Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

BÁO HÀ NỘI MỚI CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI VU CÁO NHÂN SĨ TRÍ THỨC

MỘT BÀI BÁO CÓ HẠI CHO ĐẢNG
Đào Tiến Thi

Báo Hà Nội Mới online ngày thứ năm, 16-5-2013, có bài Không thể “khoác áo” dân chủ để kích động, gây rối của một tác giả lấy tên là Trí Dũng, đã tấn công trực tiếp vào nhóm Kiến nghị 72 và nhóm Công dân tự do. Trong bài này xin chỉ bàn về nhóm Kiến nghị 72.

1. Một cách viết non yếu

Không kể cách hành văn lòng thòng, tối nghĩa, ghép nhặt các khẩu hiệu thì bài báo đã phạm 3 lỗi đáng kể dưới đây:

1.1. Ngay trong phần đầu của bài, tác giả đã đưa ra một lô tội của các nhân sỹ, trí thức mà rồi bỏ lửng, không phân tích, không chứng minh. Đó là một lối làm văn cẩu thả, một lối phát ngôn vô trách nhiệm. Chúng tôi sẽ trở lại ở phần 3 của bài.

1.2. Lẽ ra chữ “dân chủ” của tên bài nói trên phải để trong “nháy nháy” (để chỉ dân chủ giả hiệu, dân chủ khoác áo) thì tác giả lại đặt chữ “khoác áo” trong dấu nháy cho nên người đọc thấy hai chữ “khoác áo” trở nên buồn cười:

– Hoặc là nó trở nên vô nghĩa (vì dùng sai dụng ý đích thực của người viết);

– Hoặc cứ theo đúng chức năng của dấu nháy trong trường hợp này thì phải hiểu từ ngữ theo một nghĩa khác (thông thường là nghĩa ngược lại). Ví dụ, chữ “phấn đấu” sau đây: “Đời sống nhân dân khá hơn xưa, cán bộ ta ăn ở cũng khá hơn xưa, đi công tác có xe đạp, có ô tô nữa. Nhưng có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở. Đã có xe rồi lại “phấn đấu” để có xe đẹp hơn, chiếm mất phần của người khác. Đã có nhà ở rồi, lại “phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn” (Hồ Chí Minh[1]). Rõ ràng khi đặt trong dấu nháy, chữ “phấn đấu” đâu còn nghĩa là “phấn đấu” nữa, mà đã mang nghĩa “tham lam”, “vơ vét”.

1.3. Cũng trong phần đầu của bài, tác giả xác định đối tượng mình đả kích là “các thế lực thù địch”, tức là một thế lực vô hình, không tên tuổi, không hình dong, nhưng cuối bài lại chỉ đích danh là nhóm Kiến nghị 72 (72 nhân sỹ, trí thức khởi xướng và ký đợt 1 vào Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp) và nhóm thảo ra Tuyên bố công dân tự do. Tác giả viết: “Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng “Tuyên bố của công dân tự do” hay “nhóm kiến nghị 72” và những kẻ đang rêu rao dân chủ, nhân quyền thực chất là họ đang đánh tráo khái niệm dân chủ và ngụy tạo dân chủ”.

Xác định đối tượng một cách tiền hậu bất nhất như thế có phải vì non kém trong nghiệp viết lách? Có thể. Nhưng cũng có thể do một đầu óc đã mụ mẫm vì định kiến, cứ ai khác mình tức là “thế lực thù địch” cả. Ban đầu, tác giả hãy còn tỉnh, nghĩ thế nhưng biết tránh, không gọi tên cụ thể; về sau quên, nói toẹt ra. Khi đã nói toẹt ra thì sự lố bịch cũng hết đường che giấu. Bởi vì “thế lực thù địch” lúc này là những con người cụ thể, rất cụ thể bằng xương bằng thịt, đang sống hiền lành trong chế độ này, chưa bao giờ làm “địch” cả. Trong số 72 nhân sỹ, trí thức nói trên, nhiều người từng là quan chức nhà nước như TS. Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp; GS. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội; GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế,… Có người từng nổi tiếng trên lĩnh vực hoạt động của mình như GS. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Có nhiều người là những nhà khoa học, nhà văn có uy tín trong giới và trong độc giả như GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Hoàng Tụy, GS. Trần Đình Sử, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Việt Phương, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên (hiện đang là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội),… Trong số 72 nhân sỹ, trí thức còn có nhiều vị từng hoạt động trong phong trào sinh viên yêu nước trước 1975, từng bị tù đày trong chế độ cũ như các ông Cao Lập, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Hồ ngọc Nhuận, Huỳnh Kim Báu,… Loại đứng “cuối bảng” như tôi – Đào Tiến Thi, như Nguyễn Xuân Diện,… thì cũng là những công chức lương thiện, vốn chỉ biết “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, chưa hề biết mặt mũi “thế lực thù địch” nó thế nào, dù cũng đã nhiều lần yêu cầu các anh an ninh chỉ ra cho vài tên “thù địch” để tránh nhưng chính họ cũng chịu.

Trong số 72 nhân sỹ, trí thức nói trên, cũng chưa có ai “tự cho mình là “nhà dân chủ, đấu tranh đòi nhân quyền” như ông Trí Dũng gán ghép. Lại càng chả có ai dại gì “đánh bóng tên tuổi” (nhiều người trước đó đã có tên tuổi rồi) bằng cách nói trái “lề Đảng” để bị treo lơ lửng cái án tù hoặc chí ít cũng bị quấy nhiễu, gây khó dễ đủ điều trong cuộc sống (cái này thì ai cũng từng bị). Trong cảnh bát nháo này, thiếu gì những cách đánh bóng tên tuổi an toàn nếu muốn, tội gì “đánh bóng” bằng cách nguy hiểm này.

2. Một người nhận thức mù mờ về dân chủ lại đi lên lớp về dân chủ

Tác giả đặt vấn đề: “Nói tới dân chủ, trước hết cần đề cập đến những khái niệm cơ bản nhất. Dân chủ là gì? Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng người Hy Lạp cổ là chủ nhân sáng tạo nền dân chủ và các thiết chế dân chủ”.

Như vậy, khái niệm dân chủ được ông Trí Dũng xác định là “nền dân chủ và các thiết chế dân chủ”, tức thể chế dân chủ, chính thể dân chủ. Thế nhưng sau đó ông lại viết: “Tựu trung, xét về bản chất, dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng từng cá nhân con người như một thành viên bình đẳng trong xã hội, được lắng nghe và được thể hiện quan điểm, là quyền được tham gia các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội của đất nước, tham gia quản lý xã hội và xây dựng các quyết sách thông qua các cơ chế khác nhau trên cơ sở đồng thuận xã hội”.

Trước hết, tác giả lẫn lộn “chính thể dân chủ” với “tính dân chủ”, “sự dân chủ”. Chính thể dân chủ là cả một thiết chế nhà nước do nhân dân làm chủ (sẽ trình bày bên dưới), còn tính dân chủ, sự dân chủ chỉ ở trong phạm vi một vấn đề, một sự việc. Ví dụ nói: vấn đề này đã được bàn bạc một cách dân chủ.

Thứ hai, tác giả lẫn lộn giữa “chính thể dân chủ” và “quyền công dân”, “quyền con người”. Quyền công dân là những quyền được ghi trong hiến pháp của một nước; và như vậy, quyền công dân không nói lên được chính thể ấy có phải là chính thể dân chủ hay không. Chưa kể, quyền công dân nếu chỉ có trên giấy thì càng không thể coi dân nước đó đã có quyền công dân. Trong một chính thể dân chủ, cũng chưa chắc quyền con người được bảo đảm. Ví dụ trong một số chính thể dân chủ thời cổ đại, người nô lệ gần như chẳng có quyền gì, nhưng nó vẫn là chính thể dân chủ.  

Bây giờ xin nói qua về chính thể dân chủ. Montesquieu định nghĩa về ba loại chính thể như sau: “Chính thể dân chủ là chính thể mà dân chúng hay một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao. Chính thể quân chủ thì chỉ có một người cai trị, nhưng cai trị bằng luật pháp và được thiết lập hẳn hoi. Trong chính thể chuyên chế thì trái lại, chỉ có một người cai trị, mà không luật lệ gì hết, chỉ theo ý chí và sở thích của hắn ta mà thôi”[2].

Trong chính thể dân chủ, dân chúng nắm quyền lực tối cao. Thế nào là nắm quyền lực tối cao? Nói đơn giản như sau: Người dân bầu ra (bầu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nghị viện) chính phủ của mình để chính phủ quản lý xã hội và bảo vệ quyền lợi chung của quốc gia. Nói cách khác, quyền lực của nhân dân được thực thi thông qua hình thức uỷ quyền, hay nói một cách dễ hiểu hơn là thuê mướn. Tôi – nhân dân góp tiền (thông qua việc đóng thuế) thuê anh – chính phủ, anh phải có trách nhiệm làm những việc tôi giao; nếu anh làm không ra gì tôi không thuê nữa, tức là tôi phế truất anh, và tôi thuê (bầu) anh khác.

Vì thế, Montesquieu viết: “Trong chính thể dân chủ, theo một cách nhìn nào đó, có thể coi dân chúng như vua (…) Dân là “vua”, bởi họ được thể hiện ý chí của mình bằng các cuộc đầu phiếu (…) Dân chúng có quyền lực tối cao phải tự mình làm lấy những điều có thể làm tốt được, còn những điều mà dân không thể làm tốt được thì phải giao cho các vị bộ trưởng thừa hành. Các vị bộ trưởng nếu không do dân cử thì không phải là của dân. Châm ngôn cơ bản của chính thể dân chủ là: dân bầu ra bộ trưởng, tức là bầu ra người quan chấp chính để cai trị mình”[3].

Không phải đến xã hội tư bản mới có chính thể dân chủ. Một số chính thể dân chủ đã từng tồn tại ở Atthen (Hy Lạp cổ đại) và Roma (La Mã cổ đại). Cho nên Montesquieu đã mô tả các thể chế dân chủ này trong Bàn về tinh thần pháp luật (1748), trước cả khi nền dân chủ Pháp được thiết lập. Tất nhiên, các nền dân chủ tư sản thời cận đại, và đặc biệt là thời nay, thì nó hoàn thiện hơn rất nhiều, nhưng vẫn không ra ngoài nguyên tắc trên.

Không biết tôi diễn giải như thế đã giúp ông Trí Dũng hiểu thế nào là thể chế dân chủ hay chưa? Vì xem ra ông giải thích dân chủ không những tù mù, rối rắm, thể hiện một nhận thức lơ mơ mà điều đặc biệt sai lầm hơn là ông hiểu dân chủ như một thứ bổng lộc của kẻ cầm quyền ban phát cho dân chúng, theo một cơ chế “xin – cho”, chứ không phải đó là phương thức của dân chúng uỷ quyền (thuê mướn). Ông viết: “Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách bảo đảm thực thi các giá trị dân chủ…”. Dân chủ sao lại có thể thực thi bằng “quyết sách” của nhà cầm quyền được? Dân chủ chỉ có thể thực thi bằng những điều quy định trong hiến pháp và được cụ thể hoá bằng các luật phù hợp với hiến pháp. Nhà cầm quyền nếu tự ý ra quyết sách thì bao giờ cũng để bảo vệ lợi ích của nhà cầm quyền. Nhưng trong thể chế dân chủ, nhà cầm quyền dù làm gì cũng phải thực thi theo hiến pháp và luật, tức là làm theo ý chí của nhân dân, chứ không phải ý chí của nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền không làm theo ý chí của nhân dân thì nhân dân lôi cổ họ xuống, thậm chí tống cổ họ vào tù (các quan toà chỉ thực thi theo luật, bất kể kẻ phạm tội mang chức gì). Những người từng sống nhiều năm ở các chế độ dân chủ đều phát biểu rằng nhà cầm quyền ở những nước này rất sợ nhân dân. Bởi vì nhân dân sẵn sàng phế truất họ thông qua lá phiếu bầu và thông qua công luận. Ngược lại, họ cũng sẽ được nhân dân kính yêu nếu làm tốt phận sự.

Khi hiểu dân chủ như tôi đã trình bày thì dù là dân chủ tư sản hay “dân chủ Hồ Chí Minh” (theo cách gọi của ông Trí Dũng) thì nguyên tắc đều như nhau. Nếu có những biến thể khác nhau thì chúng cũng không hề xung đột nhau đến mức thành ra đối lập giữa “dân chủ Hồ Chí Minh” (dân chủ XHCN) với dân chủ tư sản. Cho nên, nếu chính thể hiện thời của ta là chính thể dân chủ thì ta luôn luôn có nhu cầu tham khảo các chính thể dân chủ khác để bổ sung cho chính thể dân chủ của mình ngày càng dân chủ hơn, chứ không bao giờ đi phỉ báng các chính thể dân chủ khác như ông Trí Dũng cũng như nhiều đồng nghiệp của ông đã và đang làm. Sinh thời, Cụ Hồ cũng không bao giờ làm những việc như thế.

3. Một thái độ vu cáo, phỉ báng các nhân sỹ, trí thức

Ngay phần đầu, ông Trí Dũng viết (được đưa lên thành sapô, in đậm): “Thời gian gần đây, lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến của toàn dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều nhóm người tự xưng danh những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền đã đưa ra những luận điệu phản động, xuyên tạc sự thật, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thiết lập chế độ tam quyền phân lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai…”

Đó là một lô “tội lỗi” của nhóm Kiến nghị 72 nhưng không hề được tác giả phân tích, không hề được tác giả chứng minh qua nội dung bản Kiến nghị hay cách đưa Kiến nghị xem nó “phản động” ở chỗ nào. Ông không biết cách viết một bài văn nghị luận (đã học từ cấp 2) hay do không thể tìm được cứ liệu nào để sáng tỏ các luận điểm này? Nếu bài trước do “sơ xuất” thì đề nghị ông viết tiếp một hay nhiều bài để chứng minh được các vấn đề sau đây:

 Nhóm Kiến nghị 72 đã “lợi dụng dân chủ” như thế nào?

 Nhóm Kiến nghị 72 đã “đưa ra những luận điệu phản động, xuyên tạc sự thật” như thế nào? 

–  Đa nguyên chính trị, đa đảng, tam quyền phân lập xấu xa, có hại ở chỗ nào?

–  Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang (ông Trí Dũng dẫn ý không đúng; đúng ra là trung lập hoá lực lượng vũ trang, tức lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào) thì có hại ở chỗ nào?

 Xóa bỏ chế độ “sở hữu toàn dân” về đất đai thì có hại như thế nào? Ông giải thích thế nào nạn tham nhũng đất đai (còn gọi là cướp đất) vô phương cứu chữa hiện nay? Có phải đó chính là do chế độ “sở hữu toàn dân” gây ra?

Sau khi quy chụp vô căn cứ nhóm kiến nghị 72 như trên, ông Trí Dũng còn kết tội hậu quả do “những nhà dân chủ” (những nhân sỹ, trí thức khởi xướng Kiến nghị 72) gây ra, coi họ là những người gây “bất ổn xã hội” và theo ông, từ bất ổn xã hội sẽ “gây ra những hệ lụy đau đớn thế nào với một quốc gia, một dân tộc”. Cái kiểu hù doạ lố bịch đó không những không doạ được ai mà còn gây mối bất hoà giữa Đảng và trí thức, giữa công luận “lề Đảng” (hệ thống báo chí chính thống) và công luận “lề dân” (mạng truyền thông xã hội).

Chưa bàn nội dung đúng sai ở đây mà trước hết bản Kiến nghị 72 là một bản kiến nghị đầy thiện chí, nó chỉ có mong muốn Đảng và Nhà nước nhận thức đúng những căn bệnh hiện nay, dũng cảm đổi mới đất nước và đổi mới chính mình, đưa dân tộc Việt Nam và cả Đảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi cơn khủng hoảng, đổ vỡ để tiến kịp thời đại. Bản Kiến nghị được 15 vị trí thức (nhiều vị đồng thời là cựu quan chức) có uy tín đem đến địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương, Hà Nội và trao tận tay cho ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, theo đúng tinh thần của nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội. Cho đến nay, bản Kiến nghị đã được 14.558 người ký tên ủng hộ, có lẽ đó là một con số ký kiến nghị lớn nhất trong các kiến nghị ở Việt Nam từ trước đến nay. Ngoài 72 nhân sỹ trí thức ký đợt 1, còn hàng trăm trí thức có tên tuổi khác, trong đó có nhiều trí thức Việt kiều. Nếu phỉ báng 14.558 người nói trên thì thực là coi trời bằng vung. Nói cụ thể là nó tạo ra sự đối lập giữa Đảng với trí thức, giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Đảng, Nhà nước với kiều bào. Và như vậy nó chống lại khối đại đoàn kết dân tộc, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sỹ trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ”[4].

Ngược với những “tiên đoán” của ông Trí Dũng, cho rằng các ý kiến về dân chủ trong Kiến nghị 72 sẽ gây “bất ổn xã hội”, những người có hiểu biết, kể cả những người có lương tri trong bộ máy Đảng và Nhà nước đều thấy rằng nguy cơ bất ổn, nguy cơ sụp đổ chế độ, nguy cơ mất nước không phải do dân chủ, mà là do sự đóng kín dân chủ, do sự cự tuyệt dân chủ của “một bộ phận không nhỏ” (theo cách nói của ông Tổng bí thư Đảng) thoái hoá, biến chất. Họ lo sợ bị mất những quyền lợi bất chính của riêng mình mà cố kìm hãm dân chủ. Nếu nhân dân có bị “kích động”, có “gây rối” thì chính là do chính sách bóp nghẹt dân chủ, dân sinh, chính sách đàn áp những người muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc trước các hành động xâm lược của Trung Cộng mà thôi.

Để kết thúc bài này, cũng xin thưa với ông Trí Dũng và những người đồng quan điểm với ông, rằng nhóm Kiến nghị 72 chẳng thể nào làm được cái việc “kích động”, “gây rối”. Bởi trong tay họ không một tấc sắt, không một lực lượng, không có cả một tổ chức. Đến phương tiện ngôn luận, họ cũng chỉ có các blog cá nhân và mạng facebook (cũng luôn luôn bị bao vây, ngăn chặn). Thật là châu chấu đá xe so với cả một nhà nước có một rừng quân đội và cảnh sát, có một rừng diễn đàn với 700 tờ báo và đài phát thanh, truyền hình.

Cũng cần phải nói thêm: báo Hà Nội Mới đã làm một việc không đẹp thuộc văn hoá – đạo đức của nghề báo: đăng bài phê phán mà lại không đăng bài bị phê phán. Tức là không đăng bản Kiến nghị 72Tuyên bố công dân tự do. Tất nhiên có tiền lệ các báo trong hệ thống báo chí nhà nước thường như vậy, nhưng đó là một tiền lệ xấu. Ở một số trường hợp khác họ có thể có lý do, rằng tôi không chỉ đích danh ai mà chỉ nói “thế lực thù địch” chung chung. Nhưng ở một bài báo đã chỉ đích danh đối tượng mà họ kết tội như bài báo của ông Trí Dũng thì lẽ ra báo Hà Nội Mới phải đăng kèm toàn văn Kiến  nghị 72Tuyên bố công dân tự do mới phải.



[1] Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, NXB Sự thật, 1980, tr.491, bài Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, 1958.
[2] Bàn về tinh thần pháp luật, NXB Lý luận chính trị, 2006, trang 46.
[3] Sđd, trang 47, 48.
[4] Sđd, trang 278, bài Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công, 1962

 

34 nhận xét :

  1. Giãy chết nó thế! Sẽ còn giãy nữa. Càng sắp chết, giãy càng mạnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy á.
      Nhưng đến một lúc nó chỉ giật giật thôi chứ.

      Xóa
    2. Có thể đời sống khó khăn nên Trí Dũng làm một bài để kiếm thêm chút đỉnh tiền nhuận bút từ báo HNM chăng, cho nên khi viết cũng không suy xét nhiều. Vậy nên thông cảm cho Trí Dũng

      Xóa
  2. Kẻ viết bài này là loại ngu dốt , chỉ học bổ túc , chuyên tu không được đào tạo cơ bản nên viết không ra hồn.Đọc làm gì bài này , chỉ tiếc rằng báo Hà Nội mới toàn là CCCCC nên cứ thấy bài có tính xu nịnh là đưa lên để lấy thành tich, loại báo này có mấy ai đọc, hãy giành thì giờ vào nhiều việc khác và đọc các bài “ lề trái “ trên mạng còn bổ ích hơn

    Trả lờiXóa
  3. Kính gửi anh Diện:

    Tôi trước đến nay không tham gia phong trào dân phủ trong nước. Có lẽ đến lúc tôi phải công khai để cho những kẻ già mồm ngậm miệng giả dối, quen thói dọa dẫm, chân lý tuyệt đối phải chùn bước. Tôi không hy vọng những kẻ tham quyền cố vị vì lợi thân hại cả dân tộc đó sẽ tự nguyện từ bỏ quyền lực - điều này là không tưởng. Đây chính là lý do tại sao tôi chưa ký kiến nghị 72 - không phải vì tôi không có trách nhiệm, hay trung thành với những kẻ đang lợi dụng danh nghĩa ổn định chính trị đó. Tôi chưa ký vì tôi thấy những kẻ đang nắm vận mệnh đất nước chưa hiểu, và không chịu hiểu hiện trạng, và muốn sử dụng chân lý tuyệt đối, quyền lực tuyệt đối để áp đặt những thứ mà họ muốn, dù ở bất kỳ vỏ bọc nào cái. Một lý do nữa mà tôi không cho rằng có cách nào có thể thay đổi thể chế hiện nay - tôi không nói chuyện lật đổ đảng cộng sản, không cần thiết, đảng có thể tồn tại vững chắc với những đảng khác - chỉ cần bắt nó đi theo quỹ đạo của cảc nền văn minh, đó là sự độc lập về ba nhánh quyến lực, về sự độc lập của chính trị với vai trò quân sự, tôi không thấy có cửa nào ngoài sự đổ máu bạo loạn. Không có thể chế cộng sản nào tự nguyện từ bỏ quyền lực để cải cách chính trị, bài học từ Bắc Hàn, Cuba, Iraq, Syria, Libanon cho thấy mỗi thay đổi đều kèm theo một giai đoạn bất ổn với hàng triệu sinh mạng. Cái này người dân cuối cùng sẽ là những người thiệt thòi nhất khi hàng triệu an ninh, quân đội trung thành tuyệt đối với thể chế đàn áp để duy trì quyền lực dưới cái vỏ bọc ổn định. Mà điều này thì rõ ràng là trong chúng ta không ai muốn. Tương lai nào cho đất nước thì tôi không lạc quan về những động thái hiện nay của thể chế cầm quyền. Chỉ có một trong hai con đường, nếu cải cách để đất nước phát triển giữ được đất đai biển đảo thì dù có độc quyền đảng vẫn có lý do để tồn tại, còn không thì đừng hy vọng cầu hòa để yên ổn với đồng chí láng giềng. Tôi lo ngại nhất là đảng hiện nay không có lối ra do chính họ thọc sâu cả hai chân vào bùn. Họ biết có vấn đề, và một số đảng viên tiên tiến thừa đủ năng lực để thừa nhận vấn đề đó. Nhưng họ bị trói buộc trong cái lý tưởng và cách tổ chức rất phản động của họ. Họ sinh ra từ đấu tranh giai cấp nhưng họ phủ nhận đấu tranh giai cấp hiện nay bằng bạo lực và chân lý tuyệt đối. Họ nói dân chủ trong nội bộ đảng nhưng thực chất họ là tổ chức phong kiến trá hình cha truyền con nối. Họ dựa vào quán triệt mệnh lệnh từ trên ban xuống chứ không dám cho người khác hỏi lý do.

    Trả lờiXóa
  4. Một bài phản biện hoàn hảo của TG Đào Tiến Thi , thiết tưởng TG Trí Dũng của bài viết " Không thể khoác áo dân chủ để kích động gây rối " nên dành nhiều thời gian để " Bổ Túc " thêm vốn liếng kiến thức của mình trước khi muốn " Phản Biện " một cách đàng hoàng và " Nghe Được " . Đã qua rồi cái thời " nhồi nhét " và áp đặt mọi vấn đề . TG Trí Dũng muốn " Khai Mở " dân trí cho mọi người nhưng phải chăng nên " Làm " điều đó với bản thân mình trước khi muốn đem '' Rao Giảng " nó , bởi kiến thức của người đọc giờ đây đã khác xưa nhiều lắm .Với những luận điệu luôn áp đặt và chụp mũ , từ lâu tờ báo này ( HNM ) chẳng có gì " Mới " như tên gọi của nó . Thú thật là tờ báo này chỉ có tác dụng tốt khi " gói xôi " và " nhóm lò " mỗi khi tắt bếp .

    để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  5. Tay này được trả lương để làm mỗi việc là tự vả vào mồm .

    Trả lờiXóa
  6. Những hậu quả do chính quyền tiếp tay cho kẻ thù phá hoại đất nước một cách lộ rõ như ban ngày, đất đai thì cướp trăng trợn đền bù giá rẻ đẩy người dân đến con đường bần cùng hóa. Chính sách đất đai đáng lẽ phải trả lại thực quyền của người dân, ngược lại ra luật "Sở hữu toàn dân" để không phải của ai cả để đền bù giá rẻ, tước đoạt một cách hợp pháp để làm giàu. Con đường làm giàu của họ là bán hết tài nguên đất nước, cướp sạch đất đai của dân. Những cái luật họ đưa ra có phải vì dân không và những việc làm hiện nay họ có vì dân không? Hay họ vì vợ con họ, vì cái bầu chứa cơm đang ngày đêm phá hoại đất nước này. Chính họ mới là bọn phản động, một lũ Lê Chiêu Thống, bán rừng, bán tài sản đất nước, rước kẻ thù phương Bắc phá hoại tan hoang đất nước này. NHững kẻ bất tài, thiếu đức làm gì cho quê hương đất nước, hay chỉ là đám bồi bút chỉ vì "Cái giá áo túi cơm" đưa dân tộc vào con đường tiêu vong. Những kẻ đó mãi mãi sẽ bị lịch sử lên án, con cháu sẽ đào mồ cuốc mả cái bọn phản động hại dân, hại nước, rước vôi về dày mồ...

    Trả lờiXóa
  7. Sau khi đọc bài này của ĐÀO TIẾN THI thì tác giả Trí Dũng của báo HNM nên " Bẻ Bút -Đập nghiên " đi là vừa - Xưa rồi cái kiểu viết " Đứng Trên Lập Trường Giai Cấp " . Chán !

    Trả lờiXóa
  8. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 15:42 19 tháng 5, 2013

    Nếu cái anh Trí Dũng nào đó trên báo HNM hiểu Dân Chủ như anh Đào tiến Thi thì anh ta là nhà Dân Chủ thực sự rồi . Chính vì chủ hiểu dân Chủ một cách lơ mơ như vậy mà anh ta mới dám viết lên báo như thế .
    Được giao viết bài chống lại các bậc trí thức KN 72 là một vinh dự lắm đấy và là một cây bút có hạng mới được TBT giao cho nhiệm vụ to tát thế . Chứng tỏ rằng đầu óc của các dư luận viên kiểu Trí Dũng hiều về Dân Chủ chỉ đến thế là cao nhất rồi . Anh Đào tiến Thi nói đến Montesquieu hay những tác giả tây phương bàn về Dân Chủ hàng thế kỉ trước thì chắc anh Trí Dũng này chỉ như vịt nghe sấm .. mà không biết có đọc hết một tác phẩm nào hay chưa, hơn nữa bằng nguyên bản tiếng Pháp thì có lẽ các bậc tiến sĩ thời nay mấy người đọc nổi .
    Những cái đầu đậm đặc như Trí Dũng mà cứ lên lớp dậy DC thì ông nói mặc ông, người nghe cứ ngủ !

    Trả lờiXóa
  9. Không những thế hệ chúng ta coi thường, mà vài chục năm sau con cháu chúng ta sẽ phỉ báng tên nhà báo này. Đất nước còn bị tụt hậu, nhân dân còn chịu nhiều áp bức bất công, làm nô lệ cho giặc phương Bắc, nếu như còn nhiều nhà báo như thế này.

    Trả lờiXóa
  10. Thế mới biết trong Ban Tuyên Giáo của Thành Uỷ Hà Nội hiếm người hiểu rõ về Dân Chủ lại càng hiếm người có khả năng diễn giải về Dân Chủ cho đúng nghĩa của nó . Cái đó cũng không trách họ vì họ chỉ được đào tạo như thế, và những kiến thức họ tiếp thu cũng chỉ hạn chế trong các sách của Đảng viết về Dân Chủ . Khả năng tiếng nước ngoài để đọc các sách vở về DC lại càng hạn chế. Tiếng Anh giao tiếp họ có thể nói như gió, nhưng người giỏi tiếng Anh chuyên sâu về chính trị thật khó kiếm ! tiếng Pháp lại càng hiếm hơn .
    Viết được như Trí Dũng đã làm cho TBT báo HNM hài lòng rối đấy

    Trả lờiXóa
  11. Ông này hết tiền ăn sáng nên kiếm chút đỉnh bằng bài viết của mình. Đọc xong thấy thối inh. Ông ta chửi cả những người đầy mình thành tích hy sinh cho đất nước mà khi đó ông ta chưa chui ra từ mẹ ông ta. Bài báo tưởng hay nhưng lại làm mất uy tín của mình, của cái cơ quan đứng đầu tờ báo đó. Vậy thật là: "gậy ông lại đập lưng ông "

    Trả lờiXóa
  12. Trí Dũng cần gì đi học bổ túc trường này trường nọ cho tốn tiền,cứ đọc kỹ bài của bác Tiến Thi mà lấy đó làm ...vốn tác nghiệp may ra không phải về... hưu non.

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn Ông Đào Tiến THI Ông đã viết một bài phản biện tuyệt vời bài viết của Ông đã đập thẳng vào mồm những kẻ ngu rốt,bảo thủ

    Trả lờiXóa
  14. Cám ơn ông ĐÀO TIẾN THI về bài viếtt của ông

    Trả lờiXóa
  15. Chúng tôi tin tưởng một cách hết sức tuyệt đối vào hạnh kiểm và đạo đức của nhà văn Đào tiến Thi,ai xúc phạm đến người này tức là xúc phạm đến chúng tôi!-Và các người là ai mà dám chê bai người khác? có biết soi gương không đấy?

    Trả lờiXóa
  16. Báo HNM chẳng còn tìm được cây viết nào ra hồn. Bài viết chỉ chứng tỏ nhân sự của Báo HNM đã nghèo nàn cùng cực về trí tuệ. Nếu ngân sách của CP không chi trả cho các cơ sở mua báo HNM nữa thì tờ báo này sẽ sập chỉ chưa đầy một tuần. Nếu không có lương bổng thì mấy ông lãnh đạo báo này cũng chạy cho mau chứ đừng nói tới các PV phải lo cơm cháo cho gia đình hàng ngày. Nói thì đao to búa lớn nhưng thực chất cũng chỉ vì miếng ăn nhỏ nhoi, thậm chí tầm thường thôi. CÒN BẠC CÒN TIỀN CÒN ĐỆ TỬ; HẾT TIỀN, HẾT BẠC HẾT ÔNG TÔI.

    Trả lờiXóa
  17. Chống cường quyềnlúc 18:51 19 tháng 5, 2013

    Uyên bác như anh Diện, anh này kiệm lời nhưng nói cái gì thì cứ như đinh đóng cột , thế mà bác Thi còn ví như họ đứng"cuối bảng". Thử hỏi đức tính khiêm tốn của họ như thế có đáng để TD học tập không. Thế mà TD còn lên tiếng thóa mạ các bậc học giả, trí thức, cán bộ cách mạng lão thành. Thử hỏi đạo đức của ông ta để ở đâu. Người đứng đầu cơ quan TD cần lên tiếng xin lỗi. Như thế mới phải đạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bọn người đó nó biết gì về văn hóa mà bảo nó xin lỗi.

      Xóa
  18. Kẻ viết bài này là loại ngu dốt .Đọc làm gì bài này














    Trả lờiXóa
  19. HOÀNG ANH (Sài gòi ) có đôi lời :Ông cha ta có câu : Biết thì thưa thốt,không biết thì dựa cột mà nghe", trình độ của tên ký là Trí Dũng học mấy mươi năm nữa mới bằng TS Nguyễn Xuân Diện, bằng nhà văn Đào Tiến Thi mà dám viết một bài chê bai những người mà anh Diện,anh Thi xem là thầy ?Tổng biên tập báo Hà Nội Mới cho đăng bài này,chứng tỏ trình độ của người TBT này quá thấp. Có lẽ báo Hà Nội Mới đã học được anh Chí phèo.Nên đổi tên Hà Nội Mới là Chí Phèo Mới cho nó xứng trình độ .Một tờ báo có một tập thể kém cỏi như vậy thì đúng là một tờ lá cải. Cho đến hôm nay rồi mà tbt báo không hiểu gì thời cuộc,vẫn ôm nhũng quan diểm lạc hậu,bảo vệ những thứ cả thế giới đã vất vào sọt rác thì thật ngu muội.Cái kiểu nói leo ăn theo của những người như Trí Dũng nên thấy xấu hổ đừng nên viêt bậy người đời cười chê .Nhà văn Đào Tiến Thi chắc cũng chẳng thèm trả lời chi bọn người lú lẫn,nhưng có lẽ vì báo HNM xúc phạm đến những nhân sĩ trí thức đáng bậc thầy của đất nước,nên anh đã viết .Kể ra thì luận điệu kiểu như HNM nó có nhan nhản trên hơn 700 tờ báo quốc doanh vì trình độ của bọn người ấy họ chỉ có thế .

    Trả lờiXóa
  20. Trí Dũng cũng như Tổng biên tập HNM. là một trong những người thi đại học được ko điểm môn sử, con ngỗng môn văn.

    Trả lờiXóa
  21. PGS TS đấy, đừng có mà đùa

    Trả lờiXóa
  22. Nhà em chỉ thích Hà Nội xưa thôi. Thật đấy!

    Trả lờiXóa
  23. Đang đói, viết bài kiếm cơm, dù hiểu biết lơ mơ các anh thông cảm

    Trả lờiXóa
  24. Dù sao cũng phải có những báo như của a Diện đăng lên để mọi người biết. Cái thằng viết ra chắc nó cũng nghĩ chỉ có chúng ta đọc thôi, chứ dân đọc làm gì. Tôi biết nhiều bạn tôi chỉ xem thời sự qt trên vtv, thời sự vn thì bỏ qua ngay, mà xem trên mạng hay hơn.

    Trả lờiXóa
  25. Đã có chuẩn mới: Nếu thấy đài truyền hình Hà Nội và báo Hà Nội Mới kể xấu ai đó, thì đó là NGƯỜI TỐT!

    Trả lờiXóa
  26. Báo Hà nội Mới phỉ báng các nhân sĩ trí thức lớn của Việt Nam nhưng chúng hết lời ca ngợi một tên tướng tàu từng trực tiếp chỉ huy xâm lược và giết hại vô cùng dã man dân thường Việt Nam .Vậy báo Hà nội Mới của ta hay của tàu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn nhất trí với Bác . Đã từ lâu tờ báo này ( HNM ) đã không còn là đại diện cho tiếng nói của Nhân Dân Thủ Đô , họ luôn tìm mọi cơ hội để chỉ trích những điều trái với lối suy nghĩ và " Định Hướng " của họ bất kể đó là cá nhân hay tập thể ( Các cuộc biểu tình chống Trung Cộng hay các cá nhân và các nhân sỹ yêu nước và tiến bộ ), họ đã từng không từ một thủ đoạn nào từ bôi nhọ thanh danh đến hăm dọa cá nhân để đạt được mục đích là đè bẹp những tiếng nói chính nghĩa và chống ngoại xâm đang dâng cao . qua những sự việc đó họ đang tự hủy diệt chính mình và đánh mất niềm tin trong nhân dân


      Hoàng Minh

      Xóa
  27. NHỮNG TÊN BỒI BÚT CHÍNH HIỆU, CHÚNG NÓI "THEO TIỀN VÀ SỔ HƯU" THÌ LÀM GÌ CÓ TRÌNH ĐỘ VÀ LÝ LẼ THUYẾT PHỤC, BÁC THI ƠI!

    Trả lờiXóa
  28. Tôi đề nghị: 1/ Đăng toàn văn Kiến nghị 72 để cho toàn dân được đọc. Nếu nó xấu, thì cũng cần bên "đưa kiến nghị" và bên "tiếp nhận kiến nghị" (Ở đây là Ban dự thảo sửa đổi hiến pháp Quốc hội") cùng tranh luận qua một cuộc hội thảo khoa học. 2/ Mở chuyên mục cho dân góp ý bằng văn bản, đăng công khai.
    3/ Trưng cầu dân ý các vấn đề đã nêu để dân phúc quyết.
    Chúng ta cần phân tích kỹ càng, có dẫn chứng chứng cứ, khi ấy mới tòi mặt "thế lực thù địch". Còn kiểu nói "lấy được" như cái ông Trí Dũng nào đó thì không nên. Ông "dũng" thật đấy, vì ông có gan xúc phạm "nguyên khí quốc gia", nhưng ông không có "trí". Trí đâu mà ăn nói "lộn tùng phèo" như vậy.
    Đảng, nhà nước không tiếc tiền của, in ấn bẩn so sánh hiến pháp cũ và sửa đổi,dày 72 trang giấy cỡ A4, đóng bìa đỏ óng như bìa "sổ đỏ" phát về tận hộ nông dân.Chắc cũng khá tiền đây? Nhưng chúng tôi (những nông dân) hơi đâu mà góp ý. Những vị trí thức trong Kiến nghị 72, những người học nhiều biết rộng, mà có ai đếm xỉa đâu mà bảo chúng tôi đóng góp ý kiến. Chắc là trên có chủ trương để coi như "biểu quyết với đa số đồng ý".Cuối cùng đành viết: "Tôi đồng ý- Ký tên" như ông xóm trưởng gợi ý. Chấm hết.
    MỘT NÔNG DÂN Ở HUYỆN QUẢNG NINH, TỈNH QUẢNG BÌNH.

    Trả lờiXóa
  29. Người Hà Lội.lúc 21:15 20 tháng 5, 2013

    Trí Dũng đã biết rằng: “Tựu trung, xét về bản chất, dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng từng cá nhân con người như một thành viên bình đẳng trong xã hội, được lắng nghe và được thể hiện quan điểm, là quyền được tham gia các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội của đất nước, tham gia quản lý xã hội và xây dựng các quyết sách thông qua các cơ chế khác nhau trên cơ sở đồng thuận xã hội”.
    Thế nhưng, tại sao Trí Dũng lại lên án những người đã thực thi quyền công dân của mình mang tâm huyết, trí tuệ để góp ý với đảng, nhà nước về những điều có lợi cho dân tộc, cho nhân dân thông qua bản Kiến nghị 72 và Tuyên bố công dân tự do???
    Tôi cho rằng Trí Dũng là con vẹt chỉ biết nói theo mà không biết suy nghĩ trước sau.

    Trả lờiXóa