Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

QUỐC HỘI MỖI KHÓA CÓ ĐẾN HƠN 100 ÔNG BÀ KHÔNG NÓI CÂU NÀO BAO GIỜ

Nói có nghĩa là làm việc
Nguyễn Minh Thuyết

29/05/2013 10:35 (GMT + 7) 

TT - Cuối khóa XI, một đại biểu Quốc hội cao tuổi nói với tôi: “Tôi tham gia hai khóa Quốc hội. Ghi chép đầy đủ ý kiến của từng đại biểu mới biết mỗi khóa có đến hơn 100 vị không phát biểu bao giờ”.
.
Có thể vị đại biểu cao tuổi chỉ đề cập đến ý kiến trên hội trường. Nhưng sự thật là số đại biểu không lên tiếng, kể cả ở những buổi thảo luận tổ, khá nhiều. Điều này thật không bình thường vì hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội (quốc dân đại hội) là họp. Đã họp thì phải nói. Đại biểu không nói, chẳng lẽ chỉ phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cử tri bằng cách lẳng lặng ấn nút tán thành, không tán thành hoặc không có ý kiến?

Nhưng vì sao có những đại biểu không nói bao giờ?

Thường thì đại biểu là lãnh đạo ở cơ quan trung ương và cấp tỉnh không hay phát biểu. Có thể các vị đó nghĩ rằng mình đã có chỗ khác để bày tỏ ý kiến rồi? Nhưng mỗi diễn đàn có vị trí riêng. Làm đại biểu Quốc hội mà không nói ở Quốc hội thì thật sự là chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Thiết tưởng, nếu thấy chất vấn không tiện thì các vị cũng nên tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội, về dự án luật... Những việc đó có va chạm gì đâu?

Cũng có thể có đại biểu không nói vì ngại bộc lộ chính kiến và năng lực của mình? Nhưng nếu ngại như vậy thì tốt nhất là không nên ứng cử.

Còn một lý do nữa khiến một số đại biểu không muốn phát biểu. Đó là thấy mọi việc hình như đã được “an bài” rồi, nói cũng không giải quyết được vấn đề gì. 

Quả thật ở diễn đàn dân chủ này cũng có không ít trường hợp cơ quan có trách nhiệm dựa vào lý do này khác để bảo vệ quan điểm của mình, không chịu tiếp thu ý kiến đại biểu. 

Đến mức ông Vũ Mão, lúc đương chức chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải có thơ nhại kiểu tiếp thu, giải trình ấy thế này: 

“Ý kiến đại biểu thì rất hay
Nhưng nếu tiếp thu thì rất gay
Mong đại biểu vui lòng chấp nhận
Và tiếp tục... phát biểu hăng say”. 

Mấy câu thơ ấy nổi tiếng đến mức mãi cho đến bây giờ ai về công tác ở Quốc hội cũng biết. Nhưng nếu chỉ vì sợ “chuyện đã an bài” mà không ai dám nói thì dân biết nhờ cậy ai?

Anh bạn tôi, một giảng viên tiếng Pháp, có lần bảo: “Tiếng Tây nó gọi nghị sĩ là parlementair, bắt nguồn từ parler có nghĩa là nói. Đã là ông bà nghị thì phải nói. Nói tức là làm việc”.

NGUYỄN MINH THUYẾT
Nguồn: Tuổi trẻ

9 nhận xét :

  1. "NÓI TỨC LÀ LÀM VIỆC"
    Hơn 100 "ông nghị" không nói câu nào bao giờ thì bãi miễn ĐBQH của họ đi chứ còn để làm gì nữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giữ lại để bỏ phiếu chứ! Có điều hơi bị NHỤC tí. Kệ nó, mỗi năm vài lần được ra Hà Nội nghìn năm văn hiến miễn phí để relax là được rồi, mấy vị không "được" như vậy nên "ghét" thôi. Mà ghét rồi xỉ vả cũng tội nghiệp. Biết quái gì đâu mà nói, nói không khéo bị kéo cả dòng họ ra chửi như nghị Phước, nghị Tâm. Nhưng nghĩ lại không nói nhưng còn ích hơn khối vị trong cái Quốc Hội này, những người luôn nói những tiếng nói chống lại nhân dân, chống lại quyền tự do dân chủ của nhân dân bằng những lời ngụy biện, nói lấy được.
      Cái đầu của hầu hết trăm vị "không nói" này vẫn "work", nhưng cái dây thanh đới đã không còn "work" nữa mỗi khi họ đặt chân vào Quốc Hội. Tội nghiệp nhưng đáng GHÉT!

      Xóa
  2. Bác Thuyết này trách họ là chưa hiểu rõ họ tí xíu nào. Không phải vì họ "đã có chỗ khác để bày tỏ ý kiến rồi" đâu bác ơi! Chẳng qua vì trình độ không có DỐT QUÁ chẳng biết mẹ gì thì sao dám phát biểu? Muốn kiểm chứng ư? Cũng dễ thôi, trong khi thảo luận bác chỉ cần hỏi họ vài câu buộc họ mở miệng là biết liền à!

    Trả lờiXóa
  3. P. THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 00:21 30 tháng 5, 2013

    Đúng là ngậm miệng ăn tiền ! ĐB của Dân mà chả nói cho Dân tiếng nào . Địa phương nào có ĐB như thế thì thật bất hạnh. Tốn tiên đóng thuế nuôi ĐB như thế chẳng ích gì ! Khổ nỗi muốn bãi miễn họ đâu có dễ .

    Trả lờiXóa
  4. Bác Thuyết hay thật đấy : " Bỗng Dưng " lại nói ra lộ hết cả rồi , phấn đấu , " Cơ cấu " mãi mới được đấy ............ " Phát " lắm để mang nợ à , dân có ai yêu cầu phải phát biểu này nọ đâu , mà " Mình Phải Thế Nào người ta mới bầu chứ " . Quốc Hội là nơi để Họp chứ không phải là nơi để phát biểu ồn ào , hội trường là nơi để chưng diện thời trang , để tán gẫu , để bình phẩm , để sẵn sàng vỗ tay hưởng ứng , là nơi yên tĩnh có thể ngủ khá lâu mà không bị ai " Làm Phiền " , cử tri thắc mắc á ? Cử tri nào nhỉ ? Tôi được " Cử " chứ cử tri nào bầu , rõ dở .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng có quan sát sinh hoạt của QH và tán thành với nhận xét của giáo sư. Thành phần ít phát biểu hoặc không phát biểu bao giờ ở diện đàn QH gồm: Đại biểu là Chủ tịch UBND các tỉnh, đại biểu là các vị ban bí thư và UV bộ chính trị.
    Tôi giả sử một kì họp nào đó có vị ĐBQH là Bí thư TW đảng hoặc ủy viên bộ CT phát biểu thảo luận về báo cáo của CP hoặc đặt câu hỏi chất vấn TTg hay thành viên CP, chắc sẽ cải thiện nhiều không khí sinh hoạt nghị trường.
    Khổ nỗi tất cả trong số họ ngồi họp với tư cách cấp trên, người lãnh đạo QH chứ không phải tư cách đại biểu QH do dân bầu.
    Dũng_Ninh Thuận.

    Trả lờiXóa
  6. Kính đề nghị GS NGUYỄN MINH THUYẾT, NGUYỄN LÂN DŨNG, NGUYỄN NGỌC TRÂN, DƯƠNG TRUNG QUỐC... tiếp tục tái cử vào Quốc hội...( những nhiệm kỳ tới )...Trân trọng!

    Trả lờiXóa
  7. Đại biểu quốc hội mà không phát biểu thì đó là những ông nghị gật đích thị rồi. Họ không đau cái đau của cử tri, vui cái vui của cử tri. Thậm chí họ là những người hạnh tai lạc hoạ. Họ tìm cách chui vào quốc hội để được vinh thân phì gia. Với một cơ chế đảng cử dân bầu thì có hàng trăm đại biểu quốc hội không phát biểu thì cũng chẳng lạ gì. Chỉ khi nào có một quốc hội đích thực đại biểu đứng ra tranh cử, bằng trí tuệ, tâm huyết, trăn trở suy nghĩ vận nước, đời sống của người dân thì mới có những phát biểu tự đáy lòng, từ gan ruột, từ những nỗi đau của người dân mới ra được chủ trương chính sách, mới bảo vệ quyền lợi cho người dân, mới không hổ thẹn vì mình xài tiền thuế của người dân mỗi khi mình xách cặp lên hội trường...

    Trả lờiXóa
  8. Cụ Thuyết nghĩ lại đi. Quốc hội Việt Nam không có khái niệm "Nghị viên", "Nghị sĩ" mà chỉ có khái niệm "Đại biểu". Thằng Tàu nó khôn vãi ra. NGHỊ, tiếng Hán có nghĩa là "Thảo luận, thương lượng, bình luận, bàn bạc, bày tỏ ý kiến...". Nghị viên mới làm việc đó. Còn thể chế này là ĐẠI BIỂU cơ. BIỂU trong tiếng Hán lại mang nghĩa là "Áo ngoài, mẽ ngoài, bia đá, bia mộ, cột mốc giới...". Nói chung thì cũng từa tựa như ông phỗng đá vậy.(Các bạn có thể tra các loại từ điển Hán Việt kiểm chứng cho tôi). Cho nên, đại biểu không phát biểu mới là "xứng kỳ danh". Ai hay phát biểu là "bất xứng kỳ danh". Rứa đo, rứa đo.

    Trả lờiXóa