tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột và giao cho BQL Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Sau đó gần nửa năm, ngày 15/4/2010, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 110/TB-UBND đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích; đồng thời xin ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa để khắc phục hiện tượng dột mái nhà Tam Bảo, mái chùa Một Cột…Việc chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện trước thềm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, song công tác trùng tu chùa Một Cột sau thời gian đó vẫn vẫn dừng lại ở việc “lấy ý kiến”.


Đừng để tái diễn bài học chùa Trăm Gian 

Sau đó, qua tìm hiểu của phóng viên, thông tin được biết là dự án sẽ triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào đầu năm 2013. Thế nhưng, đến lúc này, các bước tiến hành trùng tu ngôi cổ tự vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, ngôi chùa nằm ở vùng trũng, nên chịu ảnh hưởng rất nặng mỗi khi trời mưa.

Trong thời gian này, trụ trì chùa Diên Hựu- Một Cột đã nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị, rồi cũng nhiều cuộc họp, đợt kiểm tra hiện trạng chùa. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, vướng mắc nhất là thủ tục tiến hành dự án. Vì UBND quận Ba Đình dự kiến tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhằm thống nhất phương án bảo tồn tối ưu cho ngôi chùa cổ. Song, dự án rục rịch gần 5 năm nhưng hội thảo cần thiết vẫn chưa diễn ra. Và ai cũng hiểu, nếu không có ý kiến của các nhà lịch sử, các nhà nghiên cứu thì việc trùng tu ngôi chùa là không thể. Sự vô lý này diễn ra nhiều năm, khiến ngôi chùa vẫn phải đối mặt với sự xuống cấp.

Vào thời điểm khi ngôi chùa chuẩn bị đón Bằng Kỷ lục là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á (ngày 12/11/2012), chúng tôi được ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết: để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này, UBND quận Ba Đình sẽ tiến hành hội thảo khoa học về chùa Một Cột- Diên Hựu vào cuối tháng 11/2012, và từ đó, sẽ báo cáo trình lên UBND TP Hà Nội, xin ý kiến của Bộ VHTTDL. Tiếp đó sẽ có hội thảo về trùng tu cho chùa Một Cột. Thế nhưng, cho đến nay, một cuộc hội thảo liên quan đến ngôi chùa này vẫn chưa được tổ chức. 

Bài học Trăm Gian còn đó 

Trao đổi với chúng tôi về cơ sở để trùng tu chùa Một Cột- Diên Hựu, GS Lê Văn Lan cho biết, "chúng ta còn lưu giữ được nhiều hình ảnh, tài liệu về chùa Diên Hưu, chùa Một Cột từ đầu thế kỷ XX nên việc trùng tu chùa không đáng lo ngại về việc thay đổi hiện trạng”.

Tờ đơn của Đại Đức Thích Tâm Kiên
Trong khi đó, theo Đại đức Thích Tâm Kiên, kinh phí trùng tu chùa Một Cột-Diên Hựu dù lớn nhưng lại không phải là mối lo, vì với phương thức xã hội hóa, nhiều phật tử hảo tâm đã sẵn lòng đóng góp để ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Cây cột đá lớn làm cột trụ cũng được thợ đá đảm bảo đáp ứng kỹ thuật.

Không thiếu kinh phí, không lo cơ sở kỹ thuật, vậy vì sao, việc trùng tu một ngôi chùa giữa trung tâm thủ đô, có kiến trúc và vị trí đặc biệt trong đời sống người Hà Nội lại chậm trễ như vậy?

Sự chậm trễ này khiến vị trụ trì phải lên tiếng như một “tối hậu thư” rằng ““Kể từ hôm nay (tức 2/5/2013), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.

Ai cũng hiểu, nếu tự ý hạ giải là trụ trì chùa Một Cột đã vi phạm luật Di sản. Tuy nhiên, cũng cần xem lại vì sao, dự án trùng tu chùa Một Cột vì sao lại quá chậm trễ. “Tuyên bố” một cách "cực chẳng đã" này khiến không ít người nhớ lại nỗi đau từ bài học tự ý phá dỡ ở chùa Trăm Gian (Hà Nội), Hà Nội đã từng kỷ luật các cơ quan quản lý nhà nước về di sản thế nhưng, sự chậm trễ vẫn tái diễn.

Để tìm hiểu quan điểm của UBND quận Ba Đình trước lá đơn này, chúng tôi liên lạc với ông Đỗ Viết Bình nhưng không được bắt máy. Liên lạc với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH TTDL), thì được biết: Cục Di sản chưa nhận được văn bản của Đại đức Thích Tâm Kiên về việc tu bổ tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột. Ông Hùng cũng khẳng định, nếu nhà chùa tự ý hạ giải là vi phạm pháp luật!

Sự “sốt ruột” của trụ trì chùa Một Cột cũng tương tự trụ trì chùa Trăm Gian. Để hạn chế những nỗi đau như vụ việc chùa Trăm Gian, cần sự phối hợp của các cấp, các cơ quan quản lý di sản Hà Nội. Được biết, ngày 8/5 tới, UBND Quận Ba Đình sẽ có cuộc trao đổi với trụ trì chùa Một Cột về vấn đề này. Hy vọng, sau sự quyết liệt của nhà chùa, Hà Nội sẽ đẩy nhanh các biện pháp để thực hiện trùng tu ngôi chùa có giá trị đặc biệt của Thủ đô cũng như cả nước./. 
 
Bài & ảnh: Hà An
Nguồn: Tổ Quốc.

 


16 nhận xét :

  1. Người Hà Nộilúc 20:43 7 tháng 5, 2013

    Việc trùng tu chùa Diên Hựu tôi nghĩ là rất khó. Với nhiều khía cạnh:
    - Về khía cạnh tâm linh, tôn trọng di sản: những người có trách nhiệm đã quá thận trọng, có thể "không dám chịu trách nhiệm" với ý kiến của mình nên họ tránh, dẫn đến 5 năm rồi mà chưa thấy cái hội thảo nào cả.
    - Về khía cạnh "ăn chia": có thể chẳng có lợi gì từ dự án trùng tu này mặc dù giá trị rất lớn nên "chẳng ai" quan tâm, dẫn đến tình trạng như hiện nay. Chứ thường thường, các dự án tiền tỷ thì có nhiều "con sâu" tranh giành lắm lắm lắm.

    Buồn nhỉ. Chẳng lẽ ngồi chờ Chùa xuống cấp?

    Tôi đồng ý hoàn toàn với trụ trì chùa Diên Hựu. Tôi ngưỡng mộ với quyết định của trụ trì.

    Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  2. Không thiếu kinh phí, không lo cơ sở kỹ thuật, vậy vì sao, việc trùng tu một ngôi chùa giữa trung tâm thủ đô, có kiến trúc và vị trí đặc biệt trong đời sống người Hà Nội lại chậm trễ như vậy?
    Các "quan" làm mà kg có lại quả thì...phải vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Hay tại vấn đề "đầu tiên"? Chả nhẽ lại đòi tiền của đại đức?

    Trả lờiXóa
  4. Mong rằng sẽ có một ông Nguyễn Bá Lăng chứ không phải ông Hoàng Đạo Kính- Chuyên gia trùng tu di tích 300 tuổi thành 1 tuổi.

    Trả lờiXóa
  5. Việc này (một dự án dậm chân tại chỗ 5 năm) mà xảy ra trong cái thành phố nhỏ mà tôi đang ở (60 ngàn dân) trong cái nước "giẫy chết" này thì cả thị trưởng và hội đồng thành phố sẽ bay chức, và không bao giờ được bầu lại nữa.

    Còn dưới "chế độ ưu việt" ở Việt Nam, thì xã hội rất "ổn định." Dân chúng có kêu ca đến thế nào đi nữa thì các ông nhớn bà nhớn vẫn "ổn định" như thường.

    Hồi học lớp đệ ngũ (lớp 8 ngày nay), đọc "Sống Chết Mặc Bay" của ông Phạm Duy Tốn, tôi nghĩ là ông ta chỉ bịa đặt....

    Trả lờiXóa
  6. Người ta sợ trùng tu xong cái chùa nó to hơn cái đền bên cạnh thôi mà.

    Trả lờiXóa
  7. Cái thứ "trách nhiệm chính trị" tập thể vô trách nhiệm ấy không trông mong gì được đâu Quý thầy ơi !
    Hãy vì Phật tích Quốc gia ! Vì di sản của dân tộc ! Quý thầy hãy hành động ! Chúng tôi luôn luôn bên cạnh Quý thầy !

    Trả lờiXóa
  8. Rất đơn giản là vì những người ký duyệt không được hối lộ vì nhà chùa làm sao mà đi hối lộ được. Đây là lý do duy nhất để họ không thèm xem xét.

    Mọi người hãy nhớ tham nhũng là dầu bôi trơn cho chiếc máy cs chạy được. Nếu nhà chú chùa chi họ độ vài tỷ thì OK từ lâu rồi. Nhưng Phật không cho phép nhà chùa làm thế.

    Ngoài ra chẳng có nguyên do nào khác đâu.

    Trả lờiXóa
  9. Các nhà sư và phật tử nên kéo nhau đến thẳng trụ sở UBND TP Hà Nội đưa kiến nghị. Bây giờ các quan có lo gì đến quốc gia đâu, chỉ tranh nhau chức quyền, tranh nhau ăn. 31 tỉ không bằng 1/4 tài sản của Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch UBND TP Hà Nội.
    Ngân sách thì bị đục ruỗng ra để chi cho việc xây bảo tàng, vào những thứ vô bổ khác để ăn chia phết phẩy, chấm mút; cho hàng đàn hàng lớp cán bộ thay nhau đi "học" nước ngoài nửa tháng, 1 tháng. Nói thật, học mòn đít cả đời còn chưa ăn ai mà cán bộ đảng, chính quyền đi học kiểu đó thì học được gì? Tiếng Anh nửa câu không biết, phiên dịch đi theo các ông bà cán bộ cũng phát ngán vì sự ngô nghê, dốt nát của họ. Mà cũng lạ, khen XHXN tốt đẹp mà sao cứ kéo nhau đi học mấy nước tư bản "giẫy chết" nhỉ?
    Họp hội mà làm gì, chỉ gầm gè hạ ghế của nhau. Nhưng cuối cùng thì "mạnh về gạo, bạo về tiền", thằng tham nhũng nhất cũng là kẻ về nhất trong cuộc chạy đua giữ ghế.
    Nếu để chùa Một Cột hư hỏng thì phải truy tố bộ trưởng bộ VH TT DL, chủ tịch UBND TP Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  10. Phó thường dânlúc 14:43 8 tháng 5, 2013

    Chùa Một Cột là tài sản quốc gia hay tài sản riêng của nhà Chùa ? Chắc chắn là tài sản quốc gia rồi . Tài sản quốc gia thì NN phải lo, chứ sao lại để nhà sư trụ trì phải lo . Đàng này NN chỉ lo ra lệnh mà chẳng lo tu bổ . Hay các quan chức còn bận họp hành còn bận lo các việc khác quan trọng hơn như việc NN cũng sắp sập vì họa TQ mỗi ngày mỗi tới gần mà chẳng ai chống đỡ . Giống MNVN trước ngày 30/4/75, quan chức lo chạy lấy thân, lấy gia đình ! Nhà sư trụ trì Chùa Một Cột là người rất có trách nhiệm . Có thể nhờ sự dũng cảm của nhà sư mà giữ được Chùa Một Cột xưa , không thì lại có cái chùa Một Cột Mới tk 21 giữa Hà Nội !

    Trả lờiXóa
  11. Ủng hộ quyết định của trụ trìlúc 14:55 8 tháng 5, 2013

    Chùa chiền, đền thờ, miếu mạo, nhà thờ là của dân chứ không phải của Đảng!
    Phải luôn luôn khẳng định điều đó. Dứt khoát phải là như vậy.
    Rất ủng hộ trụ trì chùa Diên Hựu đã vượt qua sự sợ hãi để bảo vệ di sản, bảo vệ nơi công đồng của dân.
    Cảm ơn trụ trì !

    Trả lờiXóa
  12. Cái thứ "trách nhiệm chính trị" tập thể vô trách nhiệm ấy không trông mong gì được đâu Quý thầy ơi !
    Hãy vì Phật tích Quốc gia ! Vì di sản của dân tộc ! Quý thầy hãy hành động ! Chúng tôi luôn luôn bên cạnh Quý thầy ! ok!

    Trả lờiXóa
  13. Bộ Văn Hóa đem cục đá ở Đền Hùng về để trong chùa thì mọi việc bình an cả . Không sao đâu .

    Trả lờiXóa
  14. Các khu rừng có cả ngàn cái cột mà còn "sập", huống chi cái chùa có.. một cột ! Mô Phật, Kình bạch thầy trụ trì, con nghĩ Thầy cứ an nhiên nhìn nó sập đi ạ. Thành-Trụ-Hoại-Không đôi với hữu vi pháp là chuyện đương nhiên thầy ạ !

    Trả lờiXóa
  15. Anh Nguyễn Bá Thanh mới ra trung ương, chắc bắt đầu ngấm cái "ương bướng" của trung ương rồi. Thôi thì thắng làm vua, thua làm .... phật tử. Anh hãy bắt đầu từ chùa một cột đi lên.
    Một cột nhưng sẽ vững hơn cả trăm cột, vì trăm cột chẳng cột nào chống đỡ được, mục ruỗng hết cả rồi. Cả trăm người chỉ giơ tay và gật đầu thôi. Sai thì hòa cả làng chẳng ông nào chịu trách nhiệm cả. Cùng lắm là nhận "trách nhiệm chính trị" rồi tiếp tục yên vị.
    Chùa trăm gian các vị ở Bộ VHTTDL còn chẳng màng, thì cái chùa Một Cột, 1 gian các ngài chắc cũng không để ý. Tôi dám chắc là 2/3 ủy viên BCH trung ương và 3/4 đại biểu QH chưa đặt chân đến chùa Một Cột (chùa Diên Hựu). Không tin cứ làm 1 cuộc khảo sát thử coi!

    Trả lờiXóa
  16. Đây là ví dụ kinh điển cho truyền thống vô trách nhiệm của các đấng bậc cha mẹ dân trong bộ máy công quyền việt. Ếch kêu dưới vũng tre ngâm, Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre.

    Trả lờiXóa