Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

LS. TRẦN ĐÌNH TRIỂN BÀN VỀ BẢN ÁN VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN

BÀN VỀ BẢN ÁN VỤ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
LS. Trần Đình Triển
Như thông tin đã đưa Tòa tuyên phạt anh Vươn, anh Quý…theo điểm D khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), xử phạt anh Vươn, anh Quý mỗi người 5 năm tù giam:
Điểm D khoản 1 điều 93 là: “Giết người đang thi hành công vụ hoặc lý do công vụ của nạn nhân”. Với khoản 1 điều 93 quy định: “Người nào giết người thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Tòa đã vận dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 46 BLHS. Căn cứ điều 47 BLHS về: “Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật: Khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của BLHS, Tòa án có thể quyết định 1 hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.
Vậy thì khung liền kề của khoản 1 điều 93,là khoản 2 quy định: “Phạm tội không thuộc khoản 1 điều này thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm”. Như vậy, căn cứ vào điều 47 của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử anh Vươn, anh Quý,… theo khoản 1 điều 93 thì không thể thấp hơn 7 năm. Nhưng Tòa tuyên xử 5 năm là việc không đúng pháp luật, “ngoại lệ”. Nếu đúng với tội danh này thì thực sự đó là 1 bản án ân huệ, nhẹ nhàng, vô cùng có lợi cho anh Vươn và anh Quý,... 
Tuy nhiên, đây là một việc dung hòa về phương diện pháp lý không thể chấp nhận được; mà anh Vươn, anh Quý,… phạm vào điều 96 BLHS tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Tại điều luật này thì khung hình phạt cao nhất là từ 2 năm đến 5 năm. Theo suy nghĩ của tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng tại Hải Phòng không dám nhìn thẳng vào sự thật và quy định của pháp luật để áp dụng tội danh đối với anh Vươn, anh Quý,…theo đúng tính chất hành vi và quy định của pháp luật; cố ý bảo vệ gián tiếp hành vi trái pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, áp dụng điều 93 có thể biết là sai nhưng với mục đích răn đe anh Vươn và những người khác: nếu chính quyền có sai thì cũng không nên và không được áp dụng biện pháp chống trả bằng vũ khí như anh Vươn, anh Quý…Đồng thời nếu áp dụng điều 96 thì chị Thương và chị Hiền (Báu) đương nhiên không phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.
Truy tố theo điểm D khoản 1 điều 93 là phạm tội “Giết người đang thi hành công vụ hoặc lý do đang thi hành công vụ của nạn nhân”, đối với chị Thương và chị Hiền theo điều D, khoản 2 điều 257 BLHS về tội “Chống người thi hành công vụ” là không đảm bảo 4 yếu tố cấu thành tội phạm về khoa học hợp lý, cụ thể là:
- Trong vụ việc này đã có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: việc ra quyết định hành chính thu hồi đất, cưỡng chế của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng là sai. Việc tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng quân đội, trang bị vũ khí, xâm phạm bất hợp pháp nơi đất ở và nhà ở của anh Đoàn Văn Quý,…cũng là sự vi phạm pháp luật.
- Hành vi chống người thi hành công vụ được quy định tại Chương XX BLHS là: nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là hành vi cản trở hoạt động ĐÚNG PHÁP LUẬT của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội,…làm giảm hiệu lực quản lý hành chính của cơ quan nhà nước. Người thi hành công vụ bao gồm nhân viên cơ quan nhà nước, tổ chức khác và công dân đang thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật giao cho họ hoặc được cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và công dân. Việc chống lại người thi hành công vụ là chống lại trật tự công cộng, trật tự quản lý, xâm hại đến tính nghiêm minh của pháp luật trong hoạt động quản lý của Nhà nước;
- Như vậy, việc đoàn cưỡng chế đang thực thi một quyết định trái pháp luật; đồng thời đoàn cưỡng chế huy động lực lượng, sử dụng vũ khí xâm phạm tài sản và nhà ở của công dân, thì không thể gọi là thi hành công vụ được ( Xem Luật Công chức, Bình luận khoa học BLHS, Giáo trình giảng dạy của các trường đại học luật,Từ điển tiếng Việt,…);
- Căn cứ khoản 3 điều 4 của BLHS về trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng ngừa và chống tội phạm”.
Trong vụ việc này đã có bản án của Tòa án huyện Tiên Lãng thì căn cứ Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự,… thì nếu có việc cưỡng chế phải là quyết định của Cơ quan Thi hành án; mà không thể cho phép Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng (với tư cách là bị đơn trong vụ kiện này lại ra quyết định cưỡng chế đối với nguyên đơn); vì trình tự tố tụng đã vượt khỏi quyền uy hành chính của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng. Với hành vi này các cá nhân ra quyết định đó, đã có dấu hiệu vi phạm điều 296 BLHS về tội “Ra quyết định trái pháp luật” và tội được quy định tại điều 281 BLHS “Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và điều 282 tội “Lạm quyền trong thi hành công vụ”. Vụ việc này anh Đoàn Văn Vươn đã thường xuyên, liên tục khiếu nại về những sai trái đó và thực tế Thủ tướng đã khẳng định việc sai trái đó, thì anh Vươn có quyền và nghĩa vụ chống lại hành vi trái pháp luật nêu trên. Nhưng việc anh Vươn và những người có liên quan có sử dụng kíp mìn, sử dụng súng hoa cải để chống lại đoàn cưỡng chế là có lỗi, vượt quá mức quy định của pháp luật cũng cần phải xử lý; nhưng hành vi đó chỉ cấu thành tội “Giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” được quy định tại điều 96 BLHS. 
Nguồn: FB Trần Đình Triển.
 

5 nhận xét :

  1. Bài viết hay nhưng câu kết của Luật sư Triển hơi lạc nhếch. LS nói anh em ông Vươn phạm điều 96 BLHS? Tôi thì không cho vậy. Bởi muốn xem xét hành vi chống trả có vượt quá hay không thì phải xem xét sự tương quan lực lượng, mức độ tấn công, tính chất của hành vi chống trả...Nếu sự chống trả rõ ràng là vượt quá sự tấn công thì người chống trả phải chịu TNHS về hành vi vượt quá giới hạn. Ở đây, phía tấn công có số lượng quân đông hơn, vũ khí hiện đại hơn, được bảo vệ chắc chắn hơn...còn phía chống trả chỉ có anh em ông Vươn và mấy mụ đàn bà...súng hoa cải không thể qua được AK 47, khiêng, áo giáp...Do đó, không thể nói anh em ông Vươn phạm tội giết người theo điều 96 BLHS, mà phải không phạm tội. Việc sử dụng súng hoa cải thì cấu thành tội khác, chứ không thể nói: Sử dụng kíp mìn, sung hoa cải để chống lại đoàn cưỡng chế là có lỗi được. Luật sư Triển cần nhớ là trong chế định phòng vệ chính đáng, luật cho phép loại bỏ nguồn tấn công nếu nó xâm hại trực tiếp đến những khách thể trọng yếu...Việc quân cộng dùng AK 47 bắn vào nhà ông Vươn, Quý thì việc ông dùng súng hoa cải bắn trả là tất yếu.

    Trả lờiXóa
  2. Rất mong tòa án tối cao tham khảo ý kiến rất xác đáng của luật sư Trần Đình Triển, vận dụng vào phiên tòa phúc thẩm để trả lại công bằng cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn, cũng là tâm nguyện của đông đảo nhân dân yêu chuộng công lý trên khắp thế giới.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nghĩa anh em họ Đoàn chỉ mắc tội "Sử dụng vũ khí trái quy định" và "gây thươn tích vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" thôi. Ở đây chẳng có âm mưu "giết người" và cũng không gây ra "chết người"!

    Trả lờiXóa
  4. Cướp của người ta thì người ta dọa để không dám vào. nếu định giết đoàn cưỡng chế thì ông nội anh Vươn sống dậy cũng không dám. Anh Vươn lại là người có học theo đạo học kinh thánh. Nếu giết người chủ tâm thì đầy cách bố trí để bắn chết hàng loạt.Thôi đi tòa tối cao nên sử án treo cho 2 anh
    là có lý có tình. Còn răn đe thì người dân biết cả rồi không cần đâu chỉ làm khổ anh Vươn thôi.
    Đất nước này đã khổ quá nhiều rồi!

    Trả lờiXóa
  5. "nhưng hành vi đó chỉ cấu thành tội “Giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” được quy định tại điều 96 BLHS.". Mình không đồng ý với ls Triển về nhận định này.
    Đối với anh em nhà họ đoàn, cần phải loai trừ ngay tội danh nào có từ "giết"
    Về ý thức chủ quan, họ Đoàn không có ý định giết người, và cũng không mong muốn cho có hậu quả chết người xảy ra.
    Cần phải phân tích lời khai của Đoàn Văn Vươn là: vì khiếu nại chính quyền không giải quyết, khởi kiện vụ án hành chính thì Toà xử bất công, không có công lý cho người lao động chân chính. Chính quyền quyết cướp đất. Thân cô thế cô, anh vương và gia đình phải tìm cách cho dư luận cả nước biết đến có một sự bất công đang hiện diện tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Anh muốn đưa sự cưỡng chế và sự chống đối cưỡng chế trở thành một xung đột giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân với sự bất chính của chính quyền. Anh thừa biết không thể giữ đất bằng vũ khí, kể cả nếu có cả đại liên, đại bác thì cũng không thể.
    Anh chống lại lực lượng cưỡng chế mang danh "công vụ" để tỏ rõ thái độ bất mãn đến cùng cực, đánh động cho dư luận biết để chính dư luận biết được tính chất ăn cướp của những người mang danh là công bộc của dân.
    Với nhà cầm quyền thì anh Vươn không thể không có tội. Dư luận có thể có nhiều ý kiến, đa số là cho rằng anh vươn phòng vệ chính đáng. Đó là nhận định mang nặng tình cảm giữa con người với con người, với những người chân chính bị bộ máy chính quyền, áp chế, đàn áp, tước đoạt đi nguồn sống của mình, mà những người tước đoạt lại mang danh nghĩa nhà nước "của dân, do dân và vì dân".
    Nhưng người bào chữa thì không thể bào chữa bằng cảm nhận của mình được. Cần phải phân tích bằng tư duy pháp lý chặt chẽ, theo hướng phạm một tội nhẹ, để từ đó viện dân và phân tích các tình tiết giảm nhẹ để toà tuyên miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho nhà họ Đoàn.

    Trả lờiXóa