Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

ĐÃ GỠ BỎ: ĐỀ XUẤT TRƯNG CẦU Ý DÂN VỀ ĐIỀU 4

Bài trên VietNamnet:
Đề xuất trưng cầu ý dân về điều 4 

“Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào Đảng, chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Những xu hướng, tư tưởng khác sẽ không còn lý gì để tranh luận”.

Khẳng định vai trò của Đảng
 
Thảo luận tổ dự thảo sửa đổi Hiến pháp chiều 27/5, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề xuất đưa điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng ra trưng cầu ý dân.Ông dẫn dắt từ quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” để nêu vấn đề: Quyền lập hiến thuộc về QH hay nhân dân.

điều 4, hiến pháp, trưng cầu ý dân, phúc quyết
ĐB Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Thăng

“Đưa bản Hiến pháp cho toàn dân bỏ phiếu là không khả thi, không phải mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, hiểu thấu đáo để bỏ phiếu cho một bản Hiến pháp cụ thể. Có lẽ vẫn phải thảo luận ở nghị trường”, ông Hùng nói. “Thế nên về mặt hình thức, QH vẫn thảo luận và bỏ phiếu thông qua Hiến pháp. Nhưng có một cấp độ nữa là một số điểm trong Hiến pháp có thể trưng cầu ý kiến nhân dân”.

“Tiếp xúc cử tri nhiều nơi, từ các cán bộ lão thành cho đến sinh viên, nhiều ý kiến đề nghị QH nghiên cứu đưa điều 4 ra trưng cầu ý dân”, ĐB Thái Nguyên phản ánh.

“Phân tích của cử tri rất nên lắng nghe: Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào Đảng và chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Khi ta đã lấy ý kiến dân rồi, những xu hướng, tư tưởng khác, chưa nói đến các thế lực thù địch, sẽ không còn lý gì để tranh luận nên hay không nên quy định điều này trong Hiến pháp, vì tối cao là người dân đã quyết định, không phải tranh luận nhiều”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, lý lẽ mà UB sửa đổi Hiến pháp đang đưa ra, với 3 lý do là kế thừa Hiến pháp 1992, là tất yếu khách quan và là sự cần thiết của thực tế, chưa thật thuyết phục. “Trưng cầu để người dân quyết định sẽ khẳng định giá trị lịch sử của bản Hiến pháp này, sau này cũng không mất nhiều thời gian xử lý vấn đề này trong các văn bản pháp luật”, ĐB Thái Nguyên nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) chia sẻ ý kiến này: Nếu lấy được ý kiến toàn dân về điều 4 thì có thể một lần nữa khẳng định vai trò của Đảng, cũng là cơ hội gạn lọc để biết chỉ số niềm tin của dân đối với Đảng, để Đảng tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo của mình. 

Chưa thể trưng cầu vì chưa có luật

Phó đoàn chuyên trách tỉnh Tuyên Quang, ĐB Hoàng Việt Phương, lại có ý kiến khác: “Khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là đang thực hiện và cụ thể hóa di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Theo ông Phương, không nên trưng cầu ý dân vì “ta đã lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, sau đó lấy ý kiến của ĐB, rồi lại lấy ý kiến dân. Khi QH thông qua rồi, nếu trưng cầu ý dân mà ý kiến không giống thì không đúng”.

Trưởng đoàn Gia Lai, ĐB Hà Sơn Nhin, cũng lưu ý hết sức thận trọng và cân nhắc việc trưng cầu ý dân vì thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường hết các khả năng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường góp ý: “Theo thông lệ quốc tế, nếu đem toàn dân phúc quyết một bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung như thế này thì chỉ hỏi một câu “đồng ý hay không đồng ý” với toàn văn bản Hiến pháp. Còn nhặt ra trong Hiến pháp vấn đề gì để trưng cầu thì không phù hợp lắm”.


điều 4, hiến pháp, trưng cầu ý dân, phúc quyết
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Ta chưa sẵn sàng về mặt pháp lý… Ảnh: Lê Anh Dũng


Chia sẻ ý kiến “nếu trưng cầu được thì tư thế sẽ rất đàng hoàng”, nhưng theo Bộ trưởng Tư pháp, lần này chưa thể trưng cầu vì chưa có luật về trưng cầu ý dân.

“Có ý kiến cho rằng QH có thể ra một nghị quyết về trưng cầu ý dân, nhưng tôi rất sợ rằng đó lại là một nghị quyết vội vàng như nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân hay lấy phiếu tín nhiệm, đều thông qua 100% ở phiên họp cuối”, ông Cường nói.

“Tôi thiên về ý, một khi đã xác định Hiến pháp là nhân dân làm ra, QH có thông qua thì cũng chỉ thay mặt dân, cũng nên có trưng cầu ý dân, nhưng là cho những lần sau chứ chưa phải lần này, vì giờ ta chưa sẵn sàng về mặt pháp lý cho việc đó”, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định.

T.Chung – L.Nhung – X.Linh – C.Quyên

*Ghi chú: Bài đã được gỡ bỏ khỏi VNN, nhưng rất nhiều Đài Truyền hình còn lưu lại được 

http://hanoitv.vn/Chinh-tri/De-xuat-trung-cau-y-dan-ve-dieu-4/27538.htv

12 nhận xét :

  1. Thật là hèn, đại biểu phát biểu ngay tại hội trường thế mà còn phải giấu.

    Trả lờiXóa
  2. Danh chính thi ngôn sẽ thuận

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một số đại biểu quốc hội có ý kiến [Chưa thể trưng cầu ý dân vì chưa có luật.]
      Hiến pháp là của dân thì dân phải trưng cầu ý dân các nội dung cơ bản và phúc quyết toàn bộ bản hiến pháp .Nếu vì lý do chưa có luật trưng cầu ý dân ra ngay luật trưng cầu ý dân để trưng cầu ý dân ,nếu chưa ra được luật thì tạm dừng sửa đổi hiến pháp không thể làm vội vàng cẩu thả như vậy được

      Xóa
  3. theo tôi quốc hội nên trưng cầu dân là điều cần thiết cho tính chính danh của hiến pháp, chứ lâu nay ta cứ nói mọi thứ "do nhân dân lựa chọn" nhưng thực tế người dân có được lựa chọn gì đâu?!

    Trả lờiXóa
  4. Bác Đỗ Mạnh Hùng này "thâm" phết. Trưng cầu thật nghiêm túc về Điều 4 thì ...

    Trả lờiXóa
  5. Thời đại ngày nay là của internet toàn cầu , không một bàn tay bưng bít nào ,kiểm duyệt nào mà bịt nổi , che mắt được nhân dân . Bịt chổ này thì hở chổ khác và cuối cùng sẽ tan vỡ hoàn toàn . Những người kiểm duyệt tuyên giáo giống như lũ chuột giấu mặt trong hang , nhưng rồi truyền thông mạng sẽ lôi ra hết , giấu mặt sao nỗi hàng triệu con mắt người dân . Cái gì đến sẽ đến cái gì ẩu trĩ lạc hậu với thời đại sẽ bị đào thải và chết thê thảm đó là một sự tất yếu .

    Trả lờiXóa
  6. Họa có mà ĐIÊN mới đem Điều 4 ra mà trưng cầu ý dân, trừ trường hợp tổ chức gian lận phiếu trưng cầu!
    Ai cũng biết: Dân sẽ "xổ toẹt" cái vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản ngay! Nhưng cho dù không trưng cầu thì lòng dân cũng đã "quyết", vấn đề là thời gian thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Các vị chóp bu vẫn rất run. Thể hiện rõ sự thiếu tự tin đối với việc hỏi xem số đông người dân có thực sự muốn đảng cầm quyền lãnh đạo ko. Do đó, vẫn ko muốn cho đem ra hỏi (trưng càu ) ý dân.

    Trả lờiXóa
  8. Rất thú vị. Tôi thấy có lẽ đảng cầm quyền không ngờ việc chỉ mớm mớm cho góp ý sửa đổi hiến pháp đã vượt quá tầm kiểm soát của đài báo, trở thành một đề tài nóng hổi, thể hiện sự bất mãn của người dân vào thể chế hiện tại và những nỗ lực tuyệt vọng của đảng nhằm củng cố quyền lực tuyệt đối. Càng cố càng hỏng, càng nói càng thấy giả dối, càng làm càng sai. Chỉ thông qua việc chọn tên nước trên một số trang báo điện tử cho thấy người dân đâu có quan tâm cái tên cứ phải là XHCN, tên gì cũng thế, nếu không có thay đổi thực chất thì mãi vẫn là một hình thức quân chủ toàn trị mang màu sắc phong kiến cha truyền con nối. Tất nhiên tôi không ngây thơ đến độ tin vào bất cứ một hình thức trưng cầu dân ý nào hiện nay, nếu đảng vẫn nắm toàn bộ quyền lực từ tài chính đến quân đội, và sẵn sàng sử dụng công cụ an ninh bạo lực để bảo vệ chân lý tuyệt đối.

    Trả lờiXóa
  9. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 11:42 29 tháng 5, 2013

    Các ông bà cầm quyền nại đủ lý do để không đem HP SĐ lần này ra trưng cầu dân ý ? Rõ ràng là các ông bà này sợ Dân không tín nhiệm đảng CS nữa . Các ông bà này vẫn khẳng định là đa số nhân dân vẫn ủng hộ Đảng vẩn trung thành với Đảng mà không dám đem HP ra trưng cầu ý dân . Mâu thuẫn ! Những khẳng định kia chỉ là nói láo . Nếu các vị đó nắm chắc được trên 50 % Dân ủng hộ Đảng thì họ chẳng sợ Trưng Cầu Dân Ý . Đằng này chẳng ai dám chắc mà sợ thua thì ê mặt quá . Nhân Dân cho về vườn thì hết đấy cấy cày . Dở vốn lận lưng ra coi thì ôi, vàng với ngoại tệ nhiều quá. Đo đạc xem nhà cửa đất đai đứng tên mình, tên vợ, tên con sao vượt tiêu quá xa . Dấu đâu bây giờ . Nói chung thì sợ Dân không tín nhiệm mà không dám Trưng Cầu Dân Ý . Nói quanh mãi cũng thế thôi .

    Trả lờiXóa
  10. Chế độ chính trị hiện nay chính xác là : chế độ quân chủ chuyên chế tập thể khoác chiếc áo cộng hoà , tức là chế độ vua tập thể ( bộ chính trị ) , cuối cùng là vô trách nhiệm khi rất nhiều quyết định sai lầm đã xảy ra mấy chục năm nay . Mọi quyết định là của Bộ chính trị của đảng , không phải từ quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất như hiến pháp 1992 đã ghi . Do đó cho dù có đổi tên nước hay không thì vẫn vô nghĩa , chỉ là đổi cái áo đã quá của nát lỗi thời lỗi mốt . Tình hình đất nước hiện nay đã thực sự bế tắc bi đát trên mọi phương diện nếu không thực lòng cải cách toàn diện thì tương lai sẽ là địa ngục đen tối .

    Trả lờiXóa
  11. Tư vấn cho Chủ tịch Quốc Hộilúc 23:21 29 tháng 5, 2013

    Hay nhỉ!

    Tôi mà là Chủ tịch QH, tôi sẽ nói rằng "Tất cả các vị ĐBQH đã được dân tin yêu và bầu làm Đại diện cho tiếng nói của mình, do vậy ý kiến của ĐBQH ở đây chính là ý của cả dân tộc Việt Nam. Ai nói phải trưng cầu dân ý có nghĩa là thiếu lòng tin vào vị Đại biểu mà mình đã sáng suốt lựa chọn, con người đó là suy thoái và cần phải xét lại thái độ chính trị. Các vị suy thoái nên nhớ rằng, tất cả các ĐBQH ở đây đều trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu rất cao, thường là trên 80%"

    Lý luận đơn giản như vậy thôi, dẹp tan hết mọi bàn cãi linh tinh. Ông nào bàn ngang, đưa vào danh sách xét lại, nói anh TĐQ tạm đậy vung cái nồi cơm ở nhà ông đó là ông ta im thin thít ngay.
    Còn bọn thừa chữ ngồi ngoài ném đá vào Hội nghị thì kệ nó, lời nói gió bay. Mình dùng 700 cái loa át được hết.

    Xin hỏi, ý này có được không ạ!

    Trả lờiXóa